Sứ
c hấp dẫn của một chiếc máy tính bảng thế hệ mới mang thương hiệu “Quả táo” quả thực rất khó cưỡng lại. Nhưng chỉ với ngần ấy, iPad 3 có đủ sức chống đỡ trước hàng loạt đối thủ vốn sở hữu phần cứng, phần mềm và các tính năng vượt trội hơn.
Trang công nghệ Cnet vừa đăng tải một bài viết đề cập đến những thế mạnh mà một số đối thủ của iPad 3 có thể sử dụng như vũ khí đắc lực để đè bẹp chiếc máy tính bảng mới này.
Trước hết, hãy thử hình dung về iPad 3 kể cả khi chưa có bất cứ thông tin chính thức nào về sản phẩm được công bố. Những tin đồn mới nhất cho thấy iPad 3 sẽ sở hữu màn hình có độ phân giải cao ngang với màn hình Retina Display của điện thoại iPhone, chạy trên một phiên bản nâng cấp của hệ điều hành iOS và có thể sẽ có thêm một vài cải tiến mới khác. Chỉ ngần ấy thông tin đã đủ để hấp dẫn các tín đồ của Apple và hãng sẽ bán được hàng tá chiếc iPad mới ngay khi sản phẩm được phát hành ra thị trường. Tuy nhiên, với những cải tiến chóng mặt mà các đối thủ của Apple đang thực hiện, liệu iPad 3 có đủ sức để giữ vững “ngai vàng” của gã khổng lồ công nghệ Mỹ trên thị trường máy tính bảng hay không?
iPad 3 có đủ sức chống đỡ trước hàng loạt đối thủ vốn sở hữu phần cứng, phần mềm và các tính năng vượt trội hơn?
Không thể chối cãi việc iPad là một sản phẩm thương mại “bom tấn” đối với Apple. Trong quý 4 vừa qua, Apple đã bán được 15,4 triệu chiếc iPad, vượt xa cả tổng doanh số cả năm của các đối thủ cạnh tranh.
Nhưng iPad 2, thế hệ máy tính bảng mới nhất của Apple lại không đại diện cho đỉnh cao của công nghệ nói chung. Trên thực tế, cấu hình của iPad 2 có phần thua kém so với một số mẫu máy tính bảng khác hiện đang có mặt trên thị trường. Ngoài các thông số kỹ thuật, các công ty đối thủ còn không ngừng nỗ lực để đảm bảo những chiếc máy tính bảng của họ được trang bị các tính năng, phần cứng hay các dịch vụ đi kèm hơn hẳn so với iPad.
Hãy cùng Cnet điểm qua một số đối thủ sừng sỏ của iPad hiện nay:
Amazon Kindle Fire
Lợi thế lớn nhất của Kindle Fire chắc chắn là mức giá rẻ ngoài sức tưởng tượng. Thật khó để đối đầu với một chiếc máy tính có giá bán chưa đến 200 USD, chưa bằng một nửa so với iPad. Thông số kỹ thuật của Kindle Fire hẳn sẽ không ở cấp độ cao nhất nhưng thiết bị này không phải là một trải nghiệm tồi về mặt giá cả. Một tính năng quan trọng khác của Kindle Fire là truy cập vào kho nội dung số trực tuyến khổng lồ Amazon Prime (vốn có giá 79 USD/năm) và dịch vụ xem video của Amazon. Nếu tính toán chi tiết, người dùng chỉ phải bỏ ra 280 USD (bao gồm 200 USD tiền mua máy và 80 USD cho dịch vụ Amazon Prime) để sở hữu cho mình một chiếc tablet cấu hình ấn tượng và kho nội dung số cực kỳ phong phú và chất lượng.
Kindle Fire còn được trang bị trình duyệt mới toanh Silk Browser dựa trên nền điện toán đám mây. Trình duyệt này được thiết kế riêng cho Fire, cho tốc độ lướt web, duyệt trang và mức độ hồi đáp trang nhanh hơn nhiều.
Asus Transformer Prime
Prime tự hào là chiếc máy tính bảng đầu tiên trên thị trường được trang bị bộ vi xử lý 4 nhân Tegra 3 của Nvidia, cho khả năng xử lý đồ họa tốt hơn iPad của Apple, vốn chỉ sử dụng chip lõi kép A5.
Tuy nhiên, tính năng ấn tượng nhất của Prime là bàn phím có thể tháo rời của máy có khả năng biến Prime thành một chiếc máy tính xách tay ảo.
Prime chạy trên hệ điều hành Android 4.0 Ice Cream Sandwich, phiên bản mới nhất của nền tảng Android vốn giúp thu hẹp khoảng cách giữa giao diện người dùng smartphone và máy tính bảng. Chỉ thời gian mới khẳng định đây có phải là một lợi thế thực sự hay không.
Asus Padfone
PadFone nổi bật giữa hàng loạt máy tính bảng hiện đang có mặt trên thị trường bởi thiết kế độc đáo “phá vỡ mọi quy luật” của mình. PadFone về cơ bản là một chiếc máy tính bảng “lai” điện thoại. Khi được kết hợp với nhau, chiếc điện thoại 4,3 inch sẽ đóng vai trò là trung tâm xử lý cho chiếc máy tính bảng 10,1 inch. Còn khi được gắn vào bàn phím đi kèm, PadFone sẽ ngay lập tức biến thành một chiếc máy tính xách tay đích thực.
Bên cạnh đó, Asus PadFone còn có thêm tai nghe dạng bút được kết nối với cả thiết bị (máy tính bảng và điện thoại) thông qua Bluetooth và có thể được sử dụng để trả lời điện thoại ngay cả khi phần điện thoại đã nằm trong máy tính bảng.
Samsung Galaxy Note 10.1
Nếu đã từng trải nghiệm chiếc điện thoại lai máy tính bảng Galaxy Note 5,3 inch thì chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua chiếc máy tính bảng đúng nghĩa Galaxy Note 10.1. Lợi thế chính của thiết bị này cũng giống như người tiền nhiệm smartphone của nó là hỗ trợ bút S-Pen, hoạt động tốt hơn trên màn hình lớn hơn. S-Pen cũng được cải tiến với một thanh kẹp, một “cục tẩy” phía trên và thoải mái hơn cho người dùng khi sử dụng bút.
Giống như Transformer Prime, Galaxy Note 10.1 cũng sử dụng phiên bản Ice Cream Sandwich của Android.
Ngoài ra, chiếc máy tính bảng mới của Samsung còn được trang bị một camera phía trước 2 megapixel chất lượng cao hơn, một đặc điểm là iPad 2 còn thiếu. Hy vọng đến iPad 3, Apple sẽ giải quyết vấn đề vốn là rào cản đối với hoạt động chat video chất lượng cao này.
RIM PlayBook 2.0
Chiếc máy tính bảng PlayBook đã trải qua một thời kỳ khó khăn để tồn tại và sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng RIM đã hoàn thành bản cập nhật hệ điều hành PlayBook 2.0 cho thiết bị này trong tháng 2. Theo đánh giá của Cnet, một số tính năng của phiên bản hệ điều hành mới hoạt động khá mượt mà. Bản cập nhật phần mềm mới đã giải quyết những mặt thiếu sót của PlayBook như ứng dụng email, đồng bộ hộp thư đến, tích hợp ứng dụng lịch và danh bạ và đặc biệt là đã bổ sung tính năng hội nhập mạng xã hội như Facebook, Twitter và Likedln.
Gần đây, RIM cũng đã trình làng Mobile Fusion, một dịch vụ bảo mật email cho PlayBook. Với dịch vụ này, có thể RIM sẽ lấy lại được lòng tin của các doanh nghiệp, vốn là khách hàng truyền thống của hãng. Các tính năng như quét sạch các dữ liệu làm việc mà không bao gồm thông tin cá nhân đang là một bước đi đúng hướng cho RIM.
RIM PlayBook có mức giá 200 USD tương đương với Kindle Fire nhưng mức giá này là hệ quả từ sự lạnh nhạt của người tiêu dùng đối với PlayBook chứ không phải là ý định tạo ra một đối thủ cạnh tranh hơn ngay từ đầu của RIM.
Võ Hiền