Nhịp sống số

Cần đánh giá đặc thù từng vùng nông thôn để phát triển băng rộng

Cần đánh giá đặc thù từng vùng nông thôn để phát triển băng rộng

Việt Nam có một hệ thống làng xã ở khu vực nông thôn và 76% dân số sống ở nông thôn. Nông thôn Việt Nam có những vùng có kinh tế thị trường, có những vùng nghèo. Nhà nước đã đầu tư điện, đường trường, trạm… cho những vùng nghèo.

Tuy nhiên đầu tư triển khai băng rộng cho nông thôn phải khác và để thực hiện đầu tư này trước tiên phải có những đánh giá vùng, phải phân vùng, ví dụ vùng nông thôn quanh đô thị, vùng trung du, miền núi, hải đảo để có những chính sách đầu tư riêng hiệu quả, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết tại Hội thảo bàn tròn “Chiến lược phát triển mạng băng rộng và các ứng dụng cho nông thôn Việt Nam” được tổ chức mới đây.

Về dự án phát triển băng rộng nông thôn của Ngân hàng thế giới (WB) là rất quý nhưng các doanh nghiệp (DN) viễn thông Việt Nam có thể dùng nhiều nguồn vốn (vốn của DN, nhà nước tài trợ…). Nhưng trước tiên, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, việc xây dựng được chiến lược, chính sách phát triển băng rộng phù hợp với nông thôn Việt Nam thì triển khai mới thành công là cần thiết. Vốn cần nhưng chính sách không đúng thì không thành công.

CHAT%20-T21211.jpg

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết thêm đối với Việt Nam ngoài nhận thức lợi ích về băng rộng là quan trọng nhưng phát triển các thiết bị đầu cuối (smartphone, laptop) cũng rất quan trọng. Đầu tư băng rộng cho nông thôn không chỉ là hỗ trợ người dân mà còn hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thiết bị cho người dân, cho gói sản xuất thiết bị đầu cuối, ví dụ như 1 triệu máy tính giá rẻ, thì người dân mới có thể tiếp cận. Làm cho người dân nông thôn thôi có được không?

Dự thảo Báo cáo “Việt Nam - Hành động chiến lược: Băng rộng cho nông thôn phục vụ tăng trưởng toàn diện” của WB đề xuất ba hành động (action) ưu tiên chủ đạo, bao gồm: Khuyến khích các dịch vụ và ứng dụng Internet di động cho cộng đồng nông thôn; Mở rộng truy cập băng rộng tới các cộng đồng nông thôn và Nâng cao nhận thức về ICT và kĩ năng đọc viết điện tử cho cộng đồng nông thôn.

“Để thực hiện được các hành động cụ thể cần phải có những con số về tỉ lệ truy cập trên thuê bao là bao nhiêu? Đặc biệt lưu lượng băng rộng trên đó ra sao và dự báo tương lai như thế nào? Những thông số này là cơ bản nhất để dự báo nhu cầu. Phát triển các ứng dụng băng rộng cũng được dựa trên các con số này để từ đó xác định tốc độ, nhu cầu bao nhiêu. Những con số đó phải đưa ra được. Đầu tư công ở đây là dùng vốn vay WB. Để vay phải có những sở cứ nhất định”, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan đóng góp ý kiến của mình.

Về các mô hình băng rộng trên thế giới, theo ông Hoan cũng có những mô hình thành công và cũng có những mô hình thất bại. Ví dụ, Australia bỏ mấy chục tỉ USD xây dựng LTE băng tần 2,3 GHz. Mới đây, khi Việt Nam tiếp xúc với các DN Australia thì được biết là họ gặp nhiều khó khăn.

Ông Hoan chia sẻ tại sao không sang Việt Nam học. Khi cấp phép băng tần cho DN, Việt Nam yêu cầu DN bao phủ vùng sâu vùng xa. Ví dụ, Việt Nam khi cấp phép 3G đã yêu cầu các DN phải có lộ trình phủ sóng 90% các nước, đến nông thôn sau 3 năm.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá cao những đánh giá bước đầu của WB về băng rộng cho nông thôn Việt Nam. Đây là bước chuẩn bị để trợ giúp thiết kế các dự án. Sau đó, công việc tiếp theo chắc chắn phải làm như góp ý của Cục Tần số VTĐ là phải có các thông số cụ thể tốc độ bao nhiêu, đối tượng băng rộng là ai?. Phải có đánh giá các yếu tố, nguồn lực cụ thể.

Phát triển cơ sở hạ tầng mạng băng rộng và các ứng dụng cho nông thôn trong thời gian tới là một trong các vấn đề trọng tâm trong Quy hoạch Phát triển Viễn thông Quốc gia đến năm 2020 hiện đang được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ.

Về hạ tầng mạng viễn thông, Internet, có thể nói rằng trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả, trong đó cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet được đầu tư có công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng khắp trên cả nước với dung lượng lớn, cung cấp đa dịch vụ, mạng di động bao phủ sóng rộng khắp bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ đa số người dân, băng thông kết nối quốc tế đạt khoảng 500 Gb/s, đã cung cấp được nhiều loại hình dịch vụ băng rộng như 3G, IPTV, truyền hình theo yêu cầu (VoD)...