Nếu bạn đang yêu thích hay sử dụng Fujifilm X100 thì X-Pro1 là một sự nâng cấp cực kỳ đáng giá, nếu bạn đang muốn mua 1 máy có chất lượng ảnh tốt nhưng không thật lớn, thích máy có thiết kế cổ điển hoặc mang tính cơ khí Đức thì X-Pro1 cũng là một lựa chọn hấp dẫn. Nếu bạn không muốn đi đến đâu người ta cũng hỏi “máy Leica nhái hả” hay cần 1 máy nhỏ gọn hơn, giá thấp hơn thì đừng bao giờ nghĩ tới X-Pro1. Với mình, X-Pro1 còn ấn tượng hơn cả Nikon D4, đơn giản vì mình không thích máy to và mặc dù chất lượng ảnh không bằng nhưng X-Pro1 vẫn đáp ứng khá tốt nhu cầu chụp chơi của mình. Và theo lời Fujifilm, cảm biến của X-Pro1 cho fullframe Canon 5D Mark II “về đảo” theo đúng nghĩa đen.
Khi cầm Fujifilm X-Pro1 lên, bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy nó khác biệt với X100 và các máy m4/3. Fujifilm đã không hề sai khi đặt tên Pro cho sản phẩm này vì nó mang tính kiếm tiền nhiều hơn là chụp theo sở thích như X100, nặng tính thương mại và chuyên nghiệp hơn. Chất lượng phần cứng của máy là rất tốt, cứng cáp và rắn rỏi hơn hẳn X100, có thể là do máy sơn màu đen và kích cỡ cũng có phần lớn hơn. X-Pro1 lớn hơn X100, tương đương Leica M9 nhưng mỏng hơn và nhỏ hơn Leica M8. Và thật may mắn khi X-Pro1 vẫn là Made in Japan chứ không phải China. Khi được hỏi thì nhân viên Fujifilm cho biết giá máy dưới 2000$ còn một số tin khác cho rằng thân máy rơi vào tầm 1700$.
Nếu từng dùng X100 thì bạn sẽ thấy cơ chế điều khiển của nó cực kỳ dễ, từ chỉnh khẩu, tốc độ cho đến bù trừ EV. Tuy nhiên, X-Pro1 lại có những bất lợi hơn, chưa rõ là vì máy thử nghiệm hay bản chính thức cũng như vậy. Chúng ta có thể kể đến vòng xoay điều chỉnh tốc độ hơi bị vướng ở phần gù lên và đòi hỏi người dùng phải bấm nút mới xoay trơn tru được. Bù lại thì phần bù trừ EV được thiết kế dễ dùng hơn và cũng cho cảm giác tốt hơn khi xoay. Phần grip ở phía trước máy cũng được thiết kế lớn hơn nhưng vẫn chưa thật vừa tay, có lẽ đây là lý do để Fujifilm sản xuất riêng 1 phụ kiện grip cho X-Pro1!
Ống ngắm viewfinder của X-Pro1 có rất nhiều ưu điểm so với X100, điển hình là thiết kế dạng tròn cho phép mắt quan sát nhiều hơn, thiết kế này thường được áp dụng trên các máy chuyên nghiệp hơn là máy bán chuyên, các hãng như Nikon thường dùng ống ngắm tròn trên máy cao cấp như D3 và D4, các máy semi-pro như D7000 vẫn dùng hình chữ nhật. Tuy nhiên, nhược điểm của X-Pro1 là cơ chế gạt chuyển giữa ống ngắm quang và điện tử nằm ngược so với X100, hơi khó để thao tác. Bên cạnh đó thì chất lượng hiển thị của màn hình X-Pro1 cũng tốt hơn X100, hình đẹp và trong hơn hẳn.
Hệ thống các phím điều khiển của X-Pro1 cũng được thay đổi khá nhiều cho phù hợp, đáng chú ý là nút RAW bị nhiều người ghét đã bị loại bỏ mà thay vào đó là nút Q hỗ trợ chỉnh nhanh nhiều thiết lập. Nếu bạn nào dùng Nikon thì nó giống phần My Menu. Giao diện này theo dạng lưới vốn không nhanh như dạng danh sách nhưng nó đẹp và trực quan hơn. Menu chính của máy cũng được tùy chỉnh lại và khá giống Nikon. Nhìn chung, một vài cảm nhận đầu tiên cho thấy giao diện mới khá tiện lợi nhưng chúng ta vẫn phải dùng 1 thời gian dài để có cái nhìn chính xác hơn. Một phần cảm giác dùng tốt hơn cũng nhờ các phím bấm kích thước lớn, tiện dung hơn hẳn cảm giác gò bó chật chội của X100.
X-Pro1 sử dụng cảm biến ảnh X-Trans độ phân giải 16MP với cấu trúc mới. Hẳn nhiều bạn sẽ thắc mắc chất lượng ảnh của nó sẽ ra sao nhưng hiện tại thì Fujifilm cũng chẳng cho người dùng chép hình chụp thử vào máy tính (do vẫn là máy thử nghiệm) nên mình không thể kết luận gì nhiều. Tuy vậy, khi thử với ống 35 1.4 thì ảnh có vẻ ấn tượng trong điều kiện ánh sáng hơi yếu ở khu trưng bày Fujifilm. Zoom lớn cỡ 100% thì không vỡ và khá ít nhiễu ở ISO 1250. Thực tế thì máy có ISO tối đa 6400, tức là bằng X100 nhưng có thể mở rộng lên 12800 và 25600 khi chụp ảnh JPEG.
Bạn nào từng tự hào với khả năng ăn đèn (flash sync speed) 1/4000 của X100 thì có lẽ sẽ thất vọng với X-Pro1. Thay vì sử dụng màn trập dạng lá như X100 thì X-Pro1 lại dùng focal plane, tức là giống với các máy Leica nên tốc độ ăn đèn chỉ vào khoảng 1/125. Tốc độ ăn đèn này chưa chính thức mà do 1 anh Fujifilm nói với mình nên hy vọng nó có thể ăn được 1/250 khi bán vào cuối tháng 2. Ngoài ra thì tiếng của X-Pro1 khi chụp cũng không êm như X100, bạn có thể xem clip để rõ hơn. Máy không có flash cóc, hơi buồn vì với tốc độ ăn đèn cực cao thì flash cóc của X100 rất hữu dụng trong nhiều trường hợp.
Sử dụng focal plane có bất lợi nhưng nó cũng có ưu điểm là khoảng cách giữa ngàm ống kính và cảm biến ngắn hơn, cho phép ảnh nét hơn ở ngoài rìa, một ưu điểm của các máy RF như Leica mà DSLR không thể đạt tới. Và ở X-Pro1, khoảng cách này là 17,7mm, tức là ngắn hơn cả 27,8 của Leica M và 44mm ngàm EF-S Canon hay 46,5mm ngàm F Nikon. Chúng ta hãy chờ máy chính thức vào cuối tháng 2 xem sao.
Một ưu điểm khác của X-Pro1 so với X100 là tốc độ lấy nét, X100 lấy nét hơi chậm và X-Pro1 cải thiện khá nhiều điều đó, nhanh gấp đôi nhưng vẫn chậm hơn chú Point and Shot Fujifilm X10 (cỡ Nikon V1) hay Panasonic GX1. Khi thử với ống 35 thì máy lấy nét hiếm khi bị hụt nếu vật thể cách trên 1m, kể cả ở những điều kiện hơi phức tạp 1 chút. Máy bị khóa trong quầy nên mình cũng khó lòng mà thử hơn được.
Về bộ 3 ống kính hiện tại thì X-Pro1 có khá đầy đủ các dải tiêu cự, nó có 17mm f/2, 35mm f/1.4 và 60mm f2.4. Cả 3 ống kính này đều nhỏ gọn một cách đáng ngạc nhiên, nhất là 60mm còn sử dụng filter phi 39. Dự kiến trong 3 năm tới thì Fujifilm sẽ phát triển khoảng 16 ống kính cho X-Pro1 và các máy nâng cấp, bao gồm cả 14mm f/2.8, 18-72mm f/4, 28mm f/2.8 pancake, 23mm f/2.0, 72-200mm f/4 IS, 12-24mm f/4 IS.... Tất cả các ống kính này đều sử dụng ngàm X của Fujifilm, ngàm điện tử 100% với 10 điểm tiếp xúc.
Có một số người cho rằng Fujifilm bắt chước Leica nhưng thật ra thì họ theo Contax với chiếc G2 hơn, đây là máy RF đầu tiên hỗ trợ AF, hỗ trợ chỉnh nhiều tiêu cự ống ngắm. Nhưng dù gì thì vẫn phải thừa nhận đối tượng người dùng mà Fujifilm nhắm tới là những ai yêu thích Leica nhưng không đủ tiền mua hoặc không thích kiểu lấy nét của RF.