Việc tái cấu trúc tổ chức được triển khai ngay từ tháng 2/2012 nhằm giúp FPT Software trở thành công ty phần mềm Việt đầu tiên đạt doanh số trên 100 triệu USD với 5.000 lập trình viên vào năm 2013.
Chủ tịch Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) Hoàng Nam Tiến vừa kí quyết định thay đổi tổ chức và thành lập một số đơn vị mới, xóa bỏ hình thức và tư cách pháp nhân của các công ty thành viên, chuyển hướng sang mô hình đơn vị phần mềm chiến lược (FPT Software Strategic Unit - FSU).
Theo đó, FPT Software sẽ có 6 đơn vị phần mềm chiến lược gồm FSU1, FSU3, FSU11, FSU13, FSU15, FSU17, được tổ chức theo lĩnh vực kinh doanh, theo thị trường hoặc theo khách hàng.
Chia sẻ với ICTnews về mô hình mới này, ông Nguyễn Thành Lâm, Tổng Giám đốc FPT Software cho biết: "13 năm trước đây, trước khi chính thức thành lập và có tên FPT Software thì chúng tôi cũng được gọi là FSU (FPT Strategic Unit). Sau đó, chúng tôi thành lập nhiều đơn vị FSU mới và thay FPT bằng FSoft. Nay lại tiếp tục phân thành 6 FSU. Về mặt “tâm linh” thì ngoài việc “quay về cội nguồn”, chúng tôi cũng mong muốn thể hiện sự tiếp nối cũng như sự lớn mạnh của công ty. Còn về mặt quản trị thì FSU chỉ đơn giản là các đơn vị kinh doanh con (P/L sub unit). FPT Software là công ty có quy mô lớn nên cần phải phân cấp quản trị, mỗi đơn vị FSU cũng có từ vài trăm đến hàng ngàn người. Các công ty quy mô nhỏ hơn thì cũng không nhất thiết phải phân chia thành FSU".
Lí giải thêm về các con số cách quãng 1 - 3 - 11 - 13 - 15 - 17 của các FSU, ông Lâm nói: Việc đánh số các đơn vị phần mềm như vậy là do có ý nghĩa lịch sử. Trước đây, FPT Software được chia thành nhiều nhóm (groups) và được đánh số, ví dụ G1, G2… Ngày nay, khi thành lập các đơn vị mới, phần lớn lấy số của các group nòng cốt ngày trước, ví dụ FSU11 bắt nguồn từ group 11.
Theo công bố của FPT Software, với việc tái cấu trúc, công ty đang hướng tới mục tiêu trở thành công ty phần mềm Việt đầu tiên đạt doanh số trên 100 triệu USD với 5.000 lập trình viên vào năm 2013.
Tuy nhiên, "100 triệu USD/5.000 người chỉ là những mục tiêu ngắn hạn. Mục tiêu lâu dài chúng tôi phấn đấu là có tốc độ tăng trưởng cao để đạt được quy mô lớn hàng chục ngàn người, so sánh được với Ấn Độ, Trung Quốc; tạo thật nhiều công ăn việc làm có giá trị cao, tạo điều kiện cho hàng chục ngàn thanh niên Việt Nam được làm việc với các công ty hàng đầu thế giới, được đi khắp năm châu để học hỏi cho bản thân, đóng góp cho quốc gia. Việc tái cơ cấu này cũng chỉ là một bước trên con đường mà chúng tôi đi, luôn thay đổi để tiến bộ. Ban lãnh đạo trước của công ty đã bắt đầu và chúng tôi đang tiếp tục để đạt được mục tiêu lớn", ông Nguyễn Thành Lâm khẳng định.
Bộ máy mới của FPT Software sau khi tái cấu trúc
Kể từ nay, FPT Software sẽ có 6 đơn vị phần mềm chiến lược được tổ chức theo lĩnh vực kinh doanh, theo thị trường hoặc theo khách hàng.
Trong đó, Đơn vị phần mềm chiến lược số 1 (FSU1) với “quân số” hơn 900 người, chuyên về thị trường các nước nói tiếng Anh, sẽ hoạt động dưới sự điều hành của Giám đốc Hoàng Việt Anh. FSU1 có nhiệm vụ đảm bảo tốc độ tăng trưởng 40%/năm theo định hướng chung của công ty, giúp FPT Software xây dựng một số năng lực kĩ thuật theo hướng chuyên môn hóa như chuyển đổi ứng dụng (migration), điện toán đám mây (cloud)...
Đơn vị phần mềm chiến lược số 3 (FSU3) được thành lập từ Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm Doanh nghiệp (FPTSS) do ông Hoàng Thanh Sơn làm Giám đốc sẽ tập trung phục vụ khách hàng doanh nghiệp.
Đơn vị phần mềm chiến lược số 11 (FSU11) được thành lập từ Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển Phần mềm FPT (FRD), Giám đốc là ông Trần Đăng Hòa.
Đơn vị phần mềm chiến lược số 13 (FSU13) được thành lập từ Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm Kinh doanh Trực tuyến FPT (FDM) và Trung tâm FDN.DMC, Giám đốc là ông Nguyễn Hoài Nam.
Đơn vị phần mềm chiến lược số 15 (FSU15) được thành lập từ Công ty FPT Medical Information System (FMIS) và Trung tâm phần mềm FSE.BU3. Tổng Giám đốc FPT Software Nguyễn Thành Lâm sẽ kiêm nhiệm chức Giám đốc FSU15, đưa FSU này gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực y tế.
Đơn vị phần mềm chiến lược số 17 (FSU17) được thành lập từ Công ty TNHH Công nghệ Phần mềm FPT (FSE), các trung tâm sản xuất phần mềm của FPT Software chi nhánh Đà Nẵng và 2 bộ phận thuộc FMIS. Giám đốc của FSU17 là ông Lê Vĩnh Thành. FSU 17 có nhiệm vụ tập trung phát triển khách hàng chiến lược của FPT Software là Tập đoàn Hitachi.