Nhịp sống số

Các nhà nghiên cứu phát triển thành công võng mạc mới từ tế bào gốc

Các nhà nghiên cứu phát triển thành công võng mạc mới từ tế bào gốc
id="post_message_15785234">
Các nhà nghiên cứu phát triển thành công võng mạc mới từ tế bào gốc

Những nguyên nhân chủ yếu gây nên triệu chứng mù lòa ở người trưởng thành là thoái hóa võng mạc với các bệnh lý phổ biến như thoái hóa điểm vàng và viêm võng mạc sắc tố. Trong khi một số liệu pháp chữa trị đã được phát triển nhằm làm chậm tỉ lệ thoái hóa nhưng kết quả thử nghiệm lâm sàng vẫn chưa thật sự hài lòng. Tuy nhiên, nếu bạn có thể "nuôi dưỡng" một võng mạc mới thì liệu pháp cấy ghép có thể là một giải pháp tối ưu. Đây chính là những gì mà các nhà khoa học đến từ đại học Wisconsin-Madison kỳ vọng và họ đã thành công trong việc nuôi dưỡng mô võng mạc từ các tế bào gốc.

Các tế bào gốc đa năng có khả năng hình thành mọi loại mô trong cơ thể bao gồm cả mô võng mạc. Trước đây, từng có một cuộc tranh luận sôi nổi về việc sử dụng các tế bào gốc đa năng để nghiên cứu hoặc chữa trị trên người và tế bào chỉ có thể được thu hoạch từ một nguồn duy nhất: giai đoạn đầu của phôi thai. Tuy nhiên, đối với nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học đã có thể thoái lui các tế bào gốc trưởng thành trở lại các tế bào gốc đa năng. Quy trình này được gọi là tái lập trình và được thực hiện bằng cách đưa một nhóm các protein vào trong tế bào.

Để tạo ra các tế bào gốc đa năng, các nhà khoa học lấy ra một tế bào bạch cầu từ một mẫu máu. Các gene với mã dành cho các protein tái lập trình được đưa vào một plasmid - phân tử DNA mạch đôi dạng vòng nằm ngoài DNA nhiễm sắc thể. Tế bào sau đó được "lây nhiễm" với plasmid nhưng không giống như cách lây nhiễm của virus, gene của plasmid không biến thành một phần của cấu trúc gene tế bào. Khi các protein tái lập trình được hình thành bên trong tế bào bởi plasmid DNA, tế bào sẽ có cơ hội tốt để được thoái lui thành tế bào gốc đa năng. Sau cùng, tế bào có thể được kích thích tăng trưởng và phân chia thành các mô võng mạc thay vì tạo ra nhiều tế bào máu hơn.

Mô võng mạc được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ có thể được sử dụng trong việc kiểm nghiệm các loại thuốc, phục vụ cho việc nghiên cứu chống lại các chứng bệnh thoái hóa võng mạc và có thể tạo ra một võng mạc cấy ghép mới hoặc võng mạc mới tự hình thành bên trong mắt.

Các nhà nghiên cứu phát triển thành công võng mạc mới từ tế bào gốc

Hình trên cho thấy sự so sánh giữa sơ đồ võng mạc của người và hình chụp hiển vi mô võng mạc được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Mô võng mạc đã phân chia thành ít nhất 3 lớp tế bào với các tế bào nhạy sáng hình nón hoặc hình que sơ khai (màu đỏ) ở phía trên cùng của tấm hình và các hạch thần kinh (màu xanh-lục) ở dưới. Các tế bào màu xanh ở lớp giữa tương tự các tế bào võng mạc lưỡng cực. Cấu trúc của mô võng mạc mới rất giống với võng mạc bình thường của mắt người và chúng ta có thể nhận thấy sự tương đồng khi so sánh với sơ đồ võng mạc bên trái. Thêm vào đó, các tế bào cũng hình thành các liên hợp thần kinh, cung cấp các kênh truyền thông tin quang học lên não.

Giáo sư David Gamm - bác sĩ nhãn khoa nhi và tác giả của nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa rõ công nghệ này sẽ đưa chúng tôi đi đến những giới hạn nào nhưng thực tế cho thấy chúng tôi đã có thể tạo ra các cấu trúc võng mạc sơ khai từ tế bào máu của bệnh nhân. Việc sử dung tế bào máu cũng được ủng hộ bởi vì thành công nói trên không chỉ xác nhận những nghiên cứu trước đây của chúng tôi với tế bào da người mà còn khắc phục hạn chế về nguồn cung cấp tế bào. Đây là một bước tiến rất chắc chắn."