Nhịp sống số

Các ông lớn công nghệ “rèn bảo kiếm” cho mình ra sao?

Máy chủ là "bảo kiếm" của các công ty ".com" trên toàn cầu. Trước đây khi muốn chọn mua máy chủ mới, hầu như chỉ có 1 giải pháp là hãy tìm đến những tên tuổi lớn như Dell, HP, IBM... Còn giờ đây các ông lớn chọn "rèn bảo kiếm" ở đâu?



Thời gian gần đây có một sự kiện đã thay đổi bộ mặt và xu hướng của cả ngành sản xuất máy chủ, các "nghệ nhân" như HP, Dell bỗng trở nên lu mờ trước những tên tuổi mới. Vậy ai mới thực sự là tác giả đứng sau những data center khổng lồ của Google, Facebook?

 

 


Dọc theo đường cao tốc 880 từ Oakland, California, rẽ 30 dặm về phía Bắc, băng qua một hàng dài những cửa hàng bán xe, bạn sẽ tìm thấy một tòa nhà thuộc về một công ty mà gần như chẳng ai biết đến. Và nếu như bạn được phép vào trong, qua quầy tiếp tân, khu bảo vệ và bên trong nhà kho – bạn sẽ thấy những kĩ thuật viên đang lắp ráp và thử nghiệm phần cứng máy chủ cho những cái tên hùng mạnh nhất trên Internet.


Nhà kho này thuộc về một công ty mang tên Synnex – 30 năm qua họ chuyên kinh doanh buôn bán ổ cứng, chip, bộ nhớ và tất cả những phần cứng liên quan đến máy tính. Nhưng Synnex không phải là hãng chính thức lắp ráp và thử nghiệm những phần cứng dành cho máy chủ, các kĩ thuật viên ở đây thuộc biên chế của Hyve, một chi nhánh mới thành lập của Synnex.


Hyve Solutions được thành lập để phục vụ cho những hãng lớn nhất trên Internet – những hãng luôn có nhu cầu đặc biệt về các máy chủ dành cho công việc của họ. Ngày nay các dịch vụ Internet được hỗ trợ bởi một số lượng server khổng lồ, cho nên những hãng này luôn tìm cách tiết kiệm chi phí và điện năng tiêu thụ của mỗi hệ thống một cách thấp nhất có thể. Họ muốn những cỗ máy được chỉnh sửa khác một chút so với các máy chủ thông thường do HP, Dell cung cấp. Quản lí kiêm phó giám đốc của Hyve, ông Steve Ichinaga kể rằng –“Những gì bạn thấy ở đây là sự chuyển giao giữa máy chủ truyền thống lên loại máy chủ tự lắp ráp. Xu hướng này đã bắt đầu từ vài năm trước cùng với Google, và giờ đây Facebook cũng mong muốn sử dụng giải pháp này”.


Những tên tuổi lớn trên Internet đã tạo nên một sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong thị trường máy chủ. Có những hãng cần một số lượng máy chủ khổng lồ, và họ bắt đầu từ bỏ máy chủ của Dell hay HP, thay vào đó là tìm tới Hyve, hoặc những hãng sản xuất đến từ Đài Loan. Theo đó, Dell và HP cũng bắt đầu đưa ra giải pháp máy chủ tự lắp ráp, nhưng về mặt này Hyve vẫn có vị thế cao hơn.


Google đi đầu

 

Google không phải là khách hàng của Hyve. Nhưng Hyve lại đang phục vụ cho rất nhiều hãng Internet có nhu cầu giống với Google.


Không hài lòng với giá thành và thiết kế của những máy chủ truyền thống từ Dell và HP, Google tự thiết kế máy chủ cho riêng họ và nhờ vả các hãng Đài Loan sản xuất, lắp ráp. Sau đó Facebook cũng chạy theo xu thế này. Các máy chủ của Facebook được sản xuất tại Đài Loan bởi các hãng Quanta và Wistron được vận chuyển tới Hyve tại Fremont, California. Tại đây các kĩ thuật viên sẽ lắp chúng vào khung, thiết lập hệ thống mạng, thử nghiệm và đưa tới trung tâm dữ liệu của Facebook.


Google giữ bí mật về thiết kế máy chủ của họ, nhưng trong năm nay Facebook đã công bố về kiến trúc máy chủ do hãng này thiết kế theo 1 dự án gọi là Open Compute Project, chia sẻ thiết kế máy chủ của Facebook cho bất kì ai có nhu cầu. Điều này dẫn đến việc Synnex quyết định thành lập Hyve, một nơi mà các gã khổng lồ Internet có thể tới và đặt hàng những thiết kế được công bố từ Open Compute. Nhưng kể cả trước khi Hyve được thành lập, Synnex cũng đã làm việc với những tên tuổi lớn trên Internet.

 

Hệ thống máy chủ của Google.

 


Không chỉ có Hyve, SGI – một hãng từng được biết đến với tên gọi Rackable đã dành nhiều năm để xây dựng những máy chủ dành cho Amazon và Microsoft. Một hãng khác đến từ New Jersey mang tên ZT Systems cũng cung cấp máy chủ cho nhiều hãng Internet quen thuộc. Hyve và ZT cung cấp rất ít thông tin về công việc của họ, nhưng có vẻ nhưng cả 2 đều có liên quan chặt chẽ tới những hãng sản xuất từ Trung Quốc và Đài Loan, nơi mà rất nhiều phần cứng được sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc các máy chủ được lắp ráp sẽ có giá thành tốt hơn.


Ichinaga kể rằng: “Chúng tôi có mối quan hệ rất lâu dài với những nhà phân phối, chúng tôi đã bán ra tới hàng tỉ USD tiền thiết bị máy tính, và điều này khiến chúng tôi chiếm được uy tín của mình đối với các khách hàng”, Tim Symchych, người điều hành hệ thống cung cấp của Rackspace công nhận rằng Hyve đưa ra cái giá rẻ hơn so với Dell và HP. Hyve và ZT Systems là những cái tên còn khá mới mẻ trong làng phân phối máy chủ, nhưng họ dám đối đầu với cả những ông lớn như HP, Dell và thực tế là lại đang giành phần thắng.

 

Các máy chủ của Facebook.

 


Với việc Facebook chia sẻ thiết kế của mình trong Open Compute Project thì xu hướng tự xây dựng máy chủ vẫn đang phát triển trong cộng đồng các gã khổng lồ Internet. Theo Ichinaga, Hyve đã nhận được vài đơn đặt hàng máy chủ Open Compute từ nhiều hãng khác nhau.


Ông không đi sâu vào chi tiết về mô hình kinh doanh của Hyve. Nhưng anh cho rằng chỉ có Synnex với 30 năm kinh nghiệm phân phối linh kiện máy tính trên toàn thế giới mới có thể làm được điều này. Họ có mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác như Intel, Seagate, các hãng Quanta và Wistro –“So với các hãng truyền thống như Dell hay HP, các quy trình bán hàng, quản lí có chi phí thấp hơn nhiều. Đây là một mô hình rất hiệu quả”.


Đâu đó tại New Jersey

 

ZT Systems dường như cũng vận hành tương tự, hãng này cũng đã xây dựng máy chủ dành cho những tên tuổi lớn nhất trên Internet.


Cũng giống như Hyve, ZT là một hãng đến từ Mỹ, và theo người phát ngôn của hãng thì các máy chủ đều được sản xuất tại New Jersey. Nhưng cả 2 đều có mối quan hệ làm ăn với các hãng Châu Á. ZT cho rằng không nên so sánh họ với Hyve, bởi hãng này có bề dày lịch sử lâu đời hơn. Người phát ngôn của ZT nói rằng: “ZT Systems là hãng lắp ráp và thiết kế máy chủ với những tính năng mạnh mẽ và đã tồn tại được 17 năm. Máy chủ của chúng tôi sử dụng những linh kiện cao cấp nhất, và rất nhiều trong số đó được sản xuất tại châu Á”.


Vậy ai là người sản xuất máy chủ?

 

Dây chuyền cung cấp nguyên vật liệu sản xuất máy chủ là rất phức tạp. Tại thời điểm này rất khó để khẳng định rằng ai là người xây dựng máy chủ, còn ai là người “mông má” chúng. Thông thường thì những hãng sản xuất linh kiện như Quanta hay Wistron là người xây dựng hệ thống máy chủ. Rồi các hãng OEM như Dell hay HP bổ sung thêm một vài phần cứng để đảm bảo hệ thống đạt tiêu chuẩn. Các hãng OEM sẽ làm việc với các nhà phân phối, nơi cung cấp sản phẩm tới tay người dùng, và tất nhiên giá cả cũng đã được đội lên kha khá.

 

Máy chủ của Dell hay HP đã không còn được chuộng như trước bởi giá thành cao.

 


Ngay cả Jason Waxman – quản lí của trung tâm dữ liệu Intel và là thành viên của Open Compute Project cũng không thể phân định vai trò của các công ty này –“Tôi vẫn đang cố tìm hiểu mô hình kinh doanh của họ. Với một công ty như Hyve, tôi không chắc rằng họ có phải chịu trách nhiệm trong thiết kế của các máy chủ hay không, hay là họ đang thực sự trở thành một hãng OEM. Một hãng OEM có nghĩa là họ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đó và hỗ trợ chúng".


Fruehe chỉ ra rằng có nhiều lí do để các hãng Internet cần dựa vào Dell, HP hay ZT. Những hãng này có hệ thống sản xuất, thử nghiệm và vận hành các máy chủ. Đây là một khối lượng công việc cực kì lớn và cần một nguồn nhân lực và tài chính mạnh. Thay vì tự thiết kế máy chủ cho riêng mình, các hãng này nhờ cậy đến những hãng sản xuất phần cứng khác.


Lời kết

 

Câu chuyện về máy chủ tự thiết kế không hề mới, nhưng với việc chia sẻ thiết kế máy chủ của mình thì Facebook đã đưa thị trường này chuyển sang một hướng mới. Giờ đây những hãng muốn mua máy chủ có thể lựa chọn sản phẩm từ Đài Loan hoặc ngay tại Hyve. Cả Amazon lẫn Apple đều tham gia vào sự kiện Open Compute và có lẽ họ đều quan tâm đến vấn đề này. Apple cũng đang cân nhắc các máy chủ Open Compute bởi họ muốn xây dựng một iCloud thật lớn mạnh, nhưng cũng phải quan tâm tới vấn đề giá cả và chi phí vận hành.