Doanh nghiệp đang đau đầu vì số lượng ứng tuyển ngành CNTT giảm và chất lượng xuống, nhân sự thiếu thực tế, thiếu kinh nghiệm triển khai các dự án lớn, dễ đến dễ đi…
Thiếu kinh nghiệm, thiếu hòa nhập, thiếu gắn bó…
Đánh giá về những nhân sự đã tuyển được, bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Giám đốc Phòng Nhân sự Công ty CSC Việt Nam cho biết, họ có ưu điểm là đáp ứng được yêu cầu cơ bản của một người làm công việc tư vấn mà công ty cần (có kiến thức CNTT lẫn kinh tế như: tài chính, kế toán, ngân hàng...).
Tuy nhiên, họ có nhược điểm là chưa được đào tạo chính quy. Những người có hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ kinh tế (tốt nghiệp từ trường kinh tế) lại hiểu ít về CNTT và ngược lại. Và thêm nữa, họ thiếu kinh nghiệm cọ xát thực tế, thiếu kinh nghiệm triển khai các dự án lớn.
Bà Nguyệt lưu ý, chuyên gia tư vấn cần phải bổ sung kiến thức về chuyên môn kinh tế (như tài chính, kế toán, ngân hàng...) hoặc CNTT để làm tốt công việc. Và họ cần có khả năng tự học, nắm bắt vấn đề nhanh chóng.
Ông Phạm Tú Cường, Trưởng ban Đảm bảo nguồn lực, Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) nhìn nhận, ở Việt Nam, thực tế ngành CNTT không còn được giới trẻ ưa chuộng như một vài năm trước, dẫn đến lượng sinh viên CNTT ra trường giảm dần (khoảng hơn 10.000 sinh viên/năm, do số lượng dự tuyển giảm), chất lượng không đồng đều (điểm thi vào trường giảm).
Trong khi thực tế doanh nghiệp lại yêu cầu ứng viên phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định về kĩ năng. Sinh viên ra trường tham gia ngay được vào các dự án phần mềm là không nhiều. Sau tuyển dụng, công ty thường phải chủ động đưa các chương trình đào tạo dành cho nhân viên mới với chi phí đầu tư cao. Doanh nghiệp phải chi phí nhiều cho nguồn nhân lực chất lượng, giúp nhân viên mới hòa nhập môi trường và tham gia các dự án với năng suất và chất lượng công việc đáp ứng mong đợi.
Ông Trương Hồng Hạnh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TTSoft, cho rằng, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp trong tuyển dụng hiện nay là nhân sự dễ đến dễ đi... Các bạn được tuyển vào, được đào tạo bài bản, được học hỏi kinh nghiệm đến khi bắt đầu làm được việc thì lại ra đi. Đối với công ty ông Hạnh, khi tuyển dụng Công ty chỉ cần ứng viên có kiến thức cơ bản về chuyên môn. Sau đó công ty sẳn sàng đào tạo từ đầu. Điều mà ông Hạnh cần ở ứng viên là sự thật thà, chăm chỉ và quan trọng nhất là “đừng vội tới rồi lại vội đi…”.
Khác với các doanh nghiệp khác, chủ trương tuyển dụng nhân sự của Công ty Fujinet theo ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc công ty, là đơn vị chọn tuyển từ cán bộ/kĩ sư đã có kinh nghiệm offshore cho Nhật Bản (cũng làm việc về ERP Fuji Cocktail), đào tạo thêm với sự hỗ trợ của đối tác là Công ty Uchida (Nhật) để làm thành đội ngũ kinh doanh ERP trong nước.
Thiếu nhân lực trung và cao cấp
Nhìn nhận tình hình nhân sự trong các doanh nghiệp lĩnh vực phần mềm, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM cho biết, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là nguồn nhân lực, và tài sản lớn nhất của họ cũng là nguồn nhân lực, chi phí lớn nhất trong chi phí kinh doanh cũng là chi phí nguồn nhân lực.
Nhân lực trong lĩnh vực này ở cấp cơ sở tuy có thiếu nhưng có thể đào tạo nhanh được vì các trường đại học, các tổ chức đào tạo trong nước có thể cải thiện được chất lượng. Và khi ra trường, sinh viên chỉ cần bổ sung thêm kiến thức về công nghệ, kĩ năng mềm là có thể làm việc được. Nhưng đối với nguồn nhân lực ở cấp trung và cao hiện nay đang thiếu trầm trọng. Để tìm kiếm và chiêu dụng được nguồn nhân lực này rất khó! Khó kiếm cả về số lượng lẫn chất lượng...
“Ở những nước như Mỹ và châu Âu, đi tìm giám đốc điều hành (CEO) cho ngành phần mềm rất đơn giản, chỉ cần đăng báo tuyển dụng là có ngay. Ở Việt Nam, việc tìm một CEO giỏi cho ngành phần mềm chẳng khác nào “mò kim đáy bể””, ông Dũng nói.
Theo ông Ngô Đức Chí, Tổng giám đốc Global Cybersoft Vietnam, để có thể đào tạo, chiêu dụng được nguồn nhân lực cấp trung và cao cấp, cần có sự đầu tư, đặc biệt từ phía Nhà nước. Nhà nước cần có chính sách thích hợp, môi trường làm việc tốt để chiêu dụng các kĩ sư chất lượng cao, giáo sư, tiến sĩ người nước ngoài gốc Việt về làm việc và giảng dạy các vấn đề về kĩ thuật như: Internet, phần mềm cho các doanh nghiệp và trường đại học.
Ùn ùn tuyển dụng...
Ông Phạm Tú Cường đánh giá, xu hướng tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực phần mềm năm nay vẫn “nóng”. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều có nhu cầu tuyển dụng. Đặc biệt, những lĩnh vực mới như phần mềm ứng dụng trên di động hoặc điện toán đám mây nhu cầu tuyển dụng tăng vọt...
Năm 2012, FPT Software dự kiến sẽ tuyển dụng từ 1.200 – 1.500 người. Hiện tại, mỗi tháng công ty cần tuyển từ 100-120 vị trí. Số nhân sự dự kiến mà đơn vị sẽ tuyển đến hết năm 2013 là khoảng 5.000 người. Các vị trí công việc cần tuyển dụng cụ thể như: lập trình viên, quản trị dự án, nhân viên kiểm thử phần mềm, kĩ sư cầu nối (tiếng Nhật), chuyên viên phân tích kinh doanh…
Để ứng tuyển vào các vị trí này, ứng viên cần có kĩ năng chuyên môn, ngoại ngữ, tính cách… phù hợp với yêu cầu tuyển dụng.
Công ty DiCentral Việt Nam (đối tác chiến lược cung cấp các giải pháp ERP của tập đoàn Epicor tại Việt Nam) do nhu cầu mở rộng phát triển nên cần tuyển 100 - 499 nhân sự cho các vị trí: tiếp thị, bán hàng CNTT – phần mềm… DiCentral Việt Nam chuyên cung cấp giải pháp trọn gói (End to End Solution) cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, phân phối, bán lẻ và dịch vụ theo từng ngành công nghiệp riêng biệt…
Ông Trương Hồng Hạnh cho biết, công ty ông cũng có nhu cầu tuyển dụng do công việc tăng. Số nhân sự ông cần tuyển trước mắt là 7 người: 4 triển khai, 3 bán hàng. Điều kiện cần ứng viên phải có kiến thức căn bản chuyên môn…