Thế hệ điện thoại mới sử dụng chíp lõi tứ sẽ có năng lực xử lí ngang ngửa với laptop. Nhưng bạn đã thực sự cần tới chúng vào năm 2012?
“Lõi kép” là một khái niệm được nhắc tới nhiều nhất trong năm 2011 khi đề cập tới vấn đề cấu hình điện thoại thông minh (smartphone). Bộ vi xử lí song nhân là tiêu chuẩn tất yếu của điện thoại thông minh cao cấp mà đại diện đầu tiên là mẫu máy Optimus 2X của LG ra mắt hồi đầu năm nay. Mới chỉ chưa đầy một năm, số nhân của bộ vi xử lí điện thoại di động đã có thể tăng gấp đôi, hứa hẹn sức mạnh xử lí tăng vọt. Nhưng trước hết, có lẽ hãy thử xem bộ vi xử lí lõi tứ là gì và thực sự chúng đóng vai trò như thế nào trong lĩnh vực điện thoại thông minh trong năm 2012.
Các chuyên gia marketing thì luôn quảng cáo “rót” vào tai người nghe rằng chip nhiều nhân hơn đồng nghĩa với khả năng xử lí tác vụ nhanh gọn và mạnh mẽ hơn. Nghe thì có vẻ rất hấp dẫn song hãy thử nghĩ xem hiệu năng thực sự mà chúng mang lại và thực sự chúng sẽ làm thay đổi thị trường như thế nào. Thuật ngữ “4 nhân"/"lõi tứ" (quad-core) đã trở nên thông dụng trong giới công nghệ cho dù thực ra mới chỉ có duy nhất một thiết bị di động có trang bị loại chip này xuất hiện trên thị trường. Do vậy cần có những mẫu sản phẩm thật sự trên kệ để có thể đánh giá được sức mạnh của bộ vi xử lí này.
Sự hiện diện của chip lõi tứ
NVIDIA là nhà sản xuất đầu tiên tung ra bộ vi xử lí lõi kép Tegra 2 trang bị cho LG Optimus 2X khi ra mắt vào đầu năm nay. Đại gia chuyên về card đồ họa này tiếp tục gặt hái thành tựu mới trong lĩnh vực đa nhân khi công bố tiếp một bộ vi xử lí khác cho dòng máy tính bảng Eee Pad Transformer Prime TF201 của Asus. Chiếc máy tính bảng mới toanh này của Asus sử dụng bộ vi xử lí lõi tứ Tegra 3 xung nhịp 1,3 GHz. Cho đến nay, đó vẫn là thiết bị di động duy nhất có chip lõi tứ trên thị trường, thể hiện sức mạnh đồ họa ấn tượng cũng như tốc độ thực thi tác vụ cao.
Hiện giờ các nhà sản xuất vẫn giữ kín lịch công bố sản phẩm di động lõi tứ tới tay người dùng. NVIDIA cũng đã tuyên bố họ đang cung cấp các bộ vi xử lí Tegra 3 cho một số nhà sản xuất điện thoại di động song không tiết lộ danh tính các nhà sản xuất này do các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng. NVIDIA chỉ cho biết các “siêu điện thoại” này đang được ráo riết sản xuất để có thể ra mắt vào quý I năm 2012.
Tất nhiên, giới truyền thông (nhất là các blogger) không thể đứng ngoài cuộc, chính họ góp phần tạo nên các cơn bão tin đồn. Theo những tin đồn thổi này, lẽ ra HTC Edge mới là thiết bị di động sử dụng chip 4 nhân đầu tiên trên thế giới chạy Tegra 3. Một trang web mới chuyên về điện thoại di động – PocketNow thậm chí tiết lộ về việc đã sở hữu bản chi tiết cấu hình cũng những tấm ảnh độc quyền từ HTC. Điểm gợn ở đây chính là tính “đỏng đảnh” của thị trường điện thoại di động, có những sản phẩm được cho là “chắc chắn ra mắt “ theo “những nguồn tin đáng tin cậy” song cuối cùng không thể ra mắt đúng theo kế hoạch.
Tháng trước, Qualcomm cho biết, chip lõi tứ Snapdragon APQ604 sẽ là một phần của dòng sản phẩm S4. Bộ vi xử lí dạng này có cấu trúc ARM và tốc độ lên tới 1,5 GHz – 2,5 GHz. Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm của Qualcomm xác nhận rằng điện thoại di động sử dụng bộ vi xử lí này của hãng sẽ ra mắt vào dịp nghỉ lễ cuối năm 2012.
Không giống như NVIDIA và Qualcomm, nhà sản xuất chipset Texas Instruments (TI) không đưa các kí tự số vào tên các bộ vi xử lí OMAP của mình. Thay vì đề cập tới số lõi như 2 lõi, 4 lõi, TI đơn giản chỉ gọi chúng là “đa lõi”. Con chip mới nhất thuộc dạng này của TI là OMAP 5 cũng đang được sản xuất và hứa hẹn sẽ cạnh tranh với các sản phẩm 4 lõi của NVIDIA trên mọi phương diện.
Hiện giờ các thiết bị di động của Samsung đều sử dụng các bộ vi xử lí dòng Snapdragon và Tegra. Tuy nhiên đại gia bán dẫn này cũng đang làm việc rất nghiêm túc để cho ra bộ vi xử lí Exynos cho riêng mình. Exynos 5250 không phải là chip 4 nhân mà chỉ có 2 nhân kiến trúc ARM Cortex-A15. Có vẻ như cả TI và Samsung đều rất tự tin với sức mạnh các con chip của mình trong các bài thử benchmark khi so sánh với các chiến binh lõi tứ thời thượng.
Có chắc chip nhiều nhân thì tốt hơn?
Theo NVIDIA, các bộ vi xử lí 4 nhân nâng cao hiệu năng sử dụng khi chạy đa tác vụ với nhiều ứng dụng khác nhau, hãng này thậm chí còn "khoa trương" bộ vi xử lí này sẽ khiến cho chiếc điện thoại có được năng lực xử lí điện toán ngang với máy tính để bàn.
Giám đốc phụ trách marketing kĩ thuật của NVIDIA, Nick Stam cho biết: "Trong tương lai người dùng sẽ sử dụng điện thoại di động như thiết bị điện toán chính của mình. Các điện thoại được "vũ trang" bằng chip lõi tứ sẽ có khả năng thực hiện được rất nhiều tác vụ của máy tính để bàn hay laptop. Bộ vi xử lí này là một đối thủ thách thức thực sự của các bộ vi xử lí máy tính để bàn truyền thống".
Talluri, chuyên gia của Qualcomm nhận định rằng người dùng sẽ thực sự cảm thấy sức mạnh của bộ vi xử lí 4 lõi này khi thực hiện các tác vụ đa nhiệm, tốc độ chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng đang mở sẽ nhanh hơn rất nhiều so với chạy trên bộ vi xử lí 2 nhân.
Khi được hỏi về lĩnh vực nào sẽ tận dụng hiệu quả nhất sức mạnh của bộ vi xử lí lõi tứ, cả NVIDIA và Qualcomm đều có chung câu trả lời làm game. Bộ vi xử lí "khủng" này sẽ xử lí rất ngọt các tác vụ nặng nề liên quan đến đồ họa cũng như cách chơi của game. Có thể thấy trước được game trên di động sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều cả về lối chơi cũng như chất lượng đồ họa.
Tất nhiên, game không chỉ là lĩnh vực duy nhất hưởng lợi từ sức mạnh xử lí của chip lõi tứ. Các ứng dụng liên quan đến ảnh trên di động, xử lí đồ họa và video trên máy tính bảng chắc chắn cũng sẽ trở nên nhanh hơn trước nhiều nhờ bộ vi xử lí này.
Mặc dù vậy, vẫn có những nghi ngại về việc liệu có đủ các ứng dụng trên thiết bị di động được tối ưu hóa hoặc cần đến sức mạnh của các bộ vi xử lí đa nhân hay không. Cả NVIDIA và Qualcomm đều cam kết và cho biết họ đang phối hợp chặt chẽ cùng các nhà phát triển để tối ưu hóa các ứng dụng cho sản phẩm của mình. Nhưng chắc chắn trong thực tế, chúng ta không thể hi vọng vào một sự bùng nổ các ứng dụng được tối ưu hóa để tận dụng sức mạnh xử lí lõi tứ trên thiết bị di động.
Thời lượng pin sẽ giảm?
Mặt trái của việc tăng sức mạnh xử lí trên các thiết bị di động là thời lượng pin cũng nhanh chóng bị tụt giảm. Sức mạnh của pin cũng cần có một cuộc cách mạng để có thể theo kịp với sức mạnh phần cứng cũng như tốc độ của mạng viễn thông ngày một cao. Về vấn đề này, NVIDIA cho biết bộ vi xử lí Tegra 3 của họ tiêu tốn năng lượng ít hơn cả bộ vi xử lí lõi kép, do các tiến trình xử lí được phân bổ đều trên các chip. Thậm chí Tegra 3 còn có một dạng "chip dự phòng thứ 5" dùng công nghệ silicon tiết kiệm năng lượng đặc biệt. Chip này chuyên để xử lí các tác vụ cần tới ít điện năng như bật máy từ chế độ chờ, phát lại nhạc hoặc video.
Trong khi đó, Qualcomm giải thích rằng chip 4 nhân của mình sẽ có khả năng chạy đồng thời tại các tần số đồng bộ và mức điện áp khác nhau. Ví dụ, bạn mở email (chỉ cần dùng ít điện), rồi sau đó bấm vào một đường link để mở một video chạy bằng Flash (tốn đáng kể điện năng), hệ thống sẽ tự động điều chỉnh số lõi một cách thông minh để xử lí các tác vụ tiêu thụ điện năng khác nhau như vậy.
Nhiều khả năng chúng ta sẽ chứng kiến nhiều máy tính bảng dùng chip lõi tứ tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) vào tháng 1/2012, và chiếc điện thoại có chip lõi tứ đầu tiên (có vẻ là từ Nvidia), sẽ xuất hiện tại sự kiện Hội nghị Di động thế giới (MWC) vào tháng sau đó. Nhưng vào lúc này, vẫn còn quá sớm để dự báo tác động của chip lõi tứ trong thế giới di động.