Nhịp sống số

Đăng kí tên miền: Kinh doanh kiểu “gom bạc cắc”

Đăng kí tên miền, hình thức kinh doanh theo kiểu "gom bạc cắc" của các nhà cung cấp dịch vụ, đang chứng tỏ được lợi thế trong thời buổi kinh tế khó khăn này.

 

Ảnh

 

Không chê "bạc lẻ"

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm nay có tới hơn 22.000 tên miền được đăng kí mới, tăng 22% so với cùng kì năm trước.

Ông Lê Hải Bình, Tổng giám đốc Công ty Mắt Bão (nhà cung cấp các dịch vụ đăng kí tên miền và website...) cho biết, doanh thu của công ty năm 2011 đạt hơn 120 tỉ đồng (tăng 38% so với năm 2010). Kế hoạch năm 2012, Mắt Bão đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng 35% doanh thu. Theo ông Bình, từ đầu năm đến nay hoạt động kinh doanh của công ty vẫn khả quan và chắc chắn sẽ đạt được kế hoạch đã đề ra.

Trong khi đó, dù không cung cấp con số cụ thể, nhưng theo đại diện Công ty Điện toán và Truyền số liệu khu vực 2 (VDC), mức tăng trưởng của mảng kinh doanh này trong 4 tháng đầu năm nay khá tốt, khoảng 20% so với cùng kì năm ngoái.

Tương tự, bà Phạm Thị Kim Anh, Trưởng phòng marketing Công ty P.A Việt Nam cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị này vẫn luôn dẫn đầu thị trường về cả số lượng phát triển tên miền mới cũng như số lượng tên miền đang tồn tại ở Việt Nam.

Đăng kí tên miền, hosting (thuê máy chủ để đặt website lên mạng), e-mail, lưu trữ dữ liệu... luôn được xem là một phân khúc rất nhỏ của thị trường công nghệ thông tin. Ông Lê Hải Bình thừa nhận, kinh doanh dịch vụ này được xem là "gom bạc cắc" khi phí đăng kí chỉ ở mức khoảng 1,5 USD (tương đương khoảng 30.000 đồng) và phí duy trì tên miền cũng ở mức tương tự.

Cộng thêm với chi phí để hosting, tối thiểu một doanh nghiệp hay cá nhân muốn duy trì một trang web hoạt động cũng chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng/năm. Đây là số tiền không lớn nên ít có doanh nghiệp nào cắt giảm nó.

"Chính việc kinh doanh "gom bạc cắc" này lại là lợi thế cho chúng tôi dù kinh tế rơi vào khó khăn. Các doanh nghiệp chỉ cắt giảm những chi phí khác, còn duy trì tên miền và website thuộc dạng chi phí cơ bản nên không thể bỏ", ông Bình phân tích.

Trong khi đó, VDC và P.A Việt Nam cùng cho biết, họ cũng bị ảnh hưởng đôi chút khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, ngưng hoạt động. Nhưng theo ông Bình, số lượng bỏ tên miền hay website chỉ là con số nhỏ. Bởi đa số những người chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ đều muốn giữ lại tên miền của công ty, để "dành" khi khôi phục lại hoạt động nên họ vẫn đóng phí duy trì. Hơn nữa, vẫn luôn có lượng khách hàng đăng kí mới bởi khi họ cho ra đời sản phẩm mới, thay đổi tên thương hiệu... có thể dùng được luôn.

Thử hình dung với 220.000 tên miền Việt Nam đang được sử dụng, tổng số thu này là không nhỏ. Bên cạnh đó còn có khoảng hơn 300.000 tên miền quốc tế được các doanh nghiệp trong nước đăng kí sử dụng. Chưa kể với nhu cầu quảng bá, bán hàng qua mạng... nhiều doanh nghiệp phải trả một chi phí cao hơn nhằm thuê dịch vụ trên máy chủ của các nhà cung cấp để có thể lưu trữ nhiều dữ liệu hơn. Điều này lí giải vì sao năm 2002, thời điểm công ty Mắt Bão mới hoạt động, doanh thu chưa đạt được 150 triệu đồng, nhưng đến nay con số này đã tăng trưởng gấp 1.000 lần!

Không có chỗ cho doanh nghiệp đến sau

Trung tâm Internet Việt Nam hiện có 9 nhà đăng kí trong nước và 5 nhà đăng kí ở nước ngoài, nhưng gần 80% thị trường thuộc về 3 doanh nghiệp gồm: P.A Việt Nam, Mắt Bão và FPT (bao gồm cả tên miền quốc tế).

Các nhà cung cấp tên miền trong nước hưởng phí hoa hồng khoảng 30% và tên miền quốc tế khoảng 20%. Cộng thêm các dịch vụ đi kèm, doanh số của thị trường này không nhỏ.

Trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, cụ thể là đăng kí tên miền, khách hàng khi đã tin tưởng vào nhà cung cấp nào sẽ đăng kí ở đơn vị đó và duy trì hoạt động tại nhà đăng kí, hiếm khi thay đổi.

Dù thế các đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ này cũng thừa nhận, không thể khoanh tay ngồi im dù đang có nhiều lợi thế. Mắt Bão vẫn luôn tăng cường nghiên cứu để đưa ra nhiều tiện ích gia tăng cho khách hàng; P.A Việt Nam đưa ra nhiều gói dịch vụ với chi phí thấp để phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ...