Thị trường máy tính bảng ngày càng sôi động hơn vì sự tham gia của rất nhiều hãng với nhiều mẫu mã khác nhau. Tuy nhiên, số lượng máy tính bảng 7" đến từ những hãng có tên tuổi thì rất ít, và Acer Iconia Tab A101 là một trong số đó. Máy có thiết kế chắc chắn, cầm chắc tay. Hệ điều hành Android Honeycomb phiên bản 3.2 xuất hiện trên A101 là phiên bản đầu tiên của Android tối ưu hóa cho các máy tính bảng có kích thước màn hình dưới 10". Bạn sẽ hài lòng với sản phẩm này nếu bạn là một người yêu thích sự cơ động, nhỏ gọn nhưng vẫn cần có các tính năng giải trí tốt. Một điểm thú vị nữa của chiếc A101 đó là nó được tích hợp kết nối 3G nên bạn có thể thoải mái lướt web, duyệt email, chat, facebook,… ở mọi lúc, mọi nơi, tiện hơn nhiều so với model A100 cũng từ Acer nhưng chỉ có Wifi.
Thiết kế - Phần cứng
Màn hình 10" quả thật rất thoải mái khi làm việc, giải trí nhưng đối với một số người, nó lại quá cồng kềnh, và đó cũng là lí do mà một số nhà sản xuất đã cho ra đời các mẫu máy 7". Cảm giác khi sử dụng A101 thật sự rất khác so với những máy tính bảng khác mà mình đã từng dùng. Bạn có thể dễ dàng cầm gọn nó bằng một tay mà vẫn không lo sợ làm rớt máy. Các góc của máy được vát cong nhẹ và chính những điểm cong này đã giúp máy nhìn cân đối hơn nhưng vẫn không làm mất đi vẻ mạnh mẽ và nam tính. Acer dùng chất liệu nhựa để chế tạo máy, tuy nhiên máy khá nặng, 414g nên khi cầm một tay trong thời gian dài thì khá khó chịu vì mỏi tay. A101 cũng khá dày, lên đến 13,1mm nên cầm không được thoải mái cho lắm. Giá mà máy mỏng đi một chút thì mình sẽ vừa ý hơn rất nhiều.
Mặt phía trước được phủ một lớp kính rộng ra đến rìa màn hình, bao phủ hết tất cả mọi thứ nên nhìn rất đẹp và sang trọng. Một điểm khác biệt mà mình nhận thấy ngay khi cầm máy lần đầu tiên đó là nút Home cảm ứng được đóng khung viền tròn ở cạnh dưới (cạnh dưới so với hướng cầm dọc). Nút Home này ngoài chức năng quay về trở về màn hình chính, nó còn đóng vai trò đèn báo hiệu khi có thông báo nào đó, chẳng hạn như có email đến, tương tự như các điện thoại Android. Đèn báo hiệu này mình đã thấy nhiều trên smartphone nhưng trên máy tính bảng thì thật sự ít. Mình rất thích đèn báo hiệu này vì nó đã giúp mình không bỏ lỡ email, điều mà mình rất thường hay bị khi dùng các máy khác. Nhưng cũng chính nút cảm ứng này đã làm mình không ít lần vô ý chạm phải nó, thế là ứng dụng đang chạy bị thoát ra ngoài. Nếu như Acer dùng một phím vật lí cho nút Home thì điều này đã không xảy ra. Ngoài ra, mặt trước cũng có một máy ảnh phụ 2 megapixel giúp cho bạn đàm thoại hình ảnh.
Mặt sau của thiết bị có chữ Acer sáng với các vân chìm kéo dài từ trái sang phải kết hợp với máy ảnh 5 megapixel có kích thước lớn nhìn tương đối bắt mắt. Ngay khu vực của camera Acer làm chìm xuống nên đảm bảo rằng máy ảnh sẽ không bị trầy nếu ta có vô ý kéo lê máy trên mặt phẳng. Kế bên đó là một đèn flash LED hỗ trợ chụp ảnh. Hai phần trên và dưới của nắp lưng cũng được vuốt cong nhẹ tạo nên sự hài hòa cho thiết kể tổng quát của A101.
Cạnh phải của Acer A101 có ba nút: gạt khóa/mở khóa màn hình và hai nút tăng, giảm âm lượng. Nút khóa màn hình này hơi cứng để gạt lên xuống nhưng tính năng mà nó mang lại làm mình cảm thấy rất hài lòng. Thường thì các máy tính bảng chạy Android Honeycomb muốn tắt chức năng tự xoay màn hình thì phải truy cập qua một vài tầng menu, rất mất thời gian. Giờ thì chỉ cần gạt một cái là có thể thoải mái nằm và đọc tin tức, duyệt email,… mà không phải lo giao diện của máy xoay đủ chiều. Hai nút âm lượng khá dễ nhấn, nhưng mình vẫn có cảm giác như nó không chắc chắn. Ở cạnh phải này cũng là nơi đặt SIM 3G và khẻ nhớ. Hai khe này được giấu vào bên trong một nắp nhựa mà khi đậy lại thì ôm rất sát vào thân máy và khoảng trống giống nắp với phần nhựa còn lại có thể xem là nhỏ. Trái ngược hoàn toàn với cạnh phải, cạnh trái không có nút nào cả.
Cạnh trên của Iconia A101 là nơi đặt nút nguồn và ngõ xuất âm thanh tai nghe cùng với micro của máy. Nút nguồn này có tích hợp một đèn LED đổi màu. Khi sạc, LED tự động bật sáng với màu đỏ. Khi máy đã đầy pin, đèn sẽ chuyển sang màu xanh dương. Nó cũng tự động sáng đèn mỗi khi chúng ta mở máy từ trạng thái ngủ. Nút nguồn này cứng và bạn sẽ phải dùng nhiều lực để có thể nhấn được nó.
Cạnh dưới của sản phẩm là nơi tập trung rất nhiều cổng giao tiếp, bao gồm mini HDMI, microUSD, cổng đặc trưng của Acer để gắm máy vào đế, cổng sạc và cuối cùng là hai loa. Không quá nhiều, nhưng cũng không phải là ít cổng giao tiếp khi so sánh với các máy 7" khác. Có một điểm hơi tiếc đó là mẫu A101 đã lược bỏ bớt cổng USB kích thước đầy đủ trên người anh em 10" Iconia Tab A500/A501 của mình. Mình rất hay dùng bàn phím và kết nối nó với máy tính bảng thông qua cổng USB này. Có lẽ kích thước nhỏ gọn của A101 không cho phép Acer mang cổng này lên. Tất nhiên, ta vẫn có thể dùng Bluetooth để pair bàn phím và dùng nhưng mình vẫn thích các tùy chọn tiết kiệm pin ở mức cao nhất.
Màn hình hiển thị
Acer Iconia A101 sở hữu một màn hình 7" độ phân giải 1024 x 600. Nhìn nét chữ trên máy không thật sự mịn và cảm giác của mình đó là nó còn nhiều răng cưa mặc dù các biểu tượng rất sắc nét và hiển thị màu tốt, hài hòa, không quá rực nhưng cũng không quá nhợt nhạt. Chế độ tự động điều chỉnh độ sáng màn hình theo môi trường hoạt động rất tệ, màn hình luôn trong tình trạng tối tăm, và mình đã phải chuyển sang tự tay điều chỉnh độ sáng. Tỉ lệ 16:9 của màn hình có thể làm một số người nghĩ rằng sẽ rất chán khi cầm máy và đọc thông tin theo chiều dọc, nhưng thật sự không phải như vậy. Do màn hình chỉ 7" nên chiều dọc, chiều ngang có sự chênh lệch không quá nhiều, mình vẫn cảm thấy rất thoải mái khi dùng theo chiều dọc chứ không như một số tablet khác cũng có tỉ lệ 16:9 nhưng màn hình lên đến 10". Màn hình này cũng khá mềm, nhấn xuống không mạnh lắm nhưng đã thấy vết loang của tinh thể lỏng xuất hiện.
Bạn sẽ gặp khó khăn trong thời gian đầu tiếp cận với máy để có thể gõ văn bản bằng cả hai tay trên bàn phím ảo vì không gian chật chội, lúc gõ hai tay liên tục bị chạm vào nhau, còn những ngón tay thì phải dè chừng để không chạm nhầm phím. Màn hình 7" không phải là một lựa chọn thích hợp nếu bạn cần phải gõ một văn bản dài hàng nghìn chữ. Nếu chỉ để chat, cập nhật facebook, viết những bài ngắn thì thích hợp hơn. Nhưng nếu bạn quay máy dọc lại thì đây sẽ là câu chuyện khác. Bàn phím trở nên dễ gõ hơn rất nhiều, mặc dù chỉ có thể dùng hai ngón tay cái mà thôi. Tốc độ cũng nhanh hơn hẳn so với khi để máy ngang. Đây là một nghịch lý đối với các máy 7" so với những người anh em 10".
Máy ảnh, quay phim
Camera chưa bao giờ là mặt mạnh của máy tính bảng, và điều đó không sai đối với chiếc Iconia A101 này. Hình ảnh không được sắc nét lắm mặc dù mình đã chụp ở độ phân giải cao nhất và máy cũng đã lấy nét rất chính xác điểm mình muốn chụp. Tệ hơn nữa, máy ảnh bị hiện tượng hồng tâm, thấy rõ nhất khi chụp các bức ảnh có nền trắng và bật flash. Không biết rằng đây là lỗi chỉ xuất hiện trên một số thiết bị hay là trên diện rộng. Màu sắc của ảnh rất nhạt, nhìn chán. A101 sử dụng phần mềm chụp ảnh mặc định của Android Honeycomb nên cũng không tính năng nào đặc biệt. Nếu như bạn dùng máy ảnh này để chụp lại văn bản hay ghi chú thì sẽ thích hợp hơn vì khoảng cách lấy nét của máy nhỏ, và trong điều kiện phòng thì máy ảnh rất nét.
Ảnh chụp thử nghiệm:
Máy có thể quay được phim HD 720p (1280 x 720) bằng máy ảnh chính. Khi quay thì hình ảnh mượt mà và rất sắc nét nhưng phim quay xong lại bị ám một lớp màu hồng. Không phải đoạn phim nào cũng bị tình trạng này nhưng nó có thể gây khó chịu cho người xem vì màu sắc không được trung thực. Tuy nhiên, chất lượng phim như thế này cũng đã là khá tốt so với những chiếc máy tính bảng khác.
Mời các bạn xem thử đoạn phim ngắn quay bằng Iconia Tab A101:
3G
Khe bên trái là khe SIM, bên phải là khe microSD
Thật là thiếu sót nếu không đề cập về 3G trên chiếc A101. Khe 3G giúp bạn đẩy SIM vào dễ dàng, tuy nhiên, với những người có ngón tay to như mình thì gặp đôi chút khó khăn khi nhấn vào cái khe nhỏ nhỏ để lấy SIM ra. Ngoài ra, mỗi lần bỏ SIM hoặc tháo SIM ra là máy sẽ bị khởi động lại, hơi khó chịu với những ai thường xuyên chuyển qua lại SIM điện thoại với máy tính bảng. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề gì nghiêm trọng cả. Và chỉ khi nào bạn bỏ SIM vào máy thì các tùy chọn về nhà mạng, APN,… mới xuất hiện.
Điểm mình rất thích đó là khả năng cấu hình 3G nhanh. Mình chỉ nhét SIM, khởi động lại máy, thế là đã bắt đầu duyệt web, mail, chat,… bình thường, chẳng phải cấu hình gì bằng tay cả. Tất nhiên, bạn có thể tắt 3G đi nếu không sử dụng hoặc nếu bạn đã vào Wifi thì 3G tự ngừng hoạt động. Tắt tùy chọn "Enable always-on mobile data" ở trong Settings giúp mình tiết kiệm được một chút trong thời gian dùng pin, nhưng lúc đó các ứng dụng chạy nền như mail sẽ không tự động cập nhật được.
Giờ thì mình sẽ nói về tốc độ của mạng 3G trên Iconia Tab A101. Để thử nghiệm, mình mở cùng lúc Yahoo Messenger và chat với vài người bạn, đồng thời lướt web thì tốc độ vẫn rất nhanh. Trong một số trường hợp thì tốc độ tải 3G nhanh tương đương với Wifi chuẩn N mà mình dùng. Độ ổn định của sóng 3G cũng tốt, ngay cả khi mình vào thang máy, nơi thường xuyên bị mất sóng nếu dùng điện thoại, hay xuống tầng hầm gửi xe (1 tần hầm dưới lòng đất theo ước tính khoảng 6m) thì sóng vẫn đầy đủ. Trong suốt thời gian mở máy thì sóng 3G không bị rớt lần nào. Mình rất vừa lòng với 3G trên Iconia Tab A101. Mình đã thử chạy Speedtest.net để đưa ra kết quả về tốc độ nhưng thật đáng tiếng khi web báo cấu hình sai và không cho phép thực hiện phép đo.
Hiệu năng - Phần mềm
Bên trong thân hình nhỏ gọn của A101 là một cấu hình mạnh mẽ: Vi xử lí NVIDIA Tegra 2 xung nhịp 1GHz, RAM 512MB (ít hơn chiếc Acer Iconia Tab A501 cũng chạy Android), bộ nhớ trong 8 hoặc 16GB cùng với bộ xử lí đồ họa hiệu năng cao nhưng tiêu thụ ít năng lượng ULP GeForce. Cấu hình này đủ mạnh để có thể giúp cho máy hoạt động mượt mà, ít khi gặp hiện tượng trễ, một lỗi rất thường xảy ra trên các thiết bị dùng Android. Trong số những máy tính bảng Android 7" mà mình từng cầm thì chiếc A101 là một trong những máy không làm mình khó chịu vì phải chờ đợi. Khi benchmark bằng phần mềm Quadrant, A101 đạt điểm số ba lần đo là 909, 1045 và 1085. Kết quả này thấp một cách kì lạ, thấp hơn cả những máy Android dùng vi xử lí một nhân ra mắt cách đây một năm rưỡi. Mình chưa biết được lí do vì sao.
Máy phản hồi cảm ứng rất tốt, chỉ cần một cú chạm nhẹ là máy đã nhận ngay. Tương tự, thao tác vuốt, kéo thả, miết, dùng hai ngón tay để phóng to, thu nhỏ cũng mượt mà, một phần vì màn hình cảm ứng ngon, phần còn lại là do hệ điều hành xử lí tốt. Tuy nhiên, khi vào đến các ứng dụng có nhiều chữ nhỏ, việc kéo lên xuống đôi khi bị nhầm lẫn thành thao tác chạm thông thường nên nó sẽ vô tình kích hoạt một tùy chọn nào đó, hay truy cập vào một menu không mong muốn. Nhưng lỗi này không đáng kể.
Nói về việc chơi game, NVIDIA Tegra 2 thật sự đã phát huy tối đa sức mạnh của mình. Để thử xem hiệu năng về đồ họa của A101, mình đã chọn chơi thử game Grand Thief Auto III dành cho Android, một game mới ra, đòi hỏi cấu hình cao để có thể thấy được hiệu ứng tốt. Và mình thật sự rất hài lòng với việc chơi game này trên A101. Hình ảnh các hạt nước mưa được render rất rõ, cây cối sắc nét, hiệu ứng phản chiếu thật, ít răng cưa, nhưng việc điều khiển nhân vật thì không hề bị chậm. Không có một khoảng ngắt nào xuất hiện trong suốt thời gian chơi game 1 giờ đồng hồ của mình. Một số game khác như Asphalt 6, Let's Golf HD, Fieldrunners,… đều có thể hoạt động mượt mà. Cũng một phần nhờ hai viền trái phải (khi cầm máy ngang) có diện tích rộng nơi cầm máy chơi game rất thích, không bị mỏi tay.
Hệ điều hành Android 3.2 trên máy không có nhiều tùy biến về giao diện và tính năng, nên trong bài viết này, mình không đề cập nhiều. Mình chủ yếu sẽ nói đến các phần mềm mà Acer cài đặt thêm cho chúng ta. Mình thật sự rất ấn tượng với những ứng dụng này, nó rất hữu ích. Trước hết là giao diện tổng hợp của Acer. Bên trong giao diện này là những mục nhỏ hơn, gồm có eReading, Game Zone, Social, Multimedia. Acer đã tổng hợp sẵn một số phần mềm thích hợp và sắp xếp chúng vào bốn mục nói trên, giúp chúng ta dễ dàng tìm kiếm ứng dụng mong muốn hơn. Tất nhiên là người dùng vẫn có thể thêm vào ứng dụng mà mình thích cũng như sắp xếp lại biểu tượng cho gọn gàng.
Kế tiếp là ứng dụng SocialJogger. Ứng dụng này cho phép bạn quản lí tài khoản Facebook và Twitter của mình chung trong một giao diện duy nhất, rất tiện lợi. Giao diện to, rõ, đẹp, nhìn khá ngầu với gam màu xanh và vòng điều duyệt nội dung khá thú vị. Acer thiết kế vòng điều khiển này rất hay. Khi cầm máy ngang hay dọc, bạn đều có thể dùng một ngón để "gạt cần" và nội dung tự động cuộn. Còn bình thường thì phải dùng đến cả ngón tay, rất mỏi. Các thao tác Like, bình luận đều có thể thực hiện nhanh chóng bằng cách nhấn vào status mong muốn. SocialJogger có một widget để gắn ngoài màn chủ để tiện trong việc cập nhật tin tức hơn.
Một ứng dụng được Acer nhắc đến nhiều đó là Planner. Có thể xem Planner như một người tấm bảng thông báo bởi vì mọi thông tin của bạn sẽ được tập hợp vào đây, tiện lợi cho việc lên kế hoạch và theo dõi tin tức, đúng như tên gọi của nó. Không hiểu vì sao Planner hỗ trợ xem thông tin thời tiết nhưng lại không thể chọn được thành phố Hồ Chí Minh! Bạn có thể duyệt email, xem lịch hẹn, xem bản đồ, tạo nhanh và xem ghi chú cũng như đọc tin tức. Planner cho phép thêm vào một số nguồn tin có sẵn hoặc thêm bằng định dạng RSS. Ngoài ra, Planner còn có mục Sketch giúp bạn tạo ghi chú bằng cách vẽ tay hoặc dùng bút cảm ứng.
Chắc chắn ta không thể nào bỏ qua các tính năng giải trí đa phương tiện mà Acer đã tích hợp trên A101 có tên Acer Media, gồm có trình chơi nhạc, video, Clear.fi và cuối cùng là một ứng dụng rất hay, MusicA. Máy có bộ nhớ trong 8GB hoặc 16GB, lại có thể dùng thêm một thẻ SD tối đa 32GB nữa nên việc mang theo cả bộ sưu tập nhạc không phải là chuyện khó khăn. Có thể xem bộ ứng dụng đa phương tiện của Acer đã giúp cho hệ điều hành Android Honeycomb trở nên bớt nhàm chán. Có thiết kế hơi giống với SocialJogger, font chữ to, nền màu xám sáng, bạn có thể nhanh chóng chọn bài hát hay video mà mình yêu thích. Một notification nhỏ sẽ xuất hiện trong thanh đồng hồ của máy để bạn có thể điều khiển việc chơi nhạc ở bất kì đâu.
Khi kết hợp với công nghệ âm thanh Dolby (kích hoạt trong phần Settings của máy), âm thanh sẽ tuyệt vời hơn vì bạn có thể chỉnh âm trầm, âm bổng hoặc một preset cân bằng âm nào đó phụ thuộc vào bản nhạc. Tùy chọn Dolby luôn tồn tại chứ không nhất thải phải dùng tai nghe mới có thể kích hoạt.
Clear.fi là phương pháp giúp bạn chia sẻ nội dung số giữa các thiết bị hỗ trợ công nghệ DLNA với nhau. Ví dụ, mình có thể dùng Google TV hoặc điện thoại của mình để chơi phim đang chứa trong Acer A101. Tất cả đều không cần dây gì, chỉ cần kết nối Wifi là xong. Người dùng có thể tải về tập tin cài đặt máy chủ đa phương tiện trên trang chủ của Acer nhưng nó chỉ tương thích với Windows 7. Giao diện của ứng dụng Clear.fi cũng làm mình hài lòng vì rất dễ dùng, sáng và nhìn rõ được nội dung.
Ứng dụng cuối cùng mà mình muốn nhắc tới đó là MusicA. Tính năng chính của phần mềm này là do đoạn nhạc đang được chơi xem nó tên gì, của ca sĩ nào, phát hành năm bao nhiêu… MusicA sẽ phát huy tác dụng trong trường hợp bạn đang đi ngoài đường, chợt nghe thấy một bài nhạc nào hay quá, chỉ việc rút máy, nhấn MusicA, để máy nghe nhạc và kết quả sẽ được trả về. Tính năng này tương tự như ứng dụng Soundhood đang được cung cấp trên Android Market.
Nhìn chung, phần mềm chính là điểm mạnh của máy, bên cạnh thiết kế nhỏ gọn. Các phần mềm này tập trung nhiều vào việc giải trí, mang lại cho bạn cảm giác dễ dàng và thuận tiện hơn. Máy mới mua về là đã có sẵn những ứng dụng hữu ích, không phải tốn công sức lên Android Market, tải về và thử nghiệm hàng chục ứng dụng để rút ra được cho mình một phần mềm ưng ý. Giao diện nổi bật của những phần mềm này như thổi vào một luồng gió mới cho A101.
Thời lượng dùng pin
Acer trang bị cho Iconia Tab A101 viên pin dung lượng khá thấp, chỉ 1530mAh, theo các trang cấu hình. Thời lượng dùng pin của máy ở mức chấp nhận được. Mình thử dùng Wifi để lướt web, nghe nhạc bằng loa ngoài ở âm lượng tối đa, màn hình để sáng hết cỡ thì máy tiêu hao 10% trong chỉ nửa tiếng. Khi chỉ Wifi, bật Yahoo Messenger để chat và đọc sách thì mức độ tiêu hao ít hơn. Nếu dùng máy vào mục đích giải trí thì chắc chắn A101 còn ăn pin nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, khi để máy ở chế độ nghỉ thì sau 8 tiếng, máy chỉ giảm đi 30% pin. Với mức độ sử dụng thường ngày của mình (duyệt web khoảng 3 giờ, đọc tin tức bằng Pulse News khoảng 15 phút, nghe nhạc nửa tiếng, Wifi liên tục để push mail và chỉnh độ sáng 70%, thời gian còn lại trong ngày để chế độ nghỉ), máy có thể hoạt động được khoảng 15-17 tiếng thì sẽ cần phải sạc lại. Nếu bật thêm 3G nữa thì pin còn khoảng 12-14 tiếng. Còn chỉ để máy không, có kết nối Wifi, push mail, đọc và trả lời email thì bạn có thể dùng cả ngày.
Tổng kết
Điểm mạnh:
Máy có thiết kế nhỏ gọn, sang trọng
Có nút gạt khóa xoay màn hình, nút Home cảm ứng
Loa ngoài lớn, hệ thống âm thanh Dolby cải thiện chất lượng âm thanh thấy rõ
3G tốt
Cấu hình thích hợp cho việc chơi game, phần mềm đi kèm phục vụ giải trí tốt.
Điểm yếu:
Máy còn dày và nặng
Nút nguồn cứng
Chụp hình kém, bị hồng tâm
Thời lượng dùng pin trung bình
Vậy Iconia Tab A101 có đáng mua hay không? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của bạn. A101 dành cho những người dùng yêu thích sự di động, muốn mình luôn được kết nối mọi lúc, mọi nơi nhưng không muốn phải nhìn chăm chăm vào màn hình nhỏ của điện thoại hay phải mang vác theo một chiếc tablet 10" cồng kềnh. Nếu bạn là một tín đồ của việc giải trí di động thì A101 cũng sẽ đáp ứng được việc chơi game, xem phim, nghe nhạc của bạn. Một tin rất vui khác đến từ Acer Phần Lan đó là A101 cũng như những chiếc Iconia Tab khác sẽ bắt đầu được lên Android 4.0 Ice Cream Sandwich vào thời điểm giữa tháng Một. Nếu kế hoạch không bị chậm trễ, chúng ta sẽ có một chiếc máy tính bảng chạy nhanh hơn, ít hao pin hơn cùng rất nhiều tính năng mới.