Điện thoại

Điện thoại giá rẻ: "Còn lâu mới chết!"

Với quá nhiều smartphone cao cấp hiện nay, thị trường điện thoại giá rẻ tưởng như đã chết. Tuy nhiên, viễn cảnh u ám đó còn lâu mới xảy ra.

Mọi công ty điện tử tiêu dùng, đặc biệt là các hãng sản xuất điện thoại, đang nhìn về một tương lai xa hơn. Cơ hội của họ nằm trong việc làm thế nào để đặt smartphone vào tay một tỉ người dân tiếp theo.

smartphone bình dân

iPhone hay Galaxy không làm nên trò trống gì ở Ấn Độ hay các thị trường đang phát triển, tuy nhiên đây chính là nơi chứa đựng dòng tiền tương lai của họ. Chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã có dân số gấp 2,5 lần Mỹ và châu Âu gộp lại. Hãng nghiên cứu IDC ước tính năm 2013 có khoảng 820 triệu thiết bị di động được xuất xưởng, chủ yếu hướng tới các quốc gia phát triển, song với 7 tỉ dân còn lại, vẫn còn một chặng đường dài để các hãng “đánh chiếm” trái tim người dùng.

Trong tương lai, xu hướng sản xuất thiết bị Android hay iOS giá rẻ, bình dân hơn sẽ hình thành để hướng tới thế giới thứ ba. Hiện tại, những smartphone Android hay iOS cao cấp đều quá đắt đối với đại bộ phận người dân.

Bên cạnh đó, một số người dùng smartphone lại quay lưng với Apple, Samsung vì những điện thoại bị đánh giá là “cơ bản” như BlackBerry hay Windows Phone. Họ nhận ra việc không được hưởng nhiều giá trị khi bỏ ra khoản tiền lớn mua về thiết bị cao cấp. Điện thoại của BlackBerry đủ sức cung cấp trải nghiệm email tuyệt hảo, truy cập Internet và cả ứng dụng. Trong khi đó, các tính năng tân thời như trợ lí giọng nói Siri hay mở khóa bằng khuôn mặt (face unlock) dường như quá xa lạ.

Vì sao người dân “thế giới thứ ba” muốn smartphone?

Báo cáo di động tại các nước đang phát triển năm 2013 cho thấy 1/3 người dùng tại đây muốn mua thiết bị có đầy đủ chức năng của thương hiệu cao cấp song có giá rẻ hơn. 38% người Nigeria, 15% người Ấn Độ, 11% người Brazil và 9% người Ả-rập Xê-út muốn smartphone giá dưới 100 USD trong khi một nửa còn lại có thể chi 100-300 USD. Số tiền này không đủ để mua iPhone hay Galaxy S4, song chúng ta có những giải pháp khác.

Ví dụ, hãng tìm kiếm Internet Baidu (Trung Quốc) bán smartphone do Lenovo sản xuất. Mẫu mới nhất là LePhone A586 màn hình 4.5 inch, nền tảng Android 4 cùng các tính năng, ứng dụng, công cụ tìm kiếm bằng giọng nói và thậm chí là mở khóa bằng giọng nói riêng của Baidu nhưng chỉ có giá 153 USD, rẻ hơn tới 4 lần so với iPhone. Một khi thống trị thị trường nội địa – theo dự tính là năm 2015, liên minh Lenovo – Baidu sẽ hành quân về Brazil, nơi tỉ lệ người dùng smartphone mới là 14%.

Lí do chính để người dân sở hữu smartphone là ứng dụng gọi điện và Wi-Fi. Ứng dụng gọi điện khiến smartphone trở nên rẻ hơn, hấp dẫn hơn về lâu về dài so với điện thoại phổ thông dù chi phí bỏ ra ban đầu cao hơn chút đỉnh. Các ứng dụng loại này cho phép người dùng tận dụng Wi-Fi để lấp đầy khoảng trống trong cơ sở hạ tầng di động yếu kém của quốc gia.

Xem: Cuộc đua smartphone giá rẻ chỉ mới bắt đầu - Techz.vn

Apple, Samsung không phù hợp với thị trường

Nền kinh tế mới nổi nhạy cảm về giá hơn nhiều so với các nước phát triển. Chỉ chênh lệch 15 USD cũng khiến người dùng suy nghĩ, đặc biệt nếu họ không ham mê công nghệ.

Thế giới smartphone tương lai cung cấp song song thiết bị cao cấp và thiết bị giá rẻ, trong đó phân khúc giá rẻ chính là “thị trường tỉ dân” tiếp theo. Cuộc đua này có thể dẫn tới sự ra đời của một nền tảng mới mà Firefox OS của Mozilla là một ví dụ. Smartphone Firefox sẽ ra mắt năm nay tại Mỹ Latinh thông qua mạng lưới của hãng viễn thông Telefónica.

Ngoài ra, mô hình cửa hàng ứng dụng trực tuyến đòi hỏi thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ đang thịnh hành ở phương Tây lại khó áp dụng tại thị trường mới nổi. Do năng lực ngân hàng yếu, 42% người tiêu dùng tại đây muốn trả tiền qua nhà mạng hơn, vì vậy chính các nhà mạng chứ không phải các hãng sở hữu nền tảng có được lợi thế khi phát triển ứng dụng và nội dung. Điều này giải thích vì sao một nền tảng mở như Firefox OS có thể làm nên chuyện tại Mỹ Latinh và vì sao Telefónica lại hứng thú với nó.

Thị trường tỉ dân sắp tới không nghiêng về iPhone hay Galaxy song rõ ràng vẫn có đất cho smartphone cao cấp. Luôn có phân khúc dành cho những thiết bị kiểu này, đặc biệt khi tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng lên nhanh chóng. Dù một số nhà quan sát cho rằng iPhone giá rẻ sẽ tác động tới giá thị trường, nhiều nhà phân tích vẫn nghi ngờ khả năng đánh vào phân khúc bình dân của Apple. Thực tế, iPad mini không hề rẻ, trong khi Apple vẫn nổi tiếng vì giữ lợi nhuận biên cao hết mức có thể.

Tuy nhiên, ngay cả Apple cũng phải cảnh giác cao độ. Tại Trung Quốc, điện thoại “nhái” iPhone 5 xuất hiện hàng loạt, dù chúng chạy nền tảng Android, với giá chưa tới 92 USD. Theo thời gian, nhà mạng sẽ cung cấp loại điện thoại này vì chúng đủ sức cạnh tranh và vì thị trường đã bão hòa. Lúc này, smartphone cao cấp một lần nữa lại phải tìm cho mình một mô hình kinh doanh mới, cũng như những ứng dụng "hủy diệt" mới để sống sót.

Đọc thêm: IDC: “Cuộc chiến” smartphone giá rẻ tại Việt Nam ngày càng quyết liệt

Du Lam/Techradar/ICTNews