Nhịp sống số

"Báo in vẫn có độ phủ rộng lớn hơn báo điện tử"

Báo in đã giảm mạnh về lượng phát hành trong năm qua, nhưng vẫn có độ phủ rộng hơn so với mạng di động, theo thông báo của Hiệp hội thế giới các tờ báo và hãng tin (WAN-IFRA).

<>

Ảnh minh họa (Nguồn: americanobserver.net)

"Lượng phát hành báo giấy giống như mặt trời, tăng lên ở phương Đông và giảm đi ở phương Tây," Christoph Riess, Giám đốc điều hành WAN-IFRA nói trong hội nghị thường niên Diễn đàn báo chí thế giới diễn ra hôm 13/10 tại Vienna, Áo. Các điểm chính trong báo cáo điều tra của WAN-IFRA bao gồm:

- Báo in tiếp tục tăng được lượng phát hành ở châu Á, nhưng giảm ở những thị trường lâu đời như phương Tây.

- Lượng các tựa báo có quy mô toàn cầu vẫn ổn định.

- Giảm số lượng nhiều nhất là các nhật báo phát hành miễn phí.

- Với các nhà quảng cáo, báo giấy hiệu quả và tiết kiệm hơn so với các loại truyền thông khác.

- Báo giấy có độ phủ rộng hơn so với internet. Trong một ngày điển hình, báo giấy có lượng độc giả nhiều hơn 20% so với internet trên toàn cầu.

- Doanh thu từ quảng cáo trên mạng không đủ bù đắp cho doanh thu quảng cáo mất đi trên báo giấy.

- Mạng xã hội thay đổi khái niệm về truyền thông hiện đại, nhưng những mô hình các công ty truyền thông dựa vào mạng xã hội vẫn chưa tìm thấy lối ra trong việc tăng doanh thu.

- Tin tức ngày nay là đăng tải ngay lập tức.

Bài thuyết trình của Riess tập trung vào sáu lĩnh vực chính: chuyển đổi trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông từ phía người đọc, các thay đổi về mặt kinh tế, lượng phát hành báo giấy và các tựa báo, chi phí quảng cáo, doanh số của báo giấy, và internet so sánh với điện thoại di động.

Báo cáo của WAN-IFRA được thực hiện thường niên từ năm 1988, bao gồm thông tin từ hơn 200 nước. Báo cáo năm 2011 tập trung vào 69 nước chiếm 90% doanh số phát hành và quảng cáo báo chí trên toàn cầu. "Chúng tôi tập trung vào giá trị thay vì số lượng, vào những chỉ số chính ở những thị trường chính," Riess nói.

Người đọc tiếp cận truyền thông theo nhiều cách khác nhau, tùy từng khu vực. Chẳng hạn ở Mỹ truyền hình chiếm ưu thế tuyệt đối. Ở Áo, internet chiếm tới một phần ba thời gian người đọc dành cho truyền thông, còn ở Nga lại là phần không đáng kể.

Thời gian dành cho báo in không nhiều, nhất là ở các nước phát triển. Tổng cộng người đọc chỉ giành 8% cho báo giấy. Tuy nhiên, báo giấy lại thu hút được 20% tổng doanh thu quảng cáo chi cho truyền thông trên toàn cầu.

Những dữ kiện đáng chú ý khác là sự gia tăng của internet và sụt giảm của các đài phát thanh. Người sử dụng truyền thông đã giảm thời gian nghe đài 23% so với năm 2006.

Lượng phát hành báo in hàng ngày đã giảm từ 528 triệu bản vào năm 2009 xuống còn 519 triệu bản trong năm 2010, khoảng 2%, thay vào đó độc giả đổ sang các phương tiện kỹ thuật số. Tuy nhiên, xét về độ bao phủ, báo giấy đến được với 2,3 tỉ lượt người đọc mỗi ngày, nhiều hơn 20% so với 1,9 tỉ lượt của internet, xét trên toàn cầu.

Lượng phát hành cũng thay đổi tùy theo khu vực. Ở châu Á-Thái Bình Dương, phát hành báo in tăng 7% trong năm 2010 so với 2009 và 16% so với năm năm trước. Báo in ở Mỹ Latin cũng tăng được lượng phát hành, 2% so với 2009 và 4,5% so với năm năm trước. Nhưng lượng phát hành giảm ở châu Âu, lần lượt với tỉ lệ 2,5% và 11,8% ở Tây Âu và 12% và 10% ở Đông và Trung Âu. Báo giấy giảm thê thảm nhất ở Bắc Mỹ, nơi lượng bán ra giảm tới 11% trong năm ngoái và 17% trong năm năm qua.

Trong đó, báo miễn phí sụt giảm nhiều nhất trong năm 2010, với lượng phát hành tổng giảm còn 24 triệu bản so với mức 34 triệu bản vào năm 2008. "Cơn bột phát báo miễn phí đã qua," Riess bình luận. "Ở nhiều thành phố, quá nhiều tựa báo mới ra đời. Đã diễn ra cả những cuộc chiến tranh báo chí. Giờ thì thị trường đã trưởng thành hơn và khi các tựa báo giảm xuống, những cơ hội mới mở ra."

Với từng quốc gia, đọc báo in nhiều nhất là Iceland, nơi 96% dân số đọc một tờ nhật báo, tiếp theo là Nhật (92%), Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ (82%) và Phần Lan, Hong Kong (80%). Nhật Bản đứng đầu thế giới nói về lượng phát hành, trung bình một tờ báo có lượng phát hành 461.000 bảng, con số mơ ước với hầu hết các tờ báo in trên thế giới. Áo, nước đứng thứ hai, bị bỏ lại rất xa với trung bình chỉ là 162.000 bản.

Về doanh số quảng cáo, truyền hình tiếp tục là phương tiện thống trị với 180 tỉ USD đã được chi ra cho phương tiện quảng cáo này năm 2010. Báo in đứng thứ hai với 97 tỉ USD, tiếp theo là internet (62 tỉ USD), tạp chí (43 tỉ USD) và đài phát thanh (32 tỉ USD). Tuy nhiên, báo giấy bị bỏ lại khá xa so với truyền hình và internet xét trên tỉ lệ tăng trưởng. Doanh thu quảng cáo internet tăng 22% trong năm 2010 so với 2009 ở châu Á, so với 11% của truyền hình và chỉ 3% của báo in. Tại châu Âu, tỉ lệ này lần lượt là 14%, 9% và -1%. Ở Nam Mỹ là 31%, 19% và 6%, còn Bắc Mỹ là 13%, 8% và -9%./.

<>Trần Trọng

(Theo Vietnamplus)