Bài viết dưới đây sẽ cho chúng ta thấy kế hoạch chiếm lĩnh thế giới (hay ít nhất là thế giới World Wide Web) của Facebook – một tham vọng đã được vị CEO trẻ tuổi Mark Zuckerberg ấp ủ từ lâu. Bắt đầu với việc giải thích những lý do đã giúp cho Facebook thu hút được lượng người dùng khổng lồ lên tới gần một tỷ người như hiện tại (tức là tính trung bình trên thế giới, cứ 7 người thì có 1 người sử dụng mạng xã hội này), bài viết sẽ tiếp tục cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về những bước đi chiến lược mà Facebook đã và đang theo đuổi nhằm có sự chuẩn bị vững chắc cho tương lai. Mục tiêu của công ty chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở một tỷ người, mà sẽ là hai tỷ hay thậm chí nhiều hơn nữa. Trong chiến lược đó, những thị trường mới nổi như Châu Á, Châu Phi hay Mỹ La-tinh có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đóng góp một tỷ người dùng tiếp theo cho Facebook, đa phần trong số này sẽ là những người lần đầu tiếp cận với Internet, và với họ, Internet cũng chính là…Facebook.
Đến cuối năm nay, lượng điện thoại di động sẽ vượt qua tổng dân số trên toàn thế giới. Nhưng các feature-phone cũ kỹ vẫn sẽ chiếm tới 73% con số đó. Các điện thoại này phần lớn không có hoặc rất hạn chế khả năng truy cập web, mà chỉ có công nghệ WAP cũ kĩ vốn đã bị đào thải từ lâu tại các quốc gia phát triển và hiện tại cũng chỉ còn rất ít website tương thích với công nghệ này. Tới năm 2008, ban giám đốc Facebook nhận ra rằng để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ngoạn mục của Facebook họ cần làm cho mạng xã hội này có thể được truy cập một cách dễ dàng và miễn phí từ chính những thiết bị “lạc hậu” kể trên. Và đây chính là điểm khởi đầu cho câu chuyện của chúng ta.
Câu chuyện của Châu Phi, hay cách mà Facebook Zero chiếm lĩnh cả một lục địa chỉ trong 18 tháng.
Tháng 5 năm 2010, Facebook công bố Facebook Zero – một phiên bản Facebook đã được đơn giản hóa, chỉ bao gồm văn bản (text-only). Facebook Zero có thể được truy cập thông qua địa chỉ o.facebook.com ở một số quốc gia nhất định và thông qua bất kì điện thoại nào có hỗ trợ WAP. Nói cách khác, ở các quốc gia này, gần như bất kì ai có điện thoại giờ đây đều đã có thể truy cập Facebook.
Quảng cáo Facebook Zero của nhà mạng Sun Cellular tại Philippines
Khi truy cập vào địa chỉ o.facebook.com kể trên, bạn sẽ không thấy trang chủ Facebook như thông thường, thay vào đó sẽ là phiên bản chỉ gồm chữ. Nhưng mọi thông tin vẫn được hiển thị đầy đủ, bao gồm cả các thông báo, yêu cầu kết bạn, trạng thái của bạn bè… Sử dụng bàn phím hoặc màn hình cảm ứng của điện thoại, người dùng sẽ có thể theo dõi được toàn bộ thông tin này, nhấn chọn các đường link, gửi tin nhắn cũng như mọi thao tác khác mà Facebook vốn hỗ trợ.
Truy cập Facebook Zero thông qua nhà mạng Sun Cellular tại Philippines
Điều đặc biệt là ở chỗ các nhà mạng không tính phí khi người sử dụng truy cập vào o.facebook.com, nói cách khác, Facebook Zero hoàn toàn miễn phí. Chi phí sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng vốn là một vấn đề lớn ở các thị trường mới nổi, nơi phần lớn vẫn sử dụng các gói cước trả trước. ( Theo Nathan Eagle, CEO của Jana – công ty chuyên về các dịch vụ quảng cáo trên điện thoại, chi phí gọi và nhắn tin mỗi tháng tại các nước đang phát triển có giá trị tương đương 8-12% giá của chính chiếc điện thoại đó, người dùng đa phần vẫn chỉ sử dụng điện thoại cho hai chức năng cơ bản là thoại và nhắn tin.)
Trong 18 tháng từ khi Facebook Zero ra mắt tại Châu Phi, lượng người dùng Facebook tại lục địa này đã tăng vọt 114%. Tuy khó có thể nói rằng công ty có được sự phát triển vượt bậc này chỉ nhờ vào một mình Facebook Zero, nhưng không khó để có thể nhận ra những tác động tích cực mà chiến lược này mang lại. (Trong suốt 10 tháng trước khi Facebook Zero ra đời, lượng người dùng tại Châu Phi chỉ tăng 18%). Tại Kenya, quốc gia tiêu biểu cho tình hình của cả châu lục, 99% lượng truy cập Internet được thực hiện thông qua các thiết bị di động. (Cần phải nói thêm rằng phần lớn thiết bị di động của Kenya đều là các feature-phone hay thậm chí các mẫu còn đơn giản hơn cả feature-phone, vốn chỉ có hai tính năng cơ bản là thoại và nhắn tin.) Facebok giờ đây phổ biến ở Châu Phi tới mức nó đã bắt đầu có những ảnh hưởng thúc đẩy nhất định đến quá trình triển khai mạng Internet băng thông rộng tại đây, bởi người dùng đang có nhu cầu ngày càng cao hơn về tốc độ để có thể nhanh chóng truy cập và xem được các bức ảnh cũng như cập nhật trạng thái của bạn bè trên mạng xã hội này
Vậy tại sao các nhà mạng Châu Phi lại không bắt người dùng phải trả phí khi sử dụng Facebook Zero? Phát ngôn viên của Facebook từ chối trả lời cho câu hỏi này, bao gồm cả việc liệu có phải công ty chính là người đứng ra trả khoản chi phí đó cho các nhà mạng. Nhưng theo Eagle, Facebook Zero đã giúp các nhà mạng Châu Phi tiếp cận được một lớp khách hàng mới lên tới hàng triệu người, do vậy ông cho rằng có lẽ Facebook đã không phải trả cho các nhà mạng một đồng nào cả.
Có được điều này là bởi với các nhà mạng, cho phép người dùng sử dụng miễn phí Facebook chính là một giải pháp giúp giải quyết vấn đề vốn luôn tồn tại của họ (các nhà mạng). Những khách hàng đầu tiên sử dụng dịch vụ viễn thông thường là những người khá giả, nhưng những khách hàng mới sau đó thì thường nghèo hơn. Doanh thu bình quân trên mỗi khách hàng liên tục sụt giảm. Cùng lúc đó, lưu lượng sử dụng mạng lại không ngừng tăng lên, khách hàng cũng xuất hiện nhu cầu nâng cao chất lượng cũng như tốc độ kết nối, từ đó đẩy chi phí vận hành của các nhà mạng lên cao. Các nhà mạng cần phải liên tục tìm kiếm khách hàng mới, và những dịch vụ mới để người dùng của mình phải móc hầu bao trả để trả thêm tiền.
“Sự thật là Facebook đã thuyết phục được các nhà mạng, khuyên họ nên miễn phí cho người dùng khi truy cập Facebook,” Eagle nói. “Tôi không biết chính xác Facebook đã làm thế nào, nhưng nếu tôi là Facebook trong trường hợp đó, tôi sẽ thuyết phục các nhà mạng rằng Facebook chính là một ‘chất gây nghiện’ của Internet. Một khi người dùng đã sử dụng Facebook, họ sẽ muốn khám phá nhiều thứ khác trên thế giới web, bao gồm cả những dịch vụ mà các nhà mạng có thể thoải mái tính phí.”
Cách mà Facebook Zero hoạt động rất phù hợp để thu hút thêm người dùng Internet mới cho các công ty viễn thông – những người mà trước đây chưa bao giờ sử dụng dịch vụ này. Đó là nhờ đặc điểm của mạng xã hội: một khi bạn bè của bạn đã sử dụng, bạn cũng sẽ muốn sử dụng nó. Facebook Zero giúp cho việc mời bạn bè tham gia trở nên đơn giản hơn bao giờ hết: thông qua tin nhắn SMS. Một khi người dùng đã “nghiện” mạng xã hội, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ có cơ hội bán các data service ở phía trên của Facebook Zero; load các đoạn văn bản là miễn phí, nhưng nếu bạn muốn xem ảnh, bạn sẽ phải trả phí cho lưu lượng sử dụng. Điều tương tư cũng xảy ra khi bạn nhấn vào một link liên kết ngoài trong quá trình sử dụng Facebook.
Điều đó có thể lý giải tại sao Facebook đã có thể đăng ký với 50 nhà mạng ở 45 quốc gia khi Facebook Zero được phát hành (để các nhà mạng đồng ý cung cấp dịch vụ miễn phí ). Việc thiết lập để không tính phí khi người dùng truy cập vào domain o.facebook.com cũng khá dễ dàng, không đòi hỏi các nhà cung cấp phải có một nâng cấp lớn nào. (Wikipedia gần đây trong một nỗ lực tương tự cũng đã phát hành một phiên bản “tối giản” miễn phí cho người dùng ở các nước đang phát triển.)
Châu Á, Châu Mỹ Latinh, và cuộc đua tổng thể
Facebook đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc không chỉ ở Châu Phi. Tại Philippines, theo như Eagle, “Facebook dường như đang trở thành toàn bộ Internet.” Đến cuối năm 2011, theo Nielsen Research, một phần ba dân số Philippines sử dụng Internet, tức là khoảng 33,6 triệu người. Trong khi đó, số người dùng Facebook tại quốc gia này đã lên tới 29,4 triệu người. Nhà sản xuất thiết bị di động hàng đầu tại đây, MyPhone, đã sử dụng logo của Facebook trong quảng cáo của mình, trong đó có đoạn một nhóm nhạc pop tuổi teen nổi tiếng đọc rap về Facebook. Đoạn quảng cáo này khi được đưa lên Youtube đã tạo được một tiếng vang lớn trong cộng đồng bản địa.
Một cảnh trong music video quảng cáo của MyPhone
6 trong số 10 quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất là các thị trường mới nổi, và 5 trong số đó – Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, và Philippines – đã có đến 217 triệu người dùng Facebook. Phần lớn người dân ở các nước này đều nghèo (theo tiêu chuẩn của các nước phát triển), điện thoại họ sử dụng chủ yếu là các feature-phone, vốn không thể truy cập được Facebook trước khi Facebook Zero ra đời, và họ cũng không có cách nào khác để được sử dụng Facebook.
Nhưng một trong số những thử thách mà Facebook phải đối mặt là dù có những bước đi đúng đắn để xâm nhập những thị trường này, nhưng những đối thủ cũng có thể tiến vào bất cứ lúc nào, và thậm chí còn có thể đưa ra những thỏa thuận hấp dẫn hơn cho các công ty viễn thông để cung cấp các dịch vụ mạng xã hội của họ đến khách hàng một cách hoàn toàn miễn phí. Twitter , mạng xã hội cũng rất phổ biến tại các quốc gia này, đặc biệt tại Philippines, vốn được thiết kế để người dùng có thể dễ dàng đăng thông điệp thông qua tin nhắn (một trong những lý do vì sao các tweet bị giới hạn 140 kí tự) – hoàn toàn phù hợp với mọi loại điện thoại, kể các các thiết bị low-end. Nếu Google muốn, công ty cũng có thể tạo ra một phiên bản tối giản cho Google Plus. Tại Brazil, Orkut – đối thủ trước đây của Facebook, nhưng nay đã được Google mua lại – vốn phổ biến hơn cả Facebook cho đến đầu năm 2012. Có lẽ đây cũng là lý do vì sao Facebook không muốn nhắc nhiều đến thành công của Facebook Zero: Sợ gặp phải sự nhòm ngó từ các đối thủ của mình.
Có một nơi duy nhất Facebook không phải bận tâm ,dù thực tế có rất muốn: Trung Quốc. Tại đây chính phủ đã cấm hoàn toàn Facebook cũng như các mạng xã hội lớn khác của nước ngoài để tạo điều kiện cho các mạng xã hội nội địa phát triển (và để chính phủ dễ quản lý hơn.)
Vậy chúng ta đã có những gì? Facebook Zero, Facebook for Every Phone, Facebook for SIM
Tuy nhiên đóng góp đáng kể nhất của Facebook Zero là đã trở thành bước đi đầu tiên và quan trọng nhất trong chiến lược của Facebook nhằm chiếm lĩnh các thị trường mới nổi, giúp định hình những người dùng của công ty trong tương lai. Để hiểu rõ hơn chiến lược này, hãy theo dõi bảng dưới đây:
Facebook đã tiếp cận đến mọi phân khúc điện thoại
Thông qua hàng loạt vụ kí kết hợp tác, các thương vụ mua lại cũng như phát hành các dịch vụ mới, Facebook giờ đây đã có thể đưa dịch vụ của mình tiếp cận với mọi người gần hơn bao giờ hết, bất kể họ đang dùng một chiếc iPhone 5 bóng bẩy hay một chiếc Nokia 1280 với màn hình đen trắng. Thậm chí trong nhiều trường hợp, người dùng còn không cần phải đăng kí một dịch vụ data nào.
Với điện thoại tầm thấp (rẻ nhất, phổ biến nhất ở các nước đang phát triển, tổng số lượng lên tới hơn 1 tỉ chiếc), người sử dụng giờ đây có ít nhất hai cách để truy cập Facebook mà tốn rất ít hay thậm chí hoàn toàn miễn phí.
Facebook for SIM
Facebook đã hợp tác với một công ty của Hà Lan là Gemalto để phát hành Facebook for SIM, trong đó tích hợp các dữ liệu cần thiết của Facebook vào SIM. Khi hoạt động, hệ thống sẽ tương tác với server của Facebook thông qua các tin nhắn, vì vậy nó có thể tương thích với bất kì điện thoại nào. Điều duy nhất người dùng cần làm là mua một SIM đã được tích hợp dịch vụ. Tại Argentina, quốc gia đầu tiên được sử dụng SIM này, nó sẽ được miễn phí trong một thời gian đầu, sau đó thuê bao sẽ là 9 USD mỗi tháng. SIM này tương thích với cả những điện thoại không đăng kí bất kì dịch vụ data nào.
Facebook by Fonetwish hoạt động dựa trên giao thức USSD
Cùng với đó, vào đầu năm nay, Facebook cũng cho ra mắt Facebook by Fonetwish, được phát triển bởi U2opia Mobile, một công ty có trụ sở tại Singapore. Đây là một phần mềm cần được các nhà mạng cài đặt vào hệ thống của mình, và sau đó mọi người dùng đã đăng kí đều có thể sử dụng, Fonetwish sử dụng một giao thức vốn rất ít người để ý và biết đến là USSD để tạo ra một giao diện tương tác với Facebook trên cả những điện thoại đơn giản nhất. Orange, một trong những nhà mạng di động hàng đầu tại Châu Phi đã cung cấp thử Facebook by Fonetwish cho hơn 350 000 khách hàng tại Ai Cập vào cuối năm 2011 và cũng đã có những thử nghiệm thành công tại Bờ Biển Ngà. Orange, hiện sở hữu hơn 20 nhà cung cấp dịch vụ di động khác nhau tại Châu Phi và có hơn 70 triệu khách hàng,hiện đang có kế hoạch mở rộng dịch vụ Facebook by Fonetwish này ra toàn bộ mạng lưới của mình.
Với những feature phone tầm trung ( chiếm phần lớn trong tổng số lượng điện thoại với hàng tỉ chiếc đang được sử dụng), cũng có hai cách để sử dụng Facebook mà tốn một mức chi phí rất nhỏ hoặc hoàn toàn không mất một đồng nào.
Facebook Zero đã được phát hành tại 45 quốc gia Châu Phi. Tuy công ty không cho biết kể từ đó có phát hành thêm dịch vụ này tại quốc gia nào khác nữa không, nhưng có thể tin chắc rằng Facebook Zero giờ đây đã tiếp cận được với hàng trăm triệu người.
Mexico là một nước đang phát triển, tuy không nằm trong nhóm 10 nước có lượng người dùng Facebook lớn nhất, và cũng chưa có nhà mạng nào cung cấp Facebook Zero, song công ty đang có những động thái tích cực nhằm thu hút người dân nước này sử dụng Facebook. Tháng 1 năm 2011, bằng một thỏa thuận hợp tác với Snaptu, Facebook đã phát hành tại đây một ứng dụng có thể chạy trên các feature-phone. Không giống Facebook Zero hoàn toàn miễn phí, ứng dụng này cho bạn dùng thử trong 90 ngày, sau đó nếu tiếp tục sử dụng bạn sẽ phải trả một mức phí nhất định cho lưu lượng data đã dùng. Giao diện của ứng dụng này khá giống với những gì có trên smartphone cũng như giao diện truyền thống của Facebook, bao gồm cả timelines, cập nhật nhanh trạng thái,các bức ảnh của bạn bè…
Facebook for Every Phone chạy trên nền Java
Facebook hài lòng với thương vụ hợp tác này tới mức hai tháng sau khi kí kết, công ty đã quyết định mua lại Snaptu với một mức giá được cho là vào khoảng 40 triệu USD hoặc hơn. Sau đó, Facebook đã cho ra mắt một ứng dụng cho riêng mình dựa trên công nghệ của Snaptu, mang tên Facebook for Every Phone. Ngay khi ra mắt, ứng dụng này đã hỗ trợ hơn 2500 thiết bị, và có 30 triệu người dùng. Trên phạm vi thế giới, Facebook for Every Phone tương thích với khoảng 80% điện thoại đang có mặt trên thị trường.
Rất có khả năng Facebook thậm chí còn đang kiếm được tiền từ ứng dụng này. Thương vụ mua Snaptu không được công bố chi tiết, nhưng từ trước đó, hai công ty này đã thỏa thuận với các nhà mạng để chia sẻ doanh thu có được từ phí sử dụng data của người dùng.
Vậy mục tiêu thực sự của Facebook là gì? Smartphone Android, tích hợp dịch vụ hoàn hảo, và cuối cùng là kinh doanh.
Mục đích cuối cùng của Facebook khi cố gắng thu hút cả những người dùng sử dụng feature-phone: đảm bảo rằng những người này vẫn sẽ sử dụng Facebook khi họ nâng cấp lên smartphone – điều mà trong xu thế hiện nay, chắc chắn người dùng sẽ làm ngay khi có thể. Việc giá của những smartphone Android tầm thấp đang ngày một hạ, thậm chí trong một số trường hơp chỉ còn 25 USD, đã cho phép người dùng dễ dàng “lên đời” hơn, hay thậm chí là khởi đầu ngay với một smartphone.
Khi sử dụng smartphone, người dùng sẽ có thể truy cập vào Facebook mobile một cách rất dễ dàng và từ bất kì nơi nào trên thế giới. Ngoại trừ ngôn ngữ, Facebook không cần phải thay đổi giao diện cho phù hợp với từng quốc gia (không giống như Microsoft, muốn áp dụng những chi tiết và bố cục website khác nhau cho những nước khác nhau.)
Facebook đã mở ra một sự thật rằng, chỉ bắt đầu như một website thông thường trên desktop, công ty giờ đây sẽ phải chạy đua với các đối thủ để chuyển trọng tâm sang mobile. Minh chứng rõ nhất cho điều này chính là việc bỏ ra 1 tỉ USD để mua lại Instagram – một dịch vụ chia sẻ ảnh trên di động. Và nó không phải chỉ vì khách hàng khá giả hiện tại của Facebook đang ngày một dành nhiều thời gian hơn để truy cập Internet từ các thiết bị di động thay vì máy tính truyền thống. “Chúng ta đang tiến tới một viễn các thiết bị di động thay thế hoàn toàn vai trò của những cỗ máy desktop truyền thống cồng kềnh,” theo lời của Eric Tseng, giám đốc phụ trách mảng di động của Facebook. Giờ đây Facebook đã phổ biến tới mức ở một số thị trường, có cả nửa tá điện thoại được trang riêng bị một phím Facebook để người dùng có thể nhanh chóng truy cập.
HTC Salsa “Facebook phone”
Một khi người dùng đã sử dụng một phiên bản Facebook đầy đủ trên những điện thoại như vậy, công ty sẽ có thể hướng họ tới…quảng cáo. Facebook biết rõ những gì chúng ta thích, chúng ta đi đến đâu để gặp gỡ mọi người, bạn bè của chúng ta là ai hay thậm chí là cả những website nào chúng ta truy cập ngay cả khi không online trên Facebook. Trong dài hạn, trở ngại duy nhất của Facebook trong việc biến tất cả những dữ liệu đó thành doanh thu của công ty chính là những lo ngại của người dùng về vấn đề bảo mật thông tin. Nhưng quảng cáo cũng có thể sẽ không còn là cách kiếm tiền chủ yếu của Facebook trong tương lai. Công ty đang trong quá trình hoàn thiện dịch vụ để các đối tác kinh doanh có thể bán sản phẩm và dịch vụ ảo dựa trên nền tảng của Facebook – những bước đầu tiên trong quá trình mạng xã hội này chuyển đổi thành một nhà bán lẻ. Hoặc kí kết với các nhà cung cấp thẻ tín dụng để hỗ trợ các thanh toán có trên Facebook cũng là một hướng kinh doanh có thể được xét đến.
Những chiến lược này sẽ mang lại rất nhiều lợi nhuận cho công ty một khi Facebook đã được phổ biến rộng rãi. “Nhiều người vẫn nghĩ rằng khách hàng của Facebook chủ yếu là những cô cậu tuổi teen sống ở một nước hay một vùng giàu có nào đó, trong khi thực tế nếu chưa phải hiện tại, thì trong tương lai gần, người dùng Facebook phần lớn sẽ đến từ những thị trường đang hoặc mới nổi, những nước đang phát triển có mức tăng trưởng cao,” theo Donald Fitzmaurice, CEO của Brandtone – công ty chuyên về quảng cáo và marketing trên di động.
“Facebook everywhere”
Facebook giờ đây đã có mặt trên hàng trăm triệu thiết bị di động trên toàn cầu, và vẫn còn rất nhiều tiềm năng để mạng xã hội phổ biến nhất thế giới này tiếp tục phát triển. Có khoảng 250 triệu người dùng Facebook ở Châu Á, nhiều hơn bất kì châu lục nào khác, nhưng cũng mới chỉ chiếm 6,5% tổng dân số của châu lục này. Trong khi đó ở Châu Phi, tỉ lệ này cũng mới chỉ vào khoảng 5%.
“Tại Việt Nam, số người dùng Facebook đã tăng gấp ba lần trong sáu tháng vừa qua, bất chấp thực tế rằng nó đang bị cấm tại quốc gia này,” Eagle cho biết. Ông tin rằng công ty sẽ dễ dàng có gấp đôi lượng người sử dụng hiện tại, tức là trong tương lai Facebook sẽ có thêm khoảng 1 tỉ người dùng mới.
Yếu tố cốt lõi trong chiến lược của Facebook là bất kể mọi người đang sử dụng loại điện thoại nào, từ những thiết bị đơn giản nhất cho đến những smartphone đắt tiền, họ đều có thể truy cập vào Facebook, và trải nghiệm sẽ càng được nâng cao khi người dùng nâng cấp điện thoại. Đó cũng là lý do tại sao các nhà cung cấp dịch vụ rất muốn được trở thành đối tác của Facebook, vì thế hệ người dùng tiếp theo sẽ chủ yếu truy cập vào Facebook qua các thiết bị di động, mà tại đó từng megabyte được sử dụng đều có thể được các nhà mạng này tính phí.
Giống như trước đây Unilever luôn cố gắng để sản phẩm của mình trở thành những sản phẩm đầu tiên từ “thế giới hiện đại” mà người dùng tại các quốc gia mới nổi được tiếp cận, Facebook cũng đang phấn đấu để trở thành website đầu tiên mà người dùng (tại các thị trường mới) biết đến khi lần đầu tiếp cận thế giới Internet. Trong dài hạn, giá trị mà những khách hàng này mang lại (Lifetime Value) có thể là nhân tố chủ đạo đảm bảo cho giá cổ phiếu của công ty. Đồng thời nó cũng giúp cho Facebook, theo một cách mà ngay cả Google cũng không làm được, có cơ hội trở thành “trang chủ của cả thế giới”.
Theo QUARTZ/westart