Nhịp sống số

Chiêu dùng thương hiệu đối thủ để câu khách qua Google

Chiêu dùng thương hiệu đối thủ để câu khách qua Google

Hiện nay, khi tìm kiếm trên Google, người sử dụng có thể gặp những dòng tiêu đề website mang tính chèo kéo như: "Bạn tìm Nhóm mua ư, hãy vào... xem sao"...

 

Cách đây vài tháng, một trang web chuyên đăng tin về mua bán xe hơi có tên Bonbanh bị một công ty khác dùng từ khóa này đưa vào trong tiêu đề site với dòng chữ "mua bán bốn bánh các loại" để đường link của công ty đó xuất hiện mỗi khi người tiêu dùng gõ từ khóa chứa từ "bonbanh". Tương tự, khi nhập các từ "nhóm mua", "cực rẻ"..., đường link quảng cáo một trang web khác lại hiện ra với lời mời gọi: "Bạn tìm cực rẻ ư, hãy vào...".

Thủ thuật chèn thương hiệu của đối thủ cùng những lời so sánh như "Giảm giá hơn"...

Để thực hiện điều này, các công ty trong nước đã sử dụng kỹ thuật chèn từ khóa (keywords insertion) để viết quảng cáo, trong đó từ khóa là thương hiệu của đối thủ, khiến người sử dụng khi tra cứu sẽ click vào vì tưởng đó là website mình cần. Bên cạnh đó, họ cũng có thể viết những câu quảng cáo so sánh giữa mình và đối thủ. Về nguyên tắc, Google cấm cách viết so sách trực tiếp trong quảng cáo. Tuy nhiên, bộ lọc tiếng Việt tự động của Google không thể phát hiện được hết nên hiện tượng này vẫn tiếp diễn.

"Khi gặp tình trạng này, đa số doanh nghiệp cảm thấy khó chịu nhưng không làm gì. Một số trả đũa bằng chiêu chèn từ khóa tương tự. Tuy nhiên, rất nhiều công ty không biết đến sự tồn tại của hệ thống bảo vệ thương hiệu Google Trademark Authorization", ông Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc Clever Ads, đối tác cao cấp chính thức đầu tiên của Google tại Việt Nam từ 24/11, cho hay.

Khi rơi vào tình huống trên, doanh nghiệp chỉ cần truy cập trang web của Google (services.google.com/inquiry/aw_tmauth) để để đăng ký bảo hộ. Họ phải nộp giấy tờ chứng minh mình là chủ sở hữu của thương hiệu hợp pháp. Sau 5 ngày làm việc, Google sẽ có câu trả lời và cấm tất cả các quảng cáo vi phạm.

"Năm 2011, chúng tôi nhận được khoảng 10 đề nghị hỗ trợ bảo vệ thương hiệu. Con số này không nhiều so với tình trạng lợi dụng trademark hiện nay do đa phần doanh nghiệp Việt Nam chưa biết đến hệ thống Google Trademark. Chưa kể, tài liệu của Google chủ yếu là bằng tiếng Anh, gây tâm lý ngại đọc, ngại nghiên cứu", ông Trình nhận xét.