Nhịp sống số

Facebook bị tố làm “gián điệp” người dùng

Sau Apple, Microsoft, Google, giờ đây, đến lượt mạng xã hội phổ biến nhất thế giới Facebook cũng bị tố theo dõi người dùng ngay cả khi họ đã đăng xuất. Tuy nhiên, Facebook đã nhanh chóng bác bỏ những nghi ngờ trên.

Hôm qua (26/9), Facebook đã lên tiếng bảo vệ cho hành động thu thập dữ liệu bằng nút “Like” của mình ngay cả khi người dùng đã đăng xuất khỏi trang. Facebok cho rằng việc thu thập dữ liệu này nằm trong một hệ thống dùng để ngăn chặn những thông tin đăng nhập sai và những thông tin này sẽ nhanh chóng bị xóa bỏ.

 

Facebook đã phải lên tiếng trấn an người dùng sau khi chuyên gia công nghệ người Australia Nik Cubrilovic đăng tải những phát hiện cho thấy Facebook vẫn tiếp tục dùng Cookie để theo dõi người dùng ngay cả khi họ đã đăng xuất khỏi hệ thống. Phát hiện của Nik Cubrilovic đã làm dấy lên những mối nghi ngờ về chính sách bảo mật thông tin của Facebook, vốn có sự hiện diện rất rộng lớn trên web.

 

“Ngay cả khi bạn đã đăng xuất, Facebook vẫn biết và có thể theo dõi bất cứ trang web nào mà bạn truy cập vào”, Cubrilovic viết “Giải pháp duy nhất là xóa bỏ mọi Cookie của Facebook trong trình duyệt của bạn hoặc dùng một trình duyệt riêng biệt để truy cập vào Facebook”.
 

 

Theo Nik Cubrilovic, khi bạn đăng nhập vào Facebook hoặc ghé thăm Facebook.com mà không đăng nhập, trang web này sẽ đưa một số tập tin nhỏ gọi là Cookie vào máy tính của bạn. Một số những Cookie này vẫn còn trên máy tính của bạn ngay cả khi bạn đã đăng xuất, và sau đó, khi bạn truy cập vào một trang web bất kì nào kết nối với Facebook (chẳng hạn như thông qua nút “Like”), thông tin từ những Cookie này được gửi trở lại cho Facebook, cung cấp một hồ sơ về những nơi bạn đã ghé thăm vào trên web.

 

Facebook thừa nhận họ đã nhận được những dữ liệu này nhưng khẳng định đã xóa chúng đi ngay lập tức. Facebook cho hay các dữ liệu được gửi theo con đường hệ thống nút “Like” đã được thiết lập, bất cứ Cookie nào có liên quan với Facebook.com sẽ tự động được gửi khi bạn nhấn một nút “Like”.

 

“Nhiệm vụ của chúng tôi là nhận tất cả những dữ liệu này và xóa sạch chúng”, Arturo Bejar, một giám đốc kĩ thuật của Facebook cho hay.

 

Lý giải cho câu hỏi vì sao Facebook lại giữ các Cookie sau khi người dùng đã đăng xuất, Arturo Bejar cho biết việc đó nhằm để ngăn chặn các cuộc tấn công thư rác (spam), lừa đảo (phishing) và để giúp người dùng tránh phải việc trải qua các bước xác thực thêm mỗi khi họ đăng nhập.

 

Khi người dùng đăng nhập vào Facebook từ một máy tính mới, trang mạng này thường yêu cầu họ phải thực hiện các bước nhằm chứng minh họ có đúng là người họ đang nhận hay không thay vì một ai đó cố đăng nhập vào một tài khoản không đúng. Các Cookie cho phép Facebook bỏ qua các bước này khi người dùng đăng nhập từ một chiếc máy tính mà họ đã sử dụng trước đó.

 

Đây không phải là lần đầu tiên người dùng đặt câu hỏi về việc có bao nhiêu thông tin mà Facebook nhận được từ nút “Like”.

 

Hồi tháng 5, biên tập viên của tờ Wall Street Journal Amir Efrati khẳng định Facebook sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu trình duyệt web ngay cả khi người dùng đã đóng trình duyệt của họ hoặc tắt máy tính đi cho đến khi họ thực sự đăng xuất khỏi Facebook. Những phát hiện mới của tin tặc Nik Cubrilovic lại một lần nữa chứng minh điều này.

 

Hồi đầu năm nay, Facebook đã phải ngừng việc thu thập dữ liệu về người sử dụng Internet chưa bao giờ truy cập vào Facebook.com sau khi nhà nghiên cứu Hà Lan Arnold Roosendaal phanh phui hành vi này.