Hãy cùng Techz xem lại những bước tiến của tính năng “nhỏ mà có võ” trên điện thoại di động này.
Camera trên điện thoại dường như là một điều “tất nhiên”. Ngày nay may ra chỉ có những mẫu điện thoại giá cực rẻ mới không được trang bị camera mà thôi. Chất lượng hình ảnh từ những chiếc điện thoại đang ngày càng cao, tiệm cận dần với chất lượng của những máy ảnh du lịch nhỏ, và đây cũng là lý do mà doanh số của mặt hàng này đang suy giảm nghiêm trọng.
Camera tốt đang trở thành yêu cầu bắt buộc cảu một điện thoại cao cấp
Hãy cùng Techz xem lại những bước tiến của tính năng “nhỏ mà có võ” trên điện thoại di động này.
Sharp: nhà sản xuất camera phone đúng nghĩa đầu tiền
Thực ra vị trí này có 2 kẻ cạnh tranh, và có thể gọi đâu là camera phone đầu tiên cũng ổn.
Chiếc điện thoại đầu tiên có một máy ảnh số, là chiếc SCH-V200 của Samsung, được ra mắt tại Hàn Quốc vào tháng 6 năm 2000. Chiếc điện thoại nắp gập này có một màn hình LCD TFT 1.5inch, có khả năng chụp 20 bức ảnh với độ phân giải 350.000 pixel (0.35mpx), nhưng bạn không thể lấy được bức ảnh đó ra bằng bất cứ cách nào, ngoại trừ nối nó với máy tính qua sợi cáp đi kèm, đơn giản vì nhà mạng cung cấp chiếc điện thoại này, nhà mạng SKTelecom, không hỗ trợ khả năng gửi tin nhắn đính kèm hình ảnh. Do đó, nếu về mặt camera thì không có gì đáng nói, nhưng xét đến “phone”, nghĩa là khả năng truyền thông, chia sẻ, thì tính năng chụp ảnh này vẫn chưa thực sự tốt, đó là lý do mà nhiều người cho rằng gọi V200 là “camera phone” đầu tiên có phần chưa đúng. Nói cách khác, nó chỉ là sản phẩm "kết hợp" 2 thiết bị chứ không phải là thiết bị "tích hợp".
SCH-V200, chiếc "Camera + Phone" đầu tiên trên thế giới
Ra đời sau một chút, chiếc J-Phone của nhà mạng Softbank lại khắc phục được điểm yếu ấy, vì dù sao thì công nghệ viễn thông của Nhật Bản cũng đã phát triển từ lâu, và họ dự trù sẵn tính năng mà chưa có thiết bị di động nào vào thời đó có được. Chiếc J-SH04 có camera độ phân giải 0.11mpx, dù thấp hơn chiếc V200 nhưng nó lại có khả năng truyền bức ảnh đó đến điện thoại khác thông qua mạng di động, mở ra một kỷ nguyên mới cho sự tích hợp những tính năng “hay ho” vào điện thoại.
J-SH04, camera phone đầu tiên trên thế giới
Một bức ảnh chụp từ camera của J-phone (trái) và so sánh với camera du lịch (cùng thời)
Điện thoại đầu tiên có độ phân giải 1.3mpx
Một dấu mốc khác, khi camera phone thực sự “chạm mốc” megapixel, thứ mà trước đó là “đặc quyền” trên các máy chụp hình.
PM8920, điện thoại đạt chuẩn megapixel đầu tiên (ngoài cùng bên trái)
Tháng 7 năm 2004, nhà mạng Sprint ở Mỹ bán ra chiếc PM8920, với camera có độ phân giải cao nhất đến 1280x960 (tương đương 1.3mpx). Những bức hình này không đơn giản là chỉ để chia sẻ qua mạng di động, mà thực sự nếu cần, chúng có thể dùng để in được (trên giấy ảnh cỡ nhỏ). Với một nút dành riêng cho việc chụp hình và nhiều thông số để thiết lập (vào thời điểm đó), bao gồm cả tính năng chụp liên tục 8 hình, cũng như khả năng thu âm lại giọng nói của bạn, chiếc điện thoại này trở thành “món hàng hot” trên thị trường di động Mỹ.
Kể từ nửa cuối năm 2004, những chiếc camera phone đã chính thức soán ngôi điện thoại “truyền thống”, với hơn 1 nửa lượng điện thoại được bán ra trên toàn thế giới được trang bị tính năng này. Nó cũng khẳng định cho vị thế dẫn đầu trên thị trường của nhà sản xuất Phần Lan, Nokia.
Nokia N90: “Triệu phú pixel” từ Nokia
Nokia N90, vang bóng 1 thời
Năm 2005, Nokia N90 đã nâng camera phone lên một tầm cao mới. Không chỉ có cảm biến đến 2mpx, nó còn là điện thoại đầu tiên được trang bị đầy đủ những tính năng mà sau này người ta sẽ luôn nhắc tới khi nói về những camera phone của nhà sản xuất này: khả năng lấy nét tự động, đèn flash LED, và đặc biệt, là ống kính của Carl Zeiss, một hãng đã quá nổi tiếng với những sản phẩm ống kính máy ảnh chất lượng cao và đắt tiền.
Sự trỗi dậy của Sony
Trong bao năm qua, kể cả đến bây giờ, kẻ duy nhất dám thách thức vị thế dẫn đầu về camera trên điện thoại chỉ có Sony mà thôi (trước đây là Sony Ericsson). Một dòng điện thoại với khả năng chụp hình “siêu hạng” đã được Sony gắn nhãn “Cyber-shot”, danh xưng vốn là của dòng máy ảnh du lịch của họ. Nhiều mẫu điện thoại của Sony đã cạnh tranh sòng phẳng, nếu không muốn nói là đánh bại Nokia trong cuộc chiến về máy ảnh, và trong số đó ra không thể không nhắc đến chiếc K800i ra đời năm 2006. Với camera độ phân giải 3.2 mpx,khả năng lấy nét tự động, chống rung quang học, đèn flash Xenon, K800i trở thành kẻ thống trị làng camera phone trong năm đó, và cho đến tận ngày nay nhiều người yêu Sony vẫn tìm cách sưu tầm món hàng “huyền thoại” này.
K800i, chiếc điện thoại đến ngày nay vẫn nhiều tìm mua
Hình chụp từ chiếc K790i (có cùng cấu hình với K800i)
Nokia cũng rất cố gắng có chiếc điện thoại đầu tiên độ phân giải 3.2mpx, N73, nhưng đáng tiếc nó chỉ được ra đời vào năm 2007, cột mốc đánh dấu sự “thoái trào” của những chiếc điện thoại truyền thống.
N95: “Người Mohican cuối cùng” của Nokia
Samsung là nhà sản xuất chiếc điện thoại đầu tiên có camera 5mpx, tuy nhiên N95 có sự phổ biến và doanh số đủ để lấn át nhà sản xuất Hàn Quốc. Một thiết kế nắp trươt chắc chắn, cấu hình “khủng long” với camera cũng thuộc hàng “siêu phẩm”, dù giá cao những N95 cũng được bán rất chạy. N95 trở thành sản phẩm cuối cùng nói riêng của Nokia và là sản phẩm cao cấp cuối cùng không có màn hình cảm ứng nói riêng còn tạo được dấu ấn sâu sắc lên thị trường điện thoại.
Nokia N95, "Người Mohican cuối cùng" của thời đại cũ
Sau sự ra mắt của Nokia N95, kỷ nguyên của smartphone hiện đại đã tới, với việc vào tháng 6 năm 2007, chiếc iPhone được Apple giới thiệu. Dù vậy, camera 2mpx chất lượng trung bình và thiếu quá nhiều tính năng của iPhone không phải là điểm mà người ta nhắc tới nhiều khi nói tới sản phẩm mang tính cách mạng này.
Cuộc đua “chấm” tiếp tục: 8mpx,12mpx và hơn nữa
Năm 2008, Samsung cho ra đời chiếc i8510, vẫn được biết tới nhiều hơn với cái tên INNOV8, là thiết bị di động đầu tiên được trang bị camera 8mpx. Dù có số “chấm” cao như vậy nhưng INNOV8 không thành công bởi lẽ nó sao chép quá máy móc thiết kế của dòng Nokia N-series, trong khi xu thế của cuộc chơi trên thị trường là hướng tới màn hình cảm ứng.
INNOV8, thiết kế rất giống với N-series của Nokia
Để cạnh tranh, Nokia cho ra chiếc N86, mặc dù không bắt kịp xu thế của thị trường, nhưng nó có một chất ảnh tốt đến ngạc nhiên, và cho đến nay nhiều người vẫn có sở thích “sáng tạo nghệ thuật” bằng mẫu điện thoại này.
Chiếc máy đầu tiên vừa có camera 8mpx, vừa có màn hình cảm ứng đến từ LG, chiếc LG Renoir.
LG Renoir, điện thoại cảm ứng đầu tiên có camera 8 "chấm"
Cuộc đua về số “chấm” tiếp tục với việc Samsung giới thiệu chiếc M8910 có camera 12mpx vào năm 2009, và sau đó đã bị đánh bại bởi một gương mặt quen thuộc, chiếc N8 ra đời năm 2010. Cuộc chiến này hạ nhiệt sau khi chiếc S006 của Sony Ericsson được giới thiệu với camera lên tới 16mpx, ngang tầm những chiếc máy ảnh DSLR cao cấp.
M8910, điện thoại 12 chấm đầu tiên trên thế giới
N8 - chiếc điện thoại/camera mở đầu xu hướng cảm ứng cho Nokia
S006 của SE với số chấm cực "khủng" -16mpx
Smartphones tiếp quản cuộc chơi
Cuộc chiến về số “chấm” đã hạ nhiệt, nhưng cuộc chiến về camera trên các smartphone thì chưa bao giờ hết nóng. Mỗi đợt ra mắt, Apple luôn chú ý nâng cấp (tính năng, khả năng quang học, hay đơn giản là số chấm) cho chiếc iPhone của mình, và coi đây là một tính năng quan trọng cần được quan tâm, chứ không đơn thuần là “có cho vui” như trước nữa. Dù không tham gia và cuộc đua độ phân giải, nhưng chất lượng hình ảnh thu được qua mỗi đời iPhone đều được cải thiện rõ rệt, bạn đọc có thể theo dõi hình dưới để biết thêm chi tiết.
So sánh chất lượng hình chụp của iPhone qua các phiên bản
3D: xu thế “chết yểu”
Optimus 3D, điện thoại có tính năng 3D tốt nhất
Với sự ra đời và được chào đón nhiệt liệt của công nghệ hình ảnh 3D trong các rạp chiếu phim, cả HTC và LG đều bị hấp dẫn để “lôi” tính năng này lên smartphone. Năm 2011, HTC giới thiệu chiếc EVO 3D, trong khi LG giới thiệu Optimus 3D, cả 2 đều trang bị một camera “kép” độ phân giải 5mpx, có khả năng chụp và quay nội dung 3D. Optimus 3D được đánh giá cho chất lượng hình/video, cũng như chất lượng hiển thị “đạt” hơn, nhưng cho dù vậy, những mẫu điện thoại này không được đón nhận nhiệt tình như các nhà sản xuất mong đợi, và đó là lý do mà ngày nay hiếm khi ta thấy một mẫu điện thoại có tính năng thú vị nhưng không thực sự “cần thiết” này. Các nhà sản xuất “mềm hóa” tính năng này bằng các ứng dụng chứ không tùy biến phần cứng nữa.
Camera-ware
Ngày nay camera phone có nhiều tính năng hơn, biến chiếc điện thoại trở thành một thiết bị “sáng tác nghệ thuật” thực sự chứ không đơn thuần là để “chộp” hình rồi chia sẻ nữa. Tính năng panomara từ lâu đã được trang bị trên các hệ điều hành Android và iOS. Blackberry độc đáo với hiệu ứng Time Shift, còn HTC cũng trình làng tính năng “Zoe” trên các sản phẩm của mình.
Những chương trình chỉnh sửa ảnh “mì ăn liền” như Instagram khiến việc tạo ra những tấm hình độc đáo càng dễ dàng với những người dùng thông thường, và càng ngày càng khiến người ta thích thú với chiếc camera phone của mình hơn là những chiếc máy ảnh đúng nghĩa.
Lớn hơn, tốt hơn?
HTC rất cố gắng bằng mọi cách chứng mình rằng một độ phân giải 4mpx đã là đủ (trên chiếc HTC One của họ). Nokia thì như chúng ta đã biết, hiểu mọi chuyện theo nghĩa ngược lại. Họ cho rằng 41mpx là một độ phân giải tốt, và là một điểm nhấn quan trọng trên sản phẩm của mình.
Nokia có truyền thống lấy camera làm điểm nhấn cho điện thoại của mình
So sánh để thấy bước tiến của công nghệ trên Lumia 1020
Đa phần các smartphone khác đều lựa chọn một độ phân giải “tầm tầm” 8 hoặc 13mpx, tốt cho marketing, và cũng không quá lớn để đẩy việc chế tạo thành quá khó khăn.
Samsung có một hướng đi khác: tích hợp camera du lịch vào smartphone (hoặc là ngược lại, tùy theo ý người dùng hiểu). Chiếc Galaxy Zoom của họ là một chiếc Galaxy S4, thay thế cảm biến thành 16mpx, và bổ sung một bộ ống kính có khả năng zoom quang học.
Galaxy S4 Zoom, gọi là camera phone hay phone camera là tùy bạn
Tất nhiên, công nghệ hiện tại chưa thể mang chất lượng hình ảnh xuất sắc trên các máy ảnh cao cấp lên những chiếc smartphone, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy máy ảnh to-đắt tiền-nhiều tính năng không còn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng nữa. Tờ Chicago Sun-Times vừa tuyên bố sa thải toàn bộ các phóng viên ảnh chuyên nghiệp, và giao việc tác nghiệp vào tay những phóng viên thông thường, với chiếc iPhone trong tay.
Ý tưởng về một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng iPhone, hay studio sử dụng hoàn toàn thiết bị của … Nokia còn rất rất lâu hoặc là không bao giờ có thể trở thành sự thực, nhưng doanh số của những chiếc máy ảnh du lịch cho thấy rằng, camera phone đang dần trở thành một thế lực trong ngành nghệ thuật nhiếp ảnh này.
Đọc thêm: Với camera điện thoại ai cũng có thể sáng tạo nghệ thuật