Điện thoại

Bấm và chạm trên điện thoại Chacha

Bấm và chạm trên điện thoại Chacha

Chacha là một trong những mẫu di động mới nhất sở hữu thiết kế bàn phím QWERTY, nhưng lại cho phép người dùng chạm trên màn hình cảm ứng.

 

Kiểu thiết kế này nở rộ trong năm 2011 bởi sự tiện dụng của các nút bấm cứng lẫn khả năng truy cập nhanh trên màn hình.

Điện thoại dạng thanh với bàn phím QWERTY và màn hình cảm ứng xuất hiện đầu những năm 2000, đại diện là dòng Palm, sau đó, Windows Mobile cũng gia nhập kiểu thiết kế này. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, công nghệ cảm ứng vẫn đang sử dụng là điện trở, và các thiết bị thường có cây bút đi kèm.

Khái niệm “bấm” và “chạm” xuất hiện năm ngoái khi Nokia trình làng những mẫu di động dạng thanh cơ bản kết màn hình cảm ứng, tuy nhiên khi đó, điện thoại hãng này vẫn sử dụng công nghệ điện trở và bên dưới là bàn phím số khá thô sơ.

Nắm bắt được sự tiện lợi hơn về khả năng soạn thảo từ bàn phím QWERTY đầy đủ, cộng với màn hình chạm cho phép truy cập nhanh hơn, đầu 2011, một loạt các mẫu di động sở hữu kiểu dáng này đã xuất hiện, Nokia với E6 cải tiến dòng E, RIM làm mới series Bold với bản 9900, trong khi đó, HTC có sự kết hợp giữa Android và kiểu dáng mới trong một chiếc di động giá tốt so với các đối thủ.

Bấm và chạm trên điện thoại Chacha

 

Là một tín đồ của điện thoại QWERTY, anh Nguyễn Hải Thanh (quận 11, TP.HCM) là một người lâu nay vốn trung thành với các nút bấm cứng. Theo anh Thanh, cảm giác thật hơn khi soạn thảo, không bị nhẫm lẫn và tương tác nhanh hơn qua các phím tắt là những gì làm anh say mê dòng QWERTY.

Làm việc liên quan đến văn phòng, trả lời email liên tục khiến anh Thanh phải chọn các thiết bị cho phép “bấm” nhanh hơn, “máy cảm ứng khi viết, tay bạn sẽ che đi các nút bấm, ngoài ra, bàn phím nhỏ trên màn hình cũng khiến việc viết một đoạn email, tin nhắn cực hơn” anh nói.

Tuy nhiên, quan điểm của anh Thanh nhanh chóng thay đổi khi bắt gặp chiếc Chacha tại triển lãm VCW hồi đầu tháng 7. Cầm chiếc máy vừa mua khoảng một tháng trên tay, anh Thanh nói: “Ban đầu mình cũng nghĩ nó chỉ có bàn phím cứng, cảm giác soạn thảo mượt, các phím tắt nhanh. Tuy nhiên, mình bất ngờ khi đưa tay lên màn hình, cảm giác đi vào các ứng dụng nhanh, kéo thả, phóng to, thu nhỏ một trang web. Điều đó thật tuyệt vời”.

Dùng nhiều dòng di động QWERTY trước đây, nhưng với Chacha, anh Thanh còn có một lý do yêu thích khác, đó là hệ điều hành Android. “Chacha có giao diện Sense, khả năng kết nối rất thông minh, cho phép chia sẻ wi-fi, cài đặt các ứng dụng dễ dàng và miễn phí”, anh Thanh cho rằng, nghe nói về Android nhiều, nhưng khi dùng mới thấy hết sự tiện lợi và đa năng của nó.

Trái ngược với anh Thanh, Tiến Trung, sinh viên năm 3 trường ĐH Hồng Bàng lại là một tín đồ của di động cảm ứng. “Màn hình chạm với các giao diện hiện đại, cho phép mình lướt web, chơi game, đi vào ứng dụng trực tiếp, tương tác nhanh hơn”, Trung nói về lý do chọn điện thoại màn hình cảm ứng.

Từng sở hữu một chiếc di động cơ bản có màn hình chạm 3 triệu, sau kỳ nghỉ hè với công việc làm thêm, có tiền, Trung quyết định “thửa” một chiếc smartphone tầm 7 triệu. Ban đầu, tính chọn model có màn hình khoảng 3 inch trở lên, kết nối tốt, chạy Android, nhưng khi ra cửa hàng, được tư vấn và dùng thử, Trung nhanh chóng “kết” Chacha.

Theo Trung, màn hình chạm của Chacha đáp ứng đúng nhu cầu là lướt web, đi vào ứng dụng, nhưng bàn phím QWERTY thực sự làm cậu thay đổi định kiến về sự cũ kỹ của điện thoại có nút bấm cứng trước đây. Cầm chiếc di động chat với bạn bè trên mạng xã hội, Trung khoe “phím màu xanh cực kỳ đa năng, muốn xem up ảnh, viết status chỉ cần nhấn vào, đang lướt web, muốn gửi link lên mạng, cũng chỉ làm tương tự”.

Anh Hoàng Linh, quản trị viên một diễn đàn di động cho biết, điện thoại có màn hình cảm ứng lẫn QWERTY xuất hiện từ khá lâu, nhưng xu hướng smartphone với các nút bấm chạm dạng thanh đang nổi lên trong năm nay, không chỉ Chacha, BlackBerry cũng có 9900, hay Nokia là E6. “Với giá bán rẻ hơn, chạy Android và "vũ khí" là Mạng xã hội, Chacha đúng là có lợi thế so với các đối thủ”, anh Linh cho rằng, những người thường xuyên soạn thảo, chat nhưng vẫn muốn lướt web, chơi game, cài đặt các ứng dụng thì sự lựa chọn của họ chính là thế hệ “bấm” và “chạm” mới này.