Một trong những lĩnh vực hội nhập mà Việt Nam đang rất chú trọng phát triển, đó chính là lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) với những ưu việt như: Giảm thiểu thời gian, công sức, tiền bạc cho những giao dịch kinh tế…
Không thể phủ nhận, Việt Nam đang có một thị trường rất tiềm năng của TMĐT. Áp dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh là xu thế tất yếu của thời đại.
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Thương mại điện tử trong hội nhập và phát triển” diễn ra hôm nay (17/12) do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức, nhiều đại biểu đã thống nhất rằng việc phát triển TMĐT chính là một bước đi quan trọng nhằm củng cố vững chắc hơn tiến trình hội nhập của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Phát huy ưu thế của TMĐT trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng
Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần Quyết định 1073/QĐ-TTg nhằm “Đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến và đạt mức tiên tiến trong khu vực ASEAN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình CNH, HĐH đất nước”, Hội thảo hướng tới mục tiêu tạo ra một diễn đàn đa chiều về cơ hội và thách thức trong việc triển khai thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế liên quan đến lĩnh vực kinh doanh TMĐT ở Việt Nam. Đây là dịp tốt để các chuyên gia bàn thảo về các biện pháp và cách thức nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế trong phát triển các loại hình TMĐT, đồng thời là dịp thuận lợi để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc khi triển khai hoạt động kinh doanh…
Tại Hội thảo, PGS. TS Lê Danh Vĩnh - nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam khẳng định: Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, nhu cầu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp một ngày càng gia tăng và trở nên cấp thiết, trong đó, chi phí và hiệu quả là vấn đề thường được đặt ra. Thực tế cho thấy, TMĐT có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu đó với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất.
Theo ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, nhu cầu gắn kết phát triển TMĐT trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam, biến TMĐT thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho tiến trình hội nhập. Thực tế cũng cho thấy, TMĐT luôn đồng hành với sự phát triển của tiến trình hội nhập, là động lực quan trọng thúc đẩy hội nhập của nước ta. Kinh doanh TMĐT đã, đang và sẽ tiếp tục là một trong những lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam quan tâm và ưu tiên phát triển để thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Việc lựa chọn và phát huy thế mạnh về kinh doanh TMĐT là một chiến lược và bước đi hợp lí, đúng đắn, giúp Việt Nam tăng cường lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu, thực hiện đúng chủ trương “đi tắt, đón đầu” về phát triển công nghệ thông tin và thương mại quốc tế.
Để TMĐT thực sự là động lực của hội nhập và phát triển
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề ra các giải pháp đẩy nhanh sự phát triển của TMĐT ở Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Theo đó, trong thời gian tới, cần từng bước xã hội hóa hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông; khuyến khích công chúng tiêu dùng thực hiện giao dịch điện tử. Ngoài ra, cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây dựng website có chức năng giao dịch trực tuyến và thanh toán trực tuyến (có thể hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ). Các ngân hàng thương mại và công ty cung cấp dịch vụ thanh toán phải đẩy mạnh đầu tư phát triển các hoạt động thanh toán trực tuyến, hỗ trợ các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội nâng cao tỉ lệ nhận biết và niềm tin của người tiêu dùng vào hình thức thanh toán trực tuyến…
TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: Sau hơn 10 năm triển khai TMĐT ở Việt Nam, cần đánh giá lại hiệu quả và những tồn tại để có những triển khai tốt hơn TMĐT trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay. Cũng theo TS Cao Sĩ Kiêm, Nhà nước cần có những hỗ trợ cụ thể và sát sao hơn nữa đối với các doanh nghiệp triển khai hoạt động TMĐT, đặc biệt có những chính sách điều hành quản lí chặt chẽ, tránh rủi ro và tạo lòng tin cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Nhà giáo nhân dân, GS. TS Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Hành chính – Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: TMĐT là lĩnh vực hoạt động kinh tế không còn xa lạ với nhiều quốc gia, bởi những tính ưu việt của nó như: Ít tốn thời gian, công sức, tiền bạc cho những giao dịch kinh tế, trong khi cách làm truyền thống khi giới thiệu sản phẩm là phải chuyển hàng hóa sang tận nơi. Những hàng mẫu này có thể mất hàng tháng mới có thể đến được các thị trường này, dẫn đến chi phí cao và sản phẩm có thể giảm chất lượng. Do đó, việc áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh là một xu thế tất yếu của thời đại. Việt Nam trong quá trình hội nhập cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung đó. Thực tế ở nước ta cũng cho thấy, không ít doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử cũng như tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử đã mang lại những kết quả rất khả quan. Theo GS. TS Đỗ Thế Tùng, để TMĐT thực sự phát huy lợi thế trong kinh tế hội nhập và phát triển hiện nay, cần tập trung: đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT; xây dựng kết cấu hạ tầng; hoàn thiện môi trường pháp lý; đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử và phát triển các dịch vụ công phục vụ TMĐT; tăng cường hơn nữa sự hợp tác khu vực và quốc tế trong phát triển TMĐT...
Cũng đề cập đến các giải pháp để phát triển TMĐT, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế Trịnh Minh Anh cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào hai giải pháp cơ bản, đó là: Đẩy mạnh việc tham gia các cam kết hội nhập quốc tế về thương mại điện tử và xây dựng, củng cố phát triển thị trường thương mại điện tử trong nước. Để làm được điều này, đòi hỏi phải không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử; phát triển nguồn nhân lực về thương mại điện tử; cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh; phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ thương mại điện tử; nâng cao hiệu quả và năng lực quản lí nhà nước về thương mại điện tử. ..
Hầu hết các đại biểu đều thống nhất rằng, đối với nước ta, đến nay, TMĐT vẫn còn là phương thức giao dịch mới mẻ. Bởi vậy, để phát triển TMĐT, cần phải đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ và phổ cập kiến thức về TMĐT; không ngừng hoàn thiện kết cấu hạ tầng và môi trường pháp lí cho TMĐT; có những biện pháp bảo đảm an toàn cho các giao dịch TMĐT; phát triển các dịch vụ công và tăng cường hơn nữa hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực này.
PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhấn mạnh: Hội thảo đã khẳng định vai trò của TMĐT trong thời đại hiện nay. Với những lợi thế ưu việt của nó, TMĐT đang dần trở thành một công cụ, một giải pháp giúp các doanh nghiệp vượt qua các đối thủ cạnh tranh, vươn lên khẳng định uy tín của mình.
Trên thế giới hiện nay có khoảng 1,7 tỉ người sử dụng Internet. Việt Nam, tính đến thời điểm này, có khoảng 40 triệu dân sử dụng Internet. Đây là môi trường rất thuận lợi và đầy tiềm năng của TMĐT. TMĐT xuất hiện cùng với sự phổ cập mạng Internet và máy tính từ cuối những năm 1990 đầu năm 2000. Trong thời đại Internet hiện nay, với những lợi thế ưu việt của mình, TMĐT đang dần trở thành một công cụ, một giải pháp giúp các doanh nghiệp vượt qua các đối thủ cạnh tranh. Theo điều tra của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, tới cuối năm 2011 đã có khoảng 28% doanh nghiệp có trang web. Tuy nhiên, hầu hết các website này mới dừng ở mức giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm; mới có 32% website có chức năng giao dịch trực tuyến và 7% có chức năng thanh toán trực tuyến.