Nhịp sống số

Game online Việt về kiến thức, giáo dục - Tại sao không?

Nhắc đến game online, hẳn nhiều độc giả sẽ nghĩ ngay đến “vấn nạn” game kiếm hiệp, bạo lực tràn lan, gây tác hại không ít cho các game thủ đang tuổi ăn tuổi lớn cũng như một số fan lớn tuổi đã trót đam mê. Tuy nhiên, bên cạnh khoảng tối đó, game online vẫn còn một điểm sáng mà ít ai để ý – đó là thị trường game giáo dục trực tuyến tại Việt Nam.
 

Thị trường game giáo dục trực tuyến Việt - vẫn “im hơi lặng tiếng”
 


Từ trước đến nay, trong số hàng chục sản phẩm game trực tuyến đang lưu hành ở Việt Nam, thể loại nhập vai hành động nhập từ Trung Quốc vẫn chiếm đa số (khoảng trên 80%) bên cạnh các mảng khác như casual, bắn súng... Theo nhận định chung của cộng đồng, các game online nhập vai luôn nhận được sự chú ý của đông đảo game thủ do nó phù hợp với thị hiếu của đa số người dùng. Bên cạnh đó, khả năng thu hồi vốn cũng như sinh lời của thể loại này là rất nhanh, thông thường chỉ từ 1 đến 3 tháng. 
 
Trong một thời gian dài, dư luận xã hội cũng như các cơ quan truyền thông đã bày tỏ sự quan ngại, bức xúc đối với các trò chơi trực tuyến không lành mạnh nên các cơ quan chức năng đã phải đưa ra những biện pháp mạnh như tạm ngưng cấp phép game online mới, cấm quảng bá game. Tuy nhiên, mảng game giáo dục vẫn được khuyến khích phát triển, các cơ quan chức năng sẵn sàng hỗ trợ cũng như cấp phép sản phẩm game này. Đồng thời, tháng 10/2011, Bộ Thông tin Truyền thông đã có công văn gửi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến. Nội dung văn bản khuyến khích doanh nghiệp Việt chủ động đầu tư sản xuất game có nội dung mang ý nghĩa giáo dục cao, kết hợp quảng bá truyền thống văn hóa lịch sử phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
 
Tuy nhiên, mặc dù được ủng hộ hết mình nhưng trong số hàng trăm game đang được phát hành dưới mọi hình thức ở Việt Nam, rất khó tìm thấy các game có nội dung mang tính giáo dục. Đa số vẫn là game nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Game về giáo dục đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đủ đếm trên một bàn tay.

 
Những bước tiến dè dặt của game online giáo dục

 
VTC Game là doanh nghiệp đầu tiên đưa game giáo dục ra thị trường trong nước khi phát hành game Audition English (game do nước ngoài phát triển) với mục đích giúp người chơi có thể vừa chơi game vừa học tiếng Anh. Một kế hoạch dài hơi cũng đã được xây dựng như kết hợp với các trường học, Sở GD&ĐT… để đưa game đến với đông đảo học sinh. Đáng tiếc rằng chỉ trong một thời gian ngắn, game này đã bị “khai tử”.
 
 
 
Chinh phục Vũ Môn, trò chơi đang nhận được phản hồi tích cực từ dư luận
 
Nói về thất bại của game Audition English, đại diện VTC Game cho biết, mấu chốt vẫn là vấn đề kinh doanh, trong thời gian vận hành game nhà phát hành liên tục bị lỗ và cuối cùng phải đóng cửa. Cũng theo lời người đại diện của VTC Game, các công ty khi làm game giáo dục đa phần đều bị lỗ nên ít người dám làm. Thực trạng trên cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự nghèo nàn sản phẩm game giáo dục dù nó luôn được khuyến khích phát triển. Trong việc kinh doanh game, các công ty thường phải bỏ ra rất nhiều chi phí từ máy chủ, đường truyền, nhân viên đến khoản chi phí truyền thông… Do đó, nếu game phát hành ra bị lỗ nặng không có gì bù đắp thì việc phải đóng cửa là điều không thể tránh khỏi.

 
Tín hiệu đáng mừng

 
Trong thời gian gần đây, tuy không quá rầm rộ, nhưng một số game giáo dục khá thú vị cũng đã nối đuôi nhau ra đời.
 
Ra mắt đầu tiên là game giáo dục là Vương Quốc Chuột Chũi được VNG phát hành nhưng đây lại là game nhập khẩu và thuộc thể loại mạng xã hội.
 
Đối tượng của Vương Quốc Chuột Chũi, webgame casual là trẻ em tuổi từ 6 đến 12 tuổi. Ở thời điểm đó, đây là sản phẩm game giáo dục trực tuyến đầu tiên được đưa về Việt Nam. Về cơ bản, nội dung Vương Quốc Chuột Chũi hướng tới tính giải trí nhẹ nhàng để phù hợp với độ tuổi khách hàng là thiếu nhi, nhi đồng. Game dẫn dắt người chơi qua nhiều thử thách, cả về trí thông minh và các mini game mang tính giáo dục, thử tài khéo léo, đánh đố... đồng thời giúp người chơi ôn lại từ vựng tiếng Anh cơ bản và kỹ năng sống.
 
Bẵng đi một thời gian khá dài, vào cuối tháng 03/2012, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phối hợp với công ty Sunsoft Huế vừa hoàn thành 1 game kiến thức online có tên Festival Huế 2012 nhằm đưa sự kiện văn hóa nổi bật nhất của tỉnh - Festival (diễn ra từ 7-15/4) đến gần với người dân hơn.
 
Trải qua 9 vòng thi từ dễ đến khó - đi qua các vùng đất đặc trưng của cố đô Huế như Kim Long, Cồn Hến, Kinh thành, Cấm thành...người chơi sẽ lần lượt khám phá những nét hấp dẫn của xứ Huế về văn hóa, con người, du lịch, kiến trúc, lịch sử, Đại Nội, lăng tẩm Huế, vua chúa Huế, các kỳ Festival và các kiến thức về văn hóa lịch sử đất nước Việt Nam.... Tham gia vào trò chơi này, các game thủ sẽ có cảm giác như đang tham gia một chuyến du lịch nhỏ khám phá đại nội Huế. 
 
Không chỉ có vậy, Festival Huế 2012 còn hấp dẫn người chơi ở giao diện game được thiết kế với phong cách gần gũi, dễ hiểu, vui nhộn và tươi trẻ. Hình ảnh trong game lấy ý tưởng từ sông Hương núi Ngự, truyền Rồng, nón lá... là những hình ảnh quen thuộc của xứ Huế. Lấy ý tưởng từ năm Rồng nên game có 1 con vật biểu trưng là con rồng xanh mặc áo gấm đỏ làm nhiệm vụ hướng dẫn người chơi.
 
Tiếp theo, vào ngày 03/04/2012, Công ty Cổ phần Trò chơi giáo dục trực tuyến (Egame) đã chính thức tung ra Chinh phục vũ môn, game trực tuyến, nhập vai 3D đầu tiên ở Việt Nam mang yếu tố giáo dục, bổ trợ kiến thức cho các em học sinh, sinh viên. Khác với Vương Quốc Chuột Chũi, sản phẩm này hướng tới đối tượng khách hàng rộng hơn, cụ thể là lứa tuổi học sinh - sinh viên. 
 
Game được lấy từ cốt truyện cá chép hóa rồng vượt Vũ môn, đưa người chơi đến với cuộc thi nhằm đi tìm  một nhân vật tài giỏi để đứng ra giải quyết một mối lo lớn cho cộng đồng đang đến gần. Muốn chiến thắng, người chơi không chỉ cần có kỹ năng, chiến thuật mà còn phải có kiến thức trải rộng của các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và kiến thức thường thức. 
 
Được xếp vào loại hình game giáo dục, phần kiến thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội được sử dụng khá thường xuyên dưới dạng trắc nghiệm thông qua những thử thách gặp trên đường đua. Đặc biệt, trong game có hệ thống lớp học 3D trực tuyến với hàng trăm bài giảng dành cho học sinh cấp 2 và cấp 3, có thầy cô giáo và học sinh với chỗ ngồi và bục giảng sinh động, cùng lúc hàng triệu học sinh trên toàn quốc có thể học bài, giao lưu kết bạn. 
 
Tham gia game, người chơi cùng nhau lĩnh hội, rèn luyện và kiểm tra kiến thức thông qua các màn chơi như sử dụng tư duy chiến thuật, định hình bản đồ, lường trước những cạm bẫy trên đường đua. Người chơi có nhiều lựa chọn như đấu đơn, thành lập đội, đua trí tuệ hay bắn bóng, xây nhà riêng mời bạn bè tới thăm, tham gia cộng đồng mạng xã hội, thời trang, nuôi thú ảo...
 
Có thể nói, tính năng chơi mà học với đường đua trí tuệ tổng hợp các câu hỏi toán, lý, hóa, ngoại ngữ… đã giúp người chơi vừa “quét” lại được kiến thức đã được học lại vừa tiếp thu tự nhiên những kiến thức mới.
 
 
Chinh phục Vũ môn đã được thử nghiệm tại các trường THPT Chu Văn An, THPT Lương Thế Vinh, THPT Chuyên Sư phạm và nhận được sự ửng hộ nhiệt tình từ các học sinh, giáo viên, các bậc phụ huynh, đồng thời thu hút đông đảo người chơi với lượng đăng ký gấp 6 lần con số dự kiến chỉ trong vòng 2 tuần lễ.

 
Lời nhà sản xuất

 
Theo quan điểm của đại diện VNG, mục đich của việc họ giới thiệu Vương Quốc Chuột Chũi ra thị trường Việt Nam chủ yếu mang tính thử nghiệm, không đặt nặng về mặt doanh thu. Vị này lý giải, đây là thể loại còn rất mới ở Việt Nam nên chuyện tập trung định hướng kinh doanh ở mảng này cần có nhiều thời gian. Hiện tại, VNG vẫn tiến hành cập nhật đều đặn cho sản phẩm. Tuy nhiên, lượng người chơi Vương Quốc Chuột Chũi là không nhiều, thua xa so với số game thủ đang tham gia vào các sản phẩm MMO khác của công ty này. 
 
Có thể nói, việc lựa chọn sản phẩm game giáo dục trực tuyến có nội dung phù hợp với văn hóa thuần phong mỹ tục của Việt Nam không hề dễ dàng, nhất là khi đặt trong bối cảnh Việt Nam từ trước đến nay luôn phải nhập game ngoại. Trường hợp tự phát triển một game giáo dục, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra chi phí sản xuất không nhỏ, trong khi tiềm năng thu hồi vốn và sinh lời lại không mấy khả quan.
 
 
 
 
 

Trò chơi Vương quốc Chuột chũi mở đầu dòng game online giáo dục

 
Cho nên, theo đại diện các công ty game ở Việt Nam, bài toán phát triển game giáo dục luôn được các công ty cân nhắc rất kỹ. Đại diện một nhà phát hành cho biết, một số công ty nhỏ mới phát triển muốn gây dựng thương hiệu mới đi theo con đường “chông gai” đó và mục đích cuối cùng chỉ để PR mà thôi! Còn những công ty lớn đã tạo được thương hiệu tất nhiên không cần bỏ nhiều chi phí PR nữa nên sẽ không đầu tư vào thể loại game này vì cầm chắc sẽ lỗ. Thay vào đó họ tập trung cung cấp cho người chơi những game phù hợp với thị hiếu của số đông, thu được nhiều lợi nhuận hơn.
 
Về phía mình, ông Nguyễn Ngọc Thủy – Tổng giám đốc eGame – nhà sản Chinh phục Vũ Môn cho biết, đối với một lĩnh vực vừa khó vừa mới như game giáo dục trực tuyến thì hầu như doanh nghiệp phải tự “dò đá qua sông”. Có thời điểm game làm ra nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, người dùng mà nhà sản xuất này đã phải mạnh tay gạt bỏ hoàn toàn và làm lại mới. Tuy nhiên eGame vẫn kiên trì theo đuổi để tạo ra bằng được một game giáo dục trực tuyến đúng nghĩa và hấp dẫn. Ông Thủy chia sẻ, việc phát triển và vận hành Chinh Phục Vũ Môn hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề lớn nhất vẫn là thị hiếu của game thủ Việt. Một rào cản khác mà công ty này vấp phải là định kiến của xã hội đối với trò chơi trực tuyến. Cụ thể, khi nhắc đến hai từ "game online", hầu hết các bậc phụ huynh và gia đình đều mặc định rằng, game là bạo lực, vô bổ và gây tổn hại đến sức khỏe cũng như tâm sinh lý của con trẻ.
 
Tuy nhiên, ông Thủy khẳng định sẽ làm hết sức mình để chứng minh cho xã hội thấy rằng, game online - cụ thể ở thể loại giáo dục - sở hữu nhiều mặt tích cực và lợi ích cho người chơi, đặc biệt trong vấn đề trau dồi kiến thức. Thay vì thu lợi nhuận chóng vánh bằng bán vật phẩm như đa phần game online trên thị trường, chiến lược kinh doanh của công ty sẽ tập trung vào hướng lâu dài, thông qua việc vận hành các bài giảng trực tuyến với chi phí thấp. 

 
Phản hồi từ dư luận

 
Các cơ quan chức năng nói gì?
 
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng bộ Giáo dục Đào tạo phát biểu: "Việc các nhà phát hành game Việt Nam hướng tới sản xuất, phát hành một số game giáo dục là tín hiệu đáng mừng và đáng khích lệ. Nếu khai thác tốt game giáo dục sẽ góp phần trong việc hình thành nhân cách, bổ trợ kiến thức cho học sinh. Game giáo dục cần đạt được các tiêu chí giáo dục rõ ràng: giải trí lành mạnh và cung cấp tri thức, kỹ năng cho người chơi. Ở Việt Nam, các game giáo dục hay có thể sử dụng như một hoạt động ngoại khóa tại trường. Ở nhà, các bậc cha mẹ nên chủ động hướng dẫn con em mình chơi game giáo dục và chơi cùng với con."
 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh, game giáo dục Việt Nam cần phát triển những nội dung, cốt truyện và tình tiết thật hấp dẫn và mang tính giáo dục cao. Mặt khác game giáo dục có sự kết hợp việc giải trí với quảng bá hình ảnh truyền thống dân tộc và lồng ghép trong đó nội dung giáo dục. 
 
Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông, phát biểu tại lễ ra mắt trò chơi Chinh Phục Vũ Môn: “Giải trí Internet có tính hai mặt. Bên cạnh những trò chơi lành mạnh, xã hội vẫn tồn tại những game có nội dung kích động bạo lực, không phù hợp thuần phong mỹ tục. Trong một thời gian dài, dư luận, xã hội cũng như các cơ quan truyền thông đại chúng đã bày tỏ quan ngại, bức xúc đối với những trò chơi trực tuyến không lành mạnh này". Ông Hải nhận định, cũng như Internet, chúng ta không thể cấm game mà chỉ có thể cố gắng phát triển nhiều nội dung tốt. "Một mặt, các cơ quan quản lý nên khuyến khích phát triển những trò chơi lành mạnh, nhất là những sản phẩm có nội dung tuyên truyền quảng bá lịch sử. Mặt khác, chúng ta rất cần các doanh nghiệp tham gia xây dựng nội dung giải trí kết hợp giáo dục. Đây là công việc khó khăn bởi có những công ty game lớn nhất nhì Việt Nam đã đầu tư ba bốn chục tỷ đồng để tạo trò chơi giáo dục thuần Việt nhưng kết quả vẫn khiêm tốn".
 
Cục trưởng cũng gửi lời chúc mừng kết quả tích cực bước đầu mà Chinh Phục Vũ Môn đạt dược thông qua đánh giá của các nhà giáo dục, cộng đồng. Tuy nhiên ông nhấn mạnh, đây mới chỉ là bước khởi đầu, nhà phát hành cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của người chơi để hoàn thiện sản phẩm, làm sao kết hợp hài hòa yếu tố giải trí và giáo dục. 
 
"Những trò chơi giáo dục như Chinh Phục Vũ Môn cần được quan tâm phát triển nhiều hơn trong tương lai. Với bước khởi đầu suôn sẻ của sản phẩm này, các doanh nghiệp game khác tại Việt Nam sẽ có động lực để đầu tư mạnh hơn vào thể loại giáo dục. Qua đó, hình ảnh dịch vụ trò chơi trực tuyến tại Việt  Nam sẽ được cải thiện, đáp ứng nhu cầu giải trí của người chơi cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển trong đời sống xã hội", ông Hải kết luận.
 
Về phần mình, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Uỷ Ban Văn hóa-Giáo dục- Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: Game online nói riêng cũng như internet nói chung có cả mặt tích cực và tiêu cực, nhưng tích cực là chính, vì vậy khi giải quyết vấn đề này phải làm sao hạn chế được tiêu cực và phát huy được những tích cực của nó. “Lẩn tránh hay cấm đoán là hoàn toàn không nên”, ông Thi nói. Theo ông Thi, hướng giải quyết cho vấn đề này là phải có cách quản lý định hướng sao cho các nhà cung cấp game online làm ra những game vừa hấp dẫn vừa tích cực, lành mạnh hơn cho giới trẻ.
 
Ông Nguyễn Bá Bình - Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên (ĐH Sư phạm Hà Nội), cũng cho rằng: Xét về mặt tâm lý học, những người hoạt động tập trung trí não nhiều như học sinh thì rất cần có lúc giải trí để giảm căng thẳng. “Game giáo dục như Chinh phục vũ môn là giải pháp tốt giúp các em giải tỏa được căng thẳng mệt mỏi sau giờ lên lớp, đồng thời giúp các em ôn bài, thâu nhận thêm kiến thức mới”, thầy Bình nói. 

 
Phản ứng tích cực từ phía game thủ

 
Trước khi Chinh phục Vũ Môn ra đời, trên nhiều diễn đàn, các game thủ đã truyền nhau tin về một loại game “lành mạnh”, vừa chơi vừa học, thi thố tài năng, lại có thể được bố mẹ và thầy cô "cấp phép" cho chơi nữa.
 
 
Đánh giá về trò chơi trực tuyến 3D về giáo dục đầu tiên ở Việt Nam này, một học sinh ở trường Chuyên Sư phạm Hà Nội cho biết so với học online ở các trang khác, cái hay của "Chinh Phục Vũ Môn" là không phải ngồi nghe từ đầu đến cuối một cách thụ động mà có thể tương tác với thầy giáo và các bạn để trao đổi bài vở.
 
Là người đã có cơ hội chơi thử game này, bạn Lương Mai Hạnh, Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), kể lại đây là lần đầu tiên bạn được biết đến một game online mà có mục đích học tập, và không ngờ game giáo dục lại hấp dẫn đến vậy.
 
 
 
Hãy cùng phiêu lưu cố đô Huế với Game online Festival Huế
 
Đồng thời, hầu hết trên các diễn đàn, những lời bình luận của các game thủ cũng đều cho thấy sự đánh giá tích cực về game giáo dục này. Nickname myhuyen trên diễn đàn chinhphucvumon.vn tại Hà Nội viết: “Mình thật sự ấn tượng bởi những gì mà Chinh phục vũ môn mang lại. Hình ảnh thiết kế đẹp mắt, đáng yêu và có phong cách riêng rất thuần Việt. Được hóa thân vào những nhân vật như vậy thật tuyệt vời”. 
 
Cũng đồng quan điểm, nickname hadong bình luận: “Chinh phục vũ môn đã thật sự mở ra một sân chơi rất lành mạnh để cho học sinh chúng mình được thử sức và so tài”. 

 
Lời kết

 
Có thể nói, thị trường game trực tuyến đã có những chuyển biến tích cực, mở ra xu hướng phát triển dòng game trực tuyến lành mạnh ở Việt Nam. Không đơn thuần chỉ là những trò chơi nhanh tay nhanh mắt hay chỉ cần “cày cuốc” là có thể lên cấp, mà dòng game online về giáo dục còn đòi hỏi tài năng và kiến thức thật sự của người chơi. Vì vậy những người chiến thắng là những người thật sự xứng đáng và nhận được sự tôn trọng của tất cả cộng đồng game.
 
Tuy nhiên, "một cánh én chẳng làm nên mùa xuân", sự có mặt lẻ loi của một vài game giáo dục có lẽ chưa đủ sức thu hút và cạnh tranh giữa một rừng game online đủ mọi thể loại với độ "hút khách" cao. Tuy nhiên một lần nữa, với sự ủng hộ của cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh và bản thân cộng đồng game thủ, hy vọng về sự đi lên của mảng game giáo dục lại được sống dậy trong tương lai gần.