Nhịp sống số

Frost & Sullivan: Việt Nam có tỉ lệ sử dụng 3G thấp trong khu vực

Việt Nam thuộc nhóm có tỉ lệ sử dụng 3G thấp, chỉ nhỉnh hơn so với Campuchia và kém khá xa so với nhiều thị trường khác trong khu vực.

<></>

Ảnh minh họa.

Marc Einstein, Giám đốc nghiên cứu ngành ICT tại Frost & Sullivan châu Á - Thái Bình Dương mới đây đã có bài viết về 3G tại Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nước có thị trường viễn thông di động tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á. Với mức độ phát triển thị trường như hiện nay, khó có thể tưởng tượng 5 năm trước tỷ lệ thâm nhập ĐTDĐ chỉ ở dưới mức 20%. Thị trường Việt Nam đã tăng từ 2,6 triệu thuê bao năm 2005 lên 90,7 triệu trong năm ngoái, doanh thu cũng tăng gấp 4 lần đạt 4,4 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian này.

Sự tăng trưởng ấn tượng này nhờ có các nhà khai thác mới trong nước như Viettel và EVN Telecom cũng như các nhà đầu tư nước ngoài từ Hồng Kông, Hàn Quốc và Nga cạnh tranh với những nhà khai thác hiện tại như Mobifone và Vinaphone. Môi trường cực kì cạnh tranh này đã dẫn tới việc cạnh tranh giá cước khốc liệt làm nóng thị trường và gia tăng đáng kể lưu lượng thoại.

Việt Nam cũng là một trong những thị trường đấu thầu giấy phép 3G muộn trong khu vực, vào cuối năm 2009. Các dịch vụ 3G đã được khai trương rầm rộ và truyền thông rộng rãi như là lời giải cho thị trường viễn thông di động đang quá bão hòa. 3G sẽ đóng một vai trò lớn trong việc phát triển ngành và quốc gia nói chung, song cho tới nay số thuê bao 3G tại Việt Nam đã không như mong đợi trong khi các nước trong khu vực như Malaysia và Indonesia đã đạt được mức tăng trưởng nhanh chóng.

Tháng 7/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, sau 18 tháng triển khai dịch vụ 3G, toàn quốc đạt 8 triệu thuê bao cùng doanh thu 173 triệu USD. So với các nước khác trong khu vực, Việt Nam thuộc nhóm có tỉ lệ sử dụng 3G thấp, chỉ nhỉnh hơn so với Campuchia và kém khá xa so với nhiều thị trường khác trong khu vực.

Tỉ lệ sử dụng 3G trên tổng số thuê bao di động của từng quốc gia. Nguồn: Frost & Sullivan.

Mức sử dụng thấp này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài do những khó khăn về kinh tế và lạm phát vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, vấn đề thực chất để phát triển sử dụng 3G ở Việt Nam nằm ở cách tiếp thị dịch vụ.

Ba năm qua, dấu ấn nổi bật của thị trường viễn thông là cuộc chạy đua khốc liệt về giá cước, và gần đây lại tiếp tục được hâm nóng với việc Beeline tung ra gói cước gọi nội mạng miễn phí nhằm tìm lại thứ hạng trên thị trường.

Cuộc chiến giá cước này cũng tiếp tục tái diễn đối với thị trường 3G. Như Viettel chẳng hạn, họ đã cung cấp thiết bị truy nhập 3G không giới hạn với giá 120.000 đồng/tháng (5,74 USD). Thực tế, nếu các nhà mạng trong nước muốn khai thác kinh doanh từ mạng lưới một cách hiệu quả, họ cần chú trọng phát triển thương hiệu và giúp khách hàng nhận thấy giá trị của các dịch vụ băng rộng di động.

Song, cũng có những tín hiệu tốt. Tập đoàn VNPT sở hữu hai mạng Mobifone and Vinaphone, sẽ phải sáp nhập hai mạng này hoặc thoái vốn khỏi một trong hai công ty do luật mới không cho phép nắm giữ quá 20% cổ phần ở cả hai công ty viễn thông. Dù VNPT triển khai theo phương án nào cũng sẽ giúp giảm sức ép giá cước lên thị trường.

Quan trọng hơn, Việt Nam đang trở thành điểm đến trọng yếu về sản xuất điện thoại di động. Theo Chính phủ, Việt Nam đã xuất khẩu điện thoại di động đạt 3,3 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2011, tăng ba lần so với năm trước. Nokia dự định đóng cửa nhà máy sản xuất ở Rumani và đầu tư 200 triệu euro để mở nhà máy mới tại Việt Nam, trong khi Samsung có kế hoạch sản xuất 100 triệu máy tại Việt Nam trong năm 2012. Doanh số bán điện thoại thông minh tại Việt Nam hiện tại chỉ chiếm 10% tổng doanh số ĐTDĐ, việc có các nhà máy sản xuất lớn trong nước sẽ giúp tăng nhanh tỉ lệ này.