Không chờ đến lúc EVN Telecom sắp ngưng hoạt động, giới buôn SIM đã đánh hơi được thị trường béo bở của các nhà mạng nhỏ ngay từ trong trứng nước.
Găm SIM, ôm hàng "đẹp"
Hoá ra là ông bạn cũ dân buôn SIM gạo cội. C. hiện đang nắm giữ trong tay những SIM trị giá cả trăm triệu của 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone. Điều ngạc nhiên là tại sao hắn lại nhảy sang buôn SIM các mạng nhỏ kiểu này.
Sau một chầu cafe, C. giải thích: "Cậu chẳng nhanh nhạy gì cả. Có nhớ thời SIM Viettel không? SIM cam kết, SIM đẹp bán rẻ như cho. Mình ký cam kết cả lố tính ra nhập vào chưa đến 30 triệu/SIM ngũ quý, tứ quý nhưng giờ nó có giá cả trăm triệu rồi. Lãi hơn cả vàng với đất ấy chứ".
Chậm rãi, C. bảo: "SIM S-Fone, Beeline hay EVN Telecom bây giờ đang lên giá ầm ầm. Nhất là EVN Telecom thì bây giờ xác định là chậm chân rồi vì khả năng nó sẽ trở thành một nhà mạng GSM đại gia chỉ còn nay mai. SIM tăng giá từng ngày. Cuối năm ngoái, một số như 0968855555 chỉ rao bán giá tầm 25 triệu là kịch kim nhưng bây giờ tôi đố cậu mua được dưới giá 100 triệu".
Cùng suy luận của C., anh Công Thành, một chủ “kho SIM” cũng cho biết: "Các dải 095, 096 đều thuộc dạng đẹp đấy em ạ. 0958, 0956 hay 0968, 0966 nếu mà đổi sang GSM thì sẽ thành những đầu số rất có giá vì nó không dính 4 (tử), 7 (thất) như các đầu số nhà mạng khác mà 5 còn là tài, 6 là lộc".
Chẳng thế mà hiện nay, giá trị các SIM EVN Telecom trên thị trường đang tăng giá đồng loạt, từ 20% đến 30% trên mỗi số SIM đẹp. Đó là chưa kể những "con" SIM ngũ quý, lục quý của nhà mạng này trước đây rao bán chẳng ai mua thì giờ đã không còn hoặc đã bán vì người sở hữu thì găm hàng, người cần thì đã mua ngay trước khi giá còn lên nữa.
Anh Đức Cảnh, nhân viên ngành báo chí tiếc rẻ: "Năm ngoái được đối tác bên EVN Telecom tặng đôi SIM tứ quý 6 mạng 3G. Chẳng có nhu cầu nên đem cho luôn vì chẳng có nhu cầu dùng. Giờ bỗng chốc lên giá hơn 20-30 triệu/SIM thấy tiếc thật".
Cùng chung tâm trạng với anh Cảnh là rất nhiều nhân viên của nhà mạng này được hưởng chính sách ưu đãi số đẹp loại 3, loại 4 hồi đầu năm nhưng không có nhu cầu sử dụng mặc dù được hỗ trợ cước phí hàng tháng.
Găm hàng chờ thời
Anh T.Anh, đại lý SIM thẻ cho biết: "Ôm hàng thế này cũng chưa biết có ăn thua gì không vì bây giờ số phận các nhà mạng còn chưa ngã ngũ. Nếu mà nhà mạng sắp sập bị nhà mạng khác với chính sách quản lý SIM thẻ kiểu VNPT thì cũng khó giữ số lắm, không khéo còn mất trắng".
Trong bối cảnh hiện nay, nếu EVN Telecom đang sắp được định đoạt sẽ đi đâu về đâu thì các nhà mạng như S-Fone hay Beeline là một bài toán khó. Băng tần hạn hẹp hay công nghệ không hợp thời là rào cản khiến các nhà mạng này rất khó để "khắc nhập" vào một đại gia khác.
SIM đẹp EVN Telecom tăng giá đột biến.
Bản thân các SIM số của các nhà mạng nhỏ hiện nay ngoài Vietnamobile còn kinh doanh thì như S-Fone muốn đi mua thẻ cào để "nuôi" SIM phải chạy cả Hà Nội may ra mới tìm được vài đại lý bán hay Beeline thì hầu hết toàn dải 11 số 0199 cũng không phải "hàng đẹp".
Một điểm dễ nhận thấy của các SIM đẹp hàng ế này là dù có lắp vào máy di động cũng khó mà có sóng do độ phủ của các nhà mạng này tại Hà Nội và các vùng ngoại thành hết sức kém.
Anh T.Long chia sẻ: "Hôm trước bật cái máy cắm SIM S-Fone đèm đẹp lên thấy sóng về 0, còn mỗi chữ 1x mặc dù đang ở ngay giữa Hà Nội. Tá hoả tưởng nhà mạng tịch thu số về kho rồi thì đi một lúc ra chỗ khác sóng lại lên 1 vạch".
Theo một dân buôn SIM kỳ cựu nhận định thì: "Đầu cơ thế này cũng chỉ là một kiểu kinh doanh mặt hàng bình thường thôi. Nếu gặp thời, gặp thế thì ăn được chứ nếu đen đủi thì có khi xôi hỏng bỏng không".
Việc mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp viễn thông là điều khó tránh trong tương lai gần, nhất là đối với những nhà mạng kinh doanh thua lỗ, khách hàng ít, hạ tầng kém. Nhưng rõ ràng việc găm mặt hàng khó định giá như SIM số đẹp quả là một cách làm đầy mạo hiểm và thách thức của giới đầu cơ SIM số.