Nhịp sống số

Cuộc chiến nano-SIM giữa các ông lớn công nghệ

Trước đây, một công ty của Đức là Giesecke & Devrient đã đề xuất ra ý tưởng nano-SIM. Thực chất nano-SIM là phiên bản nhỏ hơn của SIM với kích thước chỉ nhỏ bằng  1/3 của micro-SIM và nếu đem so sánh với SIM thì nano-SIM sẽ có kích thước nhỏ hơn khoảng 60%. Kích thước nhỏ của nano-SIM sẽ giúp các nhà sản xuất có thể chế tạo ra được những smartphone có kích thước mỏng hơn.
 
 
Thế nhưng rắc rối lại nảy sinh từ đây bởi các hãng công nghệ lại đua nhau tự tạo ra những phiên bản nano-SIM của chính họ. Điều này gây nên sự không thống nhất và phiền toái khi mà các hãng sản xuất điện thoại lại phải thông qua họ này để có thể chế tạo những thiết bị phù hợp với phiên bản nano-SIM của họ.
 
Hai trong số các mẫu thiết kế của nano-SIM là của Apple và Nokia. Ý tưởng của Apple là tạo ra một khay sim hoàn toàn mới để sử dụng với nano-SIM, nó có hình dáng khác hoàn toàn so với khay SIM mà Apple đang sử dụng cho iPhone và iPad. Trong khi đó Nokia lại không đồng tình với thiết kế nano-SIM của Apple vì cho rằng nó còn có nhiều khuyết điểm. Hai hãng công nghệ khác là Motorola và RIM cũng lên tiếng bày tỏ sự đồng tình với Nokia về vấn đề này.
 
 
Tuy nhiên thì Apple lại không hề đơn độc trong cuộc chiến nano-SIM. Hiện quả táo đang nhận được sự hậu thuẫn của Viện Tiêu Chuẩn Viễn thông Châu Âu (ETSI). Mặt khác, nhà thiết kế của iPhone và iPad cũng đang tiến hành đăng ký với 6 công ty con của ETSI để nhận được nhiều phiếu bầu hơn trong cuộc biểu quyết của ETSI về việc sẽ chọn thiết kế nào làm tiêu chuẩn sử dụng cho nano-SIM.
 
Có vẻ như cuộc chiến nano-SIM giữa các hãng sản xuất phần cứng sẽ còn kéo dài và chưa thể sớm kết thúc được. Về mặt kỹ thuật thì nano-SIM có thể tương thích ngược với các thiết bị cũ và vẫn được đảm bảo bởi một giải pháp adapter cho phép các nano-SIM có thể được tích hợp vào tất cả các thiết bị di động hiện nay.