Các vi mạch dùng trong quân đội Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc đều có "cửa sau" (backdoor), có thể được tái lập trình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và cơ sở hạ tầng công cộng.
Ảnh minh họa: Internet |
Trước vụ bê bối quân sự gần đây nhất của quân đội Mỹ khi có đến hơn một triệu chi tiết trong các thiết bị quân sự sử dụng linh kiện "nguy hiểm" có xuất xứ từ Trung Quốc, giới chức Mỹ đã bắt đầu phát triển một công nghệ có khả năng dò tìm và phát hiện những con chip "có vấn đề".
Hệ điều hành có thể nhiễm mã độc không phải là điều mới lạ, nhưng với một thiết bị phần cứng, cụ thể là các chip silicon, bị nhiễm mã độc là một điều rất khó tin và nằm ngoài trí tưởng tượng của nhiều người. Thông tin này đã được những tổ chức tình báo lớn như MI5, NSA và IARPA xác nhận.
Trong báo cáo của ông Sergei Skorobogatov, tiến sĩ bảo mật, đang làm việc tại phòng thí nghiệm máy tính thuộc Đại học Cambridge (Mỹ), ông và các cộng sự đã chọn một con chip "đạt chuẩn bảo mật chất lượng cao" của quân đội Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc để tiến hành nghiên cứu. Kết quả, chip xử lý này chứa một đoạn mã "chìa khóa" bí ẩn được chèn vào có chủ đích từ nhà sản xuất. Hacker chỉ cần sử dụng đoạn mã được xem chiếc chìa khóa mở cổng này là có thể lập trình lại toàn bộ con chip theo ý đồ của mình.
Điều này đồng nghĩa nếu hệ thống điều khiển của một chiếc máy bay Mỹ sử dụng loại chip tinh vi trên của Trung Quốc, hacker nắm mã "chìa khóa" hoàn toàn có thể chiếm quyền điều khiển hoặc triệt hạ nó từ xa mà không cần tốn một quả tên lửa nào.
Nguy hại hơn, nếu hệ thống điều khiển của lò hạt nhân sử dụng loại chip này, thảm họa hạt nhân sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Đây là một thứ vũ khí công nghệ cao rất nguy hiểm, có thể ví với một phiên bản sâu Stuxnet cải tiến (loại sâu máy tính từng đe dọa phá hoại hệ thống công nghiệp toàn cầu vào năm ngoái và tập trung tấn công lò phản ứng hạt nhân).
Theo trang tin điện tử EETimes, các linh kiện giả của Trung Quốc phần lớn được phát hiện trong những cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và trong quân sự. Những khí tài quân sự bị "dính" linh kiện dỏm gồm máy bay chở hàng loại lớn, máy bay trực thăng đặc biệt, máy bay giám sát của hải quân Mỹ.
Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một giải pháp ít tốn kém hoặc kịp thời nào để phát hiện được những con chip có xuất xứ phần lớn từ Trung Quốc bị "xào nấu" trong quá trình sản xuất hoặc ẩn chứa những mối nguy hại.
Với công nghệ kiểm định chip mang tên QVL do tiến sĩ Sergei Skorobogatov công bố, Nhà Trắng có thể an tâm hơn vì hệ thống dò tìm mới có khả năng quét mã độc cho các chip silicon dùng trong quân sự. Ưu điểm của công nghệ này là giá thành thấp, thời gian kiểm định nhanh chóng, tính di động cao và có tác dụng với nhiều dòng chip silicon khác.