Đánh giá laptop

Đánh giá Transformer Prime TF201 chạy trên ICS: hổ thêm cánh

Đánh giá Transformer Prime TF201 chạy trên ICS: hổ thêm cánh

Một lần nữa, những gì mà Transformer Prime mang lại lại khiến chúng tôi phải xếp nó vào ngôi vị “máy tính bảng Android tốt nhất hiện nay”. Vẫn là những gì làm nên tên tuổi của Prime, nhưng lần này là đi kèm với một hệ điều hành thực sự tốt dành cho máy tính bảng: Android Ice Cream Sandwich. Những gì tốt nhất đã được trang bị trên chiếc máy này, chỉ còn hai thiếu sót: chưa có sự hỗ trợ 3G built-in và mức giá hãy còn cao. Nếu có thêm phiên bản hỗ trợ 3G và có một mức giá hợp lý hơn, chắc chắn thành công của Transformer Prime sẽ không chỉ dừng lại ở việc được đánh giá cao và một doanh số “khiêm tốn”.


  • Đánh giá Transformer Prime : Ông vua mới của Tablet Android
  • Đánh giá ASUS Eee Pad Transformer Prime: Vẻ đẹp và sức mạnh mới

 

Chắc hẳn đã có nhiều lời tán tụng với chiếc Prime, nhưng chúng tôi vẫn phải nhắc thêm về những thứ đã làm nên “thương hiệu” cho chiếc máy này: sự sang trọng và mượt mà.

Sự sang trọng và tinh tế của Prime dường như có cảm hứng giống với những chiếc Zenbook (tên dòng Ultrabook của ASUS). Trong khi đó sự mượt mà đến từ sức mạnh bên trong: con chip 4 nhân đầu tiên trên các thiết bị di động, Tegra 3, cộng với 1GB RAM dồi dào.

Chúng tôi cũng đã có dịp được sử dụng và đánh giá về chiếc máy này, tuy nhiên đó là trước khi nó được ASUS cập nhật hệ điều hành Android 4.0 ICS. Trong lần “trở lại” này, chiếc máy mang đến kỳ vọng “lợi hại” hơn xưa. Để biết sự nâng cấp này đem đến những gì cho “Người máy biến hình”, hãy cùng chúng tôi tham quan một vòng quanh chiếc máy này.

Phần cứng: Một chút dông dài

Các bài đánh giá tại đây và tại đây của chúng tôi đã nói khá kỹ về vẻ ngoài của Transformer Prime, tuy nhiên đối với một sản phẩm tốt, thì khi nhắc đến người ta vẫn không quên các ưu điểm của nó, mà với Prime thì một trong những yếu tố “ăn điểm” nhất của nó chính là vẻ bề ngoài “sexy”.

Sexy and i know it - LOL

Rất bóng bẩy

Trong lần trở lại này, Prime vẫn khoác một lớp áo làm từ hợp kim magie với các vân xước, một chất liệu hiện đại và “thời thượng”, xuất hiện trên rất nhiều các sản phẩm của ASUS thời gian gần đây. Lại là nhắc lại, nhưng chất liệu này tạo nên cảm giác sang trọng khi cầm trên tay, cũng như hạn chế rất nhiều sự bám bụi bẩn và vân tay vốn sẽ làm “mất giá” của một sản phẩm đi rất nhiều.

Vẫn là vât liệu cao cấp

Lần này chúng tôi được tiếp cận một sản phẩm không phải mới hoàn toàn như những lần trước (ASUS Việt Nam cho biết đây là một sản phẩm trưng bày). Và bề mặt bằng kim loại mài xước đã chứng tỏ cho chúng tôi thấy khả năng của nó trong việc “che giấu” những gì mà người sử dụng gây ra: các vết xước vẫn có nhưng thật khó nhận biết, còn sự bám bụi hay vân tay thì khỏi phải bàn, vì chỉ cần 1 tấm khăn mềm và ale hấp! Tất cả sẽ biến mất.

Những gì còn lại về phần cứng của chiếc máy, chúng tôi xin đưa các bạn xem qua một vài những bức hình sau đây, vì quả thực người viết rất ngại nói lại những gì đã được nói, đặc biệt là lời khen =)).

Màn hình với kính Gorilla Glass bóng bẩy

Camera trước

Camera chính

Siêu mẫu :X

Chất lượng gia công của chiếc máy cực kỳ tốt, một chiếc máy theo chúng tôi được biết là được “quăng quật” suốt hàng tháng trời, qua tay vô số vị khách, nhưng các phím bấm vẫn rất nhạy và có độ đàn hồi tốt, trong khi hoàn toàn không có một dấu hiệu nào cho thấy có sự xuống cấp về vẻ ngoài nào.

Tất nhiên không phải tất cả đều hoàn hảo. Thiếu sót lớn nhất mà chúng tôi muốn nhắc tới ở đây tập trung ở phần dock của máy. Phần dock này trước đây chúng tôi đánh giá khá cao vì nó có nhiều chức năng, và toàn là những chức năng mới nghe đã thấy “sung sướng” cả: pin phụ, bàn phím với rất nhiều phím tắt tới các chức năng cần thiết (nút tắt mở các ứng dụng, chụp màn hình, các phím chức năng cứng…), cung cấp thêm các cổng kết nối và đặc biệt là hứa hẹn khả năng hỗ trợ USB 3G. Tuy nhiên các chức năng này khi được chúng tôi sử dụng thì không được tốt cho lắm. Tuy nhiên, trong lần trở lại này, với một thời gian sử dụng lâu hơn, trải nghiệm kỹ hơn, chúng tôi thấy một vài điểm chưa được tốt lắm ở phụ kiện mở rộng này.

Phụ kiện dock đáng giá (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng)

... với thiết kế cực mỏng thế này

... thì không hi vọng được gì về độ nảy và hành trình phím

Thứ nhất là một điểm yếu dường như là bắt buộc ở phần bàn phím. Đánh đổi bằng việc tinh giản tối đa về kích thước, bàn phím của máy có một hành trình phím rất nông, và điều đó sẽ khiến mất một thời gian cho người sử dụng làm quen trước khi giảm được số lỗi khi soạn thảo trên bàn phím này (vấn đề hay gặp nhất là phím spacebar không nhạy).

Cổng cắm USB, chuẩn bị sẵn sàng cho hỗ trợ USB 3G

Thứ đến là việc sử dụng USB 3G. Chúng tôi tiến hành test với USB 3G của Viettel, tuy máy cũng nhận nhưng khả năng kết nối internet là không có. Nếu có điều kiện, bạn hãy thử USB của các nhà mạng khác hoặc các USB chuyên biệt để thử xem. Chắc chắn máy có thể kết nối (chúng tôi tham khảo từ nhiều site về vấn đề này), nhưng vấn đề là loại USB (cũng như hãng sản xuất), vì Android không phải là nền tảng có nhiều driver cho các thiết bị cắm ngoài.

Khe cắm thẻ nhớ SD

Việc sử dụng các thiết bị cắm ngoài (SD card, micro SD card, ổ cứng ngoài, USB Flash thông thường) là rất tốt, tuy nhiên chắc chắn chúng sẽ khiến cho thời lượng sử dụng pin giảm đáng kể, đây là điều chúng tôi lưu ý bạn đọc.

Chức năng còn lại của dock, chức năng pin phụ, thì không có gì phải phàn nàn. Với bộ “tăng lực” này, thời lượng pin của Transformer Prime hiện đang dẫn đầu trên thị trường. Chi tiết hơn về thời lượng pin bạn có thể xem lại tại đây.

Tăng lực với ICS

Giao diện ICS nhẹ nhàng mà hiệu quả

Android 4.0 là niềm mơ ước của bất kỳ thiết bị di động nào chưa được nâng cấp trong thời điểm này. ICS mang đến những cải tiến đáng kể về hiệu năng cũng như sự ổn định trong quá trình sử dụng. Những thứ đó người dùng có thể cảm nhận dần dần trong quá trình sử dụng, nhưng có một thay đổi mà người ta nhận ra ngay lập tức: sự trau chuốt hơn trong giao diện và sự quản lý rất tốt bộ nhớ.

Trau chuốt hơn? Bạn có nghĩ rằng một giao diện như Sense hay TouchWiz (phiên bản máy tính bảng) là hoàn hảo? Tất nhiên chúng đều là những gì tinh túy của những hãng sản xuất nổi tiếng, và đúng là chúng đẹp thật. Nhưng đi kèm với sự đẹp đẽ đó là những gánh nặng mà hệ thống phải chịu đựng. Chưa kể đến việc các hiệu ứng sẽ làm giảm hiệu năng xử lý chung, chỉ riêng việc can thiệp vào shell đồ họa của hệ điều hành cũng đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định hệ thống. Đây là một vấn đề lớn, nó ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm người dùng, mà điển hình là các hiện tượng “giật”, lag hay force close ứng dụng một cách “trời ơi” trong khi cấu hình của các hệ thống đó có thể không hề yếu. Các vấn đề này xuất hiện nhiều đến nỗi các anti-fan thường vin vào đó để đả kích hệ điều hành Android.

Giao diện của các trình multimedia rất đẹp

Vậy mà giao diện trên chiếc máy này lại trau chuốt hơn ư? Bạn có sợ rằng nó sẽ nặng nề hơn cả Sense hay TouchWiz? Nếu có thì xin an tâm. Giao diện của Transformer Prime hoàn toàn là giao diện gốc (stock) của Android ICS, thửa nguyên từ Google. Có chăng chỉ có thêm vào vài widget và ứng dụng được ASUS cài đặt sẵn cho người dùng. Chính vì vậy mà nó rất nhẹ và chạy ổn định. Các hiện tượng giật, lag hay force close rất hiếm khi xảy ra (thực tế trong thời gian thử nghiệm chúng tôi chưa hề gặp), kể cả khi máy mới mở hay khi đang sử dụng rất nhiều chương trình chạy ở chế độ nền.

khả năng quản lý tác vụ rất tốt

Không cần phải đến con chip Tegra 3 giao diện của ICS mới chạy ổn định, bằng chứng là những thiết bị Tegra 2 lên ICS cũng có thể chạy rất tốt, nhưng với con chip này, các hiệu ứng có vẻ mượt mà và nhạy hơn nhiều.

Chúng ta cũng phải kể đến khả năng quản lý bộ nhớ cực kỳ tốt của ICS. Chúng tôi tiến hành chạy nhiều game/app một lúc và thoát ra màn hình nền, sau đó chuyển qua sử dụng từng ứng dụng/game. Mặc dù mức RAM trống chỉ còn tầm 200MB/1GB, nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến hiệu năng. Điều này chứng tỏ các ứng dụng được cấp phát bộ nhớ độc lập và “thông minh”, cho phép CPU không bị giảm hiệu năng khi chuyển qua lại các ứng dụng.

Tóm lại, nâng cấp lên Android 4.0 khiến con chip Tegra 3 của Prime có cơ hội thể hiện hoàn toàn sức mạnh đồ họa của mình. Siêu phẩm này bây giờ như “hổ thêm cánh”.

Ứng dụng

App Launcher

Các widget của ASUS

Đã nhắc đến hệ điều hành mà không nhắc tới các tiện ích được nhà sản xuất cài đặt sẵn thì có lẽ là hơi thiếu thốn. Để đảm bảo tối đa sự ổn định của hệ thống, ASUS không tiến hành cài đặt quá nhiều tiện ích/ứng dụng cho Transformer Prime phiên bản 4.0 này.

Tiện ích mà chúng tôi cho rằng là đáng giá nhất đó là khả năng lưu trữ dạng đám mây cho khách hàng của ASUS. Với tiện ích ASUS WebStorage, người dùng có thêm 8GB lưu trữ dữ liệu trên server của ASUS. Với sự gia tăng của việc lưu trữ và đồng bộ dữ liệu dạng đám mây, thì đây là một món hời của người dùng Prime, khi mà những dịch vụ miễn phí như Google Drive hay Dropbox chỉ cung cấp một dung lượng lưu trữ là 5GB (tất nhiên có những cách miễn  phí để tăng dung lượng này thêm, nhưng chúng tôi đang xét đến dung lượng mặc định).

Tiếp đến là tiện ích cho phép người dùng Streaming các nội dung đa phương tiện: video, nhạc, ảnh qua mạng wifi (Mynet). Một tính năng khá hữu ích nếu như bạn có sử dụng một chiếc Smart TV hay có một chiếc HD/TV Box hỗ trợ Wifi đã rất phổ biến do không còn quá đắt đỏ như 1,2 năm trước đây.

Tegra Zone, nơi tụ hội của các tựa game đẹp nhất trên tablet Android

Và khi nhắc tới bất kỳ một thiết bị chạy chip Tegra nào, thứ mà chúng ta không thể không nhắc tới là game. ASUS không quên trang bị sẵn Tegra Zone cho chiếc máy con cưng của mình, để người dùng có thể dễ dàng tiếp cận những tựa game “HOT” nhất trên thị trường.

Hiệu năng chạy thực tế

Dù sao tất cả chỉ là cảm nhận, chúng tôi sẽ tiến hành vài phép thử trên các trình benchmark mới nhất để biết được cụ thể sức mạnh của con chip Tegra 3 trên Prime mạnh mẽ hơn như thế nào với các API mới trên hệ điều hành này. Trong quá trình thử nghiệm, chúng tôi sử dụng các phép thử của các chương trình: Smartbench 2012, CF Bench và Quadrant. Dưới đây là những kết quả thử nghiệm thu được của chúng tôi.

Đầu tiên là thông số chi tiết về cấu hình máy qua quá trình phân tích:

Và đây là kết quả test

Những con số đủ nói lên sức mạnh của Transformer Prime

Vượt qua những phép thử số liệu khô khan, chúng ta tiến đến những phép thử mang tính “thời sự” hơn.

Các trang web phức tạp vẫn được load rất tốt

Trước tiên là thứ mà người dùng luôn quan tâm khi sử dụng một thiết bị di động: hiệu năng của tín hiệu không dây và trình duyệt. Về điểm này có lẽ không cần phải bàn, vì ngay cả những chiếc máy tầm trung đã thể hiện điều này khá tốt rồi. Cụ thể hơn, chúng tôi sử dụng một bộ phát wifi chuẩn N 150Mbps của “hàng chợ” TP-Link, đặt cách 2 tầng nhà và sử dụng Transformer Prime. Dù chỉ còn 1,2 vạch sóng, nhưng máy vẫn có thể load video trên youtube ở mức 480p rất mượt mà (có thể giật với độ phân giải cao hơn). Hiệu năng của trình duyệt cực tốt, đặc biệt nếu như “no” sóng: các trang web với các nội dung flash phức tạp được load với thời gian dưới 10 giây (hiển thị theo chế độ desktop mode, load full các nội dung), thao tác duyệt qua lại, pinch to zoom, tap to zoom rất mượt mà trên một màn hình rất đẹp.

Tiếp đến là hiệu năng về game. Đây là phần mà người dùng quan tâm tiếp theo khi lựa chọn cho mình một thiết bị di động vì suy cho cùng, các thiết bị này hướng đến mục đích giải trí rất nhiều. Với các tựa game “hạng ruồi” như Angry Birds hay Cut the Rope, chắc chắn chúng ta không cần nhắc đến. Tiến đến những game “nặng hơn một chút” như Fruit Ninja (có thể bạn sẽ cười, nhưng việc tái tạo tựa game này trên một màn hình độ phân giải cao và lớn như trên Tablet thường không đem đến sự mượt mà), máy có thể thể hiện cực tốt, đặc biệt là với khả năng hỗ trợ đa chạm lên đến 10 ngón tay (có thể đây chưa phải con số cuối cùng, nhưng rất tiếc người viết đã cắt mất ngón tay thứ 11 – LOL). Và với những tựa game nặng như N.O.V.A hay GunBros, GTA III, vốn không phải là những tựa game mà cỗ máy nào cũng có thể “chơi chung”, con chip Tegra 3 trên Prime vẫn chứng tỏ sức mạnh “flagship” của mình khi nhẹ nhàng vượt qua với số khung hình cao và cho hiệu ứng hình ảnh tuyệt vời. Cho đến thời điểm viết bài này, người viết có thể cam đoan ngoại trừ iPad 3 (chỉ nghe đồn chứ chưa có điều kiện được thử nghiệm), đây là chiếc máy cho chất lượng đồ họa tuyệt vời nhất.

Lời kết

Một lần nữa, những gì mà Transformer Prime mang lại lại khiến chúng tôi phải xếp nó vào ngôi vị “máy tính bảng Android tốt nhất hiện nay”. Vẫn là những gì làm nên tên tuổi của Prime, nhưng lần này là đi kèm với một hệ điều hành thực sự tốt dành cho máy tính bảng: Android Ice Cream Sandwich. Những gì tốt nhất đã được trang bị trên chiếc máy này, chỉ còn hai thiếu sót: chưa có sự hỗ trợ 3G built-in và mức giá hãy còn cao. Nếu có thêm phiên bản hỗ trợ 3G và có một mức giá hợp lý hơn, chắc chắn thành công của Transformer Prime sẽ không chỉ dừng lại ở việc được đánh giá cao và một doanh số “khiêm tốn”.

Việc lựa chọn chúng tôi sẽ để dành cho bạn đọc, tuy nhiên với sự ra mắt của phiên bản giá rẻ TF300 cũng được cài đặt sẵn ICS nhưng có vài sự cắt giảm về thiết kế, ASUS đang hứa hẹn sẽ nổi lên như một trong những nhà sản xuất máy tính bảng có doanh số ấn tượng nhất trong năm nay. Hãy cùng chờ đợi để quyết định hoặc quyết định ngay từ hôm nay, rinh một chiếc Transformer về nhà – LOL.

 

Giá tham khảo :

- Phiên bản kèm dock: 15.999.000 (đã có VAT)