Nhằm hạn chế nhập siêu, Bộ Công thương đã siết lại việc nhập khẩu điện thoại di động, thế nhưng mặt hàng này vẫn nhập về ồ ạt, trong đó chủ yếu là điện thoại giá rẻ từ Trung Quốc.
Hàng loạt chiêu lách luật đã được các doanh nghiệp tận dụng nhằm tìm cách nhập các loại điện thoại từ thị trường này về, kể cả hàng nhái, hàng giả...
Nếu như tháng 6-2011, kim ngạch nhập khẩu điện thoại di động và linh kiện từ Trung Quốc vẫn ở mức 77,62 triệu USD thì theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tháng 9-2011 kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã tăng vọt lên đến 216,1 triệu USD.
Đổ bộ qua đường chính ngạch
Khảo sát thị trường điện thoại di động tại TP. HCM cho thấy ở khu vực vùng ven thị phần nghiêng hẳn về hàng nhập khẩu Trung Quốc giá rẻ như Qmobile, Mobell, Pop Mobile, K-Touch, Gfive... Kênh tiêu thụ mà các loại điện thoại này nhắm đến là người có thu nhập thấp, công nhân, học sinh sinh viên... Do đó, tại các khu vực gần khu công nghiệp và trường đại học ở Q.7, Thủ Đức, Gò Vấp... , thị trường nằm trong tay giới buôn hàng Trung Quốc.
Mất tiền vì mua hàng dỏm
Theo Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng VN phía Nam, gần đây rất nhiều người tiêu dùng mua điện thoại di động Trung Quốc đã gửi đơn khiếu nại vì mua phải hàng dỏm, không sử dụng được. Ông Lê Văn Giang (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) gửi đơn khiếu nại vì mua phải iPhone 4 Trung Quốc tại một cửa hàng trên đường Lạc Long Quân (Q. Tân Bình, TP. HCM). Chiếc máy giá 3,1 triệu đồng đã không nghe được ngay khi mua về. Ông Giang nhiều lần liên lạc đề nghị bảo hành thì được cửa hàng yêu cầu gửi máy để đổi chiếc khác. Nhưng sau khi gửi máy thì người bán hàng “lặn” mất.
Những cửa hàng điện thoại di động ở các khu vực này bày la liệt điện thoại và linh kiện nguồn gốc Trung Quốc. Các sản phẩm này được bán phổ biến với giá 300.000-800.000 đồng/chiếc. Các loại có giá trên 1 triệu đồng/chiếc được người bán hàng giới thiệu có phong cách thời trang, lịch lãm, hai SIM hai sóng, đủ các chức năng... Riêng linh kiện điện thoại gần như toàn bộ đều là hàng Trung Quốc.
Tại khu vực trung tâm thành phố, sự đổ bộ của hàng Trung Quốc ồ ạt tới mức các trung tâm bán hàng, đại lí, showroom mọc lên khắp nơi và lấn vào điểm bán hàng tại các bưu điện. Thậm chí một nhà nhập khẩu điện thoại giá rẻ Trung Quốc còn cho biết đang phải tuyển hàng loạt nhân viên bán hàng để đưa hàng về Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Bình Thuận, Bình Định... “Đưa hàng đi tỉnh là dễ tiêu thụ và kiếm lời nhất”, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này cho biết.
Anh Trần Văn Thắng, chủ một cửa hàng điện thoại di động trên đường Phạm Văn Chiêu, Q. Gò Vấp, TP. HCM, cho biết giá các loại điện thoại Trung Quốc khá rẻ so với các thương hiệu khác. “Một chiếc POP Mobile P71 của Trung Quốc thiết kế gần giống với Nokia E71 từ màu sắc đến bàn phím, dáng máy nhưng giá P71 chỉ 900.000-1 triệu đồng/chiếc, trong khi giá E71 có thời điểm ở mức 6,5 triệu đồng/chiếc.
Theo Tổng cục Hải quan, từ tháng 6-2011 đến nay kim ngạch nhập khẩu điện thoại di động từ Trung Quốc tăng liên tiếp với tỉ lệ rất cao. Chỉ riêng trong tháng 9-2011, nhập khẩu điện thoại di động và linh kiện từ Trung Quốc đã tăng 107,48% so với tháng 9-2010, đẩy tổng kim ngạch nhập khẩu điện thoại di động và linh kiện của Trung Quốc trong chín tháng đầu năm nay hơn 1,1 tỉ USD, tăng 51,96% so với cùng kì năm ngoái. Trên thị trường điện thoại di động nhập chính ngạch, hàng Trung Quốc đang chiếm khoảng 66-73% thị phần.
Nhiều chiêu gian lận thương mại
Theo các cán bộ hải quan TP. HCM, một trong những lí do khiến điện thoại di động nhập khẩu về nhiều là vì hiện nay mức thuế chỉ 2% với cả hàng nguyên chiếc và linh kiện đồng bộ 2/3 chiếc điện thoại. Còn về quy định, điện thoại di động nguyên chiếc chỉ được nhập về qua cảng biển quốc tế TP. HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng thay vì được thoải mái đi bằng đường hàng không như trước đây (theo thông báo 197 của Bộ Công thương áp dụng từ ngày 1-6), một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp dễ dàng lách luật.
Cụ thể, nhà nhập khẩu có thể tách lô hàng ra thành linh kiện, nhập linh kiện đồng bộ gần hết chiếc máy, sau đó vẫn vô tư nhập về bằng đường hàng không hoàn toàn hợp pháp. Mức thuế vẫn giữ nguyên, thời gian kể từ khi giao dịch đến khi hàng về đến VN chỉ hai ngày.
Một trong những chiêu khác được nhân viên các công ty dịch vụ xuất nhập khẩu mách nước nhau là nhập hàng về bằng hình thức phi mậu dịch (tức hàng nhập không có hợp đồng mua bán, không mang mục đích thương mại, sử dụng làm quà biếu, tặng... ). Nhập khẩu phi mậu dịch hiện vẫn không có quy định giới hạn số lượng lô hàng. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể né được tất cả quy định trong thông báo 197 của Bộ Công thương. Tức hàng có thể về qua bất kì cửa khẩu đường bộ, sân bay hay cảng biển nào. Doanh nghiệp nhập hàng cũng không cần giấy ủy quyền của nhà sản xuất chính hãng, hàng không phải đóng thuế.
Tràn ngập hàng giả
Tuy nhiên, giới kinh doanh điện thoại di động cho biết kim ngạch nhập khẩu bằng đường chính ngạch chưa phản ánh hết quy mô và mức độ chiếm lĩnh của điện thoại Trung Quốc tại VN. Điện thoại Trung Quốc vào VN bán giá rẻ còn bằng cách gian lận thương mại khác là nhập lậu, trốn thuế. Tại các cửa hàng bán lẻ điện thoại di động, rất dễ dàng tìm thấy các sản phẩm nhái iPhone 4, iPhone 3GS, Nokia N8, Nokia 8800... Các sản phẩm này bán giá từ 1,3-3 triệu đồng/chiếc tùy loại.
Anh T. , chủ một cửa hàng điện thoại di động ở Q. Gò Vấp, cho biết các đầu mối này thường tập trung ở khu vực Q.6, Tân Phú, Thủ Đức... Theo anh T. - một đầu mối bán sỉ điện thoại giả nguồn gốc Trung Quốc trên đường Lũy Bán Bích, P. Hòa Thạnh, Q. Tân Phú đang là một trong những “trùm” phân phối hàng “vỏ Apple, ruột Trung Quốc” ở TP. HCM. Để tăng lượng bán hàng, đầu mối này còn quảng cáo rùm beng trên Internet.
Theo ông Nguyễn Trọng Hùng, phó cục trưởng Cục Hải quan TP. HCM, các loại điện thoại Trung Quốc làm giả, nhái thương hiệu khác như Nokia, iPhone... đều được coi là hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và nếu về qua cửa khẩu chắc chắn sẽ bị chặn lại, bắt giữ. Vì vậy, Chi cục Quản lí thị trường TP. HCM nhận định hàng giả, hàng nhái nguồn gốc Trung Quốc chỉ có thể trà trộn vào thị trường trong nước bằng đường bộ từ khu vực biên giới phía Bắc. Mới đây, lực lượng quản lí thị trường TP. HCM đã bắt giữ trên 2.000 chiếc điện thoại và gần 23.000 chiếc linh kiện nhập lậu từ Trung Quốc.
Điện thoại Việt đặt hàng tại Trung quốc
Theo một chuyên gia công nghệ thông tin của một công ty điện thoại lớn, nhiều sản phẩm điện thoại di động thương hiệu Việt hiện phần lớn đều đặt hàng tại Trung Quốc, thậm chí có đơn vị đến logo cũng do phía Trung Quốc dán.
Hàng xuất xứ Trung Quốc giá rẻ vì các nhà sản xuất của họ không chỉ bán cho Việt Nam, mà bản thân họ đã có cả một thị trường hơn 1,3 tỉ dân để cung cấp, có những sản phẩm có nhu cầu đến cả trăm triệu chiếc mỗi năm cho thị trường nội địa. Sau đó họ mới xuất sang các nước khác.
Theo Tuổi Trẻ Online