Thành công sẽ tới với những ai có đam mê, quyết tâm theo đuổi đam mê. Những huyền thoại " thiên tài không bằng cấp" là minh chứng sinh động cho chân lý ấy.
1. Henry Ford (1863 – 1947)
Nếu con bạn luôn tìm cách đối phó với việc học mà thay vào đó là ngồi lỳ lau chùi chiếc xe máy thì đừng vội buồn. Biết đâu bé sẽ có thể trở thành Henry Ford của Việt Nam.
Henry Ford ngày nhỏ cũng lười học và say mê sửa chữa đồ cũ, hỏng. Máy móc có sức quyến rũ với ông một cách kỳ dị. Năm ông mười hai tuổi, ông đã bắt chước chế tạo được một máy nhỏ chạy bằng hơi nước. Năm hai mươi tám tuổi, khi là một công nhân điện ông quyết tâm theo đuổi chinh phục phát minh máy nổ của người Đức.
Thành công đã tới với người kiên trì bền bỉ, 5 năm sau chiếc xe hơi đầu tiên của thế giới chào đời. Tuy nó cao lồng cồng, không mui, không thắng và chạy dật lùi được, tốc độ tối đa 30 km/giờ.
Vài năm sau ông thành lập Công ty xe hơi Detroit rồi Công ty xe hơi Cadillac. Tuy không được học hành bài bản nhưng Henrry có đầu óc lãnh đạo tuyệt vời. Bên cạnh việc những mẫu xe hơi liên tục được cải tiến nâng cao chất lượng và mẫu mã với nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, Henrry có chiến lược phát triển hoàn hảo.
Năm 1906 ông sản xuất được 8.400 chiếc xe; bốn năm sau, con số đó tăng lên 34.000; một năm sau nữa, nó tăng lên 78.000; và tới năm 1927 thì mỗi ngày ông sản xuất được 7.000 chiếc xe, tính ra cứ 7 giây đồng hồ, có một chiếc xe hơi ở trong xưởng ông từ từ chạy ra để được gửi đi khắp thế giới.
2. Soichiro Honda (1906 – 1991)
Năm 1980, Soichiro Honda đã được tạp chí uy tín “People” vinh danh là “người đặc biệt nhất của năm”, còn thế hệ nay coi ông như một “huyền thoại Henry Ford của Nhật Bản”.
Từ tuổi thơ khốn khó đến địa vị Chủ tịch tậpđoàn Honda hùng mạnh, chuyện nghề, chuyện đời của Soichiro Honda đã trở thành huyền thoại “thiên tài không bằng cấp”.
Khi mới 2 tuổi, cậu bé Soichiro đã bị thu hút và thích mày mò chiếc cối xay gió. Lớn thêm chút nữa, cậu tự “chế tạo” chiếc máy bay đồ chơi bằng tre có gắn “động cơ” làm bằng dây cao su. Cậu suốt ngày lấm lem mặt mũi do hay giúp đỡ cha mình trong xưởng đến mức bạn bè đặt cho cậu biệt danh “chú chồn nhọ mũi”.
“Chú chồn nhọ mũi” không ham thích học hành, chỉ quan tâm đến những môn kỹ thuật và bảng điểm của cậu dở tệ. Năm 15 tuổi, Soichiro Honda bỏ học để lên Tokyo học nghề tại xưởng cơ khí ôtô Shokai, thắp lửa niềm đam mê cùng tốc độ mãi cho tới sau này.
Bốn năm sau, Honda đã mở xưởng sản xuất của riêng mình. Chỉ sau một thời gian ngắn, xưởng sản xuất “doanh nghiệp một thành viên” cho ra đời xe đạp gắn động cơ. Ngay lập tức, Sản phẩm len lỏi khắp các ngõ ngách ở Nhật Bản.
Từ đây, Honda Technical Research Institute của ông đã thành công và không ngừng phát triển. Đến năm 1948, Công ty Honda Motor Co. Ltd được thành lập và trở thành một tập đoàn số 1 thế giới về sản xuất xe máy, top 10 sản xuất ô tô.
3. Steve Jobs (1955 – 2011)
Lại một thiên tài không bằng cấp nữa sinh ra tại Mỹ, Steve Jobs tên đầy đủ là Steve Paul Jobs, học trung học ở bang California. Năm 1972, Jobs tốt nghiệp trung học và đăng kí vào học tại cao đẳng Reed College. Steve Jobs chỉ theo học học một kì chính thức tại trường.
Năm 1974, Jobs quay trở lại California làm kĩ sư cho hãng Atari, một nhà sản xuất trò chơi điện tử, đồng thời tích cóp tiền bạc để đến Ấn Độ. Jobs đi đến Ấn Độ cùng với Daniel Kottke, người bạn học tại trường Reed và sau đó là nhân viên đầu tiên của Apple.
Năm 1976, Steve Jobs cùng những người bạn thành lập nên công ty Apple. Năm 1983, công ty cho ra đời chiếc máy tính đầu tiên với giao diện người dùng theo kiểu đồ hoạ.
Năm 1996, Apple công bố rằng hãng sẽ mua lại NeXT với giá 429 triệu USD. Thương vụ kết thúc vào cuối năm 1996 và Jobs lại quay về với công ty trước đây mình đã thành lập.
Ngày 24/8/2011, Jobs quyết định rời vị trí CEO của mình và đề cử Tim Cook thay thế. Ông vẫn tiếp tục cống hiến cho Apple với chức vụ COB (Chairman Of the Board).
Xin được lấy ý từ câu nói của ông bầu Đoàn Nguyên Đức: Không nhất thiết cứ là phải bằng cấp mới giàu có, mọi con sông đều đổ ra biển lớn.
Nguyên Thu(TH)