Nhịp sống số

Clone SIM số đẹp, người dùng lãnh đủ

Trên thị trường hiện nay, giá một SIM số đẹp dạng 9 số từ 5 triệu đồng trở lên tùy theo mức độ “đẹp” của SIM trong khi SIM 10 số cũng khoảng 2-3 triệu đồng. So với việc bán SIM thường, SIM rác chỉ 40-50 nghìn/SIM thì kinh doanh SIM số đẹp cho lãi rất cao.
 
 
Việc kinh doanh SIM số đẹp đã bắt đầu từ nhiều năm trước nhưng trong thời gian gần đây, một xu hướng cũ với công nghệ mới đang nhen nhóm xuất hiện lại và tiềm tàng khá nhiều nguy cơ. Dân trong nghề tại Việt Nam gọi nó là “sao chép SIM”(clone SIM).
 


Vấn đề quá khứ

 
Từ năm 2005, khi thị trường di động Việt Nam bắt đầu bùng nổ với số lượng thuê bao tăng nhanh chóng mặt thì việc kinh doanh SIM số đẹp cũng bước vào thời kỳ thịnh vượng và một loại hình kinh doanh “ngầm” nhưng khá công khai cũng bắt đầu xuất hiện là bán SIM số đẹp. “Các SIM đẹp nhất được nhà mạng giữ lại để bán cho các khách hàng đặc biệt hoặc để bán trong các chương trình từ thiện; SIM theo mức độ tứ quý, tam quý,… được các đại lý phân ra thành từng nhóm rồi bán lại cho các cửa hàng theo mức độ từ thấp đến cao”, một nhà quan sát nhận xét. Thông thường, một SIM xấu chỉ bán được 65 nghìn đồng thì SIM số đẹp có thể bán với mức giá từ 300 nghìn đồng trở lên, như vậy người kinh doanh SIM số đẹp luôn có mức lãi trên 500%.
 

Lợi nhuận cao đã tạo động lực cho giới buôn SIM tìm mọi cách để sao chép một SIM số đẹp ra thành 2 SIM khác nhau để bán nhằm trục lợi bất chính. Do hạn chế về công nghệ bảo mật cùng với hệ thống kiểm soát chưa thực sự tốt của các nhà mạng trước các thuê bao nên việc sao chép SIM đã tồn tại trong khoảng một thời gian tương đối dài trước khi bị phát hiện và ngăn chặn. “Lúc ấy thấy tiền trong tài khoản bị trừ dần và thỉnh thoảng máy mất mạng nên tôi nghĩ là do nhà mạng trục trặc. Nhưng mãi về sau mới biết là có một người cũng sử dụng SIM giống y hệt mình”, anh Minh – Công ty TNHH Trường Minh (TP. HCM) cho biết.


Theo các nhà quan sát, trong thời gian này, việc sao chép SIM số đẹp và bán SIM số đẹp cũng chỉ trong nội bộ của người nhà, người quen của SIM-Hacker và người dùng SIM sao chép chỉ dùng nó để gọi, để nhắn tin nhằm rút ruột tài khoản của chủ sở hữu thực sự mà họ không biết chứ không có quá nhiều hành động lộ liễu để “đánh động” chủ nhân thực sự của SIM ấy.
 
 
Thực chất lúc ấy, chủ nhân của SIM cũng không có cơ hội ngăn chăn và bảo vệ quyền lợi với chiếc SIM của mình, bởi các quy định đăng ký thông tin với SIM trả trước còn sơ sài và chưa được quan tâm trong khi công nghệ quản lý của các mạng di động còn yếu và chưa đủ mạnh do sự bùng nổ của lượng thuê bao. Tuy nhiên, sau khi cải tiến công nghệ của hệ thống máy tính quản lý cùng với việc phát hành các SIM có tính bảo mật cao, việc “sao chép” SIM số đẹp bị chìm vào quên lãng.
 

Bình cũ rượu mới
 

“Anh muốn clone SIM hả, giờ dễ lắm chứ không như hồi xưa nữa đâu, chỉ cần lên mạng tìm kiếm là có cả mấy triệu kết quả cho anh làm theo. Nhiều nơi thậm chí còn làm mẫu bằng video để anh xem nữa”, Kiên – cựu sinh viên khoa Điện Tử - Viễn Thông Trường ĐH Bách Khoa TP. HCM nói về kỹ thuật clone SIM. Nguyên tắc căn bản của việc sao chép SIM là phải có được thông tin nhận dạng của SIM như Key, mã PIN, PUK,… và tùy theo loại SIM mà nhà mạng có cách riêng để bảo vệ cho các thông tin ấy nhưng nhìn chung “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Kiên cho biết, “luôn có các thiết bị chuyên dụng để đọc các thông tin kia vào chép chúng vào trong SIM trắng”.


Nếu như trước kia, SIM số đẹp “sao chép” được bán cho người thân, người quen của SIM-Hacker thì nay, nhu cầu của các cá nhân bên ngoài đối với SIM này cũng tăng nhanh đáng kể. “Nhiều cá nhân mua SIM số đẹp của các cá nhân thuộc doanh nghiệp lớn để thực hiện các cuộc gọi “lậu” ra nước ngoài hoặc cho đối tác khác mà không ai có thể phát hiện vì những chủ nhân sở hữu những SIM này thường không quan tâm đến hóa đơn cuối tháng cho lắm”, một chuyên gia cho biết. “Như vậy, do nhu cầu thực tế đang tăng cao về sao chép SIM số đẹp nên bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của “cơn sốt đen” này. Tuy thế, vấn đề lại rất khó để phòng vệ bởi nhiều thiết bị ngày nay có thể chủ động lấy được toàn bộ thông tin nhận dạng SIM mà không cần SIM-Hacker phải cầm chúng trong tay”. 
 
 

Mạng GSM kém an toàn hơn mạng CDMA nên nếu bạn đang dùng GSM và có điều kiện chuyển qua mạng này thì hãy nên làm. Trong trường hợp không thể, hãy thường xuyên kiểm tra tài khoản và khi phát hiện mất tiền một cách bí ẩn hoặc hóa đơn cuối tháng có những số máy lạ vào những giờ lạ thì cần nhờ tổng đài xác minh. Không những thế, các số máy xấu nhưng nếu là của các cá nhân thuộc doanh nghiệp thì rất có thể cũng sẽ trở thành nạn nhân của nạn sao chép SIM số đẹp. “Hãy luôn luôn cẩn thận và làm mọi việc để bảo vệ cho chính mình chứ không nên trông chờ vào các giải pháp tự động từ nhà mạng”, đại diện một mạng di động tại Việt Nam thổ lộ.