Nhịp sống số

Chính quyền Nga nói tốt cho Beeline của Việt Nam

Chính quyền Nga nói tốt cho Beeline của Việt Nam

Bộ Thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Nga đề nghị chính quyền Việt Nam giúp đỡ Beeline, mạng đang không có tần số ở 900 MHz và giấy phép 3G.

Trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng thứ nhất CHLB Nga Igor Shuvalov đến Việt Nam và cuộc gặp của ông với đồng nghiệp Việt Nam Hoàng Trung Hải, hai bên đã thảo luận về việc liên quan đến nhà mạng Gtel Mobile do Tổng Công ty Viễn thông toàn cầu (Gtel) của Việt Nam và Công ty Vimpelcom (hoạt động ở Nga dưới thương hiệu Beeline) thành lập. Thứ trưởng Bộ Thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Nga, ông Oleg Dukhovnhitsky đã có bản báo cáo về nội dung này tại hội nghị của uỷ ban liên chính phủ Nga - Việt về hợp tác kinh tế thương mại và khoa học kĩ thuật.

Trong báo cáo, Thứ trưởng Dukhovnhitsky nói về sự cần thiết cho mạng Beeline của Gtel Mobile hoạt động trên dải tần 900 MHz. "Chúng tôi biết rằng, cấp bổ sung tần số vào thời điểm này là không thể vì đã phân phát dải tần tương ứng cho 3 nhà khai thác khác của Việt Nam. Liên quan đến vấn đề này, với kinh nghiệm ở Nga, chúng tôi đề nghị xem xét khả năng tái phân bổ dải tần trên lãnh thổ Việt Nam", Dukhovnhitsky nói.

Hiện thời, Gtel Mobile đang hoạt động với chuẩn GSM, chỉ sử dụng tần số ở dải 1800 MHz. Trong khi đó, hai đối thủ cạnh tranh chính là MobiFone và Viettel có cả 2 tần số 900/1800 MHz. Nhà mạng lớn thứ ba về GSM là Vinaphone chỉ có dải tần ở 900 MHz, còn nhà khai thác CDMA Hanoi Telecom (Liên doanh giữa Hutchisson Whampoa của Hồng Kông và Hanoi Telecom) đã nhận các tần số trong dải E-GSM (phiên bản mở rộng của GSM-900). Tần số ở dải 900 MHz đảm bảo vùng phủ sóng lớn hơn so với vùng phủ của 1800 MHz.

Bộ Thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Nga cũng lưu ý đến sự cần thiết Gtel Mobile phải nhận được giấy phép cung cấp dịch vụ 3G. "Chúng tôi mong rằng những đề nghị này sẽ được Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam chấp thuận, giúp Gtel Mobile có khả năng phát triển cạnh tranh và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tốt trên công nghệ 3G cho các thuê bao Việt Nam", Dukhovnhitsky nói.

Chính quyền Nga đề nghị Việt Nam mở cuộc giám định khả năng tái phân bổ tần số...

Các giấy phép cung cấp dịch vụ 3G mới được cấp phát tại Việt Nam 2 năm về trước. MobiFone, VinaPhone, Viettel cùng nhà khai thác CDMA EVN Telecom (dự án của Tập đoàn điện lực Việt Nam) là những đơn vị đã nhận được giấy phép này. Đơn xin cấp phép 3G của Beeline đã bị bác. Vì công việc kinh doanh của EVN Telecom không thuận lợi, hiện thời đang có thảo luận khả năng mua lại EVN Telecom từ phía Hanoi Telecom và Viettel. Trong trường hợp thứ hai, trong tay một nhà cung cấp sẽ tập trung một nửa dải tần 3G của toàn bộ đất nước nên có thể cản trở cạnh tranh.

Thoả thuận về việc thành lập Gtel Mobile đã được kí kết từ năm 2007 trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Vimpelcom của Nga nhận được của nhà khai thác 40% cổ phiếu và trở thành nhà đầu tư chính còn Gtel của Việt Nam chiếm 60%. Mạng Beeline được đưa vào hoạt động vào năm 2009, để xây dựng nó người ta đã chi 247 triệu USD. Trong năm rồi, sự phát triển của mạng này chững lại: Vimpelcom, công ty vào thời điểm đó là chủ sở hữu các cổ phiếu của VimpelCom nhìn thấy không có lợi trong việc đầu tư vào một công ty mà các con số không thể hợp nhất trong các tài khoản của mình.

Tuy nhiên, hồi mùa Xuân năm nay, Vimpelcom đã đạt được thoả thuận mới với chính quyền Việt Nam về số phận của Gtel Mobile. Mua lại 196 triệu USD cổ phiếu của nhà mạng Việt Nam, Vimpelcom gia tăng phần hùn của mình trong Gtel Mobile lên 49%. Vimpelcom cũng hứa đầu tư thêm 304 triệu USD để đổi lấy tỉ lệ phần hùn 65%. Điều đó giúp Vimpelcom có thế chủ động hơn và tiến hành khởi động lại mạng Beeline. Hiện nay, Gtel Mobile đang phục vụ 1,7 triệu khách hàng, cao hơn con số hồi cuối quý 2 tới 1 triệu thuê bao.

Tuy nhiên, Gtel Mobile cũng mới chỉ chiếm 1,3% số thuê bao di động của toàn Việt Nam, nơi có tỉ lệ thâm nhập di động lên tới 143%.

Dukhovnhitsky cũng lưu ý rằng việc kí kết những thỏa thuận mới với chính quyền Việt Nam và tái khởi động Gtel Mobile diễn ra với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Nga. Thật ra, trong thời gian qua, kể từ thời điểm thành lập Gtel Mobile, Vimpelcom đã không còn là một công ty Nga nữa. Nó sáp nhập với Kyivstar của Ucraina và tập đoàn Wind Telecom, và tự định vị là một tập đoàn quốc tế về di động. Vimpelcom hiện chỉ liên quan tới Nga ở khía cạnh lịch sử và sự góp mặt của cổ đông Alpha-Group (với 25% gói cổ phần).