Nhịp sống số

Chuẩn bị khám phá bí mật lớn nhất của thế giới Ai Cập cổ đại?

Chuẩn bị khám phá bí mật lớn nhất của thế giới Ai Cập cổ đại?
Những hé lộ mới đây về bí ẩn này đều đã được chờ đợi từ lâu, theo sau cuộc khảo sát bằng robot lăng mộ 4.500 tuổi của vua Pharaoh. Tuy nhiên, dự án này đã bị đổ bể ngay từ những bước quan trọng nhất, sau khi đã chụp được những bức ảnh đầu tiên về các cánh cửa bí ẩn của Kim tự tháp lớn. Hiện giờ hội đồng lãnh đạo hiệp hội kiến trúc cổ đại (SCA), từng được dẫn dắt bởi Zahi Hawass đang dần hoạt động trở lại với những khai quật và những nghiên cứu khảo cổ học.
 
Shaun Whitehead – phụ trách dự án của công ty thám hiểm Scoutek UK đã trả lời phỏng vấn Discovery News: “Cũng như các nhiệm vụ khác, chúng tôi phải đệ trình lại các đơn để được phép tiếp tục công việc. Chúng tôi hiện giờ đang chờ sự cho phép từ Ủy ban để có thể tiếp tục công việc”. Ông nói thêm: “Một khi được cho phép tiếp tục, dự án có thể sẽ được hoàn tất vào năm 2012”.
 
 
Được xây dựng cho pharaoh Cheops, còn được biết đến dưới cái tên Khufu, Kim tự tháp lớn là những gì còn lại của các kì quan của thế giới cổ đại. Công trình kiến trúc này là công trình lớn nhất trong ba kim tự tháp ở cao nguyên Giza, thuộc ngoại ô Cairo và từ lâu được biết đến với những câu chuyện về các lối đi bí ẩn dẫn đến một căn phòng bí mật. Các nhà khảo cổ học đã lúng túng không biết chức năng của bốn căn hầm nhỏ hẹp nằm bên trong kim tự tháp từ lần đầu tiên họ khám phá ra nó năm 1872.
 
Những ký tự kì lạ được tìm thấy ở trên sàn nhà của các căn phòng bí mật ở bên trong Kim tự tháp Giza, Ai Cập, dựa theo các nghiên cứu toán học cổ về kim tự tháp 4.500 tuổi này.
 
Hai căn hầm, kéo dài từ trên xuống, với tên gọi “Căn phòng của các vị vua” có lối ra dẫn đến một khoảng trống chân không. Đối với hai căn hầm ở bên dưới, một nằm ở hướng Nam và một nằm ở hướng Bắc được biết đến với cái tên “Căn phòng của các hoàng hậu” biến mất ngay bên trong kiến trúc khiến cho bí mật về những kim tự tháp càng được vùi sâu theo lịch sử. Được ví như một hành lang làm lễ cho các linh hồn pharaoh đầu thai sang kiếp sau, căn hầm này vẫn là một bí ẩn cho đến năm 1993, khi kĩ sư người Đức Rudolf Gantenbrink cho một con robot xuống thăm dò thông qua căn hầm ở phía nam.
 
Sau khi leo được khoảng 64m từ trung tâm của kim tự tháp, robot đã phải dừng lại trước hai phiến đá vôi bí ẩn được với hai thanh đồng chắn ngang. Sau đó 9 năm, căn hầm ở phía bắc đã được khám phá qua truyền hình trực tiếp trên tivi. Khi cả trái đất nín thở dõi theo, con robot chinh phục lăng mộ đã đưa chiếc camera qua một lỗ khoan phía sau cánh cửa được chắn bởi những thanh đồng – và mọi thứ thấy được là một cánh cửa nữa phía sau cánh cửa này.
 

 
Vào ngày tiếp theo, con robot được đưa vào qua căn hầm phía Bắc. Robot thăm dò đã phải dừng lại trước một phiến đá vôi khác chắn đường. Cũng như cánh cửa Gantenbrink, phiến đá được trang trí với hai thanh chốt bằng đồng.
 
Dự án Djedi hiện giờ, với sự tham gia của nhiều nước trên thế giới, được đặt tên theo một thầy phù thủy mà Khufu đã tham khảo ý kiến khi thiết kế kim tự tháp – đã vào sâu nhất bên trong kim tự tháp từ trước tới nay. Dự án được bắt đầu với sự khám phá căn hầm ở phía bắc với địa điểm kết thúc được biết đến với cái tên “cánh cửa Gantenbrink”.
 
 
Một con robot được thiết kế bởi Rob Richardson tại Đại học Leeds đã có thể leo vào bên trong những bức tường của căn hầm và mang theo một chiếc camera nhỏ để có thể có quan sát được các góc. Không giống như các cuộc thám hiểm trước đây khi những chiếc camera chỉ có thể nhìn được những hình ảnh ở phía trước mặt, chiếc camera có khả năng uốn này nhỏ đến mức có thể chui vừa các lỗ nhỏ ở trên những cánh cửa đá ở phía cuối các hành lang. Điều này giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn rõ hơn về kim tự tháp – thứ mà con người không thể tận mắt chứng kiến từ khi nó được xây dựng. Những hình ảnh về những chữ cái tượng hình 4.500 năm tuổi được viết bằng mực đỏ dần hiện ra.
 
Theo một số học giả, các kí hiệu này đều là các kí hiệu dãy số tượng hình có ghi lại về chiều dài của căn hầm. Tuy nhiên các giả thiết này vẫn chưa được công nhận bởi các nhà nghiên cứu. Whitehead đã nói: “Chiến lược của chúng tôi là để đầu óc được thư giãn hoàn toàn và chỉ đưa ra những kết luận khi hoàn thành công việc”. Đội Djedi cũng đã có thể nghiên cứu kĩ hai thanh chốt bằng đồng chặn ở trước cánh cửa của căn phòng. Các hình ảnh cho thấy đằng sau các thanh chốt này có những nét điêu khắc có thể được tạo ra với mục đích trang trí.
 
 
Được trang bị bởi các nhiều dụng cụ độc nhất vô nhị, bao gồm robot kích cỡ bé “con ong” có thể chui vừa một chiếc lỗ có đường kính chưa đến 2cm, mũi khoan và các thiết bị siêu âm với kích cỡ bé có thể bám vào tường và nghe những phản hồi để xác định chính xác độ dài của các phiến đá, nhóm Djedi đã có thể tiếp tục cuộc thám hiểm vào tháng 8 năm ngoái. Nhưng các sự kiện chính trị ở Ai Cập đã trì hoãn dự án.
 
Whitehead rất tự tin cho rằng những con robot sẽ khám phá ra nhiều bí mật hơn nữa khi đội được phép tiếp tục dự án nghiên cứu. Ông đã nói: “Kế hoạch sẽ không có gì thay đổi. Chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát các căn hầm dẫn đến Căn phòng của hoàng hậu và vào sâu bên trong phiến đá chặn cửa đầu tiên và thứ hai ở các căn hầm" - Ông kết luận: “Kể cả nếu chúng tôi không vượt qua được các hòn đá chặn cửa, vẽ nên bản đồ căn hầm một cách chính xác cũng sẽ là một thành quả tuyệt vời và sẽ cung cấp các manh mối để có thể xác định được mục đích của các kí hiệu khảo cổ học độc đáo này”.