Nếu bạn là một người không quan tâm quá nhiều đến xu hướng, cái mà bạn quan tâm nhất là những tiện ích đem lại từ chiếc điện thoại của mình như gửi email, nhắn tin hay là người thường xuyên thực hiện các chức năng liên quan đến văn phòng thì Droid 4 là một lựa chọn quá hợp lý dành cho bạn. Đây là một trong những chiếc điện thoại smartphone sử dụng bàn phím Qwerty vật lý tốt nhất trên thị trường trong thời điểm hiện tại, cùng với đó là việc sở hữu một bộ phần cứng tốt cấu hình cao, kết hợp công nghệ truy nhập băng thông rộng tốc độ cao LTE 4G của Verizon, tuổi thọ pin khá, giá thành chỉ có 200$ kèm theo đó là một hợp đồng 2 năm với nhà mạng, chừng đó thôi cũng đã quá đủ để Droid 4 thu hút một lượng lớn khách hàng về phía mình, đặc biệt là giới doanh nhân những người suốt ngày ca cẩm về sự bất tiện trong việc gửi hay nhận email thông qua việc sử dụng các bàn phím ảo.
Bạn là một tín đồ của công nghệ ? Bạn không ngừng săn tìm để sở hữu cho mình những sản phẩm mới nhất của làng công nghệ trên thế giới? Vậy thì đừng bỏ qua Droid 4, chiếc điện thoại thông minh vừa mới được giới thiệu tại triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới CES 2012, đứa con mới nhất và là kết quả của sự hôn phối giữa hãng sản xuất điện thoại danh tiếng Motorola và nhà mạng Verizon của Hoa Kỳ
Nói đến sự kết hợp giữa Verizon và Motorola chắc hẳn các bạn đều liên tưởng ngay đến dòng sản phẩm Droid với sự xuất hiện của Milestone, Droid 2, Droid 3 và gần đây nhất là chiếc điện thoại được mệnh danh “mỏng như dao cạo” Droid Rarz maxx và tiếp nối sự thành công ấy, ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2012 này Verizon đã giới thiệu thế hệ thứ 4 của dòng smartphone cao cấp này, chiếc Droid 4. Nếu phải so sánh giữa Droid 4 và Droid Rarz maxx, mặc dù có sự khác biệt rõ ràng về thiết kế, cụ thể ở bộ phận bàn phím, hai chiếc smarphone này vẫn có nhiều điểm tương đồng khiến khách hàng phải đau đầu khi lựa chọn giữa chúng.
Phần cứng
Khi cầm trên tay Droid 4 chắc hẳn bạn sẽ không khỏi có đôi chút thất vọng khi về thiết kế Droid 4 không có khác biệt gì nhiều so với phiên bản trước của nó, chiếc Droid 3 với màn hình lớn cùng với bàn phím trượt Qwerty khá là bắt mắt và dày dặn. Về cơ bản, tương tự như Droid 3, Droid 4 sở hữu một khung máy làm bằng kim loại được đánh bóng cùng với đó là một màn hình tương đối lớn (4 inch) và nắp sau của máy được sản xuất bằng chất liệu nhựa chống trầy. Nhìn chung thiết kế của Droid 4 khá là đơn giản và có lẽ đây là một điểm trừ của máy khi thiết kế của nó không gây ra được một ấn tượng nào mạnh mẽ đối với những người lần đầu tiên tiếp xúc. Tuy nhiên khi cầm máy trên tay, do máy khá nặng ( 179g) nặng hơn khá nhiều so với những phiên bản trước đó là Droid 3 (168g) và Droid RARZ (127g) và tất nhiên với trọng lượng như vậy Droid 4 cầm khá là chắc tay và tạo cho người dùng cảm giác thoải mái và tin tưởng. Thiết kế của máy đậm chất Menly khi trên tay phái mạnh và tạo cảm giác pro khi có sự kết hợp giữa chạm và ấn.
Chính bởi việc tích hợp thêm bàn phím Qwerty nên Droid 4 phải nói là trông khá thô do có độ dày tương đối lớn (máy có kích thước 127 x 67.3 x 12.7mm ), trái ngược hẳn với vẻ hào nhoáng của người anh em Droid RARZ của nó, chiếc điện thoại được mệnh danh là “mỏng như dao”. Do vậy có lẽ đối tượng khách hàng tiềm năng được nhắm đến của chiếc điện thoại này là giới doanh nhân, những người thiên về những tiện ích trong việc sử dụng email, đọc và tạo dựng các đoạn văn bản nhiều hơn là hướng đến thiết kế trẻ trung và bắt mắt mà đại đa số khách hàng của các nhà sản xuất thiết bị viễn thông - những người trẻ đang hướng tới.
Droid 4 được nhà sản xuất trang bị màn hình có độ phân giải 960*540 (qHD) lên tới 4 inch với công nghệ màn hình cảm ứng PenTile mới nhất của SamSung, công nghệ chuyên dùng cho máy tính bảng, khác hẳn với công nghệ màn hình Super AMOLED của Droid Rarz Maxx- công nghệ màn hình có khả năng đem lại màu sắc sống động nhất. Ngoài độ phân giải siêu tưởng, công nghệ màn hình có tên là PenTile này còn giúp tiết kiệm đến 40% điện năng tiêu thụ so với các loại màn hình thông thường. Phía dưới màn hình vẫn là 4 phím cảm ứng truyền thống của Android (menu - home - back - search). Các phím này sẽ được điều khiển bởi mắt cảm ứng ánh sáng gần ngay camera phụ. Khi làm việc trong môi trường tối các phím này và bàn phím vật lý sẽ sáng lên và ngược lại sẽ tắt (tiết kiệm pin) khi đủ ánh sáng.
Tuy nhiên thực nghiệm cho thấy màn hình của Droid 4 thực sự gặp đôi chút vấn đề về độ tương phản bởi khi đem máy ra ngoài môi trường ánh sáng mặt trời trong điều kiện ánh nắng chiếu trực tiếp người dùng vẫn có thể lờ mờ nhận ra cái bóng của chính mình trên màn hình của máy, thậm chí có những lúc phải dùng tay che chắn bớt mới có thể nhìn thấy rõ nội dung hiển thị trên màn hình. Điều này đã gây ra đôi chút bực mình và khó chịu đối với những người sử dụng khó tính, nhất là khi họ có nhu cầu chụp những bức ảnh trong điều kiện ngoài trời.
Giống như Droid Razr Maxx, Droid 4 có vi xử lý lõi kép TI OMAP 4430 1,2 GHz và card đồ họa PowerVR SGX540 GPU, cùng với đó là một bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên tương đối lớn (1Gb RAM) điều này đã giúp máy có thể chạy tốt những game có cấu hình không quá lớn một cách trơn tru và mượt mà (mình trực tiếp test thông qua những game kinh điển Angry bird, NOVA..) hay có thể đảm bảo những tác vụ thông thường có thể hoạt động một cách dễ dàng ngay cả khi đang có nhiều ứng dụng chạy nền. Nói chung phần cứng và phần mềm dành cho hai sản phẩm này đều không có mấy sự khác biệt .
Droid 4 cũng được trang bị cho mình một bộ nhớ trong khá lớn, lên đến 16Gb ngoài ra máy còn được tích hợp khe cắm thẻ nhớ microSD nên khả năng lưu trữ tối đa của máy có thể đạt tới là 32Gb, hoàn toàn có thể đáp ứng một cách thoải mái cho nhu cầu quay phim hay chụp ảnh của bạn dù chất lượng hình ảnh có ở mức HD đi chăng nữa.
Mặt sau của Droid 4 thiết kế khá đơn điệu với chất liệu chủ yếu là nhựa chống trầy, ở góc dưới cùng bên trái là loa ngoài của máy, nổi bật ở giữa là lô gô được khắc chìm của 2 nhà sản xuất Verizon và Motorola. Ở phía trên là camera 8.0Mpx có khả năng quay FULL HD 1080 tốc độ 30 khung hình trên giây cùng với đèn Flash hỗ trợ chụp trong môi trường thiếu ánh sáng.
Hai cạnh bên thiết kế đơn giản, cạnh bên phải của máy là 2 phím bấm để điều chỉnh âm lượng, cạnh bên trái có thêm cổng microHDMI và microUSB giúp cho việc xuất hình từ máy sang màn hình ngoài trở nên rất dễ dàng. Chính nhờ cổng này mà Droid 4 còn có thể kết hợp thêm với phụ kiện bàn phím để thao tác nhanh hơn, cụ thể là Motorola Lapdock 100 và Lapdock 500 Pro, loại bàn phím không dây bao gồm trackpad.
Jack cắm 3.5 được bố trí trên cạnh trên của Droid 4, bên cạnh đó là nút khóa màn hình được đưa vào giữa chứ không phải là đặt ở góc như nhiều chiếc smartphone khác trên thị trường, điều này đã tạo ra không ít nhầm lẫn đối với những người lần đầu tiên sử dụng máy. Droid 4 cũng bị người dùng than phiền khá nhiều khi nút khóa màn hình của máy tương đối nhỏ và lún hơi sâu vào trong phần vỏ máy, cùng với đó là việc thiếu sự xuất hiện của một phím chụp ảnh chuyên dụng.
Cũng như ở Droid 3, Bàn phím của Droid 4 vận hành theo nguyên tắc trượt cơ và phải dùng đến lực đẩy. Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng trượt sẽ dễ đứt dây nguồn và trầy bàn phím vật lý. Câu trả lời là không hề nhé. Các bạn yên tâm là để cho ra đời một sản phẩm công nghệ cao các kĩ sư đã phải tính toán dựa trên rất nhiều phương diện vậy nên chỉ cần bạn lưu ý giữ gìn trong khi sử dụng một chút thì khả năng dây cáp điện thoại của bạn bị tổn hại là không hề cao một chút nào.
Bàn phím
Nếu không kể đến những tín đồ của dòng điện thoại kì cựu BlackBerry, khi mà những chiếc điện thoại thông minh với màn hình cảm ứng đa điểm xuất hiện ồ ạt trên thị trường và đang dần trở thành tiêu điểm cạnh tranh của hàng loạt các hãng sản xuất di động trên thế giới trong thời điểm hiện tại thì sự xuất hiện của một dòng điện thoại như Droid quả là kì lạ nếu không muốn nói đây là một vụ đầu tư khá mạo hiểm của 2 nhà sản xuất kì cựu này khi mà tiếp tục kế thừa những đặc điểm của Droid 2 và 3, Droid 4 sở hữu cho mình một bàn phím trượt khá lớn.
Nói là mạo hiểm bởi 2 nhà sản xuất trên đã đi ngược lại với xu hướng của thị trường công nghệ viễn thông thế giới nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận một điều, bàn phím Qwerty bắt mắt là một trong những điểm nhấn trong thiết kế của dòng sản phẩm Droid.
Droid 4 đã tiếp thu khá tốt ý kiến của người sử dụng khi mà bàn phím cứng của chiếc điện thoại này đã được cải thiện khá nhiều và thực sự những cải tiến đó đã đem lại hiệu quả. Vẫn là hệ thống các phím bấm được bố trí thành 5 hàng với khoảng cách khá là hợp lý và có độ nảy cao như các phiên bản trước đây nhưng việc bố trí chức năng của các phím bấm đã được nhà sản xuất thay đổi đi ít nhiều để phù hợp với phản hồi của người sử dụng. Chúng ta có thể thấy thay vì được bố trí cùng với các phím ký tự chữ cái như ở Droid 3, phần ký tự mở rộng ở phiên bản Droid 4 này được bố trí cùng với các phím số. Thiết kế các phím bấm và các phím chức năng của Droid 4 khiến ta cảm thấy như đang được sử dụng một chiếc bàn phím máy tính thu nhỏ vậy, đây có lẽ là dụng ý của nhà sản xuất khi muốn bàn phím Qwerty của Droid 4 trở nên gần gũi hơn với đại đa số người dùng.
Còn một điều nữa khi nói đến bàn phím Qwerty của dòng sản phẩm Droid là đèn nền của bàn phím được nhà sản xuất kết nối với một bộ cảm ứng môi trường xung quanh. Do vậy nếu bạn đang ở trong môi trường thiếu ánh sáng hay đơn giản là khi bạn không muốn rời xa chiếc chăn ấm của mình giữa thời tiết giá rét như thế này thì chỉ cần có một chiếc Droid 4 trên tay việc nhắn tin, gửi email, chat hay tạo dựng các đoạn văn bản không có gì là khó khăn cả nếu không muốn nói là hết sức dễ dàng J
Tuy nhiên bàn phím của Droid 4 cũng có một điểm trừ nho nhỏ, đó là sự vắng mặt của các nút điều hướng chuyên biệt dành riêng cho Android, nhưng các bạn cũng không phải băn khoăn quá về vấn đề này khi mà bạn cũng có thể dễ dàng thực hiện các thao tác trên bằng các phím cảm ứng được bố trí ngay bên dưới màn hình. Dù sao, hy vọng ở các phiên bản tiếp theo của dòng máy này, nhà sản xuất sẽ có thêm một số cải tiến mới.
Phần mềm
Các mẫu điện thoại mới của Motorola đều được trang bị Smart Actions – phần mềm tích hợp cùng giao diện Moto-Blur, cho phép tiết kiệm pin và bổ sung thêm nhiều chức năng. Và nếu như ở Droid 2 giao diện Moto-Blur gây ra khá nhiều sự khó chịu cho người dùng bởi chạy chậm, tốn pin và có phần thô cứng thì từ phiên bản Droid 3 trở đi và mới nhất là phiên bản Droid 4 này, cảm nhận của người dùng đã thay đổi khá nhiều khi mà có vẻ như giao diện tùy biến Moto-Blur đã có những cải tiến nhất định. Có thể nhận thấy điều đó thông qua việc các hiện ứng trên Droid 3 và 4 đã mượt mà và nhẹ nhàng hơn khá nhiều.
Giống như Droid Razr Maxx, Droid 4 dùng Android 2.3 Gingerbread với giao diện Moto-Blur và hứa hẹn nâng cấp lên Android 4.0 Ice Cream Sandwich. Mặc dù chưa có thông tin xác nhận chính thức về việc nâng cấp lên Android 4.0 Ice Cream Sandwich nhưng với cấu hình ở mức cao cấp, Droid 4 sẽ dễ dàng tiếp cận phiên bản Android mới nhất này.
Đối với các bạn trẻ có sẵn thú voi vọc máy, mình có một vài kinh nghiệm nhỏ muốn chia sẻ cho các bạn, đó là các bạn có thể tân trang lại cho chú dế yêu của mình bằng việc cài đặt Go Launch hay có thể Root và giảm CPU của máy xuống còn 800Hz để tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, có một lưu ý nhỏ dành cho các bạn, khi ROOT các bạn đừng bỏ những chương trình hỗ trợ của Verizon, nếu bỏ sẽ không được update những lần sau và sẽ bị lỗi nặng, các bạn nhớ lưu ý về điều này nhé.
Hiệu năng và tuổi thọ của pin:
Có một điểm đặc biệt khi nói đến pin của Droid 4, đó là cũng giống như người anh em ra đời trước của nó – chiếc Droid Rarz Maxx, pin của Droid 4 được thiết kế pin cố định theo máy và không thể tháo rời. Droid 4 sở hữu pin Li-Ion 1785 mAh cung cấp thời gian thoại 12,5 giờ. Với dung lượng pin như vậy ta có thể nhận thấy rõ sự sụt giảm nghiêm trọng của pin khi sử dụng công nghệ LTE 4G trong một thời gian dài dù cho độ sáng của máy chỉ cài đặt ở mức vừa phải.
Để kiểm chứng về hiệu suất pin của máy, chúng tôi đã tiến hành một thử nghiệm nho nhỏ bằng việc cho chạy liên tục 1 đoạn video trên Droid 4 với thiết lập sáng ở mức 50%, cùng với nó là việc chạy 1 tài khoản twitter đồng bộ trong vòng 15’ và đặt hòm thư email ở chế độ hoạt động. Kết quả thu được cho thấy trong điều kiện như vậy Droid 4 duy trì được hoạt động trong khoảng hơn 7 giờ đồng hồ, nhiều hơn những 2 tiếng so với người an hem Droid Rarz maxx của nó với cùng điều kiện hoạt động tương tự.
Camera:
Trước đây đã từng có rất nhiều phản hồi thiếu tích cực từ người sử dụng đối với Camera những sản phẩm của Motorola, thậm chí có những người còn nói rằng “Đã dùng Motorola thì đừng có nghĩ đến chuyện chụp ảnh” nhưng có vẻ như với Droid 4 những người sử dụng khó tính kia có lẽ cũng đã ít nhiều phải xem xét lại những lời phát biểu có phần hơi thái quá của mình.
Motorola đã trang bị cho thành viên mới nhất trong gia đình của mình đến tận 2 camera có chất lượng hình ảnh khá tốt. Camera chính ở mặt sau của máy có độ phân giải lên tới 8.0 megapixel với rất nhiều những chế độ chụp hình khác nhau được tích hợp sẵn trong máy. Bạn có thể thoải mái cho trí tưởng tượng bay xa cùng Droid 4 với chế độ chụp ảnh phong cảnh (landscape), chế độ chụp ảnh chân dung (portrait)… với rất nhiều những bộ lọc hiệu ứng được nhà sản xuất cài đặt sẵn trên máy. Motorola cũng tích hợp trên Camera của mình rất nhiều những tính năng tiện ích khác như chụp ảnh đa hẹn giờ, chụp ảnh toàn cảnh panorama, chạm tay lấy nét (touch-focus), gắn vị trí địa lý vào ảnh (geo-tagging), nhận diện khuôn mặt, ổn định hình ảnh… hay nếu muốn bạn cũng có thể tự điều chỉnh độ phơi sáng cho tấm hình của mình.
Khi được sử dụng dưới điều kiện ánh mặt trời Camera của Droid 4 cũng cho ra những hình ảnh rất đáng ngưỡng mộ đối với một chiếc điện thoại khi mà các chi tiết của bức ảnh, độ sâu của trường hay độ tương phản đều được Droid 4 thể hiện một cách chân thực và sống động. Những tấm ảnh chụp trong điều kiện thiếu ánh sáng hay dưới ánh đèn huỳnh quang của Droid 4 cũng đều không đến nỗi nào. Camera luôn ưu tiên tông màu nóng cho hình ảnh và luôn cho ra những hình ảnh màu sắc thật. Tuy nhiên xử lý độ nhiễu (noise) ở ánh sáng yếu chưa thật tốt.
Droid 4 có thể quay được những đoạn video tiêu chuẩn HD dù chất lượng hình ảnh cũng chỉ ở mức trung bình khá khi mà khả năng tự động lấy nét liên tục của máy là không thực sự tốt, đặc biệt là với những chuyển động nhanh và liên tục tuy nhiên chất lượng âm thanh mà máy ghi lại được cũng đã phần nào làm mờ đi những khuyết điểm không lớn lắm của máy. Tuy không thể hiện được quá nhiều so với kỳ vọng mà nó đem lại nhưng như vậy cũng đã là quá tốt với một chiếc smartphone.
Ở mặt trước của Droid 4, Motorola trang bị cho máy một chiếc camera với độ phân giải 1.3 megapixel dùng cho các cuộc thoại video call hay chat video. Chiếc camera này cho ra những hình ảnh dù không quá tốt nhưng cũng ở mức có thể chấp nhận được với đại đa số người dùng.
Tổng kết:
Ưu điểm: Có bàn phím Qwerty trượt được thiết kế tiện ích và nổi bật, rất thích hợp với những người thường xuyên sử dụng các dịch vụ văn phòng
Nhược điểm: Pin của máy là loại pin kích cỡ tiêu chuẩn không thể tháo rời, điều này gây khó khăn trong việc thay thế khi có hỏng hóc hoặc sự cố, thời gian sử dụng pin cũng không lớn. Droid 4 cũng khá dày và tương đối nặng tay. Chất lượng màn hình cũng chỉ ở mức vừa phải nếu đem so sánh với những smartphone sử dụng công nghệ màn hình AMOLED.
Nếu bạn là một người không quan tâm quá nhiều đến xu hướng, cái mà bạn quan tâm nhất là những tiện ích đem lại từ chiếc điện thoại của mình như gửi email, nhắn tin hay là người thường xuyên thực hiện các chức năng liên quan đến văn phòng thì Droid 4 là một lựa chọn quá hợp lý dành cho bạn. Đây là một trong những chiếc điện thoại smartphone sử dụng bàn phím Qwerty vật lý tốt nhất trên thị trường trong thời điểm hiện tại, cùng với đó là việc sở hữu một bộ phần cứng tốt cấu hình cao, kết hợp công nghệ truy nhập băng thông rộng tốc độ cao LTE 4G của Verizon, tuổi thọ pin khá, giá thành chỉ có 200$ kèm theo đó là một hợp đồng 2 năm với nhà mạng, chừng đó thôi cũng đã quá đủ để Droid 4 thu hút một lượng lớn khách hàng về phía mình, đặc biệt là giới doanh nhân những người suốt ngày ca cẩm về sự bất tiện trong việc gửi hay nhận email thông qua việc sử dụng các bàn phím ảo.