id="post_message_11705248">
Được xem là chiếc điện thoại Bada cao cấp nhất của Samung, Wave 3 quả không hổ danh là chiêc điện thoại "đầu đàn" được trang bị nhiều tính năng cao cấp cùng cấu hình mạnh mẽ và tốc độ xử lý ngon lành. Nhưng do sử dụng hệ điều hành Bada còn khá non trẻ, mặc dù đã lên tới phiên bản mới nhất hiện nay là 2.0 và được trang bị một số tính năng cao cấp nhưng thật sự nếu bạn đã dùng quen các hệ máy khác như iOS, [TAG] hay Android thì có lẽ khi sử dụng Bada, bạn vẫn sẽ gặp ít nhiều bở ngỡ với hệ điều hành này.
Điều mình thích khi sử dụng chiếc Samsung Wave 3 này đó là máy có thiết kế đẹp, sang trọng và bộ khung cứng chắc. Máy chạy nhanh, mượt, màn hình rất đẹp, cảm giác cầm và sử dụng máy rất thích nhưng ngược lại, phần mềm của máy không gây được nhiều ấn tượng.
Mặt trước của máy rất đơn giản, chỉ có 3 phím gồm 1 phím Home cứng và 2 phím cảm ứng dùng để thực hiện cuộc gọi. Các phím chỉnh âm lượng và phím khóa/mở khóa màn hình được bố trí đều ở hai bên cạnh máy rất vừa vặn khi cầm trong tay thay vì đặt nằm chung trên một cạnh như các máy khác. Điều này giúp cho bạn trong bất kỳ lúc nào có thể chỉnh âm lượng hay khóa/mở khóa màn hình ngay lập tức mà không cần phải điều chỉnh lại tư thế cầm máy. Với sự nâng cấp của Bada 2.0, Wave 3 đã hỗ trợ khả năng chạy đa nhiệm thực thụ. Tuy nhiên bạn cần lưu ý một điều là khi muốn ẩn một chương trình nào đó để mở chương trình khác lên, bạn nên bấm nút Home để trở ra thay vì bấm nút ngắt cuộc gọi vì nếu không thì chương trình đó sẽ bị tắt hẳn luôn chứ không phải được ẩn đi.
Mình khá ấn tượng với kiểu thiết kế mặt sau của Wave 3, bạn không thể tháo rời vỏ sau mà chỉ có thể trượt nó lên, sau khi trượt lên hết thì bạn sẽ thấy pin và khe cắm SIM, thẻ nhớ. Và do khe cắm SIM khá hẹp nên khi muốn rút SIM ra sẽ hơi khó khăn.
Màn hình của máy là loại Super AMOLED có kích thước 4" độ phân giải 480x800, rất sáng và đẹp. Cộng thêm lớp kính cường lực Gorilla cứng cáp, cho ta có cảm giác vuốt trượt rất thích và nhạy. Nhờ có màn hình Super AMOLED này mà các icon và hình ảnh được hiển thị đẹp và mịn, không có tình trạng hạt như loại màn hình TFT của máy Wave M.
Như thường lệ, mỗi khi sử dụng một chiếc máy mới thì mình liền đồng bộ hóa danh bạ và email từ Google xuống. Và mình khá hài lòng khi nhìn thấy Wave 3 yêu cầu nhập tài khoản Google để thực hiện công việc này. Thông thường, máy chỉ đồng bộ email mà thôi, muốn tải danh bạ từ xuống từ các tài khoản Exchange/Google/Google App thì bạn phải cấu hình Exchange ActiveSync.
Sau khi tải xong danh bạ và email để sẵn sàng cho việc liên lạc, điều tiếp theo mình làm đó là vào kho ứng dụng Samsung Apps để tải ngay các phần mềm thông dụng như Facebook, Twitter, Foursquare, Opera... nhưng tìm không ra!? Cũng may là 2 cái Facebook và Twitter đã được tích hợp sẵn vào Bada trong phần mềm Social Hub. Tuy nhiên những gì mà bạn có thể làm với phần mềm dạng "cây nhà lá vườn" này là vô cùng hạn chế, đặc biệt là Facebook. Bạn không thể check-in, không có shorcut vào profile cá nhân, albums hình, thông tin... và thậm chí còn một điều "ghê gớm" nữa đó là khi bạn click vào bất cứ thứ gì trong Social Hub, từ một tấm ảnh, album đến profile một người nào đó thì thay vì mở nội dung đó ra trong Social Hub, phần mềm thông tin tất-cả-trong-một này sẽ mở trình duyệt web, vào trang Facebook Mobile và mở nội dung đó cho bạn xem! Qua đây có thể thấy việc tích hợp mạng xã hội, mà cụ thể là Facebook trên Bada còn khá sơ sài. Phần mềm Social Hub có lợi điểm là cho phép bạn xem thống nhất các nội dung trong nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau trong cùng một nơi.
Các ứng dụng văn phòng trên Wave 3 được tích hợp khá đầy đủ, bạn có thể dễ dàng xem các tài liệu văn phòng (Word, Excel, PDF,...) được đính kèm trong email hay trên thẻ nhớ bằng trình xem tài liệu mặc định có sẳn trong máy Picsel Viewer. Picsel Viewer đọc các định dạng tài liệu này với tốc độ nhanh và tính thẫm mỹ tốt. Bộ ứng dụng văn phòng Polaris cũng được tích hợp bên trong máy cho phép bạn soạn thảo các tài liệu Word, Excel, PowerPoint, tài liệu soạn xong có thể lưu trữ hoặc đính kèm ngay vào email. Các ứng dụng cơ bản khác như ghi âm, ghi chú, đồng hồ, máy tính, FM, youtube đều được Samsung tích hợp đầy đủ.
Trình duyệt Dolphin trên Bada 2.0 đã được tăng tốc so với phiên bản đời đầu, các tính năng HTML5 đã được hỗ trợ nhiều hơn. Bộ thư viện JQueryMobile hay được các Developer dùng chạy khá mượt trên Wave 3.
Số lượng các ứng dụng Việt Nam trên Samsung Apps không ít tuy nhiên chất lượng còn chưa cao và không có nhiều ứng dụng thật sự hữu ích. Tại Store này giá trị nhất là phần mềm Vietmap có giá trị cao được tặng miễn phí cho các máy Bada. Điều đáng ghi nhận là các phần mềm cơ bản như Âm Lịch, Từ điển (Lạc việt), Quản lý thu chi đều có mặt và tất cả đều miễn phí. Các games thương mại lớn cũng đã bắt đầu xuất hiện trên chợ ứng dụng của Bada với giá cũng vừa phải, không rẻ lắm, như Plants vs Zombies bạn có thể mua với giá 126000 VNĐ. Bộ máy Java vẫn còn tích hợp trong Bada 2.0, các bạn vẫn có thể dùng các ứng dụng Java truyền thống.
Giao diện của Bada (sử dụng TouchWiz) được làm khác đi một chút và thậm chí còn có phần hơi rối rắm, đặc biệt là mục cài đặt (Settings) của một số phần mềm cơ bản thì lại bị chuyển sang nằm trong phần cài đặt chung của máy. Hậu quả là bạn phải rất thường xuyên truy cập vào ứng dụng Settings của máy chỉ để thay đổi một số cấu hình nhỏ nhặt (như bạn phải làm với các thiết bị iOS).
Phần cài đặt không nằm trong ứng dụng như iOS
Tuy tồn tại những điểm yếu nhưng Wave 3 chạy Bada 2.0 vẫn có một số ưu thế như được trang bị hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ lẫn GLONASS của Nga cho phép máy có thể xác định vị trí một cách chính xác hơn, và chức năng WiFi Direct cho phép các máy có hỗ trợ công nghệ này có thể chia sẻ dữ liệu cho nhau. Một ưu điểm khác nữa mà mình không thể không nói đến, nó cũng cực kỳ quan trọng, đó chính là bàn phím ảo. Bàn phím ảo của Wave 3 có kích thước vừa đủ to và khoảng cách giữa các phím rất hợp lý nên ngay từ lần đầu tiên sử dụng, mình vẫn có thể bấm rất nhanh mà không mắc phải một lỗi nào cả. Wave 3 hỗ trợ gõ tiếng Việt nhưng không phải chuẩn Telex mà là dạng bấm nhiều lần. Ví dụ muốn gõ chữ "â" hoặc "ă" thì bạn phải bấm phím "a" nhiều lần, tương tự với chữ "ư", "ô" và "ơ".
Về thời lượng pin sử dụng, máy mình sạc đầy qua đêm, sáng sớm bắt đầu dùng và trong ngày sử dụng rất nhiều các kết nối mạng bao gồm: 3G bật liên tục, Bluetooth luôn luôn bật để kết nối với tai nghe không dây, cập nhật Facebook, Twitter, Push Gmail, lướt web (khoảng 45 phút), gọi ít (dưới 30 phút), chụp vài tấm hình thì đến chiều tối, pin còn khoảng 49%. Nếu sử dụng ít hơn thì máy hoàn toàn có thể dùng đến 2 ngày pin.
Sau cùng, mặc dù được xem một chiếc điện thoại Bada thuộc hàng cao cấp nhưng theo cảm nhận của mình thì Wave 3 cũng chưa đạt được mong muốn này theo ý định của nhà sản xuất, nguyên nhân chủ yếu là do hệ điều hành. Hệ điều hành Bada 2.0 vẫn chưa phát triển đủ mạnh và rộng để có thể đáp ứng được nhu cầu làm việc của những người dùng cao cấp. Điều mà Samsung cần làm trong thời gian tới đó là họ phải chỉnh sửa lại giao diện của hệ điều hành này trực quan hơn, thông minh hơn, kèm theo đó là các chính sách/kế hoạch/chiến lược chiêu dụ các lập trình viên hăng hái viết ra nhiều ứng dụng cho hệ điều hành Bada.
Màn hình khóa máy và màn hình menu Màn hình Homescreen và giao diện nghe nhạc Cửa sổ quản lý các ứng dụng đang chạy, giao diện của trình duyệt web Giao diện Gallery