Tư vấn

[Cơ bản] Hướng dẫn chọn mua DSLR

Trong vài năm trở lại đây thì xu hướng mua máy ảnh to có thể thay ống kính được đang dần trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, nhà nhà muốn mua máy to, người người muốn mua máy thay ống kinh. Lý do thì chưa biết nhưng chắc chắn xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được cung cấp một số thông tin về máy ảnh DSLR cũng như những tiêu chí cần cân nhắc khi lựa chọn 1 chiếc máy nào đó.

Tại sao lại là DSLR chứ không phải là máy ảnh loại khác?
Trước hết, bạn cần phải hiểu chữ D trong DSLR là viết tắt của từ Digital, tức là kỹ thuật số. Trước đây thì các máy ảnh có thể thay ống kính được nhưng dùng phim thì chỉ gọi là SLR thôi, thêm chữ Digital để phân biệt với máy ảnh kỹ thuật số sau này. Hiện tại thì các máy film SLR gần như không còn được sản xuất nữa.

Quay trở lại vấn đề chính, tại sao chúng ta lại mua máy ảnh SLR trong khi các máy ảnh ngắm chịp nhỏ gọn và rẻ hơn rất nhiều? Câu trả lời cho vấn đề này có thể gói gọn trong 2 vấn đề chính là tính linh hoạt và chất lượng hình ảnh.

Tính linh hoạt không chỉ đến từ khả năng thay ống kính và sử dụng hàng loạt các phụ kiện khác nhau như đèn flash, điều khiển từ xa mà DSLR còn có thể điều khiển nhanh hơn nhờ vào cơ cấu phím bấm thông minh. Hơn nữa, DSLR thường bền và có chất lượng phần cứng tốt hơn các máy compact.

Nhân tố thứ 2 là chất lượng hình ảnh. Trong những điều kiện ánh sáng tốt thì sự khác biệt giữa máy ảnh compact và DSLR là không lớn nhưng nếu bạn thử chụp trong những điều kiện phức tạp hơn 1 chút như ánh sáng yếu hay chuyển động nhanh thì khi này sự thua kém của máy ảnh compact sẽ lộ ra rõ rệt. Máy ảnh compact cũng chẳng thể tạo ra những hình ảnh với DOF mỏng như DSLR....

SLR là cái gì?

Cơ chế hoạt động của DSLR

Cấu trúc cơ bản của máy ảnh SLR gần như không bị thay đổi kể từ khi nó được ra mắt nửa thế kỷ trước. SLR và viết tắt của Single Lens Reflex (tạm dịch máy ảnh phản xạ 1 ống kính). Cấu trúc của máy ảnh SLR cũng khá là đơn giản, ánh sáng sẽ đi trực tiếp vào ống kính (TTL-through the lens) gặp gương lật và phản xạ lên lăng kính ngũ giác (pentaprisms) và đi vào mắt người dùng đang nhắm qua ống ngắm viewfinder. Tất cả cơ chế này đều là quang học nên viewfinder gọi là OVF (optical viewfinder).

Khi chụp hình, gương được lật lên để ánh sáng đi trực tiếp vào film (cảm biến nếu là máy số). Vì khi này ánh sáng bên trong không còn phản xạ vào viewfinder nữa nên bạn sẽ thấy ống ngắm này tối thui trong 1 khoảnh khắc. Với những máy ảnh có live view thì ánh sáng cũng sẽ đi trực tiếp vào cảm biến và hiển thị ra màn hình phía sau (bạn có thể đọc thêm về live view và các máy không gương trong phần sau của bài viết này).

Bạn cần gì khi mua DSLR?
Không phải cứ có càng nhiều tiền thì bạn lại đâm đầu mua những chiếc máy (body) xịn nhất mà phải biết mình cần gì để chi tiêu cho hợp lý. Nếu bạn muốn một chiếc máy dễ chụp thì nên chọn các máy DSLR giá rẻ có các chế độ scene, auto hay chí ít là program. Nếu bạn muốn chụp ảnh thể thao hay cuộc sống của động vật thì phải mua những camera có tốc độ chụp cao.

Với những ai hay chụp trong điều kiện ánh sáng thấp, hãy chọn những máy có ISO cao và chống rung hiệu quả. Còn cho những người chụp studio, chân dung hay macro thì những máy hỗ trợ live view sẽ phát huy tác dụng lớn nhất.

Cuối cùng, bạn cũng cần phảu lưu ý về độ bền của máy, liệu sản phẩm đó có được tạo ra để hoạt động trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau hay không. Liệu trọng lượng và kích thước của máy có đáng để bạn quan tâm, liệu bạn có 1 nhu cầu chuyên biệt nào đó yêu cầu những phụ kiện đặc biệt mà chỉ 1 vài hãng có thể cung cấp hay không?....

Sau đây, ta sẽ lần lượt đi qua những tiêu chí cần xem xét khi mua máy ảnh DSLR:
Cảm biến ảnh:


 

Chúng ta hãy cùng xem qua kích cỡ của cảm biến ảnh trên máy ảnh DSLR. Cho dù có 1 vài khác biệt nhỏ nhưng các máy DSLR đều sử dụng cảm biến thuộc 1 trong 3 kích cỡ sau: Full Frame, APS-C và Four-Thirds. Sự khác biệt của kích cỡ cảm biến có thể rất quan trọng trong nhiều trường hợp khác nhau, không chỉ chất lượng ảnh mà còn ảnh hưởng đến tiêu cự của ảnh chụp mà chúng ta thường biết đến với tên gọi hệ số crop (crop factor). Để hiểu rõ hơn bạn có thể xem hình phía dưới, cảm biến nhỏ hơn thì phạm vi chụp của ảnh cũng hẹp hơn với cùng 1 ống kính. Ví dụ ảnh từ máy Four Thirds chụp thông qua ống kính 24mm tương đương với máy Full Frame dùng ống kính 48mm, máy APS-C qua ống kính 24mm tương đương Full Frame dùng ống 36mm.

Hệ số crop của APS-C là 1,5 hoặc 1,6 trong khi Four-Thirds là 2x. Tức là khi chụp cùng 1 ống kính thì tiêu cự của máy Full Frame bằng chính tiêu cự của ống kính trong khi APS-C thì nhân 1,5 lần và Four-Thirds là nhân 2 lần. Hệ số crop có thể không ảnh hưởng đến hầu hết người dùng nhưng nếu bạn chuyển thì máy film vốn có kích cỡ tương đương với cảm biến Full Frame thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dải ống kính cũ của bạn lắm đấy.

Những ai hay chụp ảnh xa thì tỷ lệ crop có thể là một lợi thế bởi vì máy ảnh của bạn sẽ chụp cận cảnh vật thể hơn. Tất nhiên, với những ai hay chụp cảnh thì máy crop sẽ bất lợi vì ống kính góc rộng sẽ chẳng còn rộng như nó vốn có nữa. Thật may mắn khi các nhà sản xuất đã ra mắt những ống kính riêng cho hệ máy số, tối ưu hơn cho các cảm biến nhỏ.

Vậy bạn nên chọn máy có cảm biến Full Frame hay crop, mỗi hệ thống cảm biến này đều có ưu và nhược điểm riêng của nó.

 


Cảm biến Fullframe cho ảnh có DOF mỏng hơn

 

Loại cảm biến Full Frame lớn (gọi Full Frame là vì kích cỡ của nó bằng với film 35mm ngày xưa) thường có viewfinder lớn hơn, sáng hơn và rất thích hợp cho những ai nâng cấp lên từ hệ máy film vì tiêu cự của dải ống kính cũ không bị thay đổi. Ngoài ra, máy ảnh Full Frame thường cho ảnh đẹp hơn khi chụp trong điều kiện ánh sáng kém vì nó nhạy hơn và cho DOF mỏng hơn (chủ thể rõ nét hơn và hậu cảnh mờ hơn) nếu bạn biết kiểm soát. Tất nhiên, Full Frame cũng có nhược điểm khi mà nó khá to và mắc tiền, có ít mẫu để chọn hơn, đồng thời khó kiểm soát nét hơn với những ai thiếu kinh nghiệm. Như đã nói ở trên, nếu muốn chụp xa thì có thể Full Frame sẽ gặp bất lợi hơn crop.

Cảm biến APS-C là loại phổ biến nhất hiện nay và được sử dụng bởi hầu hết các nhà sản xuất khác nhau. Với tỷ lệ crop 1,5 hoặc 1,6, bạn sẽ cần phải sử dụng những ống kinh riêng cho máy số để có được góc rộng mong muốn. Dù vậy, những ống kính loại này thường rẻ tiền hơn những ống kính tương đương bên dòng máy full frame. Các ống “kit” đi kèm máy APS-C thường là những điểm khởi đầu tốt vì nó cho dải zoom đủ làm hài lòng hầu hết người dùng, từ cảnh góc rộng cho đến cận cảnh.

Four-Thirds là định dạng cảm biến mới nhất và nó chỉ xuất hiện trên các máy kỹ thuật số, được tạo ra bởi Olympus. Four-Thirds (2/3) đồng thời được sử dụng bởi Panasonic và cũng đòi hỏi hệ thống ống kính mới hoàn toàn. Cảm biến 2/3 nhỏ hơn cũng đồng thời cho phép chế tạo những chiếc máy nhỏ gọn hơn là APS-C. Tuy đây là một hạn chế khi chụp thiếu sáng nhưng hầu hết người dùng căn bản đều không thấy sự khác biệt rõ rệt.

Hệ thống chống rung:


Hình ảnh bị rung khi không có IS

 

Hình ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng yếu với những ống kính tele có thể sẽ hoàn toàn không thể sử dụng được nếu máy ảnh/ống kính của bạn không sở hữu một hệ thống chống rung tốt. Trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy, chỉ hệ thống chống rung mới giúp ảnh ảnh không bị mờ (blur) mà thôi. Các nhà sản xuất khác nhau sử dụng những thuật ngữ khác nhau khi nói về blur như Super SteadyShot, Anti Share, Vibration redution, Mega OIS... Nhìn chung, chỉ có 2 loại chống rung chính là chống rung sử dụng ống kính, di chuyển những thành phẩn nhỏ bên trong ống kính và loại thứ 2 là chống rung bên trong thân máy bằng cách di chuyển cảm biến. Hãy lưu ý là 2 thuật ngữ chống rung quang học (optical) và chống rung cơ khí (mechanical) thường xuyên được sử dụng để thay thế cho nhau.

Có nhiều kết luận khác nhau về hiểu quả của chống rung ống kính và sử dụng cảm biến nhưng kết quả của chúng thường không khác biệt nhiều. Các máy dùng chống rung cảm biến có tác dụng với bất cứ ống kính nào gắn vào trong khi chống rung ống kính đòi hỏi mỗi ống phải tích hợp hệ thống này. Các hệ thống chống rung ống kính làm cho ống mắc tiền hơn kha khá nên nhiều người ưa chuộng loại chống rung cảm biến hơn. Dù vậy, chống rung ống kính có 1 lợi thế rất lớn là nó cho phép người dùng nhìn thấy việc chống rung qua viewfinder ngay lập tức. Hiện tại thì Sony, Pentex và Olympus đi theo con đường cảm biến còn Canon, Nikon và Panasonic đi theo ống kính.

Tốc độ:
Nếu bạn đang sử dụng máy ngắm và chụp thì chắc chắn sẽ nhận thấy sự khác biệt rất lớn về tốc độ khi chuyển qua máy SLR kỹ thuật số. Ngay cảm những mẫu DSLR cơ bãn nhấn cũng cho tốc độ lấy nét và chụp tốt hơn máy compact. Các body càng cao cấp thì tốc độ lấy nét càng được tăng cao và số tấm hình liên tiếp trong một giây sẽ càng cao hơn. Các thông số này là tối quan trọng cho những ai hay chụp thể thao và thú vật.

Hầu hết các máy DSLR cơ bản cho phép người dùng chụp từ 2,5-3 hình/giây (fps), đủ để chụp trẻ em và thú cưng trong vườn. Nhiều nhà sản xuất còn giới hạn này trong một thời gian nhấn định (1 brust), tức là chỉ chụp được khoảng vài tấm thì phải tạm ngưng để máy lưu lại rồi mới chụp tiếp, đặc biệt là khi chụp ảnh RAW.

Khi mà 3 fps không còn đáp ứng nổi thì bạn nên chuyển sang những dòng máy trung cấp với tốc độ khoảng 5 fps, những máy chuyên nghiệp thậm chí còn có thể đạt tới 12 khung hình 1 giây hay cao hơn nữa. Để đạt được điều này, các nhà sản xuất đã trang bị cho những máy trên bộ nhớ đệm lớn hơn và có thể lưu trữ hàng chục ảnh RAW chỉ bằng 1 lần bấm máy duy nhất.

Kích cỡ, trọng lượng và độ bền máy ảnh:

 


Nikon D3 bị nhúng bùn nhưng vẫn không sao

 

Như đã nói ở trên, các máy DSLR có thể có rất nhiều kích thước khác nhau, từ loại nhỏ gọn như compact cho đến những máy siêu bự kiểu D3s. Nếu bạn hay chụp trong những điều kiện có nhiều bụi, ẩm ướt thì nên chọn những máy hoạt động trong nhiều thời tiết khác nhau, có thân làm từ hợp kinh ma-giê và có hệ thống rũ bụi khỏi cảm biến (dust removal). Thông thường, máy càng nặng thì càng càng bền, nếu bạn hay di chuyển thì có thể mua những máy nặng khoảng nửa ký chưa kèm ống kính. Ngày càng có nhiều máy ảnh tầm trung có khả năng hoạt động bền hơn ngày xưa, D7000 mới đây là một ví dụ điển hình. Có một lưu ý là tuy nhà sản xuất không công bố rõ nhưng nhiều máy vẫn hoạt động tốt với điều kiện trời mưa nhẹ. Những máy nào mà công ty sản xuất tuyên bố là chống nước thì bạn hãy cứ an tâm về điều đó. Cá nhân người dịch bài này đã từng chứng kiến 1 “em” D3 lội sông trong khoảng 2 tiếng mà không xi nhê gì.

Màn hình và live view:

 

Một trong những ưu điểm rất lớn của DSLR là bạn có thể nhìn hình trực tiếp ảnh cần chụp qua viewfinder mà không phải nhìn vào màn hình LCD như máy compact. Tuy nhiên, rất nhiều người chuyển từ máy ngắm chụp lên cảm thấy bỡ ngỡ với cách nhìn này, họ mong muốn một cái gì quen thuộc hơn nên các nhà sản xuất cũng dần trang bị live view (ngắm qua màn hình LCD) ở những mẫu máy gần đây.

Live view không phải là không có điểm yếu, trong hầu hết các trường hợp thì nó làm chậm thời gian chụp hình. Hãy nhớ lại cơ chế chụp ảnh của DSLR một chút, thông thường gương nằm che cảm biến để lấy nét và cho người dùng ngắm, khi chụp thì gương sẽ lật lên để ánh sáng đi vào cảm biến và khi xong thì nó lật nằm che cảm biến. Nếu bạn dùng live view, gương luôn mở, khi nào lấy nét thì nó phải che cảm biến lại và nó tốn thêm 1 bước che cảm biến lại so với việc dùng ống ngắm quang. Đây chính là lý do mà 1 số thế hệ live view đầu tiên đòi hỏi người dùng phải lấy nét tay khi dùng live view. Một số máy sau này cho phép lấy nét tự động nhưng nó cũng khá chậm so với viewfinder truyền thống. Công ty duy nhất thực hiện live view tốt là Sony vì sử dụng 2 bộ cảm biến riêng (cảm biến nhỏ cho live view) cho phép lấy nét tự động nhanh nhưng giải pháp này có thể làm viewfinder tối đi và cũng không cho hình ảnh độ phân giải cao khi hiển thị trên màn hình live view.

Tất nhiên là live view có rất nhiều ứng dụng thực tế. Những ai hay chụp studio hẳn sẽ thích tính năng này vì họ có thể kiểm soát nét tốt hơn. Ngoài ra, trong những trường hợp chụp ở vị trí khó như chủ thể sát mặt đất hay cao quá đầu người dụng thì live view cũng cực kỳ hữu ích. Những khi này bạn khó lòng đưa mắt vào viewfinder được. Khi kết hợp với màn hình lật xoay ở một vài mẫu DSLR thì live view càng trở nên hữu ích hơn.

Tính dễ dùng:
Các nhà sản xuất máy ảnh đang cố gắng tạo ra những chiếc máy DSLR dễ dùng nhất có thể bởi vì người dùng ngày càng chọn dòng sản phẩm này nhiều hơn. Do vậy, tính dễ dùng ngày càng được nâng cao hơn thông qua các hướng dẫn trên màn hình, hệ thống chụp ảnh tự động, nhận diện khuôn mặt, nhận diện nụ cười... Hầu hết các máy DSLR đều chụp tích hợp các chế độ chụp như compact nhưng ở các cấp độ khác nhau, với những máy chuyên nghiệp như D3s thì bạn không tìm được chế độ auto mà chỉ dừng lại ở P mà thôi.

Các tính năng nâng cao:

 

 

Các máy DSLR đều chia sẻ chung những tính năng cơ bản nhưng chỉ có những máy cao cấp nhất mới cho chúng ta khả năng điều kiển tối ưu nhất thông qua hàng loạt các tính năng nâng cao, cho phép bạn tùy chỉnh menu điều khiển cho thuật lợi nhật hay tạo profile riêng cho từng ống kính khác nhau.... Có thể bạn không thấy chúng quan trọng nhưng những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thì rất cần đấy.

Chế độ quay phim:
Sau khi cung cấp live view thì các nhà sản xuất máy ảnh cũng đưa chế độ quay phim vào DSLR nhằm làm hài lòng các thượng đế. Các máy DSLR quay phim có thể chưa thật nhiều nhưng nó đã tạo 1 làn gió mới cho cả các nhà quay phim chuyên nghiệp và bán chuyên. Lý do chính là bởi vì DSLR có cảm biến lớn, cho phép làm nổi bật chủ thể (DOF cực kỳ mỏng) và chất lượng phim xuất sắc trong những điều kiện ánh sáng kém. Hơn thế nữa, DSLR hỗ trợ hàng loạt các ống kính khác nhau, từ ống mắt cá cho tới siêu tele với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với các ống quay phim chuyên nghiệp.

Hệ thống đi kèm:
Với rất nhiều người, việc mua một chiếc máy DSLR chỉ là bước đầu tiên trong 1 con đường dài. Chính vì vậy, bạn cần phải tạo được một hình ảnh trong đầu về những gì mình cần và những thứ liên quan, đặc biệt là ống kính trước khi chọn mua từ 1 nhà sản xuất nào đó. Thân máy chỉ là 1 phần của chất lượng hình ảnh mà nó còn đến từ ống kính và khả năng chụp của người dùng. Các nhà sản xuất lớn đều đưa ra những hệ thống ống kính gần tương tự nhau (có thể bổ sung thêm các tùy chọn từ bên thứ 3) nhưng mỗi dải sản phẩm đều có những điểm yếu và mạnh khác biệt rõ ràng. Nếu bạn có nhu cầu đặc biệt, hãy nghiên cứu về ống kính và phụ kiện trước khi chọn body của 1 hãng nào đó.

Một vài điều về hệ thống máy ảnh không gương (máy ảnh lai):

 

 

Hệ thống máy ảnh không gương lật đơn giản hóa cấu trúc của DSLR để loại bỏ ống ngắm quang học và gương đi, qua đó cho phép tạo ra những chiếc máy nhỏ nhưng sở hữu cảm biến lớn. Hiện tại thì dòng máy này chia làm 2 con đường khác nhau là máy có kích thước lớn giống DSLR và sử dụng ống ngắm điện tử trong khi con đường thứ 2 loại bỏ triệt để hơn và có tạo hình giống camera ngắm chụp, mọi thứ đều thao tác qua màn hình chứ không còn ống ngắm nữa. Nếu thích thì bạn có thể mua thêm viewfinder điện tử cho các máy này nhưng nó khá là mắc. Sau đây là những ưu và nhược điểm của dòng máy này:

Ưu điểm:
  • Nhỏ hơn, nhẹ hơn và không phát ra tiếng to như SLR truyền thống.
  • Dễ dùng với hàng loạt các tính năng của máy compact được tích hợp sẵn.
  • Hỗ trợ quay phim tốt hơn DSLR.
  • Ống ngắm điện tử thường lớn hơn ống ngắm quang trên các máy DSLR cấp thấp.
  • Hiển thị đầy đủ các thông tin về máy và menu trên ống ngắm quang.
  • Ống kính nhỏ hơn.
Nhược điểm:
  • Ít lựa chọn về cả máy lẫn ống kính.
  • Lấy nét chậm hơn, đặc biệt chậm trong 1 số trường hợp.
  • Giới hạn về số tấm ảnh chụp trong 1 lần bấm máy thấp hơn do bộ nhớ đệm.
  • Kính ngắm điện tử thường không rõ ràng bằng các kính ngắm quang học trên DSLR trung cấp trở lên.
  • Khả năng chụp thiếu sáng thường tệ hơn DSLR cùng thời điểm.