Thủ thuật công nghệ

[Chia sẻ] Làm sao để chụp hình đẹp bằng Xperia arc?

id="post_message_11077831">


Điểm duy nhất làm mình thích khi sử dụng Xperia arc của Sony Ericsson đó chính là camera của máy. Với camera 8 MP, cộng với màn hình rộng 4,2" Wide, ViewFinder toàn màn hình, những gì bạn nhìn thấy trên màn hình cũng chính là những gì bạn sẽ chụp được. Trong bài viết này mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm để có một bức hình chụp đẹp trên Xperia arc (tất nhiên bạn cũng có thể áp dụng trên các máy Android khác).

Chụp hình trên arc rất thích vì SE đã loại bỏ tất cả những menu, nút bấm ra khỏi màn hình điện thoại để bạn có được cái nhìn toàn cảnh và rộng rãi nhất về những gì hiện diện phía trước ống kính. Giúp bạn dễ dàng bố cục và canh chỉnh khung hình, sau đó chụp hình cực nhanh chỉ với một cú chạm nhẹ lên màn hình. Camera của arc sử dụng cảm biến Sony Exmor R™, khẩu f/2.4 cho phép chụp những bức hình góc rộng rất đã, kết hợp với màn hình Wide, bạn sẽ cảm thấy vô cùng thích thú khi dùng arc để chụp phong cảnh, thiên nhiên hoặc những bức hình lưu niệm có nhiều người xếp hàng dài.

Giới thiệu như vậy đủ rồi, giờ đến phần chính của bài này. Mình sẽ nói đến 2 khâu chính để có một bức ảnh đẹp, đó là: phần chụp hình & phần hậu kỳ (chỉnh sửa hình sau khi chụp).

1. PHẦN CHỤP HÌNH:
Đưa máy lên, ngắm, chụp cái bụp, xong. Đảm bảo hình của Xperia arc chỉ có từ đẹp đến rất đẹp (ngoại trừ trường hợp cố tình chụp cho xấu). Vì bạn đang cầm trên tay một chiếc điện thoại chứ không phải một chiếc dSLR chuyên nghiệp nên máy không có nhiều thứ để bạn có thể tùy chỉnh và bạn cũng không cần quan tâm quá nhiều về các thông số đó trước khi chụp. Đó là những lúc tức cảnh sinh tình, thấy cảnh đẹp động lòng camera, muốn chụp là rút máy ra chụp. May là camera của arc hoạt động rất tốt, tốc độ chụp rất nhanh nên hầu như không có bức nào mình chụp là bị mờ hay sai nét cả. Kể cả khi ngồi trên xe buýt đang chạy, mình vẫn có thể dùng arc để chụp cảnh 2 bên đường rất rõ mà không bị mờ nhòe.

Tuy nhiên, khi muốn chụp những bức hình nghệ thuật hơn, tức là bạn có nhiều thời gian hơn để chụp một bức hình, không gấp gáp, có thời gian để sắp đặt mọi thứ và muốn có một bức hình đẹp hơn bình thường thì arc vẫn cung cấp một số tùy chỉnh cơ bản để giúp bạn thực hiện điều này. Và đây là các thông số giúp tạo nên một bức hình nghệ thuật cho bạn:
  • Thử từng chế độ một (Scenes): arc cung cấp sẵn khá nhiều chế độ chụp như chụp thể thao, phong cảnh, chụp ban đêm... Ở chế độ mặc định (Scenes: Off), arc chụp cũng rất đẹp rồi. Nhưng ở đây ta có nhiều thời gian để sắp xếp nên bạn đừng ngần ngại chọn thử từng chế độ để xem hình ảnh hiển thị trên ViewFinder có đúng với ý đồ của mình chưa. Ta không cần phải áp dụng đúng từng Scene với từng cảnh chụp, cứ thoải mái thử hết tất cả các Scene để chọn ra một Scene ưng ý nhất.
  • Tắt FLASH: Nếu bạn muốn có một bức ảnh nghệ thuật đẹp và trung thực chụp bằng arc nói riêng hay ĐTDĐ nói chung, vậy thì hãy tắt Flash đi. Vì chỉ có tắt Flash thì ánh sáng lúc đó mới là ánh sáng thật nhất, phản ánh đúng độ sáng của vật thể và khung cảnh. Nhất là khi chụp các vật thể gần, việc mở Flash có thể làm hư toàn bộ bức ảnh của bạn. Và vì Xperia arc sử dụng cảm biến CMOS Sony Exmor R™ có khả năng xử lý nguồn sáng yếu khá tốt nên bạn vẫn có thể chụp được những bức hình đẹp và mịn trong bóng tối mà không cần tới Flash.
  • Exposure Value (EV) (Độ phơi sáng): EV càng lớn, ánh sáng trong hình sẽ càng nhiều và hình cáng chói, ngược lại, khi giảm EV thì ánh sáng sẽ ít đi và bức hình của bạn cũng tối hơn. Tùy vào từng môi trường mà bạn tăng giảm EV cho đúng với ý đồ của bạn. Ví dụ, khi chụp phong cảnh hay kiến trúc có ánh sáng Mặt Trời chiếu vào, bạn có thể tăng EV lên một chút để tạo nên một khung cảnh chói chang ở mức vừa phải, làm cho đối tượng công trình vừa mạnh mẽ, vừa cứng cáp hoặc thể hiện được sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Còn khi chụp những cảnh như trong nhà, một góc phòng trong quán trà, một tách cafe bên cửa sổ, một cánh quạt cũ kỹ, chụp từ trong cửa sổ nhỏ nhìn ra ngoài... bạn hãy thử giảm EV xuống để tăng mảng tối của bức hình lên. Lúc này bạn sẽ thấy hình ảnh rất dịu mắt và tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng, sâu lắng, bức hình ẩn chứa một thứ gì đó huyền bí và trắc ẩn. Tất cả tùy thuộc vào cách bạn nghĩ cũng như sở thích chụp hình của mình. Theo mình, EV là một thông số rất quan trọng khi muốn chụp những bức hình nghệ thuật trên điện thoại vì nó có thể làm cho bức hình của bạn biến đổi khôn lường, hãy thử và cảm nhận theo cách riêng của bạn nhé.
  • White balance (Cân bằng trắng): Thông số này dùng để điều chỉnh màu ánh sáng cho đúng với ánh sáng thật ngoài môi trường. Bạn không cần quan tâm cụ thể nó là gì, arc có nhiều chế độ cân bằng trắng, bạn cứ thử chuyển qua lại từng chế độ một để có được màu ánh sáng ưng ý nhất.

Tận dụng mọi thông số để có một bức ảnh chụp đẹp


Bạn hãy thử chụp hai bức hình ở cùng một cảnh, một bức chụp trước không cần chỉnh các thông số trên và bức chụp sau thì có chỉnh các thông số theo ý thích của bạn. Bạn sẽ thấy 2 bức hình rất khác nhau, đừng quá hối tiếc là tại sao trước giờ mình không chỉnh cho hình nó đẹp hơn nhé .


2. PHẦN HẬU KỲ:
Có thể bạn sẽ khá hài lòng với bức hình của mình sau khi chụp (mình biết là sẽ rất đẹp, arc mà ). Tuy nhiên, nếu sử dụng thêm một số hiệu ứng ảnh đặc biệt lên bức hình của bạn thì đảm bảo, bức hình mà bạn vừa chụp đó thậm chí còn sẽ đẹp hơn rất nhiều, tạo được ấn tượng mạnh và khó ai có thể biết rằng bức hình đó được chụp bằng một chiếc ĐTDĐ.

Phần hậu kỳ này có 2 khâu nhỏ, một là chỉnh sửa màu sắc ảnh cho đẹp và hai là áp dụng hiệu ứng hình ảnh. Về phần chỉnh sửa màu sắc, nó bao gồm các công việc tăng giảm độ đậm của màu sắc, chỉnh sáng tối, tương phản, cắt (crop) hình... bạn có thể dùng phần mềm Photoshop Express miễn phí trên Market. Tuy nhiên, chất lượng ảnh sau khi chụp của arc cũng rất đẹp rồi, màu sắc khá tươi tắn và đầy đặn nên bạn có thể bỏ qua khâu chỉnh sửa ảnh này nếu không quá cần thiết. Còn nếu muốn thử thì bạn chú ý đến phần Saturation dùng để chỉnh độ đậm nhạt của màu sắc, nó có thể "cứu" được rất nhiều ảnh chụp bằng điện thoại của bạn vì thông thường, mức độ ghi nhận màu sắc của camera điện thoại không được tốt cho lắm, nếu bạn tăng Saturation lên một chút thì bức ảnh sẽ đẹp và nổi hơn rất nhiều.

Phần thứ hai mới là khâu chính trong bài này. Có khá nhiều hiệu ứng mà bạn có thể áp lên tấm hình của mình, ví dụ như ảnh đen trắng, ảnh đen trắng kết hợp tương phản cao, ảnh hiệu ứng Tilt-shift, Color-shift (Color-shade) hay ảnh giả cổ, huyền bí, rùng rợn... Mình sẽ dùng phần mềm để tạo nên các hiệu ứng đó.

Có rất nhiều phần mềm tạo hiệu ứng ảnh trên Android, sau đây là các phần mềm mà mình thấy hay và thích nhất:
  • TouchRetouch: Phần mềm giúp bạn xóa đi những vật thể không mong muốn trong bức hình. Ví dụ bạn chụp cảnh một bờ biển dài rất đẹp, tự nhiên trong hình dính phải một căn biệt thự, hay khi chụp bầu trời thì có con gì đó bay qua chắn ngang bức hình thì TouchRetouch sẽ giúp bạn xóa bỏ những vật thể không mong muốn đó ra khỏi bức hình mà không làm cho hình bị "lủng" (trước đây mình đã từng viết một bài hướng dẫn làm điều tương tự trên Photoshop).
  • Camera 360: Chụp hình hiệu ứng Tilt-shift, Color-shift (Color-shade), rất nhiều các loại hiệu ứng Retro, HDR, trắng đen, giả cổ, chèn khung hình lúc chụp...
  • Pixlr-o-matic: Phần mềm tạo hiệu ứng rất đẹp, có rất nhiều loại hiệu ứng và ánh sáng huyền ảo, tạo khung hình cho ảnh.
  • Color Pop: Tô màu cho một vật thể trên ảnh trắng đen, tạo sự nổi bật cho vật thể đó.
  • LittlePhoto: Tạo hiệu ứng hình, gắn khung hình. Phần mềm có số lượng hiệu ứng rất đồ sộ, tha hồ cho bạn thỏa sức sáng tạo.
  • Magic Hour: Có hàng trăm hiệu ứng hình ảnh, cho phép tải thêm hoặc tự tạo hiệu ứng.
Tilt-shift là gì?
Là hiệu ứng làm mờ ảnh toàn bộ, chỉ có khoảng giữa là rõ nét. Tạo hiệu ứng giống như ta đang chụp một thế giới thu nhỏ giống như đồ chơi.
Color-shift (Color-shade) là gì?
Chỉ chụp một màu cụ thể trong bức hình. Ví dụ trong hình có nhiều màu đỏ, đen, tím, vàng... và bạn chỉ muốn chụp màu đỏ mà thôi, còn tất cả các màu khác sẽ chuyển thành trắng đen, đó chính là hiệu ứng này.
Một số hình chụp và xử lý bằng Xperia arc, không chỉnh sửa bằng máy tính:


Hình gốc


Hình sau xử lý












Hiệu ứng hình ảnh đặc biệt


Ảnh chụp khi giảm EV


Xử lý bằng phần mềm Color Pop


Hiệu ứng Color-shade, chỉ chụp màu xanh lá cây