Doanh nghiệp

FPT: Sự trở lại của số 1

 

Sự trở lại chiếc ghế CEO của Trương Gia Bình, người quyền lực nhất FPT, tái khẳng định một chân lý không mới: nếu đã có "số 1", các số khác dù lớn đến mấy cũng phải "không bằng 1".

Nhiều câu hỏi chưa được giải đáp sau quyết định rời bỏ chức Tổng Giám đốc (CEO) FPT của Trương Đình Anh. Một số ý kiến cho rằng, việc Trương Đình Anh từ nhiệm và Trương Gia Bình trở lại vị trí CEO (vẫn kiêm Chủ tịch) là sự thất bại trong chuyển giao quyền lực giữa thế hệ lãnh đạo thứ nhất (phiên bản 1.0) và thứ hai (2.0) ở FPT. Nhiều người khác lại coi đây như một sai lầm trong quá trình tìm người kế nhiệm tại tập đoàn này. Sự thật đằng sau của sự thật là gì?

Hòn đá của Trương Đình Anh

Sự từ nhiệm và cả bị miễn nhiệm của CEO diễn ra khá phổ biến tại các công ty lớn trên toàn cầu. Chẳng hạn, khi mảng kinh doanh điện thoại di động của Motorola đi xuống trong những năm gần đây trước sức ép cạnh tranh khủng khiếp từ các dòng smartphone, Motorola Mobility - mảng kinh doanh điện thoại di động của tập đoàn - đã thay đổi CEO đến ba lần chỉ trong hai năm! Theo ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Masso Consulting, trong quản trị hiện đại, việc hội đồng quản trị (HĐQT) thay đổi CEO để dẫn dắt thực thi chiến lược hay do nảy sinh mâu thuẫn là việc bình thường. Nó không gây ảnh hưởng lớn đến công ty, do cơ chế quản trị minh bạch của HĐQT và ban điều hành cùng với một hệ thống mạnh. Khái niệm "thất bại" được dùng trong trường hợp một CEO bị miễn nhiệm hay từ nhiệm có lẽ hay áp dụng tại các công ty có văn hóa "gia đình" ở châu Á - nơi người kế nhiệm được hoạch định và kỳ vọng mà không đáp ứng được mục tiêu kinh doanh của người chủ.

Trở lại trường hợp Trương Đình Anh. Ông nắm chức CEO trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Đó là khi nguyên CEO của FPT Telecom này được bổ nhiệm để thay thế người tiền nhiệm Nguyễn Thành Nam vào tháng 2/2011 sau khi ông Nam rút lui chỉ sau một thời gian ngắn đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT. Món quà "CEO thế hệ 1.5" Nguyễn Thành Nam trao tặng "CEO thế hệ 2.0" Trương Đình Anh khi chuyển giao là một hòn đá. Theo tiết lộ của một nguồn tin trong nội bộ công ty, đó là sự tượng trưng cho vô số áp lực, trách nhiệm nặng nề, những nỗi niềm chất chứa và một nhiệm vụ "nặng như đeo đá" mà ông Nam không kham được. Còn tân Tổng Giám đốc Trương Đình Anh khi ấy được nhân viên FPT mô tả là có "ánh mắt rực sáng khi chạm vào chiếc ghế CEO quyền lực" mà nhiều người tin ông khao khát từ lâu. FPT thông báo về CEO mới của họ: "Theo những tiêu chí do Ủy ban nhân sự FPT đặt ra cho CEO thế hệ kế tiếp, Trương Đình Anh là người duy nhất đáp ứng được các yêu cầu". Hiểu rộng hơn, Đình Anh là người phù hợp nhất để dẫn dắt FPT, trong bối cảnh được cho là diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực lớn tại công ty này, khi ông Trương Gia Bình trao "thượng phương bảo kiếm" cho người cháu nhằm thực hiện sứ mệnh dẫn dắt FPT lọt vào danh sách Top 500 doanh nghiệp của tạp chí Forbes trong 10 năm tới.

Khi nhậm chức, Đình Anh có đủ các yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa", đặc biệt là sự hậu thuẫn từ người có quyền lực nhất FPT. Điều đó cho phép ông tiến hành cải tổ tập đoàn bằng "bàn tay sắt". Đầu tiên là cải tổ triệt để về nhân sự, khi Đình Anh không ngần ngại dùng biện pháp mạnh với cấp dưới khi cần thiết. Song song, ông đề ra kế hoạch vươn mạnh ra quốc tế, đặt trọng tâm vào các mảng chủ chốt gồm: giải pháp công nghệ thông tin; M&A lĩnh vực nội dung số, phần mềm, game, mạng xã hội, bán lẻ. Nhờ "bảo kiếm" được trao tay, Đình Anh ban hành "luật lệ" mới trong FPT: đơn vị nào không hoàn thành từ 80% chỉ tiêu lợi nhuận được giao, lãnh đạo đơn vị đó phải nghỉ! Quyết định này có thể hiểu là xuất phát từ mong đợi của cổ đông, sức ép từ HĐQT và chính tham vọng riêng của Trương Đình Anh. Hơn nữa, thời điểm đó kinh tế vĩ mô chưa quá khó khăn như sau này. Nhưng trèo cao dễ ngã đau. Đặt tham vọng quá lớn trong thời gian ngắn và sự cứng rắn của Đình Anh đã khiến ông không nhận được nhiều đồng thuận. Nói như một nhà quản trị am hiểu FPT, "thông thường không CEO nào muốn mua dây buộc mình bằng các chỉ tiêu quá cao và rồi đẩy nó cho thuộc cấp!"

Trương Đình Anh kết thúc năm đầu tiên (2011) ở vị trí thuyền trưởng với kết quả kinh doanh khá tích cực. Tổng doanh thu toàn tập đoàn năm 2011 đạt khoảng 26.000 tỷ đồng và lợi nhuận gần 2.600 tỷ. Nhưng đến hết nửa đầu năm nay, chiếc ghế CEO bắt đầu "tăng nhiệt" khi tổng doanh thu toàn bộ FPT chỉ đạt gần 11.500 tỷ đồng, tức là chỉ đạt 36,6% chỉ tiêu doanh thu cả năm. Lợi nhuận nửa đầu năm nay khả quan ở mức 1.200 tỷ, nhưng cũng chỉ đạt 40% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Theo ông Nguyễn Trung Thẳng - Masso Consulting - điều quan trọng là ở cương vị mới, tân CEO cần nhận được sự chia sẻ, đồng thuận của HĐQT về hướng đi và kết quả. Nếu ngược lại thì sự ra đi là điều hiển nhiên. Phải chăng đây cũng là một phần của sự thật, nếu nhìn vào thực tế Đình Anh không được lòng nhiều người, kể cả một số lãnh đạo các công ty thành viên, ủy viên HĐQT tập đoàn. Người ta đồn đại nhiều về sự cực đoan, thực dụng của Đình Anh như một nguyên nhân gây xung đột văn hóa trong doanh nghiệp đầy những con người cá tính và có tiếng là dân chủ này.

Đứng cạnh số 1 không phải là số 1

Một trong những sự kiện đáng nhớ nhất diễn ra tại FPT là vào ngày 31/12/2008, khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trương Gia Bình công bố quyết định sẽ chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc điều hành cho Chủ tịch HĐQT FPT Software, lúc đó là ông Nguyễn Thành Nam. Khi đó, ông Bình đang ở đỉnh cao quyền lực lại tràn đầy nhiệt huyết, cho nên hành động chuyển giao quyền lực sang một thế hệ 1.5 (Nguyễn Thành Nam) vẫn là một tin gây ngạc nhiên với tất cả. Bởi ở FPT, ông Bình vẫn là người quyền lực số 1. Không có phong thái đầy quyền uy như ông Bình, ông Nam xuề xòa, bình dân hơn và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các thế hệ FPT khi nhậm chức. Nhiều người đã kỳ vọng vào sự thay đổi của FPT dưới thời Nguyễn Thành Nam, một sự lấp lánh của sáng tạo và công nghệ như những gì ông thường nói mỗi khi có dịp.

Khi nhậm chức, ông Nam được Chủ tịch Trương Gia Bình trao tặng một bức tranh đầy ký hiệu khó hiểu và hy vọng tân Tổng Giám đốc sẽ tìm được lời giải. Có người bình luận, ông Nam chưa tìm được lời giải hoặc đã tìm thấy nhưng không dám công bố. Cũng đột ngột không kém lúc được bổ nhiệm, Nguyễn Thành Nam rời khỏi ghế CEO của FPT chỉ sau vỏn vẹn hai năm trong sự tiếc nuối của nhiều người. Chính ông cũng tiếc, bởi vẫn còn những dự án dang dở. Lý do khi từ nhiệm của ông được công bố đơn giản là: do FPT muốn thực hiện trẻ hóa đội ngũ nhân sự cao cấp. Chỉ xét về tuổi tác đơn thuần, ở độ tuổi 50 như ông Nguyễn Thành Nam, đương nhiên lý do này rất hợp lý. Nhưng những người hiểu nội tình FPT lại không hiểu như lý do mà FPT công bố.

Ngay sau đó là sự xuất hiện của CEO thế hệ 2.0 đầy tươi mới trong sự chờ đợi của cả tập đoàn. Trương Đình Anh nhậm chức với hình ảnh của một nhà lãnh đạo trẻ, tài năng, thông minh song đề cao tính thực dụng. Thống kê sơ bộ có đến hàng chục bài báo phỏng vấn ông. "FPT gần như không tốn một xu để thực hiện chiến dịch truyền thông cho Tổng Giám đốc mới, bởi bản thân cái tên Trương Đình Anh đã rất câu khách", một nguồn tin cho hay. Ngay lập tức, tập đoàn công nghệ này phân chia ra hai cánh: hoặc sung sướng bởi làn gió mới hoặc không thích vì sợ "bàn tay sắt". Sau đó là hàng loạt tin đồn kiểu truyền miệng "Trương Đình Anh xin nghỉ phép hai tháng", "Trương Đình Anh… dỗi". Tiếp đó lại có tin Đình Anh sẽ quay về làm việc bình thường ngày 17/9/2012. Thậm chí, ông còn kêu gọi nhân viên ấn "like" ủng hộ ông trong cuộc bình chọn 50 người tiên phong do báo điện tử VnExpress khởi xướng. Nhưng chỉ sau đó vài ngày, đến ngày 26-9, FPT công bố chính thức Đình Anh từ nhiệm khỏi chức vụ CEO tại FPT- chiếc ghế ông khát khao và từng tuyên bố: "Tôi sẽ chẳng bao giờ từ nhiệm chức vụ CEO của FPT, trừ khi…". Cũng ngay lập tức, danh tính CEO mới (mà cũ) lộ diện - Trương Gia Bình.

Đáng chú ý, thời gian Trương Đình Anh ngồi ghế CEO còn ngắn hơn người tiền nhiệm Nguyễn Thành Nam. Sự ra đi chóng vánh này khiến ai chưa hiểu sẽ hiểu, ai mới là số 1 đích thực? Tại sao một cộng sự tin cậy và mềm dẻo như ông Nguyễn Thành Nam cũng không thể yên vị ở chiếc ghế CEO FPT như ông Trương Gia Bình đã ngồi suốt 22 năm qua? Tại sao một người táo bạo, nói được làm được như Trương Đình Anh cũng chỉ trụ được ở đó đúng một năm? Tổng Giám đốc một công ty cổ phần (xin giấu tên) bình luận, sự va chạm trong công việc giữa Chủ tịch HĐQT với Tổng Giám đốc là không tránh khỏi. Sự khác biệt về tư duy quản trị cũng là điều dễ hiểu. Nhưng những va chạm, chi phối, xung đột phức tạp trong quyền lực lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Tại nhiều doanh nghiệp, không hiếm CEO đi làm thuê bị coi như "bù nhìn", bởi không được chủ doanh nghiệp tin tưởng và trao thực quyền, mặc dù bề ngoài có vẻ như vậy. Một nguồn tin am hiểu về FPT nói với Doanh Nhân về quan hệ giữa "số 1" và "số 0" một cách đầy ngụ ý. Nếu là "số 01" thì trước số 1 phải là số 0, hàm ý "không là gì, không bằng 1". Hoặc nếu là "số 10" thì cũng có nghĩa là số 0 "không bằng 1, không là gì".

"Đặt giả thiết trong trường hợp này, nếu ông Trương Gia Bình luôn là số 1 thì những cộng sự của ông phải luôn luôn "không bằng 1". Nếu bằng 1 hoặc muốn bằng 1 một cách quá vội vã, thì hãy là số 1 ở một nơi nào đó hoặc một chỗ nào đó…", người này nói.

Quan trọng là tin vào ai?

Sự ra đi của Trương Đình Anh, dù được nhìn nhận ở khía cạnh tích cực hay tiêu cực đối với sự phát triển tương lai của FPT, cũng đưa công ty này quay trở lại vạch xuất phát của mô hình Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm Tổng Giám đốc như nhiều năm trước. Bánh xe quản trị hiện đại của FPT sau nhiều năm nỗ lực lăn bánh để tách bạch hai vai trò này đã dừng lại đúng nơi mà nó xuất phát. Có người cho rằng, đây là thuận lợi cho công ty bởi có sự nhất quán giữa HĐQT và ban điều hành qua một người duy nhất - Trương Gia Bình. Nhưng liệu 12.000 nhân viên FPT có thực tình chào đón sự trở lại này, khi ông Bình đã có tuổi mà vẫn chưa biết tin ai? Dẫu biết "số 1" vẫn mãi là "số 1", có lẽ tâm trạng chung của nhiều người FPT giờ đây là: giá như ông đặt niềm tin nhiều hơn vào thế hệ lãnh đạo "1.5" và "2.0". Giá như ông buông lỏng tay hơn một chút thôi, có lẽ những cộng sự sáng giá như Nguyễn Thành Nam, Trương Đình Anh vẫn dốc lòng cống hiến cho FPT ở tầm của một CEO.

"Bây giờ niềm tin của ông dường như chỉ còn đặt vào mỗi bản thân ông. Hay ông có một kế hoạch dài hơi cho…15 năm nữa để tìm cho được một nhân vật ưng ý? Phải chăng khi đó, bức tranh đầy ký hiệu bí ẩn tặng Nguyễn Thành Nam và lời giải sẽ được ông đính kèm để trao cho người mà ông sẽ đặt niềm tin"? Nguồn tin am hiểu về FPT đặt câu hỏi.

Nhiệm vụ không dễ dàng

Ngoại trừ ông Trương Gia Bình - ông chủ thực sự duy nhất của FPT - bất cứ ứng viên nào muốn trở thành người điều hành cao nhất tại tập đoàn này ở giai đoạn hiện tại đều cần hội đủ hai phẩm chất quan trọng của một CEO hiện đại. Đó là khả năng dẫn dắt sự chuyển đổi và năng lực thuyết phục cổ đông, HĐQT và nhân viên về một sự đồng thuận liên quan tới mục tiêu và chiến lược công ty.

Doanh nghiệp lớn thì có năng lực cạnh tranh, nhưng không phải doanh nghiệp nhỏ không có năng lực cạnh tranh. Khi họ chọn thị trường hợp lý, có phương pháp kinh doanh hiệu quả thì sẽ vẫn tồn tại và họ phải được đảm bảo quyền thâm nhập thị trường. Bộ TT&TT sẽ bảo vệ sự phát triển của các doanh nghiệp này. Nhưng cũng sẽ không bảo vệ bằng mọi giá tất cả các doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh".

Theo Thành Trung/Diễn đàn Doanh nghiệp