"Hiện tại, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của các công ty thương mại Việt Nam chính là Google chứ không phải là những website thương mại điện tử nước ngoài". |
Đó là nhận định của ông Lê Hồng Minh - Tổng giám đốc Công ty VNG - về cuộc cạnh tranh hiện nay giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trên thị trường nội dung số.
- Khó khăn, nhiều doanh nghiệp không mặn mà với website
- Doanh nghiệp Việt thờ ơ với việc bảo vệ 'mảnh đất online'
- Doanh nghiệp muốn bỏ iPad, dùng tablet Windows 8
Nhận định của ông Minh được đưa ra trong buổi hội thảo về công nghệ và nội dung số diễn ra ngày 3/12. Theo ông, hiện tại các doanh nghiệp Việt đang không nắm được hai khâu quan trọng trong hệ thống kinh doanh nội dung số, đó là phân phối và kinh doanh. Do đó, họ bị "ép" gần như chỉ được vẫy vùng trong khâu đầu tiên là sản xuất nội dung.
"Hiện tại, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của các công ty thương mại Việt Nam chính là Google chứ không phải là những website thương mại điện tử nước ngoài". |
Ông Lê Hồng Minh lấy ví dụ, khi người dùng cần tìm một sản phẩm nào đó, việc đầu tiên họ nghĩ đến là vào công cụ tìm kiếm Google, tức là Google đã nắm được chuỗi phân phối nội dung. Khi đó, các nhà quảng cáo sẽ tìm đến Google để quảng cáo, thay vì hợp tác với các website thương mại điện tử Việt Nam. Vấn đề mạng xã hội cũng tương tự, khi Facebook sẽ là điểm đến đầu tiên người dùng chọn khi muốn chia sẻ thông tin, thay vì một mạng xã hội nào đó của các nhà cung cấp trong nước. Ông Minh cho biết, việc các đối thủ nắm quá tốt các chuỗi phân phối nội dung và kinh doanh nội dung chính là điểm khiến doanh nghiệp nội dung số Việt Nam phải lo lắng.
Khi được hỏi về việc, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách để ngăn chặn những công ty nước ngoài (như Google, Facebook) để tạo điều kiện cho các sản phẩm trong nước phát triển, và liệu Việt Nam có thể áp dụng một mô hình như thế, ông Minh cũng thẳng thắn thừa nhận việc “ngăn sông cấm chợ” là cực kỳ khó khăn. Do đó, thay vì đòi hỏi quyền bảo hộ, ông chỉ mong muốn Nhà nước tạo ra một sân chơi công bằng, tức là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước bằng các chính sách thông thoáng hơn.
Trong số các bài phát biểu tại hội thảo, có lẽ phần phát biểu của ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Bằng chứng là việc ông Minh nhận được rất nhiều câu hỏi từ phía những người tham dự hội thảo, khiến người dẫn chương trình chỉ có thể chọn đọc một vài câu hỏi tiêu biểu, số còn lại đề nghị ông Minh "trả lời bằng văn bản sau".
Trước đó, trong bản báo cáo có chủ đề “Tổng quan về truyền thông số ở Việt Nam”, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, đã đưa ra nhiều con số thú vị về tốc độ phát triển thuê bao di động cũng như Internet tại Việt Nam. Theo đó, cả nước hiện có khoảng 130 triệu thuê bao di động, bao gồm cả 2G và 3G, đạt tỉ lệ 145 điện thoại di động/100 dân. Cho đến thời điểm cuối năm 2012, có khoảng 10 triệu điện thoại di động sử dụng dịch vụ mạng 3G có phát sinh lưu lượng.
Ông Lê Doãn Hợp công bố bản báo cáo “Tổng quan về truyền thông số ở Việt Nam”. |
|
Đứng trước câu hỏi về việc thuê bao Internet Việt Nam trong 7 tháng qua không có dấu hiệu tăng trưởng, chứ không “thần tốc” như được nêu trong các bản báo cáo, ông Hợp cho biết, viễn thông là một thị trường đặc biệt, mà theo ông là “vui cũng cần chia sẻ, buồn cũng cần chia sẻ, khủng hoảng cũng cần chia sẻ, ăn nên làm ra càng cần chia sẻ”, nên không có chuyện ngành viễn thông không tăng trưởng. Có chăng chỉ là việc tạm dừng tăng trưởng do việc chi tiền của người dân giảm xuống, hoặc cũng có thể do một số báo cáo chưa chính xác nào đó. Ông cho biết, Trung ương luôn chỉ đạo rất chính xác, nhưng khi thực hiện tại địa phương, sai lệch hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là tại Việt Nam.
Với cương vị là Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, ông Hợp cũng đã đưa ra một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của truyền thông số tại Việt Nam, đồng thời nhận định xu hướng phát triển của truyền thông số trong thời gian tới.
Là một sự kiện quốc tế, Hội thảo về công nghệ và nội dung số đã thu hút một lượng đông đảo các diễn giả là CEO các công ty nội dung lớn tại Việt Nam và các diễn giả đến từ các đơn vị nổi tiếng như Hội đồng Anh, đại diện hãng thông tấn AP của Mỹ... Trong số những bài phát biểu được đưa ra tại hội thảo, sự quan tâm được dành cho bài phát biểu với nội dung “Ngành thiết kế ứng dụng di động tại Việt Nam - mới sơ khai nhưng đầy tiềm năng”, của ông Bùi Trường Sơn, Tổng giám đốc Fenix, một nhân vật đã “nhẵn mặt” tại các hội thảo quốc tế về nội dung số tại Việt Nam.
Ngành thiết kế ứng dụng di động tại Việt Nam: "Mới sơ khai nhưng đầy tiềm năng". |
Trong bài phát biểu của mình, ông Sơn đặc biệt nhấn mạnh di động chính là hướng phát triển của tương lai. Nếu như thập niên 90 là thời kỳ của phần mềm Microsoft, những năm 2000 là thập niên của web thì thập kỷ tiếp theo chính là thập kỷ của di động.
Ông cũng đưa ra những con số thuyết phục về sự phát triển của mobile như việc mỗi ngày có 378.000 chiếc iPhone được bán ra, nhiều hơn toàn bộ số trẻ em được sinh ra trên toàn thế giới trong một ngày, hay việc 1,3 triệu thiết bị Android được kích hoạt mỗi ngày.
Theo ông Sơn, di động có nhiều lợi thế so với các hình thức khác, đó là tính cá nhân, tính vị trí, tính cơ động... Với các nền tảng iOS, Android hay Windows Phone, kỷ nguyên của di động mới chỉ bắt đầu, và các thiết bị wearable (đeo tay hoặc kính mắt) mới chính là sản phẩm tiên tiến nhất của kỷ nguyên di động. Ông cũng chỉ ra một thực tế rằng, các doanh nghiệp Việt hiện mới chỉ làm nhiệm vụ chuyển các hệ thống có sẵn từ web sang di động, mà chưa tạo ra được một sản phẩm đột phá, dành riêng cho di động. Do đó, cơ hội là rất lớn đối với ngành viết ứng dụng cho di động.
Theo Thành Duy, Infonet