Dòng máy tính xách tay Qosmio chuyên giải trí của Toshiba xuất hiện trên thị trường khá lâu, nhưng đến gần đây hãng mới quyết định nhắm Qosmio hướng về game thủ. Nói thế không có nghĩa là các đời máy Qosmio thế hệ trước không đủ khả năng chơi được các game nặng. Chỉ là lần này, dòng Qosmio thế hệ mới được trang bị cấu hình quá khủng, không những đáp ứng các tác vụ giải trí nghe nhìn cao cấp nhất hiện nay ở laptop (như xem phim định dạng Blu-ray, trình chiếu 3D, chuyển đổi 2D sang 3D, hệ thống âm thanh Dolby), mà chính xác là giờ đây Qosmio đã được Toshiba nâng tầm lên để thu hút sự chú ý của giới chơi game hạng nặng thứ thiệt. Đây là một hướng đi đúng để minh chứng rằng, một khi đáp ứng dư đủ nhu cầu game thủ thì những tác vụ khác là chuyện nhỏ.
Một trong vài mẫu laptop 3D thuộc dòng Qosmio thế hệ mới mà Toshiba định
hướng như vậy là mẫu laptop Qosmio X770 cần kính 3D. May mắn là nhóm
HDVN-TestLab lần nữa lại có cơ hội được trải nghiệm sản phẩm mới này của
Toshiba. Sau đây mời anh em cùng nhóm và scotty tìm hiểu sâu về Qosmio
X770 qua bài đánh giá chi tiết dưới đây.
Toshiba Qosmio X770 mà nhóm HDVN-TestLab trải nghiệm có cấu hình như sau:
- Vi xử lý: CPU Intel Core i7-2630QM (2.0 GHz, 6 MB L3 Cache, up to 2.90 GHz)
- Chipset: Mobile Intel PM67 Express Chipset
- Card đồ họa: nVidia GeForce GTX 560M (1.5 GB GDDR5)
- Màn hình: 17.3 inch TruBrite Full HD (16:9) hỗ trợ công nghệ 3D trập chủ động, LED backlighting (120Hz), độ phân giải gốc 1920 x 1080, thời gian đáp ứng 5ms
- Bộ nhớ RAM: 8 GB DDR3
- Ổ cứng HDD: 1 TB (gồm 2 ổ 500 GB 7200 RPM được thiết lập Raid 0) được hỗ trợ công nghệ chống sốc 3D của Toshiba
- Ổ đĩa quang: Blu-ray Writable
- Cổng kết nối và giao tiếp: 3 cổng USB 2.0 và 1 cổng USB 3.0; Bluetooth; D-Sub/VGA; HDMI; e-SATA
- Đầu đọc thẻ nhớ: Multi-Card Reader
- Wi-Fi: Wireless LAN 802.11b/g/n
- Pin: Lithium-Ion
- Trọng lượng: 3,10 Kg
- Phần mềm: HĐH Windows 7 Home Premium (64-Bit) SP1 có bản quyền được cài sẵn, kèm theo một vài ứng dụng quản lý hệ thống của Toshiba
- Tính năng khác: 2 loa stereo hiệu Harman Kardon + subwoofer, nVidia 3D Vision
- Giá bán lẻ đề xuất: 48.000.000 đồng (đã bao gồm VAT)
Không nghi ngờ gì nữa, với CPU Intel Core i7 (2630QM) 2.0 GHz có thể ép
xung lên 2.9 GHz bằng chế độ Turbo Boost kèm theo, một card đồ họa
nVidia GTX560M đời mới đầy mạnh mẽ, màn hình Full HD 17.3 inch "to đùng"
cùng 8GB bộ nhớ DDR3, bên cạnh đó là bộ loa Harman Kardon tích hợp 1
subwoofer cùng công nghệ 3D Vision của nVidia, cấu hình của Qosmio X770
đích thị là dành cho dân chơi "siêu cấp" (enthusiast level) có nhu cầu
từ chơi game hạng nặng cho đến giải trí nghe nhìn high-end.
Đối với máy tính xách tay thì 48 triệu đồng (đã có thuế GTGT) thì vẫn là
một số tiền cực lớn trong thời điểm này. Tuy nhiên, giá tiền cao tất có
lý do của nó. Và một khi mà có khả năng tài chính thì liệu Qosmio X770
có xứng đáng để người dùng móc túi ra để rước em nó về hay không? Mời
anh em tiếp tục theo dõi các phần đánh giá quan trọng dưới đây.
1. Thiết kế và tính năng
Một lần nữa, ngoại hình của Qosmio X770 lại mang phong cách truyền thống đặc trưng của Toshiba. Ngoài những điểm chung như mẫu Satellite P475 đã được nhóm đánh giá trước đây thì Qosmio X770 có thể hình "đô con" hơn nhiều, chứng tỏ đây là chiếc laptop hứa hẹn đủ khả năng thay thế máy tính để bàn.
Qosmio (thay cho logo Toshiba) sử dụng mica đỏ bóng
in ép vào nắp máy nổi bật ở giữa
Dải sơn màu đỏ phớt chạy sát cạnh dưới của nắp máy
tạo nên phong cách riêng cho X770 nhưng trông hơi lạ
Thân máy Qosmio X770 làm nhựa cứng, trông khá chắn chắn, mặc dù phần thềm nghỉ và các cạnh rìa thân máy có hiện tượng nhún xuống nếu bị đè ép nặng. Do đó đừng để vóc dáng nom to con chắc chắn đó đánh lừa mắt bạn mà muốn "hiếp" em nó sao cũng được nhé!
Với kích thước khoảng 413 x 274 x 28mm và cân nặng đến 3,6 kg (tính cả cục pin khá bự), Qosmio X770 có vóc dáng và thể trọng ngang ngửa với các dòng máy siêu cấp khác. Nếu tính luôn cục sạc cũng to đùng thì tổng trọng lượng mang vác sẽ là 4,4kg. Ai dám mang một con laptop có hạng cân cỡ đó đi ra ngoài một cách thường xuyên không nhỉ? Có lẽ là không, trừ phi đó cũng là người đô con nặng ký.
Sặc... cục sạc!
Tổng quan thiết kế bên ngoài thân máy và các tính năng kèm theo được thể hiện cụ thể qua các hình dưới đây:
Đằng trước bên phải là hàng đèn báo sử dụng thiết bị
như nguồn, ổ cứng, pin, Wi-Fi...; bên trái là khe đọc thẻ nhớ
Đằng sau là cục pin
Bên trái là lỗ cắm sạc nguồn AC, khe tản nhiệt,
các cổng VGA, Ethernet, HDMI, USB 3.0, USB 2.0
Bên phải là lỗ cắm headphone, micro, 2 cổng USB 2.0, ổ đĩa Blu-ray
Mặt đáy Qosmio X770
Phía trên bàn phím, gần bản lề nắp máy là một hàng các nút bấm điều khiển như điều chỉnh âm lượng, mở/tắt phim nhạc, tắt mở Wi-Fi, kích hoạt Toshiba echo Utility (tiện ích quản lý tiêu thụ điện năng của máy và hiển thị xấp xỉ mức độ tăng và giảm tiêu thụ điện theo thời gian thực). Tất nhiên là có cả nút kích hoạt chuyển đổi giữa 2 chế độ xem 3D và 2D. Máy sẽ phát ra tiếng bíp khi bấm lên bất kỳ các nút này.
2. Bàn phím và touchpad
Với ngoại hình đô con như vậy thì Qosmio X770 hoàn toàn có dư dả không gian cho một bàn phím full size, kết hợp cùng một touchpad.
Bàn phím được thiết kế cứng cáp, các phím được sắp đặt theo phong cách Chiclet tách rời rất được ưa chuộng hiện nay. Quả thật, trải nghiệm bàn phím của Qosmio X770 khá là phê, không chỉ đi ngón nhập liệu văn bản thoải mái, nhanh và chuẩn, mà chơi game cũng sướng bởi không thể nào bấm nhầm nhọt phím được, nhất là khi chơi game hành động.
Bàn phím full size phong cách Chiclet
scotty thích thêm ở bàn phím này là nó có tích hợp đèn nền, thuận tiện khi chơi game trong tối. Tuy nhiên, các phím hơi trơn trượt, nếu ai tay hay đổ mồ hôi thì nên chú ý.
Đèn nền màu đỏ huyền ảo bên dưới bàn phím
Touchpad của Qosmio X770 có kích thước 94 x 50mm, so với các máy laptop thông thường thì lớn hơn khá nhiều, kể cả 2 nút chuột trái và phải cũng bự hơn. Nhưng không phải cứ lớn hơn là có lợi thế, bởi touchpad càng lớn thì càng dễ bị quẹt tay hơn mỗi khi gõ trên bàn phím, khiến cho chuột chạy lung tung, và touchpad to của X770 cũng không ngoại lệ. Chuyện này có thể tránh được bằng nút tắt mở touchpad, nhất là khi chơi game bằng chuột rời thì touchpad coi như là đồ "trang trí".
Trong trải nghiệm của scotty, khi di ngón thì touchpad của X770 cho độ nhạy rất tốt và cực kỳ chính xác. Có điều khi gõ đôi lên pad (như nhấp đôi ở chuột) để mở thư mục hoặc chạy chương trình thì không nhạy lắm, đòi hỏi phải chú ý gõ cho thẳng ngón xuống touchpad. Còn 2 phím chuột trái và phải nằm dưới touchpad được làm bằng kim loại sơn bóng lộn, trơn trượt, và cũng như touchpad thì độ nhạy khi ấn lên cũng không thích lắm, đặc biệt khi ấn phím thì phát ra tiếng khá rõ.
3. Loa và chất lượng âm thanh
Ngoài năng lực chơi 3D, Qosmio X770 có một điểm sáng nữa nếu không muốn nói là hấp dẫn không kém 3D. Đó chính là cặp loa thương hiệu Harman/Kardon mà nhóm HDVN-Testlab đã từng trải nghiệm ở Satellite P475, đem lại chất âm có thể khiến người nghe phải nghĩ lại rằng loa laptop không phải để "chống điếc".
Loa stereo hiệu Harman/Kardon ngạo nghễ thách thức
bất kỳ dòng loa laptop high-end nào hiện nay
Qosmio X770 sở hữu công nghệ âm thanh tiên tiến Dolby
Nhưng giờ đây âm thanh của Qosmio X770 đã được "thăng hoa" hơn nhờ có một loa subwoofer nằm dưới đáy máy. Chất lượng âm thanh phát ra từ Qosmio X770 thật sự khác với bất kỳ loa laptop nào, kể cả Atec Lansing là thương hiệu loa phổ biến nhất trên nhiều dòng laptop giải trí hiện nay cũng phải "ngã mũ". Âm trung và âm cao nghe tách bạch hơn, âm trầm trở nên rõ ràng hơn, giúp tổng thể âm lượng lớn hơn. Tất nhiên, hay đến mức như loa nén có công suất cao dành cho PC thì chưa thể rồi, nhưng so với mấy loại loa con con để nghe máy MP3 thì đảm bảo là hơn hẳn. Đặc biệt chơi game thì loa của Qosmio X770 đem lại cảm giác thỏa mãn, có thể bỏ qua headphone chuyên dành cho game.
Subwoofer con con nằm một mình một cõi dưới đáy
nhưng cho ra âm trầm một cách ấn tượng
Trải nghiệm nghe nhạc:
Tuy vậy, đối với đôi tai nghe nhạc khắt khe thì luôn thấy phần âm bass luôn át âm treble, khiến cho âm trung nghe cũng lớn hơn, đặc biệt là giọng hát. Ai mà thích nghe tiếng treble mỏng, tiếng long lanh thì sẽ thấy khó chịu liền. Nếu mở âm lượng ở mức dưới 80% thì ổn, không phát hiện sự méo tiếng, nhưng mở ở mức 100% thì âm thanh nghe to vang cả phòng nhưng chất lượng có suy giảm chút, thậm chí có bài khiến loa rè thấy rõ nếu ngồi sát máy.
Do vậy, scotty đã thử mở tiện ích chỉnh âm thanh của hệ thống (cài kèm theo driver) và kích hoạt các hiệu ứng như Environment, Equalizer và Loudness Equation thì một số bài nghe tươi sáng lên hẳn, loa không còn hiện tượng rè khi mở âm lượng 100%. Cụ thể ở phần trải nghiệm này như sau:
Nếu tắt hết mọi hiệu ứng thì các thể loại nhạc Rock hoặc Dance nghe rất hay. Chẳng hạn chọn bất kỳ bài nào của Dream Theater thì guitar điện đánh "dằn" nghe rất dày, tiếng trống snare đánh nghe rõ và không méo tiếng, đặc biệt tiếng guitar bass nghe rất hay. Còn nhạc Dance như bài California Dreaming - DJ Sammy nghe thật đã, tiếng bass dập thì khỏi nói rồi nhưng tiếng treble nghe cũng rất rõ và tách bạch. Tuy nhiên, mở mức âm lượng 100% thì có những đoạn nhạc lớn vẫn khiến loa rè.
Tiếp tục chế độ tắt hết hiệu ứng, scotty mở đĩa DVD9 thu liveshow của ban nhạc Porcupine Tree và nghe ở 2 định dạng âm thanh tích hợp trong đĩa là LPCM và DTS. Âm thanh phát ra rất trong, tách bạch các nhạc cụ. Đặc biệt vẫn là tiếng guitar bass nghe rất tròn trịa và đầy đặn như ở track Hatesong.
Nhưng ở các thể loại nhạc Pop (như bài Bye Bye Bye - Nsync), nhạc Việt (như bài Ngày Không Mưa - Hồng Nhung) hay nhạc New Age (bài Truth of Touch - Yanni), khi kích hoạt các hiệu ứng âm thanh lên thì nghe sáng hơn. Những âm cao như guitar thùng, tiếng treble nghe rõ hơn.
Toàn bộ thử nghiệm trên vẫn giữ kích hoạt Audio Enhancer của Dolby. Ngược lại, nếu tắt đi thì có vẻ như hiệu quả của subwoofer giảm xuống một chút.
Chơi game và xem phim:
Mở game hay phim thuộc thể loại hành động thì âm thanh tiếng súng, bom hoặc tiếng nói của nhân vật nghe sống động hơn hẳn. Nhờ âm thanh trong game và phim đã được tối ưu hóa về âm lượng và độ cân bằng tiếng nên không cần phải chỉnh chọt gì hiệu ứng âm thanh nữa, thậm chí mở max 100% còn khiến chơi game đã hơn.
4. Màn hình
Màn hình 17.3 inch của Qosmio X770 là loại màn hình gương bóng (glossy), hình ảnh hiển thị sáng và tươi hơn so với màn hình nhám mờ (matte). Tất nhiên, để giải trí xem phim, chơi game thì nên xài màn hình gương rồi nhưng đây cũng là một điểm nữa để "bắt" người dùng phải xài máy ở trong nhà để có trải nghiệm được tốt nhất bởi sử dụng ngoài trời thì chói đừng hỏi.
So với nhiều dòng laptop trước đây có trang bị ổ Blu-ray nhưng độ phân giải gốc cao nhất chỉ 1600x900px, thì độ phân giải gốc của màn hình Qosmio X770 đã đạt đến Full HD (1920x1080p), hoàn toàn đủ để trải nghiệm hết độ sướng về định dạng phim Blu-ray. Tần số quét cao đến 120Hz và thời gian đáp ứng 5ms giúp hình ảnh chuyển động mượt mà sắc nét, kể cả các cảnh có chuyển động với tốc độ nhanh.
Nhưng trên hết, màn hình Full HD của Qosmio X770 còn có công năng trình chiếu 3D sử dụng công nghệ nVidia 3D Vision, kết hợp với công nghệ 3D Lightboost không những khiến màn hình sáng hơn, mà quan trọng là cải thiện độ sáng cho hình ảnh 3D. (Xem phần tiếp theo về trải nghiệm 3D)
5. Trải nghiệm 3D
Kính 3D:
Để xem được 3D trên Qosmio X770, chúng ta cần phải có kính trập chủ động nVidia 3D Vision (loại kính không dây có giá bán lẻ hình như khoảng 99USD, hơn 2 triệu đồng một chút). Tất nhiên, với giá 48 triệu đồng của Qosmio X770 thì Toshiba đã có kèm theo 1 cặp kính miễn phí rồi, và cũng là loại không dây.
Có trọng lượng khoảng 51g, cặp kính này đeo vào nhẹ hều và rất thoải mái, thậm chí đeo kính cận 3 độ như scotty khi mang thêm kính 3D vào vẫn thấy rất bình thường. Kính nVidia 3D Vision được cấp nguồn bằng một viên pin tiểu, được gắn bên trong gọng kính nên không thể lấy ra được, và khi cạn pin thì dùng một sợi cáp mini-USB 2.0 kèm theo cắm vào laptop để sạc. Theo quảng cáo của nhà sản xuất thì thời lượng pin cho đến 60 tiếng xem 3D, nhưng scotty không kiểm chứng thực tế bởi chỉ xem hết bộ phim gần 96 phút và pin vẫn còn.
Trên gọng trái của kính có một nút bấm để tắt mở nguồn, bên cạnh nó là một đèn báo (lúc mở sẽ có màu xanh lá). Trong quá trình xem 3D, chúng ta cũng có thể bấm nút này để chuyển nhanh sang chế độ 2D thay vì bấm nút 3D nằm ở dãy phím tắt trên bàn phím laptop.
Pin tiểu gắn bên trong gọng trái của kính nVidia 3D Vision.
Phía trên là nút bấm tắt/mở chế độ 3D
Cổng cắm cáp mini-USB 2.0 sạc nguồn cho pin
Bởi đây là kính không dây nên phải có một bộ thu sóng hồng ngoại (IR). Bộ thu IR này được bố trí nằm ở trên mép vát bên phải màn hình. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta phải ngồi trực diện với màn hình thì kính 3D mới hoạt động tốt được.
Bộ thu sóng hồng ngoại
(hình vuông, nằm cạnh dòng chữ NVIDIA 3D VISION)
Trải nghiệm phim và hình ảnh 3D:
Để thử nghiệm xem phim 3D trên Qosmio X770, scotty đã tải về bộ phim Monsters vs Aliens 3D (2009) định dạng MKV rip từ Blu-ray, độ phân giải dành cho mỗi mắt là 1920x1080 (tức tổng cộng là 3840x1080), âm thanh AC-3 5.1. Còn xem ảnh 3D thì scotty lấy ngay các hình ảnh từ cuộc thi trải nghiệm HTC 3D EVO. Chương trình scotty dùng để xem phim và ảnh 3D đều của NVIDIA (3D Vision Video Player/Photo Viewer).
Kết quả thật ngoài sự mong đợi. Xem 3D ở rạp thích thú bao nhiêu thì xem trên Qosmio X770 thích thú hơn bấy nhiêu. Hiệu ứng 3D rõ mồn một và đẹp mắt, góc nhìn 3D rất rộng. Xem qua màn hình laptop 17.3 inch có cảm giác như ta đang nhìn vào một cái hộp lớn có đủ 3 chiều vậy.
Đặc biệt là chiều lõm sâu vào rất rõ ràng, khiến những vật thể nằm giữa 3 chiều nổi bật hẳn lên, như ở cảnh Trái đất nằm giữa một không gian vũ trụ trong phim Monsters vs Aliens 3D. Còn hiệu ứng vụt ra khỏi màn hình trong phim này thì xem quá ấn tượng, chẳng hạn như cảnh một thiên thạch lúc bay về phía Trái đất kéo theo luồng lửa và nhiều mảnh đá vụn bay vượt ra khỏi ngoài màn hình rất đã mắt; hoặc như cảnh anh chàng ngồi trên ghế cầm cái vợt bóng bàn đánh quả bóng bay ra màn hình và trúng vào mắt, thật như ở ngoài đời vậy.
Hiệu ứng 3D trên ảnh tĩnh cũng ấn tượng không kém, cũng thể hiện đủ 3 chiều, nhất là chiều sâu như ở hình các em nhỏ trên ruộng bậc thang ở Tây Bắc. Đám ruộng bậc thang ở phía dưới xa các em rõ đến mức khiến có cảm giác các em có thể té ngã xuống bất kỳ lúc nào.
Về màu sắc thì khá tươi và đẹp. Độ sáng ở những cảnh sáng vẫn giữ được ở mức hợp lý, còn cảnh tối thì có vẻ rõ hơn so với xem phim định dạng 2D. Cũng có thể chất lượng phim scotty chọn xem được rip quá tốt, nhưng theo cảm nhận riêng của scotty thì xem phim 3D trên Qosmio X770 là khá chuẩn, mặc dù đôi lúc hình ảnh có hiện tượng flicker nhưng có lẽ là do kính 3D Vision bởi đây là kính thế hệ thứ nhất. Về hiệu năng xử lý thì xem trọn bộ phim mà không có hiện tượng đứng hình và ở những cảnh chuyển động cực nhanh như cảnh thiên thạch bay thì hình ảnh rất rõ, không bị nhòe.
Riêng về công nghệ 3D Lightboost thì scotty không kiểm chứng được độ sáng hơn đến mức nào bởi kính 3D Vision này thuộc đời đầu, chưa hỗ trợ công nghệ này. Theo thông tin ở đây thì phải dùng kính 3D Vision thế hệ 2 thì mới trải nghiệm được công nghệ 3D Lightboost.
Nói thêm về nguồn phim 3D, hiện nay đĩa Blu-ray 3D vẫn còn quá đắt đỏ so với thu nhập của chúng ta (nếu mua số lượng lớn). Vì vậy nếu mà rước Qosmio X770 về mà chẳng có phim, ảnh 3D để xem thì coi như mất đi tính năng tuyệt vời này của em nó. May thay, hiện nay đã có một số nhóm rip phim từ đĩa Blu-ray 3D để chia sẻ trên mạng, chỉ cần bỏ thời gian search trên Google là chúng ta có thể tìm được kha khá thể loại này. Ngoài ra ở các trang torrent cũng cung cấp phim Blu-ray 3D (cả ở định dạng gốc lẫn định dạng rip).
Trải nghiệm 3D trên YouTube 3D:
Một nguồn cũng khá phong phú về phim định dạng 3D mà lại xem miễn phí nữa là YouTube 3D. Chỉ cần truy cập vào trang www.youtube.com/3d là bạn có thể xem 3D vô tư thoải mái, có điều toàn clip ngắn đủ chủ đề hoặc trailer giới thiệu phim.
scotty cũng lên YouTube 3D để trải nghiệm phim Phản 3D nhưng đã gặp ngay một bất cập đầu tiên. Đó là trình duyệt web không có chế độ xem tương thích với kính 3D Vision. Vì thế scotty đành phải dùng cách copy link của phim trên YouTube (chọn độ phân giải cao nhất) rồi dán link vào trình xem phim 3D Vision Video Player và thiết lập như hình. Kết quả là xem OK và hiệu ứng 3D hiển thị ổn định, tất nhiên còn tùy thuộc vào tốc độ đường truyền nữa.
Copy link phim vào 3D Vision Video Player
Thiết lập chế độ xem 3D trên 3D Vision Video Player
Trải nghiệm game 3D
Phần trải nghiệm này phê lắm anh em ạ, xem demo chạy cũng thấy mê mẩn rồi. Hình ảnh 3D nổi lên rõ khủng khiếp, chiều sâu rất ấn tượng và độ sáng rất vừa mắt. Âm thanh sống động và mạnh mẽ.
Chẳng hạn ở game Lost Planet 2, menu cấu hình game và các thông số về game khi chơi nổi hẳn ra ngoài màn hình, nhìn y chang như một cái hộp gương trước mắt vậy. Nhất là logo và chữ Lost Planet 2 nổi lên rất đẹp, đẹp vô cùng. Phải nói hiệu ứng 3D dành cho game là nhất nhất đối với Qosmio X770 rồi. Cụ thể hơn xin anh em xem phần đánh giá game benchmark ở dưới.
Về khả năng tương thích của các tựa game đối với công nghệ 3D Vision nói riêng, chế độ 3D nói chung thì chúng ta không phải lo bởi hầu hết đều chơi từ mức tốt đến tuyệt hảo. Truy xuất vào nVidia Control Panel và chuyển qua thẻ danh sách những game tương thích với chế độ 3D để tham khảo thêm.
Cột bên phải ngoài cùng cho chúng ta biết game nào chơi 3D tuyệt hảo (Excellent), chơi tốt (Good), chơi trung bình (Fair), hỗ trợ 3D Vision Ready, và không nên chơi (Not Recommend). Đặc biệt là bên dưới mỗi game đều có ghi chú hướng dẫn cách thiết lập game sao cho để có được cấu hình chơi tối ưu nhất.
Trải nghiệm chuyển đổi từ 2D sang 3D:
Trong tay có gì kiểm nghiệm nấy và scotty dùng lại đĩa DVD9 liveshow của Porcupine Tree để chạy từ ổ Blu-ray của máy và mở một vài file video clip ca nhạc MP4, tất cả đều là 2D. Chương trình để xem là Toshiba Video Player 3D cài sẵn trong máy. Khi phát chạy bấm vào nút 3D chuyển qua màu xanh lá là hiệu ứng 3D xuất hiện, bấm thêm vào nút Up Convert để upscale độ phân giải của video lên.
Chuyển đĩa DVD từ 2D sang 3D
Chuyển file MP4 từ 2D sang 3D
Thật bất ngờ, mà có lẽ là riêng đối với scotty thôi bởi đây là lần đầu tiên thấy sự chuyển đổi trực tiếp từ 2D sang 3D có hiệu quả như vậy. Độ phân giải của DVD9 giới hạn ở 480p nhưng khi xem ở chế độ 3D thì thấy rõ nét hơn ở 2D. Rõ ràng là độ phân giải của DVD đã được upscale lên rồi nhưng quả thật hiệu quả đạt được là đáng chú ý.
Cả các clip MP4 cũng vậy, scotty chỉ chọn độ phân giải cao nhất là 720p, nếu xem chế độ 2D trên màn hình Qosmio X770 thì rất chán giống như xem ở trên HDTV từ 45" trở lên vậy. Nhưng khi bật sang chế độ 3D, chất lượng thấy vượt trội hẳn, hình ảnh không còn xuất hiện "hột" như ở 2D nữa, thậm chí hình ảnh thấy bóng mượt và màu sắc đậm đà hơn.
Về hiệu ứng 3D thì xem rất giả tạo mặc dù vẫn thể hiện được chiều sâu khá rõ như là khán giả đứng bên cánh gà hiển thị như ngoài đời thật vậy. Tuy nhiên, hiệu ứng nổi vật thể ra màn hình thì thua, hiếm khi có vật thể có vẻ lòi ra màn hình tí nhưng hình ảnh bị nhòe hoặc biến dạng ngay.
Qosmio X770 còn được trang bị 2 webcam HD cho phép chúng ta chat qua video dưới dạng 3D nữa. Tuy nhiên, scotty không thử nghiệm tính năng này.
Hai webcam HD hỗ trợ chat video 3D6. Hiệu suất hoạt động
Khoản 3D thì đã rõ, ấn tượng và đủ gây sự thèm thuồng của bất kỳ dân chơi HD nào. Nhưng chính ra, đã là máy dành để chơi game hạng nặng thì hiệu năng hệ thống mới là điều đáng quan tâm hơn. Và với cấu hình như trên thì Qosmio X770 gần như đã có được sức mạnh của dòng máy chơi game siêu cấp như Alienware M17X, chạy dư sức bất kỳ game đời mới nào hay phần mềm đồ họa khủng nào hiện nay mà không sợ bị trục trặc gì.
Một vài hình ảnh về các thành phần phần cứng chính:
Tuy nhiên, cũng cần thiết phải có đánh giá cụ thể để có số liệu thực tế và so sánh với các dòng máy "siêu cấp" khác.
Điểm số benchmark về tổng thể hiệu năng:
Đầu tiên là điểm số Windows Experience Index trên Windows 7 Home Premium 64-bit SP1.
Qosmio X770 đã được Windows cho điểm thật là... thích làm sao, bởi hầu hết đều từ 7.2 trở lên. Riêng tốc độ truyền tải ổ cứng thì tụt khá thảm là 5,9 điểm và tội lỗi là ở đây, chính ổ cứng đã vô tình hạ thấp điểm nền của Qosmio X770 xuống dưới mức 6.0 một cách đáng tiếc.
Về các điểm số đánh giá sức mạnh của Qosmio X770 thông qua các bộ phần mềm benchmark (hình bên dưới) thì tất cả đều cho thấy rất cao, nói chung thuộc dạng điểm đáng mơ ước hiện nay và nằm trên kha khá dòng máy có cùng cấu hình hoặc thấp hơn một chút.
Riêng mỗi khoản ổ cứng là có điểm số hơi buồn chút. Qosmio X770 sử dụng 2 ổ cứng Seagate và CrystalDiskMark đã cho hiệu năng của chúng những điểm số thấp so với các dòng ổ cứng mới.
Tuy nhiên, bù lại 2 ổ cứng của Qosmio X770 được thiết lập chạy Raid 0 chắn chắn được bảo vệ an toàn bằng công nghệ chống sốc 3D của Toshiba.
Game benchmark:
Hai tựa game mà scotty chọn thử nghiệm là Resident Evil 5 và Lost Planet 2 (sử dụng công cụ benchmark).
Resident Evil 5 khi ở chế độ 2D và thiết lập cấu hình chơi game cao nhất (độ phân giải gốc Qosmio X770, chơi full screen và bật khử răng cưa 4x), game vẫn chạy mượt mà và sắc nét mà không gặp bất cứ trục trặc nào. Nhưng ở chế độ 3D thì cấu hình cao nhất chơi bị giật, do đó scotty phải thiết lập về cấu hình trung bình (độ phân giải 1024x768, tắt khử răng cưa) thì game chạy mới mượt mà và không bị trục trặc. Điểm số ở 2 chế độ thiết lập này đều được đánh giá ở mức trung bình.
Resident Evil 5: chế độ 2D, độ phân giải 1920x1080, khử răng cưa 4x
Resident Evil 5: chế độ 3D, độ phân giải 1024x768, tắt khử răng cưa
Lost Planet 2 thì trái lại, vẫn chạy được 3D ở độ phân giải gốc 1920x1080 của Qosmio X770, hiệu ứng 3D tuyệt đẹp, game chạy khá mượt. Tuy nhiên, điểm số lại được đánh giá mức trung bình dưới.
Lost Planet 2 ở chế độ 2D
Lost Planet 2 ở chế độ 3D7. Nhiệt độ và độ ồn
Nhưng như scotty đã nêu ở trên, khoản chơi game 3D của Qosmio X770 là một trong những điểm trọng tâm để hấp dẫn người dùng hơn. Cho dù chơi ở cấu hình trung bình, nhưng bù lại hiệu ứng 3D rất bắt mắt, hình ảnh vẫn sắc nét và sáng sủa. Một điểm hay nữa là nếu bật nút kích hoạt 3D lên thì game sẽ tự động chuyển qua chế độ 2D nếu chúng ta thiết lập ở cấu hình cao, và ngược lại game sẽ tự động chuyển về 3D nếu thiết lập ở cấu hình trung bình.
Thường đi cấu hình khủng thì nhiệt độ và độ ồn cũng năng hơn một chút, nhưng không hiểu sao Qosmio X770 lại rất đỗi... bình thường, không hề nghe thấy một tiếng ồn nào cả (ngoại trừ tiếng gõ bàn phím và tiếng kêu tạch tạch của phím touchpad). Để em nó hoạt động tù tì suốt cả ngày, chạy benchmark hết công suất (khoảng 3 tiếng), rồi để idle (đi ăn cơm), rồi sau đó benchmark tiếp, rồi mở phim 3D xem và chuyển 2D sang 3D, sau đó chơi game… vậy mà máy vẫn rất mát ở những khu vực chính như thềm nghỉ, và bên phải bàn phím. Nói chung hầu như toàn thân máy vẫn mát, ngoại trừ khe tản nhiệt bên trái thì hơi nóng tỏa ra khá dữ và bên trái bàn phím thì hơi nóng khi để bàn tay lên khoảng 2 giây.
So với các dòng Qosmio đời trước thì Qosmio X770 đã có được sự cải tiến rất tốt về mặt này. Một điểm cộng nữa dành cho Qosmio X770.
8. Thời lượng pin:
Theo kinh nghiệm thì loại máy "siêu cấp" như Qosmio X770 khó có thể mong chờ được gì ở khoản thời lượng pin, nên dù có thử nghiệm cỡ nào thì cũng chẳng chứng tỏ được gì để mà có chút lạc quan.
Thôi thì cứ thử xem nó được đến đâu và kết quả là, không thể thay đổi được suy nghĩ. Mở lại bộ phim Monsters vs Aliens 3D xem với pin đầy 100% và không cắm nguồn, tắt kết nối Wi-Fi, thiết lập Power plan ở chế độ Balance, độ sáng màn hình mức 8 (cao nhất), âm lượng phát ra loa là 80. Xem đâu cỡ 52 phút thì pin vào mức critical (5%), ráng chút nữa (tầm 1 phút) thì máy đi vào chế độ hibernate.
Đó là ở sử dụng pin ở chế độ Performance. Còn ở chế độ duyệt web, văn bản thì đỡ hơn nhiều. Cho thực hiện một loạt các tác vụ duyệt web, đọc văn bản Word, nghe nhạc online, độ sáng màn hình mức 6, thời lượng pin tính được 2 tiếng 48 phút. Dù gì thì màn hình bự 17.3 inch của Qosmio X770 đã ăn đáng kể nguồn pin nên cỡ là thời lượng như vậy là chấp nhận được, và cũng phải chăng đối với cấu hình vi xử lý Intel Core i7 cùng card đồ họa rời. Điều đáng kể ở đây là thời lượng pin được tiết kiệm đa phần là nhờ công nghệ Optimus của nVidia, có chức năng phát hiện máy khi không chạy game và các ứng dụng nặng thì sẽ tự động chuyển sang sử dụng nhân đồ họa tích hợp của Intel để tiết kiệm pin.
Cần khẳng định lại một lần nữa, tính di động không phải thuộc về Qosmio X770, mà chính hiệu năng mới là cái mà em nó đáng được nhắc tới.
9. Phần mềm cài sẵn (Bloatware)
Điểm chung của dòng máy laptop mắc tiền là nhà sản xuất rất hay (thích?) kèm theo một lô một lốc phần mềm tiện ích cài sẵn cùng HĐH, trong đó có phần mềm của hãng thứ 3 như antivirus, hỗ trợ giải trí, còn lại đa số là các tiện ích quản lý phần cứng, theo dõi hệ thống và cập nhật driver. Có phần mềm thì hay, hữu ích nhưng có vài cái thì thừa thãi, thậm chí vô dụng. Tất cả các loại phần mềm này đều có tên gọi chung là bloatware.
Qosmio X770 cũng không ngoại lệ, cũng được tích hợp khá nhiều bloatware. Trong số này, cũng có nhiều tiện ích hay nhưng các phần mềm của hãng thứ 3 thì theo scotty là hoàn toàn dư thừa. Cụ thể:
Phần mềm Toshiba cài sẵn gồm có:
Trong số đó, scotty thấy 3 món sau là rất được:
Tiện ích tiết kiệm điện năng (pin)
Tiện ích theo dõi tình trạng hệ thống máy
Tiện ích theo dõi và chống sốc ổ cứng
Ngoài ra còn 2 phần mềm chuyên dụng xem 3D và chuyển đổi từ 2D sang 3D không thể thiếu là:
Phần mềm của hãng thứ 3:
Trừ phần mềm Corel WinDVD dành để xem Blu-ray 3D, còn lại scotty đều không quan tâm chú ý sử dụng bởi thấy chúng quá dư thừa, như trình diệt virus Norton Internet Security cũng mạnh đấy nhưng bản đã cài sẵn theo máy chỉ được sử dụng miễn phí 30 ngày.
10. Tổng kết
Phải nói ngay và luôn, Toshiba Qosmio X770 đích thị là chiếc laptop dành cho game thủ, cấu hình mạnh mẽ và đời mới đủ khả năng thay thế máy tính để bàn, đáp ứng mọi nhu cầu từ chơi game hạng nặng cho đến giải trí nghe nhìn cao cấp. Thứ đến, 3D là điểm sáng quan trọng của Qosmio X770, là tính năng phụ trợ cao cấp nhất hiện nay dành cho một dòng máy siêu cấp như Qosmio X770. Khả năng chơi 3D của Qosmio X770 chỉ có thể nói tuyệt vời.
Những điểm sáng giá khác nữa là màn hình to (17.3 inch) và sáng rực rỡ, quá tuyệt để xem phim Full HD, kể cả 3D cũng hưởng lợi thế này; hệ thống loa dành cho laptop rất hay, bàn phím đèn nền thời thượng.
Các điểm sáng trên đã cho thấy cái giá 48 triệu đồng để rước em nó về hoàn toàn là có cơ sở.
Tuy nhiên, cơ sở trên vẫn chưa đủ sức để khiến người dùng khỏi phải lăn tăn suy nghĩ, bởi muốn chê Qosmio X770 thì không phải là không có điểm để nói. Thứ nhất, thời lượng pin của Qosmio X770 là điểm yếu rõ nhất, chỉ cần xem phim 3D ở mức tối ưu nhất là pin cạn nhanh đến độ không ngờ. Thứ hai, ngoại hình truyền thống "cục mịch" kiểu như Qosmio X770 cũng là điểm ít được ưa chuộng ngày nay, nhất là đối với giới trẻ đòi hỏi thời thượng phải là hiện đại, kiểu cách, bóng bẩy.
Để kết thúc bài đánh giá này, không có gì hay hơn bằng việc dựa trên tâm lý tiêu dùng mà đưa ra các phương án suy tính, từ đó có nên chọn mua Qosmio X770 với giá bán lẻ đề xuất như trên hay không.
NÊN MUA VÀ SẼ KHÔNG HỐI TIẾC, NẾU:
- Không đặt nặng hình thức, ngoại hình máy
- Không cần tính di động cao
- Cần máy có hiệu năng cao, có thể thay thế máy tính để bàn
- Muốn chơi đủ thể loại game đời mới và nặng đô
- Thích xem 3D hoặc muốn trải nghiệm khám phá 3D trên laptop
KHÔNG NÊN MUA NHƯNG SẼ HỐI TIẾC, NẾU:
- Đặt nặng hình thức, ngoại hình máy
- Cần tính di động cao
- Cần máy có hiệu năng cao
- Muốn chơi đủ thể loại game đời mới và nặng đô
- Thích xem 3D hoặc muốn trải nghiệm khám phá 3D trên laptop
KHÔNG NÊN MUA VÀ SẼ KHÔNG HỐI TIẾC, NẾU:
- Đặt nặng hình thức, ngoại hình máy
- Cần tính di động cao
- Cần máy có hiệu năng cao
- Muốn chơi đủ thể loại game đời mới và nặng đô
- Không khoái 3D hoặc không muốn trải nghiệm khám phá 3D trên laptop
Bonus một số hình ảnh chụp thêm về Qosmio X770
"Tem chứng nhận" các chức năng của Qosmio X770
Cục mịch nhưng có dáng thể hiện đấy chứ
Ổ Blu-ray có chức năng ghi DVD-WR...
...sử dụng 2 mắt đọc/ghi đĩa dành riêng cho Blu-ray và DVD
Em kính 3D hơi bị đẹp và thời trang...
...nhưng sao chẳng ai thèm đoái hoài đến 3D chúng em!
Cục sạc xài đầu cắm 3 chấu đấy!
Cận cảnh khe tản nhiệt này!
Cận cảnh các cổng giao tiếp!
Trông như màn hình bị tháo rời ra vậy!
Chấu kẹp/mở pin có thiết kế hơi cầu kỳ,
cho cùng kiểu với màn loa subwoofer
Lost Planet 2 chơi ở chế độ 3DTheo HDvietnam