TS.Trần Thị Thập
<>
<>Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông
Về “khoản lỗ” 1026 tỷ đồng của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (BCVN) do Kiểm toán Nhà nước công bố và được một số báo đăng tin đã thu hút sự quan tâm của công chúng trong những ngày đầu tháng 9/2011. Tiếp ngay sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định khoản tiền được gọi là “lỗ” này thực chất là khoản kinh phí Nhà nước còn phải thanh toán cho BCVN vì đã thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) do Nhà nước đặt hàng.
Đáp ứng nhu cầu của bạn đọc quan tâm đến vấn đề này, ICTPress xin giới thiệu bài phân tích của TS. Trần Thị Thập - giảng viên Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông.
<>Dịch vụ BCCI và các chính sách của Nhà nước về cung ứng dịch vụ BCCI
<>Khái niệm dịch vụ BCCI:
Theo Điều 3 - Luật Bưu chính (2010), dịch vụ BCCI là dịch vụ được cung ứng theo yêu cầu của Nhà nước, gồm dịch vụ bưu chính phổ cập, dịch vụ bưu chính phục vụ quốc phòng an ninh và nhiệm vụ đặc thù khác.
<>Nguyên tắc hoạt động BCCI:
Điều 31 - Luật Bưu chính qui định: Bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính thiết yếu cho xã hội với chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bưu chính và giá cước phù hợp với khả năng thanh toán của người dân. Giảm dần theo lộ trình sự điều tiết hỗ trợ của Nhà nước trong việc cung ứng dịch vụ BCCI. Thủ tướng Chính phủ chỉ định doanh nghiệp (DN) bưu chính của Nhà nước quản lý mạng bưu chính công cộng và thực hiện cung ứng dịch vụ BCCI theo nhiệm vụ, kế hoạch mà Nhà nước giao.
<>Quy định về cung ứng dịch vụ BCCI:
Nhà nước hỗ trợ cung ứng dịch vụ BCCI thông qua phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng và các cơ chế hỗ trợ khác. Phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng giảm dần căn cứ vào tình hình phát triển bưu chính trong từng thời kỳ - Điều 32 - Luật Bưu chính.
<>Những nhiệm vụ cụ thể về cung ứng dịch vụ BCCI của BCVN
Tại Quyết định số 41/2011/QĐ-TTg ngày 03/8/2011, Chính phủ đã chỉ định BCVN là DN thực hiện duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng; cung ứng dịch vụ BCCI theo nhiệm vụ, kế hoạch mà Nhà nước giao; cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế và các dịch vụ khác trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về bưu chính mà CHXHCN Việt Nam là thành viên.
Với vị thế pháp lý nêu trên đây và thực hiện theo các qui định cụ thể hóa những vấn đề có liên quan đến dịch vụ BCCI, hoạt động cung ứng dịch vụ BCCI của BCVN được mô tả như sau:
<>Phạm vi dịch vụ BCCI:<>
Ngoại trừ dịch vụ bưu chính phục vụ quốc phòng an ninh và nhiệm vụ đặc thù khác đến nay chưa có cơ chế cụ thể triển khai cung ứng, loại hình dịch vụ BCCI do BCVN hiện đang đảm nhiệm là dịch vụ bưu chính phổ cập. Dịch vụ này được định nghĩa là dịch vụ bưu chính được cung ứng thường xuyên đến người dân theo các điều kiện về khối lượng, chất lượng và giá cước do các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền qui định. Theo qui định hiện hành, dịch vụ này là dịch vụ thư cơ bản trong nước và quốc tế có khối lượng đơn chiếc đến 02 kg, có giá cước do Chính phủ phê duyệt (thư trong nước ở mức khối lượng đến 20gram hiện có giá cước là 2.000đ).
Bên cạnh cung ứng dịch vụ bưu chính phổ cập, BCVN còn thực hiện việc phát hành các loại báo: Nhân dân, Quân đội nhân dân, báo do Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuất bản và các loại báo chí khác mà Thủ tướng Chính phủ xác định là dịch vụ công ích được thực hiện thông qua mạng bưu chính công cộng.
<>Duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng:
Theo Quyết định số 65/2008/QĐ-TTg về cung ứng dịch vụ công ích, BCVN đảm bảo duy trì mạng lưới bưu chính công cộng với thành phần và quy mô như sau:
- Về quy mô mạng lưới:
+ Hệ thống điểm phục vụ có quy mô không quá 11.000 điểm, bao gồm các bưu cục cấp I, II, III và các điểm Bưu điện - Văn hoá xã, đảm bảo bán kính phục vụ bình quân trên một điểm tối đa là 3 km, số dân phục vụ bình quân trên một điểm tối đa là 8.000 người;
+ Hệ thống điểm khai thác, chia chọn có quy mô tối đa 654 bưu cục, bao gồm bưu cục khai thác bưu chính quốc tế, liên tỉnh, cấp I và cấp II;
+ Hệ thống tuyến đường thư bao gồm đường thư quốc tế và các tuyến đường thư trong nước (cấp I, cấp II và cấp III);
+ Hệ thống phát bao gồm 11.000 tuyến phát.
- Về lao động của mạng bưu chính công cộng:
+ Số lượng lao động của mạng bưu chính công cộng không quá 41.685 người. Trong đó: Viên chức quản lý DN, lao động có hợp đồng không xác định thời hạn và có xác định thời hạn không quá 22.150 người; Lao động phát xã và lao động điểm Bưu điện - Văn hoá xã không quá 19.535 người.
<>Đảm bảo chất lượng dịch vụ BCCI:
BCVN phải công bố công khai tại các điểm phục vụ và phải đảm bảo thực hiện theo đúng Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ BCCI (ban hành kèm theo Quyết định số 50/2008/QĐ-BTTTT). Một số chỉ tiêu chính về chất lượng dịch vụ BCCI bao gồm:
1. Khả năng sử dụng dịch vụ:
+ Bán kính phục vụ bình quân trên một điểm phục vụ: tối đa 3 km;
+ Số dân phục vụ bình quân trên một điểm phục vụ: tối đa 8.000 người;
+ Số điểm phục vụ trong một xã: tối thiểu 1 điểm phục vụ, tỷ lệ đạt chuẩn là 100% tổng số xã;
+ Thời gian phục vụ các tại bưu cục giao dịch trung tâm tỉnh: tối thiểu 8 giờ/ngày làm việc, tỷ lệ đạt chuẩn là 100% tổng số bưu cục;
+ Thời gian phục vụ tại các điểm phục vụ khác: tối thiểu 4 giờ/ngày làm việc, tỷ lệ đạt chuẩn là 100% tổng số điểm phục vụ.
2. Tần suất thu gom và phát: Tối thiểu là 1 lần/ngày làm việc. Tại những vùng có điều kiện địa lý đặc biệt thì tần suất thu gom và phát tối thiểu là 1 lần/tuần.
3. Độ an toàn: Tỷ lệ thư hoặc báo được chuyển phát an toàn: tối thiểu 97% tổng số thư hoặc báo.
4. Thời gian toàn trình đối với thư trong nước: Thời gian toàn trình đối với thư gửi nội tỉnh: tối đa J + 2, tỷ lệ đạt chuẩn là 70% tổng số thư. Thời gian toàn trình đối với thư gửi liên tỉnh: tối đa J + 6, tỷ lệ đạt chuẩn là 70% tổng số thư. (J là ngày gửi thư, “tối đa J + 2” nghĩa là thư đó được phát chậm nhất là 2 ngày sau ngày gửi thư).
5. Thời gian xử lý trong nước đối với thư quốc tế:
+ Thời gian xử lý trong nước đối với thư đi quốc tế: tối đa J + 5, tỷ lệ đạt chuẩn là 70% tổng số thư.
+ Thời gian xử lý trong nước đối với thư quốc tế đến: tối đa 6 ngày, tỷ lệ đạt chuẩn là 70% tổng số thư.
6. Thời gian phát hành báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân, báo do Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuất bản:
+ Thời gian phát hành báo Nhân dân, báo do Đảng bộ các tỉnh xuất bản đến Uỷ ban Nhân dân xã, Hội đồng Nhân dân xã: tối đa là 24 giờ, tỷ lệ đạt chuẩn là 90% tổng số xã.
+ Thời gian phát hành báo Quân đội Nhân dân đến Uỷ ban Nhân dân xã, Hội đồng Nhân dân xã: tối đa là 24 giờ, tỷ lệ đạt chuẩn là 70% tổng số xã.
<>Cơ chế tài chính đặc thù đảm bảo cung ứng dịch vụ BCCI đối với BCVN
Nhà nước khoán mức trợ cấp hàng năm cho BCVN duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng để cung ứng dịch vụ BCCI kể từ khi BCVN hạch toán độc lập với viễn thông, nhưng chậm nhất là đến hết năm 2013, sau đó BCVN tự bù đắp chi phí duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng. Mức trợ cấp được thực hiện theo nguyên tắc giảm dần kinh phí cấp trực tiếp của Nhà nước hàng năm và do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xác định. Một số cơ sở để xác định mức trợ cấp này như sau:
<>Mức trợ cấp = Chi phí duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng để cung ứng dịch vụ BCCI năm (+) lợi nhuận cung ứng dịch vụ BCCI năm (-) doanh thu.
Trong đó:
- Chi phí duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng được khoán trong khoảng từ 34% đến 45% tổng chi phí duy trì mạng hàng năm.
- Tỷ lệ tự bù đắp chi phí duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng từ các hoạt động kinh doanh ngoài hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính của BCVN tăng dần qua các năm (năm 2008, tỷ lệ này được qui định là 40% và từ năm 2009, mỗi năm tăng thêm tối thiểu 4% so với năm trước liền kề).
- Doanh thu dịch vụ BCCI được xác định trên cơ sở kế hoạch sản lượng dịch vụ và giá cước bình quân dịch vụ BCCI. Trong đó sản lượng dịch vụ thư cơ bản trong nước, dịch vụ thư cơ bản quốc tế từ Việt Nam đi các nước năm sau tăng hơn năm trước liền kề tối thiểu 10%. Đơn vị sản lượng để xác định doanh thu công ích là cái đối với Thư cơ bản và là tờ đối với báo chí phát hành theo qui định của Chính phủ.
Bên cạnh mức trợ cấp nêu trên đây, Chính phủ còn qui định khu vực dịch vụ bưu chính dành riêng cho BCVN là dịch vụ thu gom, chia chọn, vận chuyển và phát, bằng các phương tiện vật lý, thông tin dưới dạng văn bản có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc không quá 02 kilôgam và với mức giá cước thấp hơn: 8.000 đồng/chiếc đối với dịch vụ chuyển phát trong nước và đối với công đoạn phát trong lãnh thổ Việt Nam của dịch vụ chuyển phát quốc tế chiều đến; 150.000 đồng/chiếc đối với dịch vụ chuyển phát quốc tế chiều từ Việt Nam đi nước ngoài - Theo Quyết định số 04/2007/QĐ-BTTTT ngày 14/9/2007.
Hình 1. Khu vực dịch vụ bưu chính dành riêng cho BCVN
Như vậy có thể thấy rằng, công việc cần làm để xác định mức trợ cấp hàng năm cho BCVN phải có sự tham gia của bản thân DN này, cùng với các ngành có liên quan là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính với khối lượng công việc rất lớn nhằm xác định các tham số cấu thành lên mức trợ cấp, bao gồm cả khối lượng cũng như mức chất lượng dịch vụ BCCI. Về khối lượng dịch vụ, cần có số liệu thống kê sản lượng tính theo cái (đối với thư) và tờ (đối với báo chí) được cung ứng tại trên 11.000 điểm phục vụ trên toàn mạng bưu chính công cộng. Về chất lượng dịch vụ, xác định các số liệu chung từ Bộ Thông tin và Truyền thông và tổng hợp từ kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ BCCI do các Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện tại tối thiểu 12 tỉnh trên toàn quốc mỗi năm. Đối với chi phí duy trì mạng bưu chính công cộng bao gồm: chi phí nhân công lao động, chi phí cho các điểm phục vụ, điểm khai thác và các tuyến vận chuyển bưu chính.... cũng cần phải được xác định, hạch toán riêng đối với khu vực kinh doanh khác của BCVN.
<>Kết luận
Tổng quan lại, bản chất của khoản tiền 1.026 tỷ đồng được cho là “lỗ” của BCVN đã được làm rõ khi tìm hiểu các vấn đề có liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ BCCI. Dẫu vậy, vẫn còn một số vấn đề cả về kinh tế và xã hội cần được quan tâm, điều chỉnh theo hướng hoàn thiện hơn nữa, như: hoạt động công bố, đính chính và viện dẫn thông tin từ các cơ quan quản lý Nhà nước, xử lý số liệu kinh doanh sau kiểm toán, các điều kiện triển khai cụ thể hóa chính sách của Đảng và Chính phủ, những nỗ lực đáng ghi nhận từ quá trình cải cách bưu chính... là những vấn đề rất đáng quan tâm.
<>Tài liệu tham khảo:
[1]. Luật Bưu chính số 49/2010/QH12 ngày 17/6/2010.
[2]. Nghị định 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 về Qui định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính.
[3]. Thông tư 5/2011/TT-BTTTT ngày 28/06/2011 về Quy định về quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính.
[4]. Quyết định 41/2011/QĐ-TTg ngày 03/08/2011 về Chỉ định doanh nghiệp thực hiện duy trì, quản lý mạng lưới bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ bưu chính quốc tế.
[5]. Quyết định 04/2007/QĐ-BTTTT về Dịch vụ dành riêng cho Bưu chính Việt Nam.
[6]. Quyết định 65/2008/QĐ-TTg về Cung ứng dịch vụ công ích.
[7]. Quyết định số 50/2008/QĐ-BTTTT về Ban hành “Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ Bưu chính công ích”.