Nhịp sống số

Dự luật “giết Internet” ảnh hưởng gì đến người dùng?

Dự luật “giết Internet” ảnh hưởng gì đến người dùng?

Khi Thượng Nghị sĩ Lamar Smith công bố dự luật SAPA (Stop Online Piracy Act) hồi cuối tháng 10/2011, ông biết rằng dự luật này chắc chắn sẽ gây tranh cãi.

Biểu tình phản đối SOPA và PIPA lan rộng cả online lẫn ngoài đời.

Chỉ có điều, vị đại biểu Đảng Cộng Hòa không thể ngờ rằng sự phản đối từ phía người dùng và các doanh nghiệp công nghệ nhằm vào SOPA lại rộng khắp và dữ dội đến vậy.

Lấy thí dụ, ngày 18/1 vừa qua, một loạt những website nổi tiếng, đông người truy cập nhất Internet đã quyết định hành động để phản đối SOPA. Trang web tiếng Anh của Wikipedia “đen kịt”, trong khi Google quẳng một hộp đen to tướng đè lên logo của mình trên trang chủ, với một đường link dẫn tới trang web nơi người dùng có thể kí tên vào cuộc vận động “Yêu cầu Quốc hội không giám sát mạng Web”. Trang chủ của Amazon cũng có nguyên một góc dành riêng cho việc phản đối SOPA.

Không chỉ nóng hừng hực trên mạng, làn sóng chống đối còn diễn ra cả ở thế giới thực. Ước tính có tới hàng nghìn người đã tuần hành ở New York, San Francisco và Seattle để biểu tình chống lại dự luật mà họ cho rằng sẽ “Bóp chết mạng Internet”.

Vậy thực chất, SOPA và dự luật họ hàng của nó là Protect IP Act (PIPA) có ảnh hưởng thế nào đến bạn, người dùng cuối? Dưới đây là tổng hợp những hỏi đáp thường gặp nhất liên quan đến vấn đề này :

Đâu là căn nguyên của hai dự luật SOPA và PIPA?

Chỉ có hai từ: web “đểu”. Đó là thuật ngữ mượn từ Hollywood để chỉ những website có máy chủ đặt ở các quốc gia “thân thiện” hơn với tình trạng vi phạm bản quyền so với Mỹ.

Trong lá thư gửi cho The New York Times, Phòng Thương mại Mỹ cho rằng, “Web đểu đã đánh cắp những sản phẩm sáng tạo của người Mỹ và thu hút tới hơn 53 tỉ lượt truy cập mỗi năm, đe dọa hơn 19 triệu lao động Mỹ”. Mỹ đã lập riêng một danh sách những website bị cho là “web đểu”.

Ai phản đối SOPA?

Đại bộ phận ngành công nghiệp Internet và đa số người dùng Internet đều không tìm thấy tiếng nói chung với dự luật này.

Ngày 15/11 vừa qua, Google, Facebook, Twitter, Zynga, eBay, Mozilla, Yahoo, LinkedIn đã viết một lá thư gửi lên các thành viên chủ chốt của Thượng viện và Hạ viện Mỹ, tuyên bố SOPA là “một mối đe dọa nghiêm trọng đến khả năng sáng tạo cũng như tạo ra việc làm của ngành công nghiệp, cũng như tới an ninh mạng quốc gia”. Theo một số tờ báo, Yahoo thậm chí đã rút khỏi Phòng Thương Mại Mỹ sau khi tổ chức này ủng hộ SOPA quá nhiệt tình. Tuần trước, châu Âu cũng nhấn mạnh cần phải bảo vệ “tính nguyên vẹn của mạng lưới Internet toàn cầu và quyền tự do kết nối”. Thượng Nghị sĩ Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, viết trên Twitter rằng nước Mỹ cần “tìm ra một giải pháp hợp lí hơn SOPA”. Nhiều Thượng nghị sĩ khác, của cả hai đảng, đều tin rằng SOPA sẽ kích động “một làn sóng bùng nổ các vụ kiện và tranh chấp bóp chết sự sáng tạo”. Các chuyên gia luật cũng tỏ ra quan ngại. Thậm chí dư luận đã sáng tác cả một ca khúc để phản đối SOPA.

Nội dung của SOPA cụ thể ra sao?

Nó cho phép các Tổng chưởng lí Mỹ ra phán quyết chống lại những website bên ngoài nước Mỹ, theo đó, các ISP sẽ phải phục tùng và làm cho mục tiêu “gần như biến mất” về mặt kĩ thuật. Nói cách khác, đó chính là án tử hình trên mạng Internet.

Cụ thể hơn, mục 102 của SOPA viết rằng, sau khi nhận được lệnh gỡ bỏ, một ISP cần phải áp dụng các biện pháp kĩ thuật để ngăn không cho các thuê bao bên trong nước Mỹ truy cập được vào những website ngoại quốc phạm Lệnh phải được thi chậm nhất trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được trát của tòa.

SOPA khác gì so với dự luật PIPA?

Wiki "tắt đèn" để phản đối SOPA

PIPA chỉ nhắm đến các nhà cung cấp DNS, các công ty tài chính và các mạng quảng cáo chứ không phải những công ty cung cấp kết nối Internet.

Yếu tố bảo mật liên quan gì đến SOPA?

Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia, trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, lo ngại rằng SOPA sẽ không có hiệu quả mà còn tác động tiêu cực đển an ninh mạng Mỹ nói riêng và an ninh mạng toàn cầu nói chung, cũng như tới chức năng hoạt động của Internet.

Giới nghiên cứu thì cho rằng, SOPA có thể xung đột với Quy định Bảo mật cập nhật DNSSEC dành cho DNS của Mỹ, nhiều website vô tội sẽ bị kéo vào vòng lao lí và tổn thất nặng nề trong khi sổ đen web đểu vẫn có thể bị qua mặt khi người dùng gõ địa chỉ website bằng IP số.

Ngoài chặn truy cập, SOPA còn yêu cầu các ISP làm gì?

Google quăng hộp đen đè lên logo và đặt đường link để người dùng kí tên phản đối SOPA

Một phần ít được chú ý trong dự luật đã vượt ra khỏi phạm vi của PIPA và yêu cầu các ISP phải theo dõi truy cập của người dùng, chặn những website bị tình nghi là vi phạm bản quyền.

Vậy tự do ngôn luận liên đới gì với SOPA?

New York Times gọi dự luật này là “vạn lí trường thành của nước Mỹ”. Một website sẽ bị chặn truy cập nếu như nó “quảng bá cho những hành vi có thể vi phạm bản quyền”, và nhắm trực diện đến nước Mỹ.

Theo định nghĩa, một website bị lọt vào sổ đen khi:

  1. Cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ “sao chép” cho khách hàng sống tại Mỹ.
  2. Có bằng chứng cho thấy Site đó có ý định cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ sao chép, hay vận chuyển hàng hóa/dịch vụ sao chép tới khách hàng Mỹ.
  3. Không có biện pháp hợp lí để ngăn chặn hàng hóa/dịch vụ sao chép lọt vào Mỹ.
  4. Giá thành sản phẩm hoặc dịch vụ được niêm yết bằng USD.

Một số ý kiến cho rằng, định nghĩa này có thể đưa cả YouTube, Wikipedia hay WikiLeaks vào sổ đen hết. Nhất là WikiLeaks, một website đã đăng tải nhiều tài liệu nội bộ của Chính phủ Mỹ cũng như của doanh nghiệp Mỹ.

Ai ủng hộ SOPA?

Hàng nghìn người đổ xuống đường để phản đối dự luật "bóp chết Internet".

Ba tổ chức ủng hộ SOPA tích cực nhất là MPAA (Hiệp hội Điện ảnh Mỹ), Hiệp hội Công nghiệp Thu âm Mỹ (RIAA) và Phòng Thương Mại Mỹ. CNET cho biết Hollywood đã chi số tiền nhiều gấp 10 lần Thung lũng Silicone để vận động hành lang cho dự luật này trong 2 năm qua.

Ngoài ra, hơn 400 doanh nghiệp và tổ chức cũng gửi đi một lá thư ủng hộ SOPA.

Còn tại Quốc hội Mỹ?

Sự ủng hộ mà PIPA nhận được là rộng rãi một cách khó tin, còn SOPA ít hơn một chút. Một phân tích của RIAA cho hay trong số 1900 dự luật được giới thiệu với Thượng viện, chỉ có khoảng 18% dự luật nhận được tỉ lệ tán thành cao như PIPA.

Liệu SOPA có chặn TOR?

Có thể, SOPA nhắm đến bất cứ ai “biết, sẵn lòng cung cấp hoặc ngỏ ý cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ được thiết kế hay bán ra bởi những thể chế “xâm phạm”.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Đối với PIPA, Ủy ban Tòa án của Thượng viện đã phê chuẩn dự luật này và PIPA đang chờ bỏ phiếu rộng rãi tại Thượng viện vào ngày 24/1 tới đây. Trong cuộc tranh luận kéo dài hai ngày ở Ủy ban này hồi giữa tháng 12, người ta thấy rõ rằng phe ủng hộ SOPA chiếm đa số trong Ủy ban. Theo dự đoán, những người này sẽ tiếp tục ủng hộ SOPA khi Quốc hội được bầu lại trong năm 2012.