Nhịp sống số

Cùng nhìn lại những dấu son trong 80 năm phát triển của Motorola

Cùng nhìn lại những dấu son trong 80 năm phát triển của Motorola
class="init_content o_h" style=""> Ta có thể chia chặng đường phát triển chính của Motorola ra làm ba giai đoạn:
- Những năm tháng khởi nghiệp.
- Điện thoại di động được ra đời.
- Kỷ nguyên smartphone.
Sau khi nhận được sự chấp thuận từ chính phủ Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc gần đây, Google đã chính thức kết thúc thương vụ mua lại Motorola Mobility qua đó tăng cường thêm khả năng sản xuất phần cứng cho các thiết bị di động. Điều này cho thấy sự phát triển cũng như quyết tâm lớn của Google trong giới công nghệ: Giờ đây các hoạt động của gã khổng lồ tìm kiếm không chỉ còn quanh quẩn bên cạnh các ứng dụng và dịch vụ nữa mà đã lấn sân sang cả sân chơi phần cứng. Sở hữu Motorola, Google sẽ có thể vươn tầm ảnh hưởng của mình xa hơn trong những lĩnh vực mà hãng này chưa từng đặt chân đến.
 
 
Nhìn lại thương vụ của Google, chúng ta cũng có thể thấy được sự kết thúc của một trong những ông lớn ngành di động thế giới, công ty được coi là ông tổ của di động đồng thời là người đặt nền móng cho sự phát triển của điện thoại di động sau này. Hãy cùng nhìn lại lịch sử phát triển của hãng công nghệ danh tiếng một thời này.
 
Những năm tháng khởi nghiệp
 
Trước khi trở thành gã khổng lồ về viễn thông cũng như ông tổ của ngành di động thế giới thì Motorola là tên gọi của một chiếc radio trên xe hơi. Về ý nghĩa thì Motorola là một từ tổng hợp của “motor” có nghĩa là động cơ ở trong từ “motorcar” là xe hơi. Khởi nghiệp với tư cách là một hãng viễn thông từ Motor đã kết hợp với hậu tố “-ola” nhằm tăng tính thêm tính âm thanh. Năm 1930, sản phẩm đài phát thanh trên ô tô mang tên Motorola đã chính thức được giới thiệu bởi tập đoàn sản xuất Galvin chuyên sản xuất các thiết bị radio chạy pin và chạy điện cho các hộ gia đình do hai anh em Joseph và Paul Galvin sáng lập hai năm trước đó. Thời gian trôi qua, Motorola đã trở thành sản phẩm radio ô tô chủ đạo cho thị trường nước Mỹ.
 
Dù có quy mô sản xuất không phải là lớn nhưng cái tên Motorola vẫn được coi là sản phẩm quốc tế đầu tiên của tập đoàn Galvin. Năm 1947, nhằm phù hợp với chính sách mở rộng thị trường cũng như danh mục sản phẩm phát thanh từ các thiết bị gia đình cho tới các máy thu âm thanh cầm tay mà cảnh sát tuần tra hay sử dụng trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ hai, Galvin đã được đổi tên thành Motorola với logo mang ít tính biểu tượng hơn là logo chữ “M” như hiện nay mà hầu hết chúng ta đã quen thuộc.
 
 
Motorola đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển sản phẩm điện thoại xe hơi đầu tiên năm 1946 với phiên bản máy bộ đàm dùng trên xe hơi cho công ty Illinois Bell. Sau khi đổi tên thành Motorola, hãng này đã bắt đầu có những bước phát triển lớn mạnh hơn mà bắt đầu là sản phẩm TV Golden View 7 inch có giá 190 USD được ra mắt vào năm 1947. Những năm 60 kế tiếp, Motorola bắt đầu đặt chân vào đi vào lĩnh vực vô tuyến với thiết bị TV màu Astronaut 19 inch và nhảy xa hơn nữa nhờ cung cấp công nghệ tín hiệu bộ đàm để lần đầu tiên, các nhà du hành vũ trụ trên Apollo 11 phát đi tín hiệu âm thanh và hình ảnh từ Mặt Trăng về Trái Đất vào ngày 20 tháng 7 năm 1969.
 
Video khái quát giai đoạn đầu trong lịch sử của Motorola.
 
Điện thoại di động được ra đời
 
Năm 1973, Motorola đã tiến xa hơn trong việc thiết lập nên tên tuổi của mình trên bản đồ công nghệ thế giới trong suốt hàng thập kỉ qua bằng việc giới thiệu thiết bị di động DynaTAC, hiện tượng của ngành di động thế giới vào khi đó. Tuy nhiên phải tới năm 1984, DynaTAC mới chính thức được thương mại hóa và có thể tới được tay người dùng.
 
 
Những năm 80 khi đó cũng chính là thời điểm mà chiếc lược Six Sigma được khai sinh và phát triển. Về cơ bản thì Six Sigma là một hệ phương pháp cải tiến quy trình dựa trên thống kê nhằm giảm thiểu tỷ lệ sai sót hay khuyết tật đến mức 3,4 lỗi trên mỗi triệu khả năng gây lỗi bằng cách xác định và loại trừ những nguồn tạo nên các dao động cũng như bất ổn trong các quy trình kinh doanh. Trong việc định nghĩa khuyết tật, Six Sigma tập trung vào việc thiết lập sự thông hiểu tường tận các yêu cầu của khách hàng chính vì thế  có tính định hướng khách hàng rất cao.
 
Chiến lược Six Sigma sẽ rất thành công nếu biết cách áp dụng.
 
Cuối thập niên 80, như để chứng tỏ sự bá đạo trong thế giới di động, Motorola tiếp tục cho ra đời chiếc điện thoại nửa nắp gập MicroTAC độc đáo. Hơn 6 năm sau đó, vào năm 1996, ông tổ của ngành di động của Mỹ và thế giới đã tiếp tục giới thiệu chiếc điện thoại StarTAC được lấy cảm hứng thiết kế của MicroTAC. StarTAC đã không phụ lòng mong đợi của Motorola vì đã kế thừa xuất sắc sự thành công của người tiền nhiệm và hình thành nên một cơn sốt trên toàn thế giới ở thời điểm đó khi được công nhận là chiếc điện thoại nắp gập đầu tiên có mặt trên thị trường.
 
 
Chiếc điện thoại StarTAC được xem là định hình đầu tiên của những chiếc điện thoại nắp gập có thiết kế nhỏ gọn, thời trang và mang tính di động cao xuất hiện về sau này bởi trước đó, gần như hầu hết các mẫu điện thoại được giới thiệu trên thị trường đều mang một thiết kế thô kệch cùng kích thước cồng kềnh, nặng trịch. Đó là một thành công mà có lẽ cho đến thời điểm hiện tại, hãng điện thoại Motorola luôn muốn được một lần nữa khiến cả thế giới phải công nhận.
 
Video khái quát giai đoạn thứ hai trong lịch sử của Motorola.
 
Kỷ nguyên smartphone
 
Không ngủ quên trên thành công, Motorola lại tiếp tục chứng minh thực lực của mình bằng chiếc điện thoại đình đám RARZ vào năm 2004. RARZ đã xóa tan mọi rào cản về kích thước cũng như tính thời trang của điện thoại di động và trở thành sản phẩm điện thoại vỏ sò bán chạy nhất trong lịch sử. Cuối thập kỉ này, nắm bắt được xu hướng di động, Motorola đã chuyển hướng sang nền tảng di động Android của Google.
 
Hãng điện thoại lừng danh của Mỹ một thời đã cố gắng đặt dấu ấn của mình lên hệ điều hành này bằng giao diện MotoBlur do chính tay mình phát triển. Tuy nhiên, MotoBlur lại gây rất nhiều thất vọng cho giới phê bình và chính người dùng khi không tạo được bất cứ điểm nhấn đáng kể nào. Tháng 10 năm 2009, Motorola đã đi ngược lại xu hướng sử dụng toàn màn hình cảm ứng bằng cách bằng Droid, chiếc điện thoại nắp trượt chạy trên nền Android 2.0 với cái tên do hãng phim Lucasfilm cấp phép sử dụng. Droid đã đạt được những thành công nhất định vào thời điểm đó nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ đề có thể đưa Motorola trở lại thời kỳ huy hoàng như xưa.
 
 
Năm 2011, Motorola đã bắt đầu có những rạn nứt trong hoạt động của mình khi chia tách ra làm hai mảng bao gồm Motorola Solutions với các sản phẩm và dịch vụ cho doanh nghiệp hay chính phủ như radio hoặc máy đọc mã vạch và Motorola Mobility chuyên về sản xuất điện thoại cùng các sản phẩm set-top box. Tháng 8 năm 2011, Google tuyên bố mua Motorola Mobility với mức giá 12,5 tỷ USD. Thương vụ này vừa mới chính thức kết thúc trong thời gian gần đây.
 
Video khái quát giai đoạn ba trong lịch sử phát triển của Motorola.
 
Tham khảo: Engadget