Thiết bị công nghệ

Chuột Steelseries KANA - Sự nâng cấp tuyệt vời từ Kinzu

style="text-align: left;">Sau những gaming mouse Ikari đời đầu, rồi tới Kinzu, XAI làm mưa làm gió trong các giải đấu Esport trên thế giới, Steelseries vẫn liên tục bổ sung vào gian hàng của mình bằng các dòng chuột mới. Nếu như Sensei khiến nhiều người phải trầm trồ vì cấu hình khủng, nhưng lại phải lắc đầu vì giá bán có phần kém dễ chịu, thì KANA lại tiếp xúc được với đa số đối tượng game thủ. Sản phẩm là sự nâng cấp từ Kinzu nhưng vẫn khiến người ta bất ngờ bởi nó thực sự cho thấy sự sáng tạo trong thiết kế của Steelseries.

Thông số cơ bản

Counts Per Inch (CPI) : 3200
Frames Per Second (FPS) : 3600
Inches Per Second (IPS) : 130
Gia tốc : 30G
Khoảng cách lift-off tối đa : ~2mm
Nút : 6
Đồ dài dây nối : 2m
Giá bán: 1,3 triệu (tặng kèm pad)

Tổng quan thiết kế

Như đã nói ở bài viết trước, KANA thực sự gây được ấn tượng trong thiết kế. Chuột vẫn giữ form của Kinzu nhưng các cách tân mà nhà sản xuất thêm vào đã nâng tầm sản phẩm lên rất nhiều. Trước hết, chúng tôi muốn nhấn mạnh ở vỏ ngoài của chuột. KANA có hai phiên bản trắng và đen, trong đó thì màu trắng lấy được cảm tình của tôi nhiều hơn. Màu trắng của KANA cao cấp hơn cái mà người ta thấy ở Kinzu V1. Logo giờ đây cũng đã lược bỏ dòng chữ "Steelseries", "back to basic" hay "đơn giản là nhất" - cá nhân tôi thích cách làm này của Steelseries . Tất nhiên, nếu bạn còn nhớ thì thay đổi này bắt đầu dòng sản phẩm Sensei.


Bên cạnh sự cân xứng đặc trưng, nhưng KANA đã có thêm những đường cong phá cách từ 2 nút phụ. Một chi tiết tuy đơn giản nhưng đã làm nổi bật, tôn lên sự mềm mại. Nút điều chỉnh CPI không còn là một hình tam giác đơn điệu như đàn anh Kinzu mà được thiết kế gần như một hình bán nguyệt.


Thay vì phủ một lớp cao su nhung mỏng, hai bên hông KANA là lớp nhựa sần chống trượt để tăng cảm giác chắc chắn khi cầm chuột, giống như phần ốp lưng của Kinzu v1 black. Lớp phủ này về cơ bản dễ vệ sinh hơn ở thiết kế cũ và vẫn đảm bảo hiệu quả chống trơn trượt cho gamer.


Người thuận tay trái hoặc tay phải đều có thể sử dụng KANA với thiết kế đối xứng của chuột. Nút phụ hoạt động rất tốt với độ nẩy hoàn hảo. Phần cuối thân chuột thoải ra hai bên tăng cảm giác cầm chuột một cách chắc chắn. Có một điểm cần lưu ý, nút phụ bên ngón tay áp út rất dễ bấm nhầm ! Trong ảnh này nhìn từ trên xuống các bạn có thể thấy nút ko gọn vào bên trong...Tuy rằng Steelseries thiết kế KANA dành cho người cầm chuột theo kiểu claw grip (cầm chuột bằng 4-5 đầu ngón tay), bản thân người viết cũng cầm theo kiểu claw grip, nhưng ngón áp út và ngón út có xu hướng sát vào hông chuột nên những pha vẩy nhanh không tránh khỏi việc bấm nhầm.


Mouse feet của KANA vẫn là loại 3 chân giống như những dòng mouse Kinzu v1, XAI trước đây của Steelseries. Sensor vẫn được đặt chính giữa để đảm bảo độ chính xác và cảm giác chuột ổn định.


Thông số kích thước cho thấy KANA có kích cỡ ở giữa so với Kinzu và XAI (Sensei). Thiết kế bởi game thủ, bởi vậy cũng không hề khó hiểu khi chính họ lắng nghe tiếng nói của họ và cho ra đời một gaming mouse hoàn hảo về kiểu dáng và kích thước, khi mà Kinzu bị chê là quá bé so với bàn tay, hay XAI với kích thước quá khổ. Nhưng liệu KANA có phải là bình mới, rượu cũ của Kinzu như huyền thoại Krait và Diamonback một thời của Razer ?


Thử nghiệm thực tế

Mặc dù có đến 4 thiết lập chỉ số CPI, nhưng nút phụ chỉ cho phép KANA thay đổi qua lại với 2 thiết lập. Như trong ảnh này người viết đã thiết lập 2 chỉ số CPI là 1600 với độ sáng led 100%, và 3200 với độ sáng led là 25%. Game thủ có thể chuyển chỉ số CPI bằng nút hình bán nguyệt ở giữa thân chuột, đồng thời đèn led ở nút cuộn cũng thay đổi theo thiết lập. Hỗ trợ tốc độ phản hồi tín hiệu lên đến 1000Hz làm giảm triệt để hiện tượng "delay" khi di chuột. Tab "Buns" trong driver dùng để điều chỉnh theo ý muốn các nút bấm của KANA, và "Statistics" để thiết lập các macro cần thiết chỉ trong 1 nút bấm.


Để có thể test tối đa hiệu quả của Kana, tôi đã thiết lập ở 1600CPI và 3 chế độ cho chuột đó là mức Low sensivity High sensivity và Very High sensivity. Test trên bàn di Roccat Sense và Steelseries QCK+, cùng game bắn súng góc nhìn thứ nhất Counter Strike.

1- 1600 CPI, Sens Win 4/10, Sens Game 2.5 (High Sens)

Tôi sẽ bắt đầu với mức thiết lập quen thuộc của tôi trước, đó là mức không quá cao !

Các bạn hẳn sẽ thắc mắc tại sao không là 3200 CPI mà lại là 1600 CPI, là bởi vì những game thủ Counter Strike thông thường sẽ không dùng CPI cao để tránh gia tốc không mong muốn, khi đó cho dù là hạ mức sens win lẫn sens game xuống thấp vẫn không thể tránh khỏi cảm giác "bay bổng", hậu quả là aim sẽ không chuẩn.

Với thông số 3600 FPS, quá thấp so với Kinzu v1 (9375) hay XAI (12000), nhưng thật ngạc nhiên KANA không hề bị loss ! Với main weapon là súng ngắm AWP, tôi có thể vẩy một cách chính xác vào giữa người địch với tốc độ nhanh mà không hề có cảm giác khó chịu.

2- 1600 CPI, Sens Win 4/10, Sens Game 5 (Very High Sens)

Với mức này thì chỉ cần test đơn giản, đó là lia chuột ngang một khoảng trên pad, để xem có hướng tâm lên trời, hoặc chúc đầu xuống đất hay không... quả nhiên tính năng Auto Correction đã hoạt động rõ rệt. Đa phần game thủ trên thế giới đều không thích tính năng này, đơn giản là vì họ không thích có bất cứ sự can thiệp nào làm biến đổi đường di chuột của họ, trỏ chuột sẽ không đi theo ý muốn của bạn, nó tự tạo thành những đường thẳng vô hồn. Tuy nhiên đừng vì Auto Correction mà đánh giá vội vàng hiệu năng của một chú chuột, trên thế giới có rất nhiều game thủ  Counter Strike chuyên nghiệp quen với điều này và đang rất thành công như Edward, f0rest, Neo...

3- 1600 CPI, Sens Win 4/10, Sens Game 1 (Low Sens)

Cũng không có gì nhiều về mức sens này, khi vẩy với tốc độ cực nhanh trên pad  Kana rất ít hiện tượng loss. Ingame bạn không thể vẩy chuột với tốc độ kinh hoàng như vậy được nên hiện tượng loss này có thể bỏ qua.

Nói thêm về hiện tượng Skip pixel xảy ra trên Kinzu, trên KANA ở 1600CPI trở xuống thì hiện tượng này thực tự không nhận thấy (hoặc khó nhận thấy?), ở mức 3200CPI thì có thể cảm nhận rõ ràng về lỗi này. Cũng trong quá trình test, có thể thấy KANA cho cảm giác cầm nắm tương đối dễ chịu trong thời gian sử dụng lâu, thiết kế có phần kế thừa và phát triển từ Kinzu đã phát huy hiệu quả. Thực tế, việc sử dụng thoái mái trong thời gian lâu cũng là điều mà các game thủ mê thể loại chiến thuật rất quan tâm. Hai nút phụ bên hông giúp những game thủ có thói quen rút flash, smoke, HE nhanh bằng 2 nút này cảm thấy thoái mái hơn, điều mà Kinzu đành chịu "bó tay" trước đây.

Tuy nhiên, có nhược điểm nhỏ là nút chuột trái/ phải hơi cứng, điều này dễ nhận thấy nhất khi bạn sử dụng cách bắn tapping với các loại súng rifle như AK M4, khi ấy thao tác sẽ gặp khó khắn ít nhiều. Ngoài ra, nếu nhận xét khó tính, nhiều người cũng có thể chưa hài lòng với feet của chuột.

Kết luận


Không hẳn là một siêu chuột nhưng chúng tôi tin chắc nhiều gamer sẽ lựa chọn KANA bởi ngoài hình khá hoàn hảo và hiệu năng ở mức tốt so với giá thành. Hiện tại, chuột đang được nhà phân phối SVHouse bán tại Việt Nam với giá 1,3 triệu (đã tặng kèm bàn di QCK Mass trị giá 475 ngàn đồng). Với mức giá này, KANA được định vị ở phân khúc thị trường nằm giữa Kinzu và XAI, một sự bổ sung hợp lý cho chiến lược phát triển của Steelseries.

Ưu điểm:

Đẹp hoàn mỹ, thiết kế ấn tượng nhất trong các dòng chuột của Steelseries.
Hệ thống nút phụ bổ sung hợp lý
Cảm giác cầm nắm tốt
Hiệu năng tốt, khắc phục được một số hạn chế ở Kinzu

Nhược điểm:

Tính năng Auto Correction có thể không hợp với số đông người sử dụng.
Bạn sẽ phải thay feet nếu muốn độ trơn hoàn hảo.
Nút bấm của KANA khá cứng.