Đánh giá điện thoại

Đánh giá chi tiết ASUS FonePad : Giá đẹp, hàng ngon

Màn hình lớn, đầy đủ tính năng của một chiếc smartphone, với chất liệu nhôm sang trọng và đặc biệt giá tốt là những điểm nổi bật của ASUS FonePad.

 

 

Được ASUS chính thức bán ra từ  ngày 19/5/2013 vừa qua, ngay lập tức FonePad đã tạo được cơn sốt trên thị trường Việt Nam. Nguyên nhân vì sao mà sản phẩm này của ASUS sốt đến vậy? Bạn đọc có thể tự rút ra được câu trả lời cho riêng mình sau khi tham khảo bài đánh giá chi tiết này của TechZ.

 Giới thiệu

ASUS FonePad là một chiếc máy tính bảng? Hay đơn giản là một chiếc điện thoại? Có lẽ tên gọi đúng nhất cũng đã được ASUS sử dụng cho sản phẩm này : FonePad (Fone = Phone: điện thoại; Pad = Máy tính bảng). Một sản phẩm lai tạo giữa smartphone thông thường, sở hữu màn hình 7 inch như trên các thiết bị máy tính bảng mini là miêu tả chính xác về ASUS FonePad.

Máy chạy hệ điều hành Android 4.1.2 và hỗ trợ kết nối phổ biến như 3G, Wifi và Bluetooth. Phiên bản FonePad được nhắc đến trong bài đánh giá lần này có dung lượng bộ nhớ trong là 32GB.

Thiết kế

ASUS FonePad sở hữu màn hình 7 inch và có kích thước chi tiết 196.4 x 120.1 x 10.4 mm tức là nhỏ hơn 1 chút xíu nếu so với “anh bạn đồng câp” Nexus 7 (198.5 x 120 x 10.5 mm). Bạn vẫn có thể cầm một cách thoải mái bằng một tay, nhưng nếu muốn sử dụng thì phải vận dụng cả hai tay để thao tác được chuẩn xác nhất. Bởi lẽ phần đường viền bao quạnh màn hình của chiếc FonePad là khá to để phục vụ cho việc bạn có thể sử dụng máy dễ hơn khi xoay FonePad ngang, dọc các hướng.

Mặt tiền của FonePad với đường viền đen bao quanh 4 phía màn hình cảm ứng, được phủ kính bảo vệ. ASUS đã lược bỏ toàn bộ phím cứng ở mặt trước, chỉ để logo ASUS nổi bật ở phía cạnh dưới.

Cận cảnh mặt trước của ASUS FonePad

Phía cạnh trên của màn hình là khu vực bố trí camera phục vụ video call hoặc chụp ảnh “tự sướng” và loa thoại cho chức năng gọi điện thông thường.

Mặt sau chính là điểm đáng chú ý nhất ở chiếc FonePad này. ASUS đã rất quan tâm đến cảm giác của người dùng và cố gắng nâng cao chất lượng phần cứng hết mức có thể. Dù chỉ được bán ở mức giá trung bình, nếu không muốn nói là thấp, nhưng FonePad vẫn được ASUS ưu ái với lớp vỏ nhôm cùng khả năng chống bám vân tay rất tốt. Nổi bật với logo ASUS được khắc trực tiếp lên lớp vỏ nhôm, ngay bên dưới camera chính, mặt sau của FonePad khá trơn nhẵn và tạo cảm giác sang trọng, cứng cáp khi cầm và sử dụng.

Phần nắp phía trên camera có màu hơi khác biệt chính là nơi bạn có thể dễ dàng tháo ra để lắp microSIM và thẻ nhớ microSD.

Riêng phần nắp nhỏ này được làm bằng nhựa, sơn phủ bóng màu đồng hoặc màu ghi tùy phiên bản. Có lẽ việc sử dụng chất liệu nhựa để người dùng có thể dễ dàng tháo lắp hơn.

Ở phía dưới của mặt lưng máy là logo Intel Inside được sơn trực tiếp và các thông số kỹ thuật khác.  

Cạnh trái của  FonePad được bố trí nút nguồn (tắt/ mở máy) cũng như phím Tăng/ Giảm âm lượng 

Trong khi cạnh phải lại trơn nhẵn và không có thêm phím cứng nào.

Cạnh dưới có khe cắm sạc với cổng microUSB và giắc cắm tai nghe 3,5mm. 

Cạnh trên thì trơn nhẵn.

Tổng thể thiết kế của FonePad là khá cao cấp với chất liệu nhôm ở mặt lưng và khá dễ cầm với một tay nhưng để sử dụng và đặc biệt là khi di chuyển thì bạn vẫn cần thêm phụ kiện như túi đựng, bao da.. Nhất là khi đi đường, không thể cẩm cả một thiết bị 7 inch lên tai để trò chuyện điện thoại. Một chiếc tai nghe có dây hoặc Bluetooth là gợi ý không tồi chút nào.

Màn hình

ASUS FonePad có màn hình kích thước 7-inch hỗ trợ cảm ứng 10 điểm, độ phân giải 1280 x 800 HD cho hình ảnh rõ ràng, sắc nét để đọc văn bản trên web và xem hình thật tinh tế. Công nghệ IPS đảm bảo màu sắc hiển thị thật sống động, góc nhìn rộng 178 độ giúp người xem quan sát từ mọi góc nhìn với hình ảnh rõ ràng, tươi sáng, dù ở ngoài trời.

Màn hình của FonePad hiển thị tốt cả trong điều kiện ánh sáng tự nhiên kahs chói lẫn ánh sáng trong phòng

Tính năng Outdoor Mode khiến độ sáng được tăng cường, giúp cho người dùng có thể nhìn tốt hơn. Tất nhiên là với cái nắng chói chang giữa những ngày hè này thì khi sử dụng ngoài trời, màn hình hiển thị hơi khó nhìn là điều khó tránh.

Trong điều kiện sử dụng bình thường, như trong phòng chẳng hạn, bạn có thể tùy chọn cài đặt ánh sáng Normal Mode, hoặc để chế độ Auto, ánh sáng được tăng, giảm phù hợp với môi trường xung quanh.

Vấn đề màu sắc hiển thị trên các thiết bị màn hình cảm ứng luôn khiến người dùng phải quan tâm nhiều khi xem xét một sản phẩm nào đó. Với Samsung thì màn hình luôn hiển thị ngả sang màu xanh, Sony thì hơi đỏ nên ASUS đã đưa ra phương án giải quyết sự ngả màu này. Với phần mềm ASUS Splendid cho phép người dùng tùy chỉnh màu sắc hiển thị trên màn hình sử dụng. Bạn có thể thoải mái tăng, giảm cường độ màu sắc để nhạt, đậm, ngả xanh hay đỏ tùy theo ý thích.

Ứng dụng ASUS Splendid cho phép bạn tùy chỉnh màu sắc hiển thị ngay cả trong giao diện chính và các icon

Giao diện

FonePad sử dựng giao diện khá đơn giản, gần như là nguyên gốc của Android 4.1.2. Khác với các hãng Samsung và Sony khi đưa quá nhiều tùy biến độc quyền vào, ASUS đã tối giản những thứ không cần thiết, khiến máy chạy mượt mà, giao diện đơn giản dễ dùng, nhất là với những ai đã từng sử dụng qua bất kỳ thiết bị chạy Android nào.

Bên cạnh 3 phím cảm ứng cơ bản của Android 4.1, ASUS còn đưa thêm một phím nữa, bên cạnh phím đa nhiệm. Khi bạn chạm vào phím này, dù đang ở bất cứ đâu, đang chạy bất cứ ứng dụng nào, sẽ có một danh sách các phần mềm, tiện ích hiện lên. Bạn có thể lựa chọn tối đa thêm 6 ứng dụng để sử dụng ngay ngoài màn hình chính.

Giao diện hiển thị các ứng dụng chạy gần đây

Trình quản lý đa nhiệm trên ASUS FonePad rất tốt khi hỗ trợ và chạy mượt đồng thời cả 6 ứng dụng 

Đặc biệt, tất cả đều chạy song song nhau và không gây chậm, giật cho máy một chút nào. Tính năng này được ASUS đặt tên là Floating Apps. Thực tế sử dụng cho thấy ASUS thực hiện rất tốt tính năng đa nhiệm này và dù FonePad chỉ là thiết bị giá rẻ nhưng nó chạy đa nhiệm còn tốt hơn rất nhiều sản phẩm đắt tiền khác.

Ngoài ra thì các tính năng khác như thanh Notification, Giao diện Menu, Màn hình mở khóa…trên FonePad không có nhiều điểm khác biệt so với các thiết bị chạy Android Jelly Bean khác.

Bàn phím

Trên FonePad mặc định lựa chọn bàn phím có 2 loại là Android Keyboard và ASUS Keyboard hỗ trợ đầy đủ tính năng của một bàn phím QWERTY cảm ứng.

ASUS trang bị cho FonePad 2 bàn phím mặc định, một của Android và một của ASUS

Tuy nhiên, thực tế sử dụng để có thể gõ tiếng Việt một cách thoải mái nhất, bạn có thể cài đặt thêm các phần mềm bên ngoài, như tôi thì Gõ Tiếng Việt luôn là phần mềm được cài đặt đầu tiên khi sử dụng một máy Android bất kỳ.

Camera

Với một thiết bị như FonePad có lẽ bạn không nên đòi hỏi quá nhiều về camera. Thiết bị chỉ được trang bị camera chính 3MP ở phía sau và camera 1,2 MP ở mặt trước phục vụ videocall.

Thực tế tôi đã sử dụng camera trước để gọi điện thoại videocall trên nền ứng dụng Skype và tất nhiên, hình ảnh chỉ dừng ở mức độ “minh họa” bởi với cảm biến chỉ 1,2MP, bạn không thể yêu cầu chất lượng hình ảnh cao hơn.

Sức mạnh cấu hình

ASUS FonePad sử dụng CPU Intel Atom Z2420, đơn nhân với hai luồng xử lý (Hyper-Threading, như Intel hay gọi là siêu phân luồng), tốc độ 1.2 GHz, PowerVR SGX540, tức là yếu hơn khá nhiều nếu so với Nexus 7 – thiết bị sử dụng chip lõi tứ. Bạn đọc có thể theo dõi chi tiết kết quả các bài kiểm tra với phần mềm Antutu và Quadrant:

ASUS FonePad đạt 11170 điểm trong bài kiểm tra với AnTuTu

So sánh tốc độ, sức mạnh với đối thủ "cùng mâm" Nexus 7

 

 

Kết nối và trình duyệt

Trình duyệt đước sử dụng mặc định trên ASUS FonePad cũng chính là trình duyệt gốc của Android 4.1.2. Trải nghiệm thực tế cho thấy tốc độ kết nối và duyệt web với wifi nhanh, trình duyệt tải trang nhanh và ổn định.

Kết nối Internet với sóng Wi-fi và duyệt web khá nhanh

Khi chuyển sang sử dụng kết nối 3G thì tốc độ có chậm hơn (khi so với khi sử dụng wi-fi) nhưng vẫn đáp ứng được tốc độ tải trang khá cao và lướt web vẫn rất mượt. Trải nghiệm thực tế sử dụng dịch vụ 3G của nhà mạng Vinaphone, Mobifone và Viettel đều cho tốc độ duyệt web ổn định, khá nhanh và không gây nóng máy quá nhiều khi sử dụng một thời gian dài.

Mặc dù không được trang bị NFC thời thượng (mà thực ra tính năng này cũng không được sử dụng nhiều ở Việt Nam và không cần thiết ở một sản phẩm tầm trung) nhưng FonePad vẫn có đủ kết nối phổ biến như Bluetooth.

Chất lượng nghe - gọi, nhắn tin

Đây có lẽ là phần bạn đọc quan tâm nhất khi có ý định mua một chiếc FonePad. Có thể gọi điện, nhắn tin như một chiếc điện thoại bình thường chính là những điểm đặc biệt mà FonePad tạo sự khác biệt với nhan nhản các sản phẩm máy tính bảng mini cỡ 7 inch trên thị trường hiện tại.

Trải nghiệm thực tế trong gần một tuần sử dụng cho thấy chất lượng nghe gọi trên FonePad rất tốt. Mặc dù vẫn còn khá khó khăn và buồn cười  khi áp một thiết bị 7 inch (nói vui là “to như đôi dép”) lên tai để thực hiện cuộc gọi. Nhưng ngoài sự bất tiện trên thì FonePad đáp ứng hoàn hảo nhu cầu như một chiếc điện thoại thông mình thông thường.

FonePad đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một chiếc điện thoại thông minh

Mang trong mình tính năng của một chiếc điện thoại nên khả năng nhắn tin của FonePad cũng đáng để chú ý. Bạn có thể sử dụng trình nhắn tin mặc định trên máy hoặc cài đặt thêm phần mềm bên ngoài như Go SMS và thực hiện các thao tác soạn, gửi, đọc tin như thông thường.

Pin

ASUS FonePad sử dụng pin dung lượng 4270 mAh, hơi nhỏ hơn so với Nexus 7 (dung lượng 4325 mAh) nhưng có lẽ sự khác biệt không lớn lắm. Thực tế tôi sạc đầy pin vào buổi sáng, mang đi làm, lướt web, chat, Facebook, tải ảnh, chơi game, gọi điện Skype, nghe gọi, nhắn tin như một chiếc điện thoại thông thường, và đến tối về nhà, pin vẫn hiển thị hơn 40% dung lượng. Trước khi đi ngủ, tôi thường có thói quen check Facebook, duyệt Hài VL, làm vài ván game.. và pin của FonePad vẫn đảm bảo hoạt động nguyên vẹn thêm một ngày hôm sau, tất nhiên là với cường dộ sử dụng như đã kể trên. Thêm nữa, cả ngày tôi đề mở Wifi, có thể nếu chuyển sang kết nối 3G, pin của máy sẽ nhanh hết hơn.

Nếu bạn chỉ có nhu cầu sử dụng thông thường, thỉnh thoảng lướt web, thực hiện đôi ba cuộc gọi, nhắn tin  trong ngày thì có lẽ pin của FonePad sẽ đáp ứng được trong 2-3 ngày là chuyện bình thường.

Các ứng dụng khác

ASUS đã tích hợp sẵn cho FonePad khá nhiều phần mềm hay ho bên cạnh các ứng dụng nghe nhạc, xem phim và trình quản lý ảnh thông thường trên hệ điều hành Android được cài mặc định. Người viết xin được liệt kê và giứi thiệu tính năng của một số phần mềm mà theo cảm nhận cá nhân là khá hữu ích và độc đáo trên FonePad nhử:

App Backup

Sở dĩ phần mềm này được nhắc đến đầu tiên bởi nó sở hữu tính năng không mới nhưng lại rất hữu ích: Sao lưu và phục hồi dữ liệu ngay trên FonePad.

Nếu chỉ dừng lại ở hai tính năng trên thì có lẽ App Backup không có nhiều điểm cần nói đến, bởi những công việc đó bạn hoàn toàn có thể thực hiện với các phần mềm phổ biến khác như Titanium Backup hay My Backup. Nhưng nếu như các phần mềm vừa kể trên yêu cầu máy phải Root mới có thể sao lưu đồng thời App + Data thì với App Backup, ASUS đã khiến việc đó trở nên dễ dàng hơn nhiều. Vẫn chạy ROM nguyên bản, không cần Root, bạn vẫn có thể đảm bảo sao lưu và phục hồi nguyên trạng các ứng dung, game và dữ liệu của nó với App Backup.

App Lock


Phần mềm được ASUS cài đặt sẵn trong chiếc FonePad giúp người dùng có thể khóa và đặt mật khẩu cho các file, thư mục hoặc ứng dụng tùy ý. Khá tiện lợi và dễ sử dụng là những ưu điểm của App Lock.

ASUS Splendid


Như đã giới thiệu ở phần đánh giá Màn hình, ASUS Splendid cho phép người dùng tùy chỉnh sắc độ hiển thị của icon, hình ảnh theo sở thích cá nhân. Có thể bạn ưu chuộng sự ngả xanh trên màn hình của Samsung hoặc màu sắc sặc sỡ của Sony, tất cả đều có thể được đáp ứng với một vài thao tác trượt, kéo thanh chỉnh màu. Thậm chí cả tông màu sặc sỡ trên iOS 7 cũng có thể được hiển thị ngay trên chiếc ASUS FonePad.

Block list

Đây có lẽ là tính năng mà các máy tính bảng khác như iPad mini, Nexus 7 hay Samsung Galaxy Tab không thể có. Đơn giản bởi ứng dụng phục vụ cho một tính năng mà các thiết bị kể trên không được trang bị: Nghe – Nhận cuộc gọi.

Không cần tìm kiếm và cài đặt thêm ứng dụng từ bên ngoài, ASUS cung cấp sẵn cho người dùng FonePad phần mềm Block list để khóa những số liên lạc mà bạn không mong muốn.

Cảm ứng đa điểm (tối đa 10 điểm chạm cùng lúc)

FonePad khi ra mắt đã được ASUS giới thiệu rằng đây là thiết bị hỗ trợ cảm ứng đa điểm, lên đến tối đa 10 điểm chạm đồng thời, một thông tin khá sốc với sản phẩm tầm trung. Nhưng thực tế sử dụng và test thử cho thấy, điều giới thiệu của ASUS là hoàn toàn chính xác.

Màn hình của ASUS FonePad hỗ trợ cảm ứng tối đa 10 điểm chạm

Bạn hoàn toàn có thể ứng dụng điều này vào các game như chơi Piano, chém hoa quả (Fruit Ninja)

ASUS Studio

Phần mềm này khá hay và dành cho những ai thích chụp ảnh và lưu giữ khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp bằng những tấm hình. Đơn giản là khởi chạy ứng dụng, chọn những tấm hình ưng ý nhất và thế là phần mềm sẽ tự động tạo một Album với các kiểu chia khung, lật trang như một quyển sách ảnh thực sự.

Bạn cũng có thể lựa chọn lưu các Album vừa tạo theo tên gọi tùy ý.

AudioWizard

Phần mềm tùy chọn chế độ âm thanh phù hợp từng hoàn cảnh với các thiết lập như chế độ Nghe nhạc; Xem Phim; Đàm thoại…

Phần mềm cung cấp các lựa chọn cài đặt chế độ âm thanh phù hợp cho từng trường hợp

Instant Dictionary

Điểm độc đáo vào có lẽ là duy nhất trên các thiết bị máy tính bảng, đặc biệt là với mức giá tầm trung đã được ASUS tích hợp và FonePad: Instant Dictionary – Từ điển nhanh.

Với ASUS FonePad, bạn hoàn toàn có thể đọc được bất kỳ ngôn ngữ nào

Để kích hoạt tính năng này, bạn có thể vào Instant Dictionary >> chọn ON >> lựa chọn ngôn ngữ Tiếng Việt. Sau đó một biểu tượng hình tròn ký hiệu  Aa sẽ xuất hiện dọc tùy ý dọc theo 4 cạnh màn hình. Để dịch một đoạn văn bản (cả trong khi đọc truyện hay duyệt web), bạn chỉ cần chạm vào biểu tượng Aa, bôi đen đoạn văn bản cần dịch, phần mềm sẽ tự động dịch sang ngôn ngữ mong muốn (theo cài đặt bên trên là Tiếng Việt, bạn có thể tùy chọn bất cứ ngôn ngữ nào khác vì ASUS hỗ trợ khá nhiều)

BuddyBuzz

Thêm một ứng dụng của bên thứ ba được ASUS cài đặt sẵn trên chiếc FonePad. BuddyBuzz có thể hoạt động như một widget, giúp người dùng duyệt và cập nhật trạng thái trên các mạng xã hội ngay ngoài màn hình chính mà không cần khởi chạy ứng dụng gốc.

Các trang mạng xã hội được BuddyBuzz hỗ trợ bao gồm: Twitter, Plurk, Weibo và Facebook (cái này thì người Việt Nam mình, đặc biệt các bạn trẻ sẽ cực thích)

Tổng kết

Nhược điểm

-         Camera chỉ có chất lượng trung bình.

Ưu điểm

-         Giá tốt chỉ dưới 6 triệu đồng cho một sản phẩm đầy đủ tính năng smartphone và máy tính bảng

-         Kết nối 3G khá nhanh và ổn định

-         Pin “trâu”: thời lượng sử dụng đảm bảo cho bạn xem liên tục 2 bộ phim, chơi game, lướt web cả ngày.

-         Chất lượng nghe – gọi tốt (điểm cộng đáng chú ý nếu bạn sử dụng FonePad thay cho một chiếc điện thoại thông thường)

-         Máy chạy rất mượt mà, chưa xuất hiện tình trạng giật hay lag máy dù chạy thử các game khá nặng cho cấu hình của máy.

-          Ứng dụng được cài đặt sẵn rất hay: như Từ điển nhanh – Instant Dictionary; App Lock và App Backup

ASUS FonePad có thể chạy mượt mà các game từ nhẹ đến nặng

Sử dụng ASUS FonePad để duyệt web rất nhanh và ổn định

Có thể khẳng định ASUS FonePad là sản phẩm tốt nhất và đáng mua nhất ở mức giá dưới 6 triệu đồng trên thị trường hiện nay. Đặc biệt với đối tượng khách hàng là học sinh – sinh viên hay những người đam mê công nghệ nhưng không có một nguồn lực tài chính dư dả.

Nếu bạn không có yêu cầu quá cao về cấu hình hay chất lượng camera thì FonePad sẽ là sự lựa chọn cực kỳ thích họp.

Video đánh giá sản phẩm: 

 

 Mời bạn xem thêm:  Chiêm ngưỡng khả năng ép xung CPU Core i7 Haswell lên 6.88 GHz trên bo mạch chủ ASUS.