Smartphone

Cảm nhận đầu tiên về HTC EVO 3D

Không chỉ giới hạn trong các rạp chiếu phim hay trong các TV 3D, giờ đây với sự phát triển của khoa học kĩ thuật công nghệ 3D đang trở nên gần gũi hơn bao giờ hết khi xuất hiện trên cả các thiết bị cầm tay.

Cùng với việc các mẫu smartphone liên tục được công bố với giá bán ngày càng rẻ thì việc trang bị tính năng 3D cho sản phẩm của mình có thể là một giải pháp hoàn hảo để các nhà sản xuất thu hút người dùng. Chỉ ít lâu sau khi LG công bố chiếc LG Optimus 3D, HTC cũng sẵn sàng cho cuộc chiến đa chiều bằng mẫu HTC EVO 3D.

Thiết kế

HTC EVO 3D là một thiết bị gây ấn tượng mạnh với những điểm nhấn rất đặc trưng trong thiết kế. Mặt trước là màn hình hiển thị 4,3 inch rộng rãi được phủ bằng một tấm kính mở rộng qua cả bốn phím cảm ứng phía dưới.

Mặt sau có thiết kế đẹp mắt với những rãnh chéo nhỏ, ở giữa là khung nổi có viền kim loại sơn màu đỏ/vàng ấn tượng. Đèn flash dual-LED nằm giữa cặp ống kính 5 MP bố trí ở trong khung làm điện thoại giống như máy ghi âm bỏ túi khi nhìn qua.

Điểm nhấn tiếp theo là nút camera bên cạnh phải được làm nổi bật với màu bạc và kích thước khá lớn, bên cạnh là một nút trượt để chuyển đổi giữa chế độ 2D và 3D. Bộ tứ phím bố trí ở mặt trước gồm có Home, Back, Menu và Seach.

Mặc dù không lớn nhưng các phím được sắp xếp khá tốt để tránh việc ấn nhầm. Bên trên màn hình là loa ngoài, cảm biến ánh sáng, đèn LED thông báo trạng thái và camera trước phục vụ video call. Một cảm biến khoảng cách ở bên trái loa để tự động tắt màn hình lúc gọi điện. Cạnh đáy khá trống trải với một mic và đường rãnh nhỏ dùng để tháo nắp phía sau, trên đầu là phím nguồn/ khóa màn hình và một giắc cắm 3.5 mm. Cạnh bên phải là một cổng microUSB để sạc và trao đổi dữ liệu.

Nhìn chung, cấu trúc của HTC EVO là rất tuyệt vời, nếu các smartphone trước của HTC có xu hướng để lộ những đường ghép giữa các phần với nhau thì ở EVO 3D không xuất hiện điều đó. Hạn chế đáng kể của mẫu điện thoại này là kích thước khá mập mạp với độ dày lên tới 12.1 mm dày hơn 1mm so với chiếc Sensation, đồng thời trọng lượng 170 g cũng là khá lớn so với nhiều đối thủ.

Tính năng

HTC EVO 3D có các thông số kĩ thuật khá giống với chiếc Sensation. Nó cũng sử dụng bộ xử lí lõi kép Snapdragon 1,2 GHz của Qualcomm và GPU Adreno 220 nhưng bộ nhớ RAM được tăng lên 1 GB. Điện thoại được trang bị màn hình Super LCD 4,3 inch với độ phân giải qHD(960x540). Giống như LG Optimus 3D, màn hình HTC EVO 3D cũng được trang bị công nghệ rào cản thị sai, qua đó mang lại khả năng xem 3D không cần kính. Tuy có độ phân giải lớn hơn nhưng hiệu ứng lập thể mà màn hình HTC EVO 3D tạo ra hơi thiếu ấn tượng so với LG Optimus 3D. Tuy vậy sự khác biệt là khá nhỏ và sản phẩm của HTC có góc nhìn rộng hơn. Thậm chí 2 người có thể đồng thời xem nội dung 3D trên màn hình của EVO 3D trong khi LG Optimus 3D không thực hiện được điều này. Điểm yếu tiếp của EVO 3D theo là số lượng tính năng và ứng dụng 3D ít hơn so với sản phẩm của LG.

Trên thực tế khả năng 2D lại là đặc điểm rất quan trọng của màn hình EVO 3D. Và đúng như vậy trải nghiệm 3D sẽ hấp dẫn khách hàng, nhưng người dùng chắc chắn sẽ dành nhiều thời gian làm việc cũng như thưởng thức các nội dung 2D. Tin tốt là HTC EVO 3D có một màn hình lớn, sáng, độ phân giải cao, còn tin xấu là hầu hết đối thủ của nó đều trang bị màn hình có đặc điểm như vậy. Độ phân giải qHD và độ rộng đường chéo 4.3” chắc chắn đem lại lợi thế, nhưng độ tương phản của vẫn còn hạn chế khi so với màn hình Super AMOLED Plus của Galaxy SII hay màn hình Retina của iPhone 4.

Ngoài ra HTC EVO 3D còn được trang bị một loạt các tính năng khác như nhận diện khuôn mặt, cảm biến gia tốc, cảm biến độ sáng tự động, bộ chỉnh sửa tài liệu văn phòng… Đương nhiên những chiếc điện thoại thông minh đã qua thời “số lượng tính năng chiếm ưu thế”. Điều quan trọng lúc này là trải nghiệm người dùng, trong khi phần cứng mạnh mẽ là bước tiến đầu tiên đem đến điều đó, bạn cần phải có một phần mềm tốt tương xứng nếu có ý định muốn cạnh tranh được trên thị trường.

Giao diện người dùng

HTC EVO 3D ra mắt với hệ điều hành Android 2.3 Gingerbread và giao diện người dùng Sense phiên bản 3.0. Màn hình khóa của Sense 3.0 có 4 shortcut và một vòng tròn ở phía dưới. Để mở khóa điện thoại bạn chỉ cần kéo vòng tròn về phía trung tâm màn hình, hoặc kéo bất kì shortcut nào vào trong đó để mở khóa và đồng thời khởi động ứng dụng tương ứng.

HTC EVO 3D có 6 màn hình và một Homescreen mặc định chỉ hiển thị thời gian, vòng khóa và 4 shortcut. Màn hình Photo album trình chiếu các bức ảnh từ thư viện với hiệu ứng 3D tuyệt vời. Không chỉ vậy, bạn còn có một một widget Weather hiển thị các hình ảnh thời tiết sinh động của Sense UI và một widget Stocks cung cấp các thông tin thị trường mới nhất. Ngoài ra còn có màn hình khóa Clock với một đồng hồ lớn hơn, với 11 loại đồng hồ khác nhau cho bạn lựa chọn.

Điểm hạn chế là ngoài các màn hình khóa cài sẵn ra, bạn không thể tải thêm cái mới về từ HTC Hub. Bên cạnh đó còn có kiểu xem Leap view, khi cần ấn phím home (lúc ở trong màn hình chủ) hoặc thực hiện động tác kéo để thu nhỏ màn hình cho đến khi hiển thị toàn bộ khung hình nhỏ của cả 7 màn hình. Với động tác ấn và giữ, bạn có thể kéo để sắp xếp lại thứ tự các khung màn hình. Bảy màn hình là tất cả những gì mà bạn có, không hề có lựa chọn thêm hoặc xóa. Nhưng chắc chắn với các widget tiện dụng bạn sẽ muốn giữ tất cả chúng. HTC Sense đi với HTC Scenes độc quyền, chính là 6 thiết lập màn hình tùy chỉnh (Work, Travel, Social…). Mỗi khung hình thay đổi hình nền và các widget. Chẳng hạn thiết lập công việc (Work) có một widget Stocks, trong khi thiết lập Social đem đến một widget Twitter. Tất nhiên chúng đều có thể được tinh chỉnh. Việc lựa chọn một Scene được thực hiện trong giao diện dạng thẻ 3D đẹp mắt, đồng thời bạn có thể chỉnh sửa những khung hình hiện có hoặc lấy thêm khung hình từ HTC Hub.

3D và không 3D

Khởi đầu với 3D với một số công nghệ khác nhau hiện nay, mỗi nhà sản xuất lại có một cách tiếp cận riêng. Trước hết với chụp ảnh, với HTC EVO 3D bạn sẽ co được một hiệu ứng lập thể rõ rệt hơn với sự tách biệt lớn hơn giữa hai ống kính cùng việc sử dụng đèn flash riêng cho mỗi ống kính. Giao diện camera được bố trí rất hợp lí và không hề thay đổi kể từ mẫu Sensation. Hầu hết các nút điều khiển được đặt ở bên phải kính ngắm. EVO 3D đem đến một phím chụp cứng mà có lẽ là một trong những phím chụp tốt nhất hiện nay, đó là nút bấm lớn với kiểu bấm half-press riêng biệt, ngoài ra còn có một nút trượt để chuyển đổi giữa hai chế độ 2D và 3D.

Sau khi chuyển đổi máy ảnh, máy quay phim sang chế độ 3D bạn có thể xem trước các hiệu ứng trong chế độ này. Cảm nhận đầu tiên đó là độ sáng và độ sắc nét bị giảm sút so với chế độ 2D. Sự giảm độ sáng xuất phát từ rào cản thị sai, phân chia hướng ánh sáng từ màn hình đến hai mắt; và sự mất độ sắc nét là do mỗi khung hình của bạn cung cấp một nửa độ phân giải màn hình cho mỗi mắt. HTC không phải nhà sản xuất chuyên về những chiếc điện thoại chụp ảnh tuyệt vời và HTC EVO 3D cũng không là ngoại lệ. Mặc dù tính năng nòng cốt của nó là chụp ảnh và quay phim 3D (và tất nhiên khả năng trình chiếu 3D không cần kính) thì trong chế độ 2D nó cũng không mượt mà cho lắm. Các bức ảnh vẫn mắc một vài lỗi quen thuộc của các sản phẩm HTC như mờ góc, khử nhiễu quá mạnh và quá sắc. Bạn có lẽ sẽ thất vọng ở chỗ EVO 3D chỉ chụp các bức ảnh 3D với độ phân giải có 2 MP trong khi Optimus 3D chụp được tới 3 MP.

HTC EVO 3D hỗ trợ quay các video với chất lượng khá tốt và độ phân giải lên đến 720p trong cả 2D và 3D. Việc thiếu khả năng quay video 1080p là khá đáng tiếc đối với một thiết bị mang trong mình vi xử lí lõi kép. Giao diện của máy quay tương tự với camera, và có nhiều lựa chọn tùy biến ở đây. Bạn có thể thiết lập độ phân giải video và thêm các hiệu ứng. Chức năng tự động lấy nét cũng được trang bị, nhưng chỉ sử dụng được trước khi bạn bắt đầu quay. Sau đó nó bị khóa lại và sẽ không thay đổi ngay cả khi bạn tiến lại gần hoặc lui ra xa. Tuy vậy, EVO 3D không gặp vấn đề với việc lấy nét ngay cả ở khoảng cách rất gần. Các video được quay với định dạng. MP4, và đây là bước tiến so với định dạng 3GP trên Sensation. Giống như Sensation, camera của EVO 3D ghi âm thanh stereo ở tần số 44 kHz, một ưu điểm vượt trội so với âm thanh mono 22 kHz của LG Optimus 3D hay Samsung Galaxy S II.

Thời lượng pin, giá cả

Mặc dù có dung lượng khá lớn – 1730 mAh nhưng khi sử dung bình thường HTC EVO 3D chỉ sống sót được khoảng 1 ngày. Thử nghiệm cho thấy khi bật hết các kết nối ngoại trừ Bluetooth sử dụng gọi điện khoảng 15 phút, thỉnh thoảng xem ảnh và kiểm tra email hay xem các thông báo từ các mạng xã hội sau khoảng 15 giờ pin của máy còn khoảng 7%. Khi sử dụng ở chế độ 3D chỉ trong khoảng một giờ chụp ảnh và quay video 3D máy đã sụt giảm tới 60 % dung lượng pin. Vì vậy nếu đi xa với EVO 3D bạn nên chuẩn bị sẵn bộ sạc nếu không muốn hết pin giữa chừng. Hiện HTC EVO 3D được bán với giá 15,9 triệu đồng.

Kết luận

Với HTC EVO 3D bạn mới có thể đồng thời tận hưởng màn hình 3D cùng độ phân giải qHD, giao diện Sense cũng như một cấu hình mạnh mẽ. Và có lẽ đây là chìa khóa để sản phẩm của HTC tìm được chỗ đứng trên một thị trường cạnh tranh khốc liệt.