Doanh nghiệp

Chân dung Xiaomi: Kẻ "hút máu" Google, vượt mặt Apple

Điều gì làm nên sức hút mạnh mẽ đến mức Phó chủ tịch Android – Google phải “bỏ việc” đề về đầu quân cho hãng điện thoại Trung Quốc này?

 

 

Theo như thông tin được TechZ đăng tải trước đó thì Hugo Barra đã chính thức “từ nhiệm” vị trí Phó chủ tịch cấp cao ở dự án Android của Google để “đầu quân” cho Xiaomi, một hãng điện thoại mới nổi của Trung Quốc.

Đến đây chắc hẳn nhiều người sẽ bất ngờ và tự hỏi rằng điều gì khiến cho Barra quyết định rời bỏ một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, để hướng đến một công ty sản xuất smartphone Trung Quốc như Xiaomi ? Cái gì cũng có lý do của nó cả, và Barra cũng có lý do của riêng mình để chọn Xiaomi, bởi đây không phải là một tập đoàn smartphone Trung Quốc tầm thường, nó có những tiềm năng rất lớn lao và có một tốc độ tăng trưởng chóng mặt trong những năm gần đây, hơn nữa, Xiaomi cũng được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ trở thành một "ông lớn" trong ngành di động vào một ngày không xa.

Có lẽ nhiều bạn sẽ không tin vào những dự đoán trên, vậy thì bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn một cái nhìn sơ lược về Xiaomi, để từ đó chúng ta sẽ hiểu tại sao nó lại có sức hút lớn đến như vậy.

Sơ lược về Xiaomi

Xiaomi được thành lập vào ngày 6/4/2010 bởi 7 đối tác, trong đó có ba tổ chức đầu tư lớn là tập đoàn Temasek từ Singapore, quỹ IDG Capital và Qiming Venture Partners đến từ Trung Quốc. Đây là một tập đoàn chuyên thiết kế, phát triển và bán các mẫu smartphone, ứng dụng, đồ điện tử tiêu dùng cho thị trường Trung Quốc.

Mặc dù còn rất non trẻ, và mới chỉ bắt đầu tung ra những mẫu smartphone đầu tiên vào tháng 10 năm 2011, thế nhưng đến bây giờ Xiaomi đã có giá trị 10 tỷ USD - tức ngang bằng với giá trị thị trường của hãng máy tính số 1 thế giới, Lenovo, và gần gấp đôi tập đoàn smartphone Canada, BlackBerry (5,5 tỷ USD). Hơn nữa, Xiaomi vừa qua cho biết mục tiêu trong năm 2013 của hãng là bán được tổng cộng 20 triệu smartphone - nhiều hơn so với mục tiêu trước đó là 15 triệu.

Như vậy có thể thấy chỉ với 3 năm tồn tại, tốc độ tăng trưởng của Xiaomi đã vươn lên rất nhanh nhóng và là một trong những tập đoàn smartphone lớn nhất tại thị trường Trung Quốc.

Đội ngũ nhân viên

Xiaomi là một tập đoàn smartphone Trung Quốc, thế nhưng đội ngũ nhân viên và ban quản trị của hãng đều là những "tay lớn" trong làng công nghệ. Cụ thể hơn, Xiaomi đã thuê rất nhiều nhân viên giỏi đến từ những tập đoàn lớn ở Mỹ như Microsoft, Motorola và Google. Một điều đặc biệt trong ban lãnh đạo của Xiaomi chính là vị chủ tịch của hãng, ông Lin Bin - người trước đó từng giữ chức Phó Viện trưởng viện nghiên cứu kỹ thuật của Google Trung Quốc và giám đốc mảng kỹ thuật của Google. Và với những kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cực kỳ xuất sắc, Lin Bin trở thành nhà đồng sáng lập và chủ tịch của Xiaomi cho đến tận bây giờ.

Phó chủ tịch Android - Google cũng đã về "đầu quân" cho Xiaomi

Thế nhưng, đó chưa phải là "nhân vật" chủ chốt nhất của Xiaomi, bởi tập đoàn này còn có một người khác với những ý tưởng táo bạo hơn nữa, đó chính là vị CEO Lei Jun. Nếu các bạn không biết thì không lâu sau khi Xiaomi thành lập, Lei Jun đã tự tin tuyên bố: mục tiêu lớn nhất của ông chính là tạo ra một tập đoàn smartphone đủ tiềm lực để đánh bại Apple .

Với nhiều người thì Lei Jun là một cái tên rất xa lạ, thế nhưng trong giới công nghệ ở Trung Quốc cũng như một vài nước phương Tây, ông không phải là một nhân vật tầm thường. Theo đó, Lei Jun từng là đồng sáng lập nên trang Joyo.com, sau này được mua lại bởi Amazon vào năm 2004 với giá 75 triệu USD (bây giờ đã trở thành trang Amazon Trung Quốc), ông cũng là chủ tịch hội đồng quản trị của UCWeb - trình duyệt web di động lớn nhất ở Trung Quốc (chắc hẳn một số bạn dùng BlackBerry hay Android cũng biết đến trình duyêt này).

Phương châm của Lei Jun khi điều hành Xiaomi đó chính là phải biến công ty trở thành một tập đoàn chuyên sản xuất các dòng smartphone với chất lượng phần cứng cao.

Có thể nói Lei Jun là một người có tầm nhìn xa và là một nhà chiến lược quan trọng của Xiaomi. Phương châm của Lei Jun khi điều hành Xiaomi đó chính là phải biến công ty trở thành một tập đoàn chuyên sản xuất các dòng smartphone với chất lượng phần cứng cao. Lei Jun luôn luôn muốn Xiaomi có thể xóa bỏ cái dớp "điện thoại phần cứng nghèo nàn, chất lượng thấp" khi nói về smartphone đến từ Trung Quốc. Vào tháng 5, tại hội nghị GMIC diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Lei Jun đã chia sẻ rằng ông đã nhào nặn nên Xiaomi dựa vào hai nguồn cảm hứng: một công ty thuốc 340 năm tuổi ở Trung Quốc (Tongretang) và nhà hàng lẩu Hai Di Lao (cả hai đều rất nổi tiếng ở Trung Quốc, các bạn có thể search Google là ra ngay). Lei Jun nhấn mạnh rằng cả hai cửa hàng/công ty này đã dạy cho ông một điều rằng: Không bao giờ sản xuất những sản phẩm có chất lượng thấp chỉ vì muốn kiếm được nhiều tiền, và phải nhận thức rõ tầm quan trọng của dịch vụ khách hàng.

co the ban quan tam

Chính những ý tưởng mới mẻ và mang tính cách tân của mình, nhiều phương tiện truyền thông ở các nước phương Tây đã đánh giá rất cao Lei Jun và cho biết mong muốn của ông chính là trở thành một "Steve Jobs của Trung Quốc". Nhưng dù có là "Steve Jobs của Trung Quốc" hay chưa, CEO Lei Jun của Xiaomi vẫn được xem là một trong những doanh nhân thành đạt và ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc.

Chân dung Hai Di Lao, người sáng lập ra Xiaomi - "Steve Jobs" của Trung Quốc

Thách thức Samsung ở Trung Quốc

Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy smartphone cao cấp nhất của Xiaomi, Mi 2S, đã trở thành smartphone bán chạy nhất tại thị trường Trung Quốc trong nửa đầu năm 2013, hơn cả Galaxy S4 từ Samsung - mặc dù cả S4 và Mi 2S đều được bán ra vào tháng 4. Hơn nữa, Xiaomi tiếp tục đe dọa Samsung và đặc biệt là Apple trên thị phần smartphone ở Trung Quốc, cụ thể hơn, theo phân tích từ Analysis International, trong Q2/2013, thị phần smartphone ở Trung Quốc của Xiaomi đạt mức 2,5%, trong khi đó Samsung đạt 18,6% và Apple là 4,6% - nên nhớ rằng Xiaomi chỉ mới thành lập cách đây 3 năm và hãng mới tung ra mẫu smartphone đầu tiên vào cuối năm 2011.

Trong tháng 7 vừa qua, Xiaomi cũng công bố rằng, hãng đã bán được tổng cộng 7,03 triệu smartphone trong nửa đầu năm 2013 và đạt doanh thu 2,16 tỷ USD. Điều này chỉ ra rằng, chỉ trong vòng nửa năm 2013, lượng smartphone mà Xiaomi bán được gần bằng với số lượng mà hãng bán ra trong cả năm 2012, và doanh thu của hãng kiếm được trong nửa năm 2013 cũng hơn gấp đôi so với doanh thu cả năm 2012 (957,46 triệu USD).

Như vậy nếu cứ đà tăng trưởng một cách vô cùng nhanh chóng như trên, Xiaomi sẽ không cần mất quá nhiều thời gian để đánh bại Apple và trở thành một mối đe dọa lớn nhất đối với Samsung tại thị trường Trung Quốc.

Tiếp cận thị trường một cách độc đáo

Giao diện miUI

Sự thành công của Xiaomi không chỉ đến từ ban lãnh đạo, chất lượng phần cứng tốt, mà còn đến từ cách tiếp cận thị trường, người dùng một cách độc đáo và sáng tạo. Rõ hơn, vào tháng 12 năm 2012, Xiaomi cho biết hãng sẽ bán điện thoại trực tiếp thông qua trang Sina Weibo - nền tảng blog lớn nhất của Trung Quốc với hơn 400 triệu thành viên. Một cách tiếp thị rất kỳ lạ nhưng hiệu quả mà nó mang lại là cực kỳ lớn: 50.000 smartphone được bán ra chỉ trong vòng 5 phút, với 1,3 triệu lượng đặt hàng.

Xiaomi cũng thu hút được rất nhiều người dùng trung thành bằng cách tiếp nhận những phản hồi của họ, từ đó lấy những ý tưởng hay của khách hàng đưa vào thiết kế của những bộ giao diện Android tùy biến dành cho smartphone Xiaomi - điều này là rất có lợi bởi hãng sẽ không phải tốn quá nhiều công sức và tiền bạc để nghĩ ra những cách thiết kế giao diện. Ngoài ra, mỗi tuần, Xiaomi sẽ cho ra mắt một phiên bản mới của miUI, một giao diện tùy biến của Android được xem xét và kiểm tra một cách kỹ lưỡng từ hàng trăm người dùng.

Xiaomi thường bán khoảng tầm 200.000 đến 300.000 smartphone thông qua website chính thức, tuy nhiên chỉ chưa đến một giờ sau đó, tất cả lô hàng trên đều được bán sạch.

Có thể nói bằng những cách marketing trên, Xiaomi đã gặt hái được rất nhiều thành công và thu hút một lượng lớn người dùng. Bằng chứng rõ nét nhất là, Xiaomi thường bán khoảng tầm 200.000 đến 300.000 smartphone thông qua website chính thức, tuy nhiên chỉ chưa đến một giờ sau đó, tất cả lô hàng trên đều được bán sạch. Nhiều người cho rằng Xiaomi cố tình bán ra một lượng ítsmartphone để thổi phồng nhu cầu, tuy nhiên, tập đoàn cho rằng hãng muốn xem xét trước phản ứng của người dùng trước những dòng smartphone mà hãng bán ra, sau đó hãng sẽ đẩy mạnh quá trình sản xuất để giữ giá thành smartphone Xiaomi ở mức ổn định và thấp. Được biết, nếu như doanh số smartphone bán ra vẫn ở mức cao như hiện nay, trong thời gian tới, Xiaomi sẽ trở thành một trong năm khách hàng lớn nhất của Foxconn.

Tạm kết

Kế hoạch của Xiaomi trong thời gian tới vẫn sẽ là bán những dòng smartphone cao cấp với giá thành chỉ nhỉnh hơn một chút so với số tiền gia công mà hãng phải bỏ ra - hiện giá của những chiếc smartphone của Xiaomi nằm trong khoảng từ 130$ đến 278$. Xiaomi nói rằng họ chỉ thực sự kiếm được nhiều tiền thông qua mảng phần mềm và dịch vụ. Mặc dù không tiết lộ rõ lợi nhuận của mình, nhưng theo nhà đầu tư Hans Tung, một đối tác của Qiming Venture Partners, Xiaomi kiếm được khoảng 10% lợi nhuận từ mảng thiết bị cầm tay.

Như vậy, có thể thấy rằng Xiaomi sẽ vẫn sống dựa hơi vào mảng phần mềm, dịch vụ, cũng như sự tin tưởng từ phía khách hàng nội địa. Thế nhưng, theo một số chuyên gia, Xiaomi cần sáng tạo hơn nữa nếu như muốn chứng tỏ rằng hãng có thể kiếm được nhiều tiền từ mảng dịch vụ phần mềm - nơi mà họ sẽ phải gặp rất nhiều sự cạnh tranh từ hai đối thủ cực kỳ lớn ở Trung Quốc là Alibaba và Tencent.

Bên cạnh đó, việc chỉ bán smartphone tại Trung Quốc vẫn là một yếu điểm của Xiaomi. Rất may là có vẻ như tập đoàn đã nhận thức rõ điều này, và với việc thuê phó chủ tịch phụ trách quản lí sản phẩm Android của Google ông Hugo Barra , Xiaomi được kỳ vọng sẽ tiến ra thị trường quốc tế trong thời gian không xa, và tất nhiên đây sẽ là một đối thủ rất đáng gờm đối với bất kỳ ông lớn nào trên thị trường smartphone.

Mời bạn đọc thêm: Cạn kiệt sáng tạo, Apple bị "trẻ trâu" Xiaomi vượt mặt?

Theo Tinh tế

Công Thành