Nhân kỷ niệm một năm sau thảm họa động đất Tohoku 11/3/2011 ở Nhật Bản, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam trân trọng giới thiệu chùm phim có nội dung liên quan tới các thảm họa tự nhiên tại Nhật Bản, từ thứ Sáu 16/3 tới Chủ nhật 18/3 tại Phòng chiếu số 4, Trung tâm Chiếu phim quốc gia, 87 Láng Hạ, Hà Nội.
<></>
Người dân ở Nhật Bản có một lịch sử dài trong việc sống và đương đầu với nhiều loại thiên tai như động đất, sóng thần, núi lửa và bão lớn. Việc chống lại những thiên tai này là rất khó khăn, vất vả và tốn nhiều thời gian để chế ngự và khắc phục hậu quả. Những thảm họa này, tuy nhiên, cũng truyền cảm hứng cho nhiều đạo diễn phim Nhật Bản để làm những bộ phim có nội dung liên quan đến thiên tai, hoặc có ảnh hưởng tự nhiên tới việc quay phim. Bốn bộ phim được chọn chiếu dịp này là những ví dụ tiêu biểu.
Bộ phim <>“Tứ tấu”</> (2012) nói về Kai Nagae hy vọng trở thành một nghệ sĩ violin chuyên nghiệp. Em sống ở thành phố Urayasu cùng với bố mẹ và chị gái. Gia đình Kai trước đây thường cùng biểu diễn nhạc cổ điển, nhưng gần đây, họ ít quan tâm đến nhau và âm nhạc. Mong ước gia đình được đoàn tụ, Kai quyết định thành lập nhóm tứ tấu gia đình. Liệu họ có thành công?
Bộ phim được quay tại thành phố Urayasu, nơi có nhiều hậu quả nhiễm độc khoáng đất sau trận động đất. Đoàn làm phim đã hoàn thành bộ phim với sự trợ giúp của rất nhiều tình nguyện viên. Khi ta biết về hậu trường của bộ phim, thông điệp của phim (về tầm quan trọng của một gia đình đoàn tụ) tỏa sáng hơn và làm rung động lòng người sâu sắc.
<>“Hành trình của Haru”</> (2010) được quay tại tỉnh Miyagi và bị ảnh hưởng trực tiếp khi động đất và sóng thần xảy ra. Mặc dù bộ phim được thực hiện trước thảm họa ngày 11/3, các vấn đề về người già trong phim gợi cho chúng ta những hướng suy nghĩ về người lớn tuổi trong các khu vực bị thiên tai.
Bộ phim tài liệu <>“Những cô gái múa hula tỉnh Fukushima”</> (2011) ghi lại những vật lộn với cuộc sống và các hoạt động của “các cô gái múa hula” ở khu nghỉ dưỡng Hawai, nơi bị tàn phá bởi bốn thảm họa: động đất, sóng thần, phóng xạ hạt nhân và các lời đàm tiếu. Những cố gắng nỗ lực của họ để xây dựng lại thiên đường và để mang tiếng cười trở lại với Nhật Bản thật xúc động.
Bộ phim <>“Wanko”</> (2011) mô tả cuộc sống của một gia đình và một chú chó tại Miyakejima, một hòn đảo nhỏ có núi lửa đang hoạt động. Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật khiến khán giả cảm động rơi lệ.
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam hy vọng qua bốn bộ phim này, khán giả sẽ ghi nhớ thảm họa động đất Tohoku và qua đó trân trọng những giá trị trong cuộc sống của chúng ta.
Tất cả các phim được chiếu nguyên bản tiếng Nhật với phụ đề tiếng Việt và Anh. Vé mời miễn phí được phát tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội từ 10h00, ngày thứ Sáu 9/3/2012.
Chương trình chi tiết bạn đọc có thể tải tại đây.
<>Bảo Ngọc</>