Nhịp sống số

Đánh giá Kingston DataTraveler HyperX 3.0 - USB khủng 64GB

Đánh giá Kingston DataTraveler HyperX 3.0 - USB khủng 64GB
Công nghệ USB 3.0 ngày càng thể hiện rõ sự vượt trội về tốc độ và dần trở nên phổ biến. Ngay cả các bo mạch chủ phân khúc phổ thông cũng bắt đầu được trang bị giao tiếp này. Nếu như trước đây chúng ta từng phải trầm trồ trước Mach Xtreme MX FX – chiếc USB nhanh ngang HDD, thì hôm nay, Kingston HyperX lại nâng USB lên một tầm cao mới: một chiếc SSD thu nhỏ!
 
Hình ảnh & thông số kỹ thuật
 
- Dung lượng: 64GB, 128GB, 256GB
- Giá (tham khảo newegg): bản 64GB - 130 USD; bản 128GB – 250 USD
- Kích thước: 75 x 23,3 x 15,9 mm
- Khối lượng: 17,7 gram
- Nhiệt độ hoạt động: 0 -> 60 độ C
- Nhiệt độ lưu trữ: -20 -> 85 độ C
- Tốc độ giao tiếp USB 3.0: 225 - 135 MB/s (đọc-ghi)
- Tốc độ giao tiếp USB 2.0: 30 – 30 MB/s (đọc-ghi)
- Bảo hành: 5 năm
 
Với 3 mức dung lượng cực lớn 64GB, 128GB và thậm chí 256GB, có thể nhận thấy Kingston hướng đến những người có nhu cầu sử dụng chiếc USB siêu tốc này như một kho chứa dữ liệu thường xuyên (bổ sung cho laptop chạy SSD dung lượng nhỏ chẳng hạn). Không chỉ vậy, tôi đang nghĩ đến một chiếc USB cài sẵn hệ điều hành, mang công việc đi khắp mọi nơi; hoặc một thiết bị cứu hộ chuyên dụng giúp tạm thời khởi động hệ thống để tra cứu hướng dẫn, tải phần mềm cần thiết khi máy gặp trục trặc.

Theo số liệu mà hãng cung cấp, DataTraveler HyperX 3.0 sở hữu tốc độ đọc-ghi lên tới 225 – 135 MB/s, nhanh hơn bất kì một HDD nào và sánh ngang với các sản phẩm SSD tầm trung. Công thức của Kingston là nhồi nhét tới 8 kênh điều khiển song song cặp với chip nhớ NAND tốc độ cao, khiến chiếc USB này có kích thước khá đô con so với chúng bạn.


DataTraveler HyperX 3.0 có hình thức khá hiện đại và cứng cáp. Rà tay khắp thân USB, tôi không tìm thấy một mối nối ghép nào cả. Kết cấu tương đối vững chắc, dù cố dùng lực nén hay vặn cũng không gây chút gì biến dạng. Cách thiết kế vỏ khéo léo của Kingston làm tôi khá thích thú. Các dòng chữ “HyperX”, “Kingston”, “64GB” và cả logo truyền thống in đầy đủ trên vỏ, vừa đầy đủ thông tin vừa trang trí rất đẹp. Nắp của USB có thể cắm vào phần đuôi lúc đang sử dụng để tránh thất lạc.


DataTraveler HyperX sử dụng giao tiếp USB 3.0. Nếu máy tính không có cổng này, chiếc USB bị giảm hiệu năng rất nhiều, chỉ có thể chạy với tốc độ khoảng 33 MB/s.


Đặt cạnh DT 101 G2 – một chiếc USB có kích thước bình thường, DT HyperX to và dày hơn thấy rõ. Kích thước của DT HyperX là 75 x 23,3 x 15,9 mm, khối lượng 17,7 gram.

Khi truy xuất dữ liệu, logo Kingston sẽ phát sáng nhờ đèn LED chìm bên dưới.
 


Cách tính của các nhà sản xuất bộ nhớ là làm tròn: 1000 Byte = 1 KB; 1000 KB = 1 MB và 1000 MB = 1 GB (thực tế là 1024 mới bằng một đơn vị kế tiếp). Bởi vậy dung lượng thực của DataTraveler chỉ là 59,6 GB.
 
Cấu hình thử nghiệm – Nội dung test

Xuất hiện trong bài review để so sánh là Kingston DT 101 G2 4GB – một chiếc USB thông thường chuẩn 2.0 và ổ SSDNow V+200 90GB.

 

 
Cấu hình thử nghiệm

- Bo mạch chủ: Gigabyte Z68 UD7-B3

- Bộ xử lý: Intel Core i5 2500K
- Bộ nhớ trong: 2 x 4GB Kingston HyperX 1600 cas 9

- Card đồ họa: MSI GTX 560 Ti Twin Frozr II OC

- Ổ cứng: Kingston SSDNow V+200 90GB

- Nguồn: Seasonic X660
 
Nội dung thử nghiệm bao gồm:

- Các phần mềm benchmark ổ cứng: Crystal DiskMark, A Disk Benchmark, HD Tune Pro, HD Tach.
- Thời gian sao chép dữ liệu từ máy ra USB và từ USB vào máy: sao chép thư mục nặng 1,16 GB chứa 290 tập tin JPEG; sao chép tập tin mkv nặng 1,86 GB. Đối với SSDNow V+200 tôi thực hiện sao chép dữ liệu trong nội bộ ổ.
 
Crystal DiskMark

Crystal DiskMark là phần mềm tôi cho là đáng tin cậy nhất để đánh giá tốc độ ổ chứa dữ liệu. Tôi chọn tùy chọn dữ liệu ngẫu nhiên của chương trình và đây là kết quả:

 

 


Crystal DiskMark ghi nhận tốc độ đọc của HyperX 3.0 là 242,3 MB/s và ghi là 135 MB/s – còn cao hơn cả thông số của hãng đưa ra, nhanh hơn SSDNow V+200 một chút. Chiếc USB 2.0 thông thường đương nhiên ngửi khói với tốc độ đọc-ghi chỉ 22,8 – 6,6 MB/s.

Tuy nhiên, HyperX 3.0 vẫn chưa khắc phục được nhược điểm của ổ flash là tốc độ truy xuất dung lượng nhỏ vẫn còn thấp. Do vậy trong nhiều trường hợp vẫn phải chịu lép so với SSD.
 
A Disk Benchmark

 

 


Phần mềm test trên dữ liệu nén nên các SSD đều có tốc độ rất cao. Ngay cả DT 101 G2 cũng ngẩng đầu một chút với tốc độ đọc-ghi tăng lên 34 – 24 MB/s. Riêng HyperX 3.0 thì lại bị tụt: không những tốc độ giảm so với Crystal DiskMark mà còn bị trồi sụt không ổn định.
 
HD Tune Pro

Phần mềm có giao diện nhìn siêu pro, trông như não đồ. Tốc độ đọc HD Tune Pro ghi nhận cho HyperX 3.0, SSDNow V+200 và DT 101 G2 lần lượt là 210 MB/s, 362 MB/s và 31 MB/s.

 

 


Access time (thời gian truy nhập và thư mục) của cả 3 là 0,792 ms, 0,05 ms và 0,957ms. Do tính bằng ms nên dù HyperX chậm hơn SSD gần 20 lần nhưng cũng chẳng cảm nhận được.

 
HD Tach

Ở phần mềm này, tôi lựa chọn 2 chế độ cung cấp sẵn là Long bench và Quick bench.

Kết quả Long bench:

 

 

 
Kết quả Quick bench:

 

 

 

Nhìn chung cả 2 chế độ benchmark của HD Tach đều cho kết quả kha khá giống HD Tune Pro.
 
Thời gian sao chép dữ liệu

Đây là phép thử so sánh thực tế sử dụng. Nội dung của phép thử này này: sao chép thư mục nặng 1,16 GB chứa 290 tập tin JPEG; sao chép tập tin mkv nặng 1,86 GB. Đối với SSDNow V+200 tôi thực hiện sao chép dữ liệu trong nội bộ ổ.

 


Ở nội dung thực tế này, HyperX về đầu, thậm chí còn vượt mặt xa ở thời gian sao chép từ USB vào máy. Có thể lý giải chiếc SSD của tôi đã được cài hệ điều hành, vừa phải thực hiện tác vụ vừa bị chiếm dữ liệu cài hệ điều hành (ổ SSD bị giảm tốc độ qua số lần ghi/xóa).

USB 2.0 chậm hơn HyperX 3.0 từ 8 đến 30 lần!
 
Kết luận

Còn nhớ vào hồi tháng 9/2011, tôi đã rất sửng sốt khi cầm trong tay Mach Xtreme MX-FX 64GB – chiếc USB nhanh ngang HDD. Không thể tưởng tượng rằng chỉ sau đó 5 tháng, tôi lại được chứng kiến chiếc USB nhanh ngang SSD đến từ Kingston! Không còn nghi ngờ gì nữa, Kingston DataTraveler là chiếc USB nhanh nhất thế thới tính đến thời điểm hiện tại! Thực tế sử dụng, DataTraveler HyperX 3.0 thậm chí còn nhanh hơn cả một chiếc SSD tầm trung.
 


Thế nhưng với cái giá phải nói quá cao (130 USD cho bản 64GB và 250 USD cho bản 128GB – giá newegg, chưa rõ giá khi về Việt Nam), HyperX 3.0 quá tầm với của người dùng cả Việt Nam lẫn thế giới. Như ý kiến tôi đã đưa ra đầu bài viết, sản phẩm phù hợp nhất với vai trò thiết bị lưu trữ phụ cho các notebook sử dụng SSD dung lượng nhỏ (không đủ cài game hoặc ứng dụng), hoặc người dùng cao cấp thích… sưu tầm hàng khủng. Dù cồng kềnh hơn một chút, tôi cho rằng ổ cứng di động giao tiếp USB 3.0 hợp lý hơn rất nhiều, cân bằng cả 3 yếu tố dung lượng, tốc độ và chi phí. Sự ra đời của DataTraveler mang ý nghĩa như lời khẳng định thương hiệu của Kingston hơn là một sản phẩm thương mại.