Đánh giá laptop

Đánh giá Apple MacBook Pro 15 inch phiên bản cuối 2011

Đánh giá Apple MacBook Pro 15 inch phiên bản cuối 2011

 

Thân máy
 
Vẻ ngoài của phiên bản MacBook Pro 15” cuối năm 2011 này hầu như không có gì thay đổi so với những người anh em ra đời trước đây. Vẫn là vỏ ngoài hợp kim nhôm nguyên khối màu bạc cùng logo quả táo cắn dở đặc trưng và các góc cạnh bo tròn mềm mại, rất đơn giản nhưng lại tạo vẻ quý phái trang nhã đặc trưng thường thấy ở các sản phẩm của Apple.
 
 
Ngoài ra, Apple MacBook Pro hiện tại vẫn đang chiếm giữ ngôi vị chiếc máy tính mỏng và nhẹ nhất trong số các mẫu laptop hiện có trên thị trường với số đo các chiều dày, rộng, dài: 24.1 x 354 x 249 (mm), nặng 2,54 kg.
 
Cấu hình
 
Đây là phần được nâng cấp chủ yếu trong phiên bản mới này, có vẻ như hãng Apple muốn tăng mạnh hiệu năng cho dòng sản phẩm MacBook Pro.
 
CPU: Intel Core i7 2760QM 2.4GHz.
Mainboard: Intel HM65.
RAM: 4GB DDR3.
GPU: AMD Radeon HD 6770M, Core: 675 MHz, Memory: 1GB 794 MHz GDDR5.
HDD: Toshiba MK7559GSXF, 750GB 5400rpm.
ODD: Matshita DVD-R UJ-8A8.
Sound Card: Cirrus Logic CS4206A.
Networking: Broadcom NetXtreme BCM57765 Gigabit Ethernet PCIe (10/100/1000MBit), Broadcom BCM4331 (bgn), 2.1 + EDR Bluetooth.
WebCam: FaceTime HD.
 
Giá tham khảo: 2149 euro.
 
Sản phẩm được Apple bảo hành 1 năm. Hệ điều hành đi kèm là Mac OS X 10.7 Lion, các bạn nên chú ý rằng đĩa cài của hệ điều hành không còn đi kèm máy nữa, do đó nếu muốn cài lại OS, người dùng sẽ phải sử dụng đến phân vùng phục hồi (recovery).
 
Cổng giao tiếp
 
Nguồn, LAN, FireWire 800, Thunderbolt, 2 x USB2.0, khe đọc thẻ nhớ, lỗ âm thanh vào ra.
 
Số lượng cổng giao tiếp trên chiếc MacBook Pro 15 inch này khá là khiêm tốn so với các dòng laptop khác. Chiếc máy này có 2 cổng USB 2.0, 1 cổng LAN, 1 đầu đọc thẻ nhớ, 2 cổng âm thanh ra vào và đặc biệt là cổng Thunderbolt có tốc độ truyền tải dữ liệu cực nhanh.
 
Bàn phím và TouchPad
 
Bàn phím và TouchPad của dòng sản phẩm MacBook Pro luôn luôn tuyệt hảo, trong phiên bản này cũng vậy.
 
 
Bàn phím chiclet màu đen bo tròn trông khá đẹp mắt, khoảng cách giữa các phím rộng rãi, độ nảy của nút vừa phải với hành trình không dài không ngắn đem lại cảm giác gõ văn bản rất đã tay. TouchPad cảm ứng đa điểm của MacBook Pro rất nhạy, các chức năng đa điểm ứng dụng trên hệ thống Mac OS X thể hiện một cách tuyệt vời, mượt mà như thể bạn đang dùng cảm ứng trên một chiếc iPhone vậy.
 
Màn hình
 
 
Màn hình của phiên bản MacBook Pro này có chiều dài đường chéo là 15,4 inch, độ phân giải 1400 x 900 pixels (16:10). Độ nét, độ sáng, tương phản và màu sắc thể hiện đều rất tốt. Tuy nhiên màn hình này lại có nhược điểm là khá bóng và có góc nhìn khá hẹp do sử dụng panel TN giá rẻ.
 
 
Ngoài ra, Apple cũng cho phép người sử dụng nâng cấp màn hình lên loại WSXGA+ có chất lượng hình ảnh cao hơn hẳn với độ phân giải 1680 x 1050 pixel dành cho những chuyên viên đồ hoạ.
 
Hiệu năng
 
Với lần nâng cấp chủ yếu tập trung vào cấu hình phần cứng này, Apple đã trang bị cho MacBook Pro một chip xử lý rất mạnh, đó là Core i7 2760QM thuộc dòng Sandy Bridge mới nhất của Intel. CPU này có tốc độ 2,4 GHz, Turbo Boost lên 3,5 GHz, cộng thêm công nghệ xử lý đa luồng (ở đây là 8 luồng), phiên bản MacBook Pro này có hiệu năng cực cao, thể hiện rõ cả khi chạy hệ điều hành mặc định là Mac OS X và Window 7.
 
Kết hợp với CPU hàng khủng trên là GPU AMD Radeon HD 6770M và 4GB DDR3, có thể khẳng định là không một ứng dụng nào có thể làm khó MacBook Pro 15 inch bản cuối 2011 này, từ các ứng dụng văn phòng, lướt web, nghe nhạc, xem phim tới render hình ảnh, xử lý, ghép nối video và cả game.
 
Điểm số bench mark trên Window 7 và Mac OS X Lion:
 
 
Hiệu năng game trên Window 7. Hiện tại có khá ít tựa game hỗ trợ Mac OS X, do đó nếu bạn muốn chơi game trên MacBook Pro, tốt nhất hãy cài thêm Window 7 thông qua BootCamp.
 
 
Chiếc ổ HDD đi kèm theo máy có tốc độ đọc ghi khá ổn định vào khoảng 100 MB/s - thuộc dạng cao đối với tốc độ quay 5400 rpm. Tuy nhiên sẽ tuyệt vời hơn nếu như Apple trang bị một chiếc SSD cho phiên bản này, các phần mềm sẽ được tải nhanh hơn hẳn, đem lại cảm giác sử dụng mượt mà hơn.
 
 
Độ ồn
 
Trong điểu kiện hoạt động bình thường với các ứng dụng nhẹ nhàng như lướt web, nghe nhạc, phần mềm văn phòng… MacBook Pro tỏ ra rất im hơi lặng tiếng với độ ồn chưa đạt tới 30dB, người sử dụng khó mà có thể nhận ra tiếng động của máy. Tuy nhiên khi full load mọi chuyện sẽ khác khi tốc độ quạt tản nhiệt buộc phải tăng lên để đảm bảo cho sự vận hành. Độ ồn tối đa mà chiếc laptop này phát ra là 44,1 dB – khá to, bạn không cần quá lo lắng bởi chả mấy khi chúng ta cần máy tính chạy hết công suất cả.
 
Nhiệt độ
 
Nhiệt độ khi full load trong phòng 22 độ C.
 
Nhiệt độ mà chiếc MacBook Pro toả ra không thấp mà cũng không quá cao, 43 độ C là nhiệt độ khu vực nóng nhất khi máy chạy full load. Phần để tay luôn ở vào khoảng 32 – 29 độ C, gần như không ảnh hưởng gì tới người sử dụng.
 
Thời lượng pin
 
Do được thiết kế tối ưu cho hệ điều hành Mac OS X nên thời lượng pin của MacBook Pro trên Window 7 sẽ thấp hơn so với OS mặc định của Apple. Cụ thể hơn, máy duy trì được khoảng 7 tiếng trên Mac OS X với độ sáng màn hình thấp nhất, 5 tiếng nếu lướt web qua Wifi, 1 tiếng 22 phút nếu full load. Trong khi đó đối với Window 7, laptop này chỉ có thời lượng pin vào khoảng 5 tiếng với độ sáng màn hình thấp nhất và 52 phút nếu full load.
 
Nhìn chung, thời lượng pin của MacBook Pro là rất tốt nếu như so với các sản phẩm laptop khác.
 
Tổng kết
 
Phiên bản mới này vẫn giữ nguyên được đẳng cấp của dòng máy MacBook Pro với thiết kế tuyệt hảo, lịch lãm từ trong ra ngoài. Hiệu năng của máy rất tốt sau lần nâng cấp chú trọng vào cấu hình này của Apple khiến cho sản phẩm trở nên đa dụng hơn, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau như doanh nhân, kỹ thuật viên, game thủ, nhà thiết kế đồ hoạ…
 
 
Ưu điểm:
 
- Thiết kế đẹp mắt.
- Hiệu năng cao.
- Bàn phím và touchpad tuyệt hảo.
- Thời lượng pin cực tốt.
 
Nhược điểm:
 
- Màn hình còn nhiều khiếm khuyết.
- Cổng kết nối nghèo nàn.