Smartphone

Các thuật ngữ smartphones thường gặp (Phần 2)

Các thuật ngữ smartphones thường gặp (Phần 2)

 Bài viết sẽ tiếp tục cung cấp cho bạn những kiến thức về những thuật ngữ thường gặp khi tiếp cận một chiếc smartphone như pin, gia tốc kế, mạng 4G...

 

Pin (Battery)

Ảnh minh họa: Internet

Phần lớn các điện thoại hiện nay đều sử dụng pin Lithium-ion, Lithium là tên của hóa chất có trong nhân viên pin, vốn chuyển hướng đến cực âm của viên pin, từ đó tạo ra phản ứng dẫn đến sự nạp điện. Bản chất pin Lithium-ion có thể tái sử dụng nhiều lần thông qua việc sạc, và cung cấp thời lượng hoạt động lâu hơn gấp 3 lần so với pin alkaline.

Đơn vị chính thức để đo dung lượng pin của thiết bị di động là milliampere-hours, tức <>mAH.

Những điện thoại màn hình lớn thường được trang bị pin Lithium-ion có mức dung lượng 1500mAH, còn những điện thoại nhỏ hơn thì được trang bị mức 1400mAH đổ lại. Và phần lớn dung lượng pin được dùng để “nuôi” màn hình, do đó chỉ những smartphone cao cấp với màn hình lớn mới được trang bị mức công suất này.

Tuy nhiên, tờ PCWorld vẫn khuyên người sử dụng có nhu cầu di động cao cần sắm thêm cho họ một chiếc pin Lithium-ion có mức dung lượng nhiều hơn chiếc đi kèm theo điện thoại. Cũng cần chú ý rằng thời gian chờ và đàm thoại dựa vào số ứng dụng đang được chạy ngầm, độ sáng màn hình, cũng như việc người dùng có bật Wi-fi/GPS hay dịch vụ 4G hay không.

4G và dịch vụ HSPA+

Ảnh minh họa: Internet

Các nhà mạng lớn đang rục rịch nâng cấp hệ thống mạng lưới 3G của họ lên 3.5G (HSPA+) hoặc 4G (LTE hoặc WiMax). Hiện Sprint và Verizon đang trong giai đoạn hoàn tất việc tung ra dịch vụ 4G, công nghệ được xem là sẽ có tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn gấp 10 lần hệ thống 3G cũ kỹ. Hệ thống LTE của Verizon dự kiến sẽ đạt tốc độ từ 5-12 mbps/giây, con số này đối với WiMAx của Sprint là 3-6 mbps/giây.

Còn công nghệ <>HSPA+ (Evolved High Speed Packet Access), hay còn có tên khác là dịch vụ 3.5G, hiện đang được hai nhà cung cấp viễn thông là AT&T và T-Mobile triển khai, vốn có tốc độ có thể đạt gần ngang hệ thống 4G hiện tại. Thậm chí, T-Mobile còn gọi dịch vụ HSPA+ của họ là… 4G.

Bộ nhớ di động: thẻ nhớ MicroSD

Một thẻ MicroSD chỉ có kích thước bằng đầu ngón tay. Ảnh minh họa: Internet

Thẻ nhớ SD (Secure Digital: An ninh kỹ thuật số) và dạng nhỏ hơn của nó là MicroSD hay MiniSD là hình thức lưu trữ di động được sử dụng trong các thiết bị cầm tay và không dây, dùng để chứa dữ liệu như video, file nhạc và file ảnh. Khác biệt duy nhất giữa những cái tên SD, MicroSD hay MiniSD chỉ là kích cỡ của chúng.

Tùy theo nhu cầu lưu trữ mà người dùng có thể chọn mua một thẻ SD phù hợp. Dung lượng của một thẻ MicroSD dùng trong các điện thoại di động dao động từ 2GB đến 32GB.

Hiệp hội SD đã ban hành một số chuẩn tốc độ chung cho các thẻ SD. Các chuẩn này quy định tốc độ tối thiểu cần để lưu một số loại dữ liệu đặc biệt lên chiếc thẻ. Sau đây là các chuẩn tốc độ phổ biến, kèm theo là những loại dữ liệu được hỗ trợ:

<>- Class 2: thu video H.264, MPEG-4, MPEG-2

<>- Class 4: MPEG-2 (HDTV), quay phim DSC liên tục.

<>- Class 6: Quay phim DSC megapixel liên tục, video camera chuyên dụng

<>- Class 10: Quay phim video Full HD.

Con quay hồi chuyển và gia tốc kế

Steve Job trong một buổi diễn thuyết về con quay hồi chuyển trang bị trong điện thoại iPhone. Ảnh minh họa: Internet

Phần lớn smartphone đều kèm theo một bộ gia tốc kế tiêu chuẩn, nhưng không phải smartphone nào cũng được trang bị con quay hồi chuyển. Gia tốc kế giúp bạn theo dõi và kiểm soát được tư thế của chiếc điện thoại: màn hình sẽ tự động thay đổi tùy nếu bạn đặt chiếc điện thoại từ đứng sang nằm ngang và ngược lại. Gia tốc kế cũng được ứng dụng để sử dụng cho một số ứng dụng, chẳng hạn như game đua xe, bạn chỉ việc đung đưa chiếc điện thoại để điều khiển chiếc xe đua của mình.

Trong khi đó, con quay hồi chuyển mang đến sự nhận biết động tác chính xác hơn trong môi trường 3 chiều. Chẳng hạn chiếc điện thoại sẽ tự nhận biết khi người dùng di chuyển nó lại gần hoặc ra xa cơ thể họ. Trong tương lai, gia tốc kế sẽ đóng một vai trò chủ đạo trong các ứng dụng mới. Nhưng vào thời điểm hiện tại, những ai không phải là con nghiện game vẫn có thể sống tốt mà không có món phần cứng xa xỉ này.

Bluetooth và Wi-Fi

Bluetooth 3.0 - Ảnh minh họa: Internet

Đây là hai công nghệ kết nối đã trở nên cực kỳ phổ biến và không thể thiếu đối với smartphone vào thời điểm hiện tại.

<>Bluetooth là công nghệ cho phép bạn chuyển và nhận dữ liệu giữa hai thiết bị gần nhau về khoảng cách. Bạn có thể dùng Bluetooth để trao đổi thông tin như hình ảnh, âm nhạc và video giữa điện thoại và laptop.

Hiện trên thị trường đang tồn tại song song hai chuẩn Bluetooth là Bluetooth 2.1 và Bluetooth 3.0. Khác biệt chủ yếu giữa hai chuẩn này là sự chênh lệch về tốc độ và khoảng cách truyền nhận dữ liệu. Bluetooth 2.1 hỗ trợ khoảng cách rất ngắn (khoảng 10 mét) bằng sóng radio giữa hai thiết bị di động. Bluetooth 3.0 thì có tầm hoạt động xa hơn cũng như tốc độ nhanh hơn rất nhiều (quãng 24 mbps) thông qua đường truyền 802.11. Bluetooth 3.0 hiện vẫn còn rất mới và chưa phổ biến, nên chưa có nhiều thiết bị hỗ trợ chuẩn này.

Ảnh minh họa: Internet

Cũng như vậy, Wi-Fi 802.11 hỗ trợ rất nhiều giao thức khác nhau (a/b/g/n), mỗi giao thức lại cung cấp tầm hoạt động và tốc độ khác nhau. Wi-Fi giúp bạn có thể duyệt web, gửi e-mail, tải ứng dụng, miễn là thiết bị của bạn có hỗ trợ Wi-Fi và bạn ở gần một trạm phát sóng Wireless.