Nhịp sống số

Bói toán, tử vi… dụ dỗ người dùng ĐTDĐ

Lợi dụng tâm lí của người dùng vào dịp Tết, các tin nhắn bói toán, tử vi đã nở rộ trở lại khiến không ít người bực mình, thậm chí mất tiền oan.

Xuất phát từ quan niệm tâm linh, mê tín, nhu cầu thích xem bói toán, tử vi… của một bộ phận người dân trong dịp Tết, hàng loạt tin nhắn chào mời xem bói, tử vi đã “đổ bộ” xuống điện thoại di động (ĐTDĐ) của người dùng. Thực chất đây là những tin nhắn có tính chất lừa đảo, chỉ cần một động tác nhắn lại là người dùng “bay” mất vài chục ngàn đồng trong tài khoản như chơi.

Nhức đầu với tin nhắn bói toán, tử vi

Anh Đức Trung (Bình Chánh - TPHCM) cho biết trong 1-2 ngày cận Tết vừa qua, trong máy của anh nhận được vô số tin nhắn, đại loại: “Tai Loc-Van Han-Tinh Duyen cua ban nam 2012 se ra sao? Xem ngay VAN MENH cua ban suot nam 2012 cung Than So Menh Hoc TUVI tien sinh, soan TV <Nam Sinh> goi 87XX”, hoặc: "Ban dang co sao chieu menh. Hay xem ngay VAN-HAN cua ban de tranh nhung rui ro dang tiec trong cong viec, cuoc song: XEM gui 87XX". "Ngày Tết vừa bận rộn mà lại phải mất công mở ra xem và xóa đi từng tin nhắn thì thật là mệt mỏi"- anh Đức Trung bức xúc.

Một tin nhắn chào mời xem bói

Còn anh N. H. N (Thủ Đức - TPHCM) thì cho biết về tình huống dở khóc dở cười của cô em gái tuổi teen của mình: “Số là cô bé vừa xin tiền ba mẹ nạp card để dành nhắn tin dịp Tết cho bạn bè, không hiểu làm thế nào mà chỉ sau một ngày thì cô em giãy nãy lên khi phát hiện ra tiền trong tài khoản bị mất đi mấy chục ngàn đồng. Kiểm tra lại thì được biết do thấy mấy tin nhắn quảng cáo chào mời xem “tình duyên, vận hạn…” đến trên ĐTDĐ của cô em có vẻ “hay hay”. Thế là nó nhắn lại để xem kết quả như thế nào, nhưng chờ mãi chẳng thấy tin nhắn phản hồi, còn tiền trong tài khoản thì “bốc hơi” lúc nào không hay”.

Ngoài ra, rất nhiều người dùng ĐTDĐ cũng than thở rằng cứ Tết đến là ĐTDĐ báo có tin nhắn hoài nhưng mở ra xem thì toàn là những tin hướng dẫn xem vận mệnh, tài lộc, tình duyên… vô bổ mà không có cách nào cản chúng đổ xuống tới ĐTDĐ được. Các tin nhắn này thường xuất hiện vào giờ nghỉ trưa hay nửa đêm và cứ vài ngày hay thậm chí có ngày đến 4-5 tin nhắn loại này đồng loạt xuất hiện khiến nhiều người rất bực mình và phải đi xóa từng tin nhắn rất mất thời giờ.

Coi chừng bị “móc túi”!

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa phát đi khuyến cáo đối với tất cả các thuê bao di động trong dịp Tết Nguyên đán này. Theo đó, khách hàng viễn thông không nên nhắn tin lại cho một số đầu số cung cấp dịch vụ để tránh bị mất tiền oan. Thanh tra Bộ TT-TT cho biết vào thời điểm cuối năm, nạn tin nhắn rác về lô đề, bói toán, mê tín dị đoan… thường bùng phát khiến không ít thuê bao bức xúc, thậm chí mất tiền oan. Để hạn chế tình trạng này, Bộ TT-TT khuyến cáo người sử dụng di động tuyệt đối không nhắn tin phản hồi lại bất kì tin nhắn nào có nội dung về lô đề, bói toán, mê tín dị đoan….

Nhiều người dùng ĐTDĐ nhận được vô số tin nhắn chào mời bói toán, tử vi, bài bạc… trong dịp Tết

Thanh tra Bộ TTT-TT đưa ra vài ví dụ cụ thể về tin nhắn bói toán, tử vi có tính chất lừa đảo như: “QC Ban da nhan duoc LOI CHUC NAM MOI tu mot nguoi ban (yeu cau giau ten) Loi chuc kem theo qua tang goi DU SMS De tai ve may soan tin G gui 87XX” hay như "Ban dang co sao chieu menh; hay “Xem ngay VAN-HAN cua ban de tranh nhung rui ro dang tiec trong cong viec, cuoc song: XEM gui 87XX".

Theo đó, nếu người sử dụng soạn G gửi 87XX hoặc XEM gửi 87XX, lập tức tài khoản thuê bao di động sẽ bị trừ 15.000 đồng mà không nhận được gì cả hoặc lại nhận được tin quảng cáo. Thậm chí, nếu nhắn bất kì nội dung gì, không đúng cú pháp, mã lệnh gửi đến đầu số dịch vụ cũng vẫn bị trừ 15.000 đồng trong tài khoản, nên khách hàng cần đề phòng và không nhắn tin lại cho các đầu số này. Chỉ phản hồi cho thuê bao bạn bè, người thân hoặc tham gia nhắn tin tới các đầu số cung cấp dịch vụ khi biết chắc giá cả, nội dung cần thiết, Thanh tra Bộ TT-TTcảnh báo.

Theo ông Hoàng Phú Nam, Giám đốc Công ty di động HNAMMOBILE, giải pháp cấp thiết nhất để ngăn chặn vấn nạn tin nhắn rác này là người dùng nên nhanh chóng tự cài đặt các phần mềm lọc, chặn tin nhắn rác. Ông Nam cho biết hiện nay hầu hết các loại ĐTDĐ có trên thị trường đều có phần mềm hỗ trợ chặn tin nhắn rác và rất dễ cài đặt. Sau khi cài đặt phần mềm người dùng chỉ cần nhập vào các từ khóa cho bộ lọc, chặn tin nhắn như “tu vi, xem boi, tinh duyen, van menh…”. Phần mềm sẽ tự động chặn các tin nhắn gởi đến máy điện thoại nếu các tin nhắn có các từ khóa như từ khóa trong bộ lọc mà mình đã nhập. Đây là giải pháp tương đối hữu hiệu hiện nay để chặn tin nhắn rác loại này.

Phòng chống tin nhắn rác, lừa đảo

Trước đó, Bộ TT-TT cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện nhắn tin vào tất cả các thuê bao thuộc mạng của mình nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng về phòng chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trước ngày 9-1 với nội dung “DN cảnh báo tin nhắn rác: Để tránh bị lừa đảo, mất tiền ngoài ý muốn, khi sử dụng các dịch vụ qua tin nhắn SMS, đề nghị quý khách tìm hiểu kĩ về giá cước và dịch vụ”. Trong đó “DN” là tên của chính doanh nghiệp viễn thông di động (VinaPhone, MobiFone, Viettel, …). Sau mốc thời gian nói trên, việc nhắn tin cũng phải được thực hiện thường xuyên.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều người dùng cho biết hoàn toàn không nhận được bất cứ cảnh báo nào từ nhà mạng về hiện tượng này. Ông Đặng Minh Quân, Giám đốc Công ty Di động Đẹp Mê Li - TPHCM, cho biết nếu người dùng không được cảnh báo từ nhà mạng về các loại tin nhắn lừa đảo này thì rất dễ dính bẫy, đặc biệt là với nhiều người dân ở các vùng nông thôn, ít được tiếp cận với các thông tin thời sự cảnh báo.

Theo NLĐ