Nhịp sống số

Cuộc chiến bằng sáng chế ở Trung Quốc nóng dần

Cuộc chiến bằng sáng chế ở Trung Quốc nóng dần

Theo trang công nghệ DigiTimes, các hãng công nghệ Trung Quốc vừa thành lập liên minh để chuẩn bị đương đầu với một cuộc chiến bằng sáng chế có thể xảy ra trong tương lai với các đối thủ “ngoại” như Apple, Microsoft và Nokia.

 

Tờ DigiTimes dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay, trong số những nhà sản xuất thiết bị di động tham gia liên minh này, có nhiều tên tuổi lớn của làng công nghệ Trung Quốc như Coolpad, Konka, TCL, ZTE và Lenovo.

Lí do khiến các hãng trên buộc phải liên kết là bởi các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft, Nokia và Apple đang cố gắng mở rộng thị phần tại Trung Quốc và biện pháp quen thuộc là kiện các đối thủ sở tại tội vi phạm bằng sáng chế.

Năm 2006, Nokia từng đệ đơn lên tòa án Bắc Kinh, đề nghị cấm Shenzhen Telsda Mobile Communication và Song Xun Da Zhong Ke Electronic Shenzhen chấm dứt sản xuất và bán những model vi phạm quyền sở hữu kiểu dáng của điện thoại 7260.

Phát ngôn viên của Nokia Thomas Jonsson khi đó cho biết hãng sẽ yêu cầu hai công ty trên bồi thường thiệt hại là 62.500 USD. Đây cũng là lần đầu tiên Nokia kiện các công ty của Trung Quốc về việc vi phạm thiết kế sản phẩm.

Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp công nghệ lớn của Trung Quốc đã không ngừng tích cóp bằng sáng chế. Theo giới chuyên gia, chắc chắn liên minh các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ đủ khả năng chống chọi với các hãng công nghệ trên thế giới.

Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc chiến bản quyền bằng sáng chế không chỉ bị hâm nóng bởi các đối thủ công nghệ từ ngoài nước mà ngay trong chính nội tại các hãng sản xuất ở đất nước đông dân nhất thế giới này.

Tháng 4 năm ngoái, nhà sản xuất thiết bị viễn thông số 2 của Trung Quốc, ZTE đã thông báo họ đang làm đơn kiện đối thủ đồng hương Huawei Technologies vì những vi phạm bằng sáng chế có liên quan tới công nghệ 4G.

Thông báo về hành động pháp lí của ZTE có thể coi là một động thái trả đũa của hãng này, khi chỉ trước đó một ngày, Huawei đã đâm đơn kiện họ tại châu Âu với những cáo buộc vi phạm thương hiệu và bằng sáng chế.

Theo đơn kiện mà Huawei đệ lên tòa án tại 3 nước Pháp, Đức và Hungary, thì ZTE đã vi phạm bản quyền phát minh, sáng chế của họ đối với công nghệ 4G mà họ đang phát triển với khả năng cho phép tạo ra các kết nối ổn định hơn, băng thông rộng hơn…

Đáng chú ý là Huawei và ZTE đều đang là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới với doanh thu tại Trung Quốc, châu Phi và Mỹ Latin lên tới hàng tỉ USD, đồng thời họ cũng đang được coi là có tiềm năng trong việc dẫn đầu thế giới về 4G.

Sự phát triển của Huawei và ZTE còn là niềm hi vọng của Chính phủ Trung Quốc trên con đường “hóa thân” từ một “công xưởng giá rẻ” trở thành một quốc gia hùng mạnh thực sự về công nghệ.

Theo chuyên gia tư vấn công nghệ David Wolf ở Bắc Kinh, “chúng ta sẽ được chứng kiến ngày càng nhiều hơn những vụ kiện kiểu này. Trung Quốc sẽ nhận ra rằng họ đã có những nhà vô địch nhưng giờ là lúc họ quay sang tranh giành ngôi vị số một”.