Nhịp sống số

Chặng đường 25 năm hệ điều hành Windows

  Cách đây 25 năm, Microsoft giới thiệu phiên bản đầu tiên của hệ điều hành Windows ra thế giới và đến nay Windows không ngừng thay đổi từ diện mạo đến "nội thất bên trong".

 

Mời bạn đọc cùng lướt qua chặng đường kéo dài hơn hai thập niên của hệ điều hành nổi tiếng và phổ biến nhất hành tinh này.

1985: Windows 1.0

Bắt đầu từ năm 1981, dự án chế tạo Windows 1.0 khi đó tên là Interface Manager, được cài đặt sẵn ứng dụng Notepad, một lịch giao diện thô sơ và chương trình vẽ Paint, “hệ điều hành” này chạy trên nền MS-DOS 2.0 và đòi hỏi bộ nhớ… 256KB. Tuy có rất nhiều hạn chế nhưng có thể nói chính Windows 1.0 đã đặt những viên gạch đầu tiên cho đế chế Microsoft hùng mạnh sau này.

1987: Windows 2.0

Xuất hiện hai năm sau ngày ra mắt phiên bản đầu tiên, Windows 2.0 lúc này đã cho phép người dùng chồng các cửa sổ ứng dụng lên nhau, đồng thời yêu cầu cấu hình cao hơn: bộ nhớ 512 KB cùng MS-DOS 3.0. Cùng với phiên bản này là sự ra đời của những ứng dụng như Microsoft Excel và Word.

1990: Windows 3.0

Windows 3.0 đánh dấu một bước tiến lớn trong giao diện sử dụng. Yêu cầu cấu hình gồm 640 KB bộ nhớ tiêu chuẩn và 256 KB bộ nhớ mở rộng, phiên bản này bắt đầu hỗ trợ ứng dụng nghe nhìn và đặc biệt là cho phép người dùng sử dụng ổ đĩa CD-ROM. Ngoài ra hệ điều hành này cũng mang đến font chữ TrueType, giúp thể hiện rõ nét chữ trên màn hình cũng như tăng cường độ nét của văn bản in.

Windows 3.0 cũng là hệ điều hành chứng kiến sự xuất hiện của trò chơi “huyền thoại” Solitaire (xếp bài).

1993: Windows NT 3.1

Được thiết kế chủ yếu cho đối tượng doanh nghiệp hơn là người dùng cuối, vì thế Windows NT 3.1 có độ bảo mật cũng như ổn định tương đối cao. Viết trên nền tảng 32-bit thay vì 16-bit, phiên bản 3.1 là bản đầu tiên của sêri hệ điều hành NT, có yêu cầu cấu hình gồm một CPU 80386, 12 MB bộ nhớ RAM và 90 MB dung lượng ổ cứng trống.

1995: Windows 95

Ra mắt tháng 8-1995, Windows 95 là sự kết hợp lần đầu tiên giữa Windows và hệ DOS, tức là từ nay người dùng không còn phải cài đặt hệ điều hành Windows trên nền DOS nữa. Đây cũng là phiên bản Windows bán cho người dùng cuối được viết trên nền 32-bit thay vì 16-bit xưa cũ. Yêu cầu cấu hình: CPU 80486, 8 MB bộ nhớ RAM và 120 MB dung lượng đĩa cứng.

Windows 95 đem đến nhiều cải tiến mang tính “cách mạng” đối với giao diện sử dụng, mà một vài trong số đó vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay, chẳng hạn thanh TaskBar và Start Menu. Người dùng có thể đặt tên file dài hơn 8 ký tự và tận hưởng sự ổn định hơn bất cứ phiên bản Windows nào có trước đó. Đây cũng là hệ điều hành đầu tiên bắt đầu áp dụng chuẩn “Plug and Play” (cắm-và-chạy) của Intel, giúp việc cài đặt và sử dụng các phần cứng trở nên dễ dàng hơn.

Windows 95 đi vào huyền thoại như một trong những phần mềm được quảng bá rầm rộ nhất trong lịch sử với tổng chi phí lên đến 300 triệu USD, bao gồm cả tiền mua bản quyền bài hát Start me up của ban nhạc Rolling Stones dùng làm bài hát chủ đề cho Windows 95.

1998: Windows 98

Tuy không có nhiều thay đổi đáng kể so với Windows 95, nhưng Windows 98 cũng là một hệ điều hành rất thành công của Microsoft. Với phiên bản này, chuẩn TCP/IP lần đầu tiên được tích hợp sẵn ngay trong hệ điều hành cùng với trình duyệt web Internet Explorer, mang đến cơ hội trải nghiệm Internet dễ dàng hơn cho người tiêu dùng, nhưng cũng vì cùng một nguyên nhân mà khi đó Microsoft phải đối mặt với tội vi phạm luật chống độc quyền từ Sở Tư pháp Hoa Kỳ.

USB cũng được hỗ trợ tốt và ổn định hơn Windows 95, Windows 98 yêu cầu hệ thống CPU 66-Mhz 486DX2, bộ nhớ RAM 24 MB cùng 500 MB dung lượng đĩa cứng trống để có thể hoạt động trơn tru.

2000: Windows 2000

Giống như NT, Windows 2000 nhắm đến đối tượng doanh nghiệp và công ty hơn là người dùng cuối. Được bán ra với bảy phiên bản chính cùng nhiều tùy chọn dành cho các doanh nghiệp, phiên bản Windows 2000 Professional yêu cầu cấu hình ít nhất gồm một CPU 133 Mhz, 32 MB bộ nhớ RAM và 650 MB trống trong ổ đĩa cứng.

2000: Windows ME

Tên đầy đủ là Windows Millenium Edition, Windows ME là hệ điều hành hứng chịu nhiều tai tiếng nhất trong lịch sử Microsoft bởi những trục trặc phát sinh trong quá trình cài đặt, lỗi hệ thống cùng những sự không tương thích đối với cả phần cứng lẫn phần mềm. Phần mềm “Movie Maker” kèm theo bị giới phê bình chỉ trích là chiêu tiếp thị của Microsoft nhằm móc hầu bao người dùng bỏ tiền cho hệ điều hành đầy lỗi này.

Windows ME là hệ điều hành Windows cuối cùng kèm theo kiến trúc DOS. Cấu hình tối thiểu bao gồm một CPU 150 Mhz, 32 MB bộ nhớ RAM cùng 320 MB trống trên ổ đĩa cứng.

2001: Windows XP

Là một cú đột phá thật sự về nhiều phương diện, Windows XP là hệ điều hành đầu tiên được phát hành song song cả hai hệ 32-bit và 64-bit, và được phân thành hai phiên bản hệ điều hành riêng biệt dành riêng cho đối tượng người dùng cuối hoặc doanh nghiệp (Windows Server OS).

Ổn định hơn mọi phiên bản Windows từng có trước đó, Windows XP còn trình bày một giao diện rực rỡ và bắt mắt trước mọi đối tượng người dùng. Dù có tuổi thọ đã chín năm, nhưng XP vẫn là hệ điều hành được sử dụng nhiều nhất và thậm chí vẫn còn tồn tại trong lựa chọn downgrade (hạ cấp hệ điều hành) của những máy tính mới cài đặt Windows 7. Windows XP đòi hỏi cấu hình CPU 300 MHz, 64 MB RAM cùng 1.5 GB dung lượng trống trong đĩa cứng.

2006: Windows Vista

Được tờ Computerworld gọi là hệ điều hành Windows chịu nhiều chỉ trích và chê bai nhất mọi thời đại, Windows Vista dù ra đời sau XP 5 năm nhưng lại gây rất nhiều rắc rối cho người dùng bởi sự không tương thích phần cứng, phần mềm, không chạy được trên những hệ thống máy tính cũ và nhất là sự “ngốn” tài nguyên bộ nhớ vô hạn của hệ điều hành này. Tất cả đã góp phần dẫn đều nhiều vụ kiện tụng từ người tiêu dùng nhằm vào Microsoft.

Giao diện thay đổi rất nhiều so với Windows XP, đáng kể nhất là sự xuất hiện của Windows Aero, một cải tiến trong giao diện cho phép mang lại những trải nghiệm đẹp mắt đối với người dùng. Ngoài ra còn có Windows Sidebar, Desktop Gadgets, Windows Photo Gallery… Yêu cầu cấu hình: CPU 1 GHz, 1GB bộ nhớ RAM cùng 15GB đĩa cứng trống.

2009: Windows 7

Là hệ điều hành mới nhất của Microsoft, rất nhiều người đã nói đây đáng lẽ phải là những gì Vista có được. Vẫn giữ nguyên giao diện Aero cùng những cải tiến cơ bản khác từ hệ điều hành trước, nhưng Windows 7 đã làm rất tốt chuyện khắc phục những “hỏng hóc” tồn tại trên Windows Vista, và vì thế trở nên ổn định, chiếm được lòng tin của người dùng hơn mặc dù cấu hình hệ thống đòi hỏi tương đương.

Tiếp theo sẽ là gì?

Microsoft sẽ ứng phó thế nào trước sự phổ biến hóa ngày một đến gần của khái niệm “điện toán đám mây”? Khi đó liệu hệ điều hành dùng cho máy tính cá nhân có còn cần thiết? Tất cả cũng chỉ là phỏng đoán, ít nhất thì giới công nghệ cũng biết hệ điều hành tiếp theo tên là Windows 8, thời gian ra mắt dự kiến vào… năm sau.